- Vàng thế giới trượt giá, trong nước 'cố thủ' mốc 67 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới giảm đêm trước đó và sáng 23/5, trong bối cảnh đồng USD tăng giá và giới đầu tư chờ những diễn biến tiếp theo trong cuộc đàm phán trần nợ Mỹ. Trong nước, giá vàng miếng sụt 200.000 đồng/lượng nhưng giữ vững mốc 67 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 11h trưa ngày 23/5, Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm trước đó, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,85 triệu đồng/lượng và 56,75 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 100.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,55 triệu đồng/lượng và 67,15 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.964,2 USD/oz, giảm 8,6 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm trước đó tại New York. Trong phiên ngày thứ Hai tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 5,8 USD/oz, tương đương giảm gần 0,3%, còn 1.972,8 USD/oz.
Giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương 55,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 11,1-11,2 triệu đồng/lượng.
- TP.HCM đề nghị EVN về nhiều vấn đề liên quan đến điện
TP.HCM sẽ tiếp tục tiết kiệm điện, đồng thời đề nghị EVN cùng kiến nghị đến cấp có thẩm quyền để sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về đấu nối, mua bán điện trực tiếp với các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, điện gió.
Sáng 23/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) và một số đơn vị làm việc với UBND TP.HCM về tình hình cung cấp điện trong giai đoạn hiện nay.
Ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 8,76 tỉ kWh, cao hơn 2,83% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm cho thành phần thương nghiệp và khách sạn tăng 7,29% so với cùng kỳ, sản lượng điện cho tiêu dùng dân cư tăng 10,92%.
Trong 20 ngày đầu tháng 5-2023, sản lượng điện bình quân đạt 86,29 triệu kWh, tăng 9,47% so với cùng kỳ. Trong đó ngày 6-5 có sản lượng cao nhất đạt 94,85 triệu kWh/ngày, thiết lập mức tiêu thụ điện cao nhất của TP.HCM từ trước đến nay.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP.HCM đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh những thuận lợi, hiện nhiều doanh nghiệp đang đối diện với những khó khăn về thị trường, đơn hàng, cạnh tranh. Vì thế, cần có sự ổn định về cung cấp điện để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đồng thời, để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà và năng lượng tái tạo trên địa bàn, TP.HCM đề nghị EVN cùng kiến nghị đến cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về đấu nối, về mua bán điện trực tiếp với các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, điện gió.
- Kiểm toán Nhà nước ‘điểm mặt’ nhà băng nợ xấu cao và đầu tư không hiệu quả
Trong kết quả kiểm toán tổng hợp do Kiểm toán Nhà nước gửi lên Quốc hội mới đây, nhiều ngân hàng đã bị cơ quan này “điểm danh” vì nợ xấu cao, tín dụng vượt trần.
Cụ thể, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 5 tổ chức tài chính, NH, bảo hiểm.
Một số tổ chức tín dụng có tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN. Đơn cử, NH TMCP Bản Việt đã vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm 2021 khi được giao 13,48% nhưng thực hiện 15,67%. Hay Ngân hàng TMCP Phương Đông cũng vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm 2021 là ngày 31-7, 31-8, 30-9 và 31-10.
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra một số TCTD đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Đơn cử, với NH TMCP Quân đội (MBBank) số dư khoản đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy tính đến ngày 31-12-2021 là 50 tỷ đồng, trích lập dự phòng 100%; đầu tư 33,96 tỷ đồng vào CTCP Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp), nhưng công ty hoạt động không hiệu quả từ năm 2009 và lỗ lũy kế tính đến ngày 31-12-2021 là 776 tỷ đồng.
Theo KTNN, nợ xấu tại nhiều ngân hàng nếu tính đúng hiện nay đã ở mức đáng báo động.
Báo cáo của KTNN cũng nêu tên nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu cao, việc xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của NHNN khi không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái).
Nếu tính toán, xác định lại, KTNN cho rằng một số TCTD không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. KTNN dẫn chứng tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tại một số ngân hàng ở mức cao như NH TMCP Nam Á ở mức 8,96%, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín ở mức 8,41%...
- Cổ phiếu Blue-chips bị bán mạnh
Trong rổ 30 cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản cao nhất thị trường, chỉ có 6 cổ phiếu giữ được sắc xanh, 24 cổ phiếu còn lại đều giảm điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 23/5 kém khả quan do nhà đầu tư bán mạnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn chỉ có ACB và HDB là giữ được sắc xanh, trong khi đó nhiều cổ phiếu khác như VCB, BID, TCB, CTG, VPB, MBB, STB, VIB… đều giảm từ gần 1 đến 1,5%.
Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán có sự phân hóa mạnh, nhiều mã quay đầu giảm như SSI giảm 0,22%, VCI giảm 1,02%, giảm 1,12%, BSI giảm 1,38%, trong khi đó, VND tăng 1,54%, HCM tăng 1,72%, FTS tăng 1,09%, TVS tăng 1,98%.
Nhiều cổ phiếu lớn ở các nhóm khác như bất động sản, thực phẩm và đồ uống, công nghệ thông tin, dầu khí… đồng loạt giảm. Trong đó, SAB giảm 1,06%, VNM giảm 1,76, MSN giảm 2,22%, GAS giảm 1,58%, NVL giảm 1,12%, KDH giảm 1,35%, KBC giảm 1,65%, NLG giảm 2,1%, VCG giảm 1,46%, SCR giảm 1,76%... kéo VN-Index giảm gần 5 điểm.
Trong phiên giao dịch này, khối ngoại cũng quay đầu bán ròng gần 605 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,79 điểm (0,45%) còn 1.065,85 điểm với 266 mã giảm, 139 mã tăng và 67 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 0,11 điểm (0,05%) còn 215,79 điểm với 85 mã giảm, 81 mã tăng và 167 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường giữ ở mức khá với tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chính thức khoảng hơn 14.400 tỷ đồng.
- NHNN bơm ròng 13.000 tỉ đồng ra thị trường tuần qua, lãi suất huy động hạ nhiệt
CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đã cho biết như vậy trong báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 15/5 - 19/5/2023 vừa công bố.
Cụ thể, SSI cho biết trong tuần vừa qua, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở khá trầm lắng. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã không phát hành mới trên kênh mua kỳ hạn hay kênh tín phiếu. Dù vậy, cơ quan quản lý vẫn bơm ròng khoảng 13.000 tỉ đồng, chủ yếu nhờ vào 20.000 tỉ đồng tín phiếu (kỳ hạn 91 ngày) đáo hạn.
Theo SSI, khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu đã giảm xuống còn 90.700 tỉ đồng và trên kênh cầm cố giảm mạnh xuống còn 1.800 tỉ đồng. Trong tuần này (22/5 - 26/5/2023), thị trường sẽ có thêm khoảng 49.000 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn và đây tiếp tục là yếu tố hỗ trợ thanh khoản.
Thanh khoản dồi dào giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp, kết tuần ở mức 4,5-5%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 5-5,3%/năm đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng.
SSI cho biết, lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục hạ nhiệt ở các kỳ hạn, với mức giảm 0,3 - 0,5% ở cả nhóm Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Nhà nước và Ngân hàng TMCP tư nhân. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng này.