- Giá vàng: Ổn định quanh ngưỡng hơn 78 triệu đồng/ lượng
Giá vàng hôm 23/2 không có nhiều biến động khi vàng trong nước giao dịch ổn định quanh ngưỡng hơn 78 triệu đồng/ lượng bán ra.
DOJI Hà Nội niêm yết giá vàng hôm 23/2 ở mức 76,45 triệu đồng/lượng mua vào; 78,65 triệu đồng/lượng bán ra (giữ nguyên so với chốt phiên hôm 22/2).
DOJI TP Hồ Chí Minh giao dịch vàng ở ngưỡng tương tự như DOJI Hà Nội.
Phú Quý SJC điều chỉnh giá vàng hôm 23/2 giảm 100 nghìn đồng/ lượng chiều mua vào; 150 nghìn đồng/ lượng chiều bán ra; đưa giá vàng tại đây đang đứng ngưỡng 76,6 triệu đồng/ lượng mua vào; 78,5 triệu đồng/ lượng bán ra.
SJC Hà Nội và Đà Nẵng đồng loạt niêm yết giá vàng quanh ngưỡng 76,5 triệu đồng/lượng mua vào; 78,72 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thế giới, thời điểm sáng ngày 23-2 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.025 USD/ounce, tương đương với mức giá cùng giờ sáng qua. Giá vàng gần như đi ngang khi các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế của Mỹ để biết thêm về đường hướng lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà phân tích hàng hóa tại ANZ lưu ý rằng, trong hai năm qua, việc mua vàng của ngân hàng trung ương vì thị phần của họ trong nhu cầu toàn cầu đã tăng gấp ba lần, chiếm từ 25% đến 30%.
Mặc dù tốc độ mua có thể chậm lại so với tốc độ kỷ lục hiện tại, ngân hàng Australia dự đoán nhu cầu của ngân hàng trung ương sẽ vẫn là yếu tố chi phối thị trường vàng trong ít nhất 6 năm tới.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, sự bất ổn địa chính trị gia tăng, rủi ro kinh tế và áp lực lạm phát gia tăng là những yếu tố chính sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương; tuy nhiên, ANZ cũng lưu ý rằng có một lý do thực tế đằng sau nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương khi các chính phủ cố gắng đa dạng hóa việc nắm giữ trái phiếu của họ.
Mặc dù thị trường vàng tiếp tục chờ đợi chất xúc tác khi giá ổn định trên 2.000 USD/ounce, các nhà phân tích tại ANZ cho rằng nhu cầu của ngân hàng trung ương sẽ giúp hỗ trợ giá vàng lên mức cao kỷ lục khoảng 2.200 USD vào cuối năm nay.
- Bamboo Airways trả máy bay Embraer, dừng bay Côn Đảo
Bamboo Airways và đối tác cho thuê máy bay đã đạt được thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng thuê 3 chiếc máy bay Embraer E190 sau lịch bay mùa Đông kết thúc cuối tháng 3 tới.
Theo đại diện hãng bay, điều này phù hợp với đề án tái cấu trúc Bamboo Airways đã được báo cáo với Chính phủ vào cuối tháng 11-2023,
Với kết quả này, sau khi đã ngừng khai thác loại máy bay Boeing B787-9 từ tháng 11-2023 và tiếp tục trả sớm các máy bay Embraer E190, từ tháng 4 năm nay Bamboo Airways sẽ chỉ khai thác dòng máy bay thân hẹp Airbus A320/321 trên mạng đường bay nội địa và quốc tế khu vực, theo đúng chiến lược, mô hình kinh doanh được chọn.
Đội máy bay hành khách của Bamboo Airways từ tháng 4-2024 bao gồm 8 chiếc A320/321, dự kiến tăng lên 12 - 15 chiếc cùng loại vào cuối năm nay nếu các điều kiện tài chính, thị trường thuận lợi.
Trong đợt tái cấu trúc này, hãng sẽ ngừng các đường bay khai thác toàn bộ hoặc một phần bằng loại máy bay Embraer E190, bao gồm từ Hà Nội và TP HCM đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới. Hãng tập trung khai thác các đường bay trục Bắc - Nam giữa Hà Nội và TP HCM, từ Hà Nội và TP HCM đi Đà Nẵng và các địa phương trong nước có dung lượng thị trường lớn.
- Lãi suất liên ngân hàng vọt tăng vọt
Lãi suất liên ngân hàng vọt tăng mạnh những phiên gần đây, lên mức cao nhất trong kể từ tháng 5/2023, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái bơm thanh khoản qua kênh thị trường mở.
Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chủ chốt, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) áp dụng cho ngày 21/2 đã tăng vọt lên mức 4,14%/năm, cao nhất trong vòng 9 tháng qua. So với phiên liền trước (20/2), lãi suất kỳ hạn này đã tăng tới gần 2 điểm phần trăm.
Tại các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, lãi suất cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tuần, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng khá mạnh so với phiên trước, từ mức 2,24%/năm lên 3,81%/năm; kỳ hạn 2 tuần từ 1,94%/năm lên 3,02%/năm.
Như vậy, so với cuối tuần trước, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng tới gần 4 lần (từ mức 1,04%); kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần cũng tăng mạnh gấp khoảng 2,5 lần và kỳ hạn 1 tháng cũng tăng gấp rưỡi.
Các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, không tăng đáng kể. Và đáng nói là các ngân hàng đang phải vay mượn nhau ở kỳ hạn qua đêm với lãi suất còn cao hơn các kỳ hạn dài hơn, từ 1 tuần đến 3 tháng.
Doanh số giao dịch qua kênh liên ngân hàng vẫn được duy trì ở mức tương đối cao, quanh mức 315.000 tỷ đồng trong những phiên gần đây.
- Tháng đầu năm, bất ngờ xuất khẩu thủy sản Việt sang Trung Quốc tăng gần 3 lần
Tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh, tăng gấp gần 3 lần.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 1.2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài yếu tố là năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, nếu so sánh từ mặt bằng thông thường thì doanh số tháng 1.2024 vẫn cao hơn khoảng 24 - 25%. Đây thực sự là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm mới 2024.
Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực BT tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%. Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông: tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...
Tuy nhiên, theo VASEP, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành thủy sản năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
- Bứt phá thất bại, VN-Index quay đầu giảm mạnh
Sau hai phiên điều chỉnh liên tiếp, tưởng chừng như VN-Index có thấy tìm lại được sắc xanh nhưng những áp lực bán lớn ở cuối phiên đã phá hỏng tất cả.
Ngay từ đầu phiên thị trường đã thể hiện được sự tích cực khi mở cửa với một gap (khoảng trống giá) tăng khoảng 3 điểm. Sau đó đà tăng tiếp tục được giữ vững nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thậm chí có thời điểm VN-Index còn tăng đến 13 điểm. Mặc dù vậy điều ngược lại đã xảy ra trong phiên chiều khi chính áp lực bán từ nhóm này đã lan tỏa ra toàn thị trường khiến điểm số nhanh chóng tụt giảm. Càng về cuối phiên thì áp lực bán càng lớn đã gây nên tình trạng bán tháo hoảng loạn trên diện rộng và gần như không có một lực đỡ nào quá đáng kể.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1212.00, giảm mạnh 15.31 điểm (-1.25%).
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1212.00, giảm mạnh 15.31 điểm (-1.25%). Thanh khoản có sự tăng đột biến trong ngày hôm nay khi có đến hơn 1,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức gần 32 nghìn tỷ đồng. Sắc đỏ gần như bao chùm toàn bảng điện trong phiên hôm nay với 414 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm chỉ là 98, còn lại là 45 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.
VN30 hôm 23/2 cũng tương tự là như vậy khi có cho mình mức giảm 16.81 điểm (-1.36%). Toàn nhóm hôm 23/2 có đến 27/30 mã giảm điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là họ cổ phiếu nhà Vingroup khi cả ba cổ phiếu là VIC (-5.04%), VRE (-3.60%) và VHM (-3.55%) đều có mức giảm rất mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chung. Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như MWG (-2.87%), TPB (-2.30%) hay VIB (-2.22%). Ở chiều hướng ngược lại, BID (+4.52%) và VJC (+0.19%) là hai cổ phiếu duy nhất may mắn giữ được sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu có mức giảm lớn nhất trong phiên hôm 23/2 đó chính là bất động sản. Rất nhiều cổ phiếu lớn trong nhóm đều có mức giảm mạnh, điển hình có thể kể đến như CII (-4.43%), PDR (-3.78%), hay DIG (-3.15%).
Một nhóm khác cũng giảm điểm mạnh trong ngày hôm 23/2 là chứng khoán. Một vài cổ phiếu nổi bật trong nhóm có thể kể đến như VIX (-3.05%), VND (-2.00%) hay HCM (-0.38%).
Ngoài hai nhóm cổ phiếu kể trên thì một số nhóm khác như thép, điện, xây dựng hay đầu tư công cũng đồng loạt giảm điểm. Hầu hết đều có mức giảm từ 2-4%.
Ở chiều hướng tăng điểm, không có nhóm cổ phiếu nào tăng điểm quá đáng kể khi áp lực bán trên toàn thị trường là quá lớn. Sắc xanh chỉ xuất hiện lác đác ở một vài cổ phiếu riêng lẻ, tuy nhiên mức tăng cũng tương đối nhỏ.
Khối ngoại hôm 23/2 tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị vào khoảng hơn 760 tỷ đồng. Trong đó, VPB (-195.49 tỷ) là cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất toàn thị trường. Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như MWG (-183.07 tỷ), VIX (-140.86 tỷ) hay TPB (-77.85 tỷ). Ở chiều hướng ngược lại, DGC (+119.0 tỷ) và EVF (+94.97 tỷ) là hai cổ phiếu duy nhất được mua ròng đáng kể trong phiên hôm 23/2.