Điểm tin kinh doanh 23/8: Vàng trong nước tăng - cơ hội mới cho giới đầu tư

Việt Báo (Tổng hợp)| 23/08/2023 06:00

VN-Index 'quay xe' tăng 25 điểm trong phiên, SSI lập đỉnh 16 tháng; Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản có chiều hướng gia tăng

gia-vang-hom-nay-18-5-1-1684375384-7-width2000height1359-1-.jpg

- Vàng trong nước tăng - cơ hội mới cho giới đầu tư

Trong phiên sáng 22/08 cả 2 thương hiệu vàng miếng nổi tiếng là SJC và Rồng Thăng Long đồng loạt tăng giá. Mỗi thương hiệu điều chỉnh từ 50.000 đền 80.000 đồng/ lượng so với phiên trước đó. Sự điều chỉnh này đã tạo ra 'xôn xao' không ít cho giới đầu tư!

Theo công bố, ngay tại phiên sáng 22/08, đồng loạt cả 2 thương hiệu vàng nổi tiếng trong nước đã điều chỉnh mức tăng nhẹ. Theo đó, mức điều chỉnh từ 50.000-80.000 đồng/lượng, trong khi đó tỷ giá trung tâm phiên sáng 22/8 tiếp tục giảm 11 đồng.

Theo đó, giá vàng SJC hiện tại là 67 - 67,60 triệu đồng/ lượng (mua vào/ bán ra) được niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn. Bên cạnh đó, cũng là vàng SJC tại Công ty Doji Hà Nội thông báo vàng SJC từ 66,85-67,65 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), cũng tăng 50.000 đồng.

Đồng thời, tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, cũng niêm yết lại giá vàng Rồng Thăng Long từ 56,16-57,01 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 80.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Theo đánh giá chung, 2 thương hiệu vàng trong nước có sự điều chỉnh tăng giá là do giá vàng thế giới đã tăng lên sau bao phiên đứng ngang. Điều này cho thấy thị trường vàng đang có dấu hiệu phục hồi. (Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 1.894 USD/ounce, tăng 10 USD so với cùng thời điểm phiên trước) .

Với sự điều chỉnh tăng nhẹ này, rất nhiều người hi vọng thị trường vàng nói riêng và kim loại quý nói chung sẽ có cơ hội tăng lên trong thời gian tới. Sở dĩ điều đó có tương lai sẽ xảy ra do hiện nay trên thế giới đặc biệt là ở Mỹ đang có rất nhiều những dự thảo can thiệp nhằm phục hồi nền kinh tế, tăng cơ hội đầu tư và tích trữ kim loại quý cho toàn cầu.

Đối với Việt Nam, trong vòng 15 ngày qua, sức mua vàng đã đứng yên, thậm chí có chiều hướng giảm. Điều này là do giá vàng liên tục đạt ngưỡng thấp, khiến nhiều người lo lắng sẽ bị chạm đáy, do đó không dám "liều mình xuống tay"

Hi vọng với sự điều chỉnh ở phiên sáng 22/8 về giá vàng sẽ có thêm nhiều tác động tích cực giúp giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước cũng đi lên.

- 7 tháng đầu năm, Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD mua mặt hàng này của Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc dần hồi phục được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Báo Quân Đội Nhân Dân dẫn nguồn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 986,49 ngàn tấn, trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Đáng chú ý trong đó, 7 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập 757.600 tấn cao su của Việt Nam, tăng 12% về lượng, nhưng giảm hơn 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.Sản lượng tăng nhưng giá trị xuất khẩu cao su giảm do giá xuất bình quân giảm. Trong đó, tháng 7/2023, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.306 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 6-2023 nhưng giảm đến 19,6% so với tháng 7/2022.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt vẫn tăng trưởng tốt về lượng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hà Lan...

- VN-Index 'quay xe' tăng 25 điểm trong phiên, SSI lập đỉnh 16 tháng

Kết phiên sáng 22/8, VN-Index giảm tới gần 25 điểm. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy gia nhập mạnh mẽ vào phiên chiều đã giúp chỉ số “quay xe” ngoạn mục.

Đóng cửa phiên 22/8, chỉ số sàn HoSE tăng gần 1 điểm so với kết phiên hôm qua, về lại mốc 1.180 điểm. Mức tăng “tí xíu” nhưng là nỗ lực rất lớn của dòng tiền bắt đáy bởi tính từ mức giảm sâu nhất trong phiên, VN-Index đã tăng hơn 25 điểm.

HNX-Index và UPCoM cũng kết phiên trong sắc xanh. Thanh khoản nhích hơn phiên hôm qua với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 25.500 tỷ đồng.

Khối ngoại lại giao dịch tiêu cực với việc bán ròng hơn 700 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong tổng số gần 3.800 tỷ đồng giao dịch. HPG bất ngờ bị bán ròng mạnh nhất, giá trị 266 tỷ đồng. STB cũng bị bán ròng gần 200 tỷ đồng. Kế tiếp là VPB 99 tỷ đồng, MWG 68 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND 51 tỷ đồng; VCB, VND, CTG, SAB, MSN 39-45 tỷ đồng.

Chiều mua ròng không có mã nào vượt trội. VIC vẫn được khối ngoại ưu tiên gom vào nhưng giá trị mua ròng chỉ 36 tỷ đồng. VCI và hai mã bán lẻ FRT, DGW cũng được mua ròng hơn 30 tỷ đồng. Còn lại dòng tiền nước ngoài mua ròng rải rác ở TPB, VNM, VCG, KDH, VRE, KBC...

Thị trường hôm nay hồi phục chủ yếu nhờ dòng tiền đổ vào nhóm chứng khoán. Vốn hoá nhóm này tăng tới hơn 4%, với đóng góp lớn nhất từ SSI. Mã chứng khoán đầu ngành tăng 6,4% vượt vùng giá 30.000 đồng, xác lập đỉnh 16 tháng. Cổ phiếu này cũng có thanh khoản tăng đột biến với gần 52 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tính từ cuối tháng 5 tới nay, SSI đã tăng 48%.

Nhiều mã chứng khoán khác cũng tăng mạnh, khớp lệnh cao như SHS tăng 5,1%, khớp lệnh hơn 33 triệu đơn vị; VND tăng 2,7%, khớp lệnh gần 43 triệu đơn vị; VIX tăng 3,7%, khớp lệnh gần 42 triệu đơn vị...

Ngược lại, nhóm bất động sản vẫn là gánh nặng chính của thị trường, chủ yếu do các mã vốn hoá lớn. VIC tiếp tục giảm gần 2% về giá 64.500 đồng/cp. Sau khi tăng mạnh lên vùng giá 72.000 đồng, cổ phiếu của Vingroup chịu áp lực chốt lời lớn nên luôn là tâm điểm bán trong các phiên thị trường giảm.

Ngoài VIC thì VHM, VRE, BCM, NLG, CEO cũng giảm giá. Trong khi đó, các mã vừa và nhỏ đã rục rịch phục hồi. PDR, KDH, DXG, HDG, ITA, VPI, DXS... đều tăng nhẹ. Đáng chú ý có TCH tăng trần, KBC tăng 4,7%.

Thông tin tích cực với KBC là Kinh Bắc vừa công bố báo cáo tài chính soát xét đầu năm 2023 với lợi nhuận ròng tăng thêm gần 270 tỷ đồng, đạt mức 1.920 tỷ đồng, gấp 16 lần cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngân hàng giao dịch trầm lắng và phân hoá hơn. SSB tăng mạnh nhất với tỷ lệ 6%, EIB và LPB tăng hơn 2%, PGB, STB, TCB, VAB tăng hơn 1%. Chiều giảm chủ yếu do VCB kéo xuống khi mã này mất 1,6% giá trị. SGB giảm mạnh hơn 7%. CTG, SHB, VPB cũng ở chiều giảm.

Dòng tiền hôm 22/8 còn chú ý đến nhóm bán lẻ. MWG tăng 2%, thanh khoản đạt 10 triệu đơn vị. DGW tăng trần còn FRT tăng 2,9%, khối lượng giao dịch đều tăng cao so với mức trung bình.

Hôm 22/8, lượng hàng T+ giá thấp ngày thứ Sáu về tài khoản, tuy nhiên thị trường vẫn giữ được sắc xanh cho thấy tâm lý vững vàng của nhà đầu tư. Thị trường từ nay tới kỳ nghỉ lễ 2/9 không được kỳ vọng nhiều, tuy nhiên trong dài hạn vẫn triển vọng lạc quan khi tình hình vĩ mô không có gì đáng lo ngại.

- Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản có chiều hướng gia tăng

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.

Theo thông tin tại hội thảo về tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 22/8 tại Hà Nội, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước.

Cụ thể, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.

Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).

- Doanh thu bảo hiểm nhân thọ giảm mạnh

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm ước đạt 15.508 tỉ đồng giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỉ đồng, giảm 7,9% với cùng kỳ năm 2022.

Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỉ trọng 61,2% và giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỉ trọng 16,2% và giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái); Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ giảm 17,6%; Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp giảm 48,9%; Các sản phẩm bảo hiểm còn lại giảm 44,9%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm ước đạt 15.508 tỉ đồng giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, dẫn đầu là Prudential với 2.741 tỉ đồng, tiếp theo là Dai-ichi Life với 2.046 tỉ đồng, Manulife với 1.976 tỉ đồng, Bảo Việt nhân thọ với 1.912 tỉ đồng và Sun Life với 1.183 tỉ đồng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 23/8: Vàng trong nước tăng - cơ hội mới cho giới đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO