Điểm tin kinh doanh 24/7: Giá vàng tuần này tăng hay giảm?

Việt Báo (Tổng hợp)| 24/07/2023 06:00

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống dưới 6%; Nhiều ngân hàng bước vào đợt giảm lãi suất huy động mới

gia-vang-1640664377026498321790.jpeg

- Giá vàng tuần này tăng hay giảm?

Kim loại quý trong tuần biến động trong biên độ hẹp khi nhà đầu tư chờ cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra trong tuần này.

Giá vàng quốc tế cuối tuần trước đạt 1.961,9 USD/ounce, tăng hơn 6 USD sau một tuần. Quy đổi tương đương, vàng thế giới có giá 56,3 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Kim loại quý trong tuần trước biến động trong biên độ hẹp khi nhà đầu tư chờ cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra trong tuần này. Hiện có nhiều dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong đợt này và duy trì đến hết năm. Việc lãi suất tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng nhưng kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ này không kéo dài lại giúp kim loại quý duy trì ở mức cao.

Kết quả khảo sát trực tuyến của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới cho thấy, số lượng ý kiến tăng và không thay đổi của các nhà phân tích bằng nhau. Cụ thể, có 19 nhà phân tích Phố Wall tham gia trả lời khảo sát thì có 8 người, chiếm 42% dự báo giá vàng sẽ tăng và cũng có 8 người nhận định kim loại quý sẽ đi ngang. Còn lại 3 người, tương đương 16% nghĩ rằng vàng sẽ giảm.

Riêng cuộc khảo sát trực tuyến với 369 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì có 221 người, chiếm 60% cho rằng vàng sẽ tăng. Có 95 người khác, tương đương 26% dự báo kim loại quý sẽ giảm và 53 người còn lại, tương ứng 14% nhận định vàng đi ngang.

Ngày 23/7, giá vàng được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,45 triệu đồng/lượng, bán ra 67,1 triệu đồng/lượng, ổn định so với hôm trước đó. Nhưng so với cuối tuần trước đó nữa, giá vàng SJC giảm khoảng 200.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 56 triệu đồng/lượng mua vào, 57 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 150.000 đồng/lượng so với hôm trước đó.

Dù vậy, thị trường vàng trong nước vẫn trầm lắng khi biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra của giá vàng nhẫn, vàng trang sức được giữ ở mức rất cao 1 triệu đồng/lượng, còn biên độ giá mua - bán vàng SJC cũng trên 600.000 đồng/lượng.

- ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống dưới 6%

TCCT Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) duy trì dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay ở mức 4,8%, tuy nhiên điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,8%.

Tại Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á phiên bản tháng 7/2023 được công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định nhu cầu nội địa mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch khi giá nhiên liệu và lương thực giảm, dự báo mức lạm phát ở các nước châu Á đang phát triển là 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 4/2023 của ADB. Trong khi đó, mức lạm phát dự báo của năm 2024 được nâng lên thành 3,4% so với ước tính trước đó là 3,3%.

- Nhiều ngân hàng bước vào đợt giảm lãi suất huy động mới

Trong tháng 7, nhóm ngân hàng quốc doanh tiên phong giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn. Lãi suất thấp nhất đã giảm về 3,3% một năm, mức tương đương với năm 2022.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã áp dụng mức giảm lãi suất huy động tại quầy giao dịch. Theo đó, BIDV đã giảm 0,1% lãi suất cho kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3% mỗi năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài hơn như 12 tháng trở lên vẫn được giữ nguyên mức cao nhất là 6,3% mỗi năm.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thực hiện một số điều chỉnh lãi suất huy động. Tại quầy giao dịch, họ đã giảm 0,1% lãi suất ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3% mỗi năm. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3,6% xuống 3,4% mỗi năm, kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 4,2% mỗi năm, và kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giảm 0,1% xuống 5,1% mỗi năm.

Trong khi đó, Agribank giảm lãi suất tiền gửi tại quầy ở các kỳ hạn từ 13 tháng đến 24 tháng, từ 6,3% xuống 6% mỗi năm. Đồng thời, họ cũng giảm lãi suất ở các kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng từ 3,4% xuống 3,3% mỗi năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 12 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 6,3% mỗi năm.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng thực hiện điều chỉnh tương tự với việc giảm lãi suất tại quầy cho kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3% mỗi năm. Các mức lãi suất ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng vẫn được giữ nguyên.

Từ các thông tin trên, có thể thấy rằng lãi suất kỳ hạn ngắn 1-3 tháng của các ngân hàng quốc doanh đã trở về ngang bằng với cùng kỳ trong năm trước đó (tháng 7/2022).

Ngoài ra, nhóm ngân hàng tư nhân cũng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động trong tháng 7 với các kỳ hạn khác nhau.

SeABank thông báo giảm lãi suất huy động lần thứ hai trong tháng 7. Lãi suất tiền gửi giảm 0,8% từ mức 6,5% xuống chỉ còn 5,7% mỗi năm cho kỳ hạn 6 tháng. Các kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng lần lượt giảm 0,75% và 0,7% còn 5,75% và 5,8% mỗi năm. Kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng cũng giảm mạnh 0,8 điểm phần trăm, lần lượt còn 5,85% và 6% mỗi năm. Các mức lãi suất khác cũng được giảm tùy theo kỳ hạn gửi.

ACB cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng đồng loạt giảm 0,1%. Tùy thuộc vào giá trị tiền gửi, ACB quy định mức lãi suất cho từng kỳ hạn.

Ngân hàng VPBank cũng giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng xuống 6,6% mỗi năm. Các mức lãi suất khác cũng được điều chỉnh tùy theo giá trị tiền gửi.

Trước đây, các ngân hàng thường áp dụng lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 - 15 tháng hoặc thậm chí 18 tháng để khuyến khích khách hàng gửi tiền thời gian dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất giảm, các ngân hàng đã linh hoạt điều chỉnh kỳ hạn gửi để khách hàng lựa chọn. Mức lãi suất khoảng 7,5% mỗi năm đã trở nên hiếm hoi và đang trong xu hướng giảm.

- Xuất khẩu rau quả dự báo tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm

Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỉ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỉ USD của cả năm 2022. Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông - lâm - thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, trong 6 tháng cuối năm, mặt hàng rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu chú trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu gạo có khả năng đạt tương đương mức năm ngoái là 6,5 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm, ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục khó khăn do lạm phát và nhu cầu thấp.

- Thiếu hệ thống quản lý chung, ngân hàng khó kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài càng phổ biến hơn như mua bán, kinh doanh, trợ cấp người thân ở nước ngoài, hay đi du học, công tác…. Nhưng việc kiểm soát và quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài qua hệ thống ngân hàng đang gặp nhiều thách thức.

Thời gian qua, đã xảy ra một số trường hợp tổ chức và cá nhân lợi dụng, lừa đảo các ngân hàng để thực hiện các hành vi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với các phương thức như sử dụng một bộ hồ sơ, chứng từ chuyển tiền nhiều lần tại cùng hệ thống ngân hàng và thực hiện chuyển tiền nhiều lần tại các ngân hàng khác nhau, lập hợp đồng, hóa đơn khống để chuyển tiền trái phép…

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 24/7: Giá vàng tuần này tăng hay giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO