Điểm tin kinh doanh 22/6: Giá vàng tiếp tục lao dốc khi đồng USD tăng mạnh

Việt Báo (Tổng hợp)| 22/06/2023 06:00

Giao dịch chứng khoán: Sau bất động sản, dòng tiền tìm đến nhóm công ty chứng khoán; Dòng vốn quỹ ngoại đang quay trở lại

vang-nhan-hoang-ha-1-1378-1194-1685675485791-16856754868701750992874.jpg

- Giá vàng tiếp tục lao dốc khi đồng USD tăng mạnh

Giá vàng sáng 21/6 trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh so với chốt phiên trước. Giá vàng giảm mạnh là do đồng USD tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày điều trần của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội Mỹ.

Sáng 21/6, lúc 8 giờ 50 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.933 USD/ounce, giảm 15 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng 20/6.

Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua - rạng sáng 21/6 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.936 USD/ounce, giảm 15 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng 21/6 cũng giảm mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,4 – 67 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước sáng 21/6. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,4 – 67,02 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 100.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,4 – 67 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn sáng 21/6 giảm so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,55 – 56,45 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 900.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 54,85 – 56,1 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1,25 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm mạnh là do đồng USD có phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt tăng mạnh hơn 0,03% so với phiên sáng 20/6, lên mức 102.570 điểm, vào lúc 9 giờ 3 phút sáng nay (giờ Hà Nội). Đồng USD tăng đã khiến chi phí lua trú vàng tăng, do đó giới đầu tư bán chốt lời kim loại quý.

Mặt khác, đồng USD tăng cũng bởi Chủ tịch Fed ông Jerome Powell hôm 21/6 và ngày 22/6 có buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ. Thị trường vẫn đang dự đoán Fed sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn tăng thêm 2 lần lãi suất nữa ở những tháng cuối năm nay. Lãi suất tăng sẽ giúp USD còn tăng cao và vàng khó có cơ hội đi lên.

- Giao dịch chứng khoán: Sau bất động sản, dòng tiền tìm đến nhóm công ty chứng khoán

Dù nhóm bất động sản, xây dựng vẫn duy trì được sự tích cực, nhưng tâm điểm chính trong phiên sáng 21/6 đã chuyển sang nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán.

Trong phiên hôm 20/6, thị trường rung lắc trong biên độ hẹp quanh tham chiếu, nhưng chốt phiên vẫn giữ được mức tăng khá, đóng cửa gần mức cao nhất ngày. Đà tăng của VN-Index phiên này có sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng - vốn là nhóm đã khởi sắc trong thời gian vừa qua với kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ hồi phục trở lại sau hàng loạt chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Trong phiên hôm 20/6, nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản, xây dựng lại nổi sóng với mức tăng kịch trần và giao dịch sôi động như EVG, HHV, LDG, NTL NHA và ITC. Ngoài ra, còn có hàng loạt mã khác tăng mạnh như PDR, DLG, DXG, HPX, VGC, GVR, DRH, PTL, LGL, DXS, SGR, VPH…

Trong phiên sáng 21/6, nhóm bất động sản, xây dựng vẫn duy trì được đà tăng, nhưng không còn mạnh mẽ như phiên hôm qua do áp lực chốt lời sớm từ một số nhà đầu tư khi đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng. Trong khi đó, tâm điểm của dòng tiền được chuyển hướng sang nhóm chứng khoán.

Thanh khoản thị trường đang có dấu hiệu cải thiện hơn trước khi lãi suất liên tiếp được điều chỉnh giảm trong 3 tháng qua, cùng với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ được ra mắt trong tháng 7 tới được kỳ vọng sẽ giúp các công ty chứng khoán cải thiện kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm. Đó chính là lý do nhà đầu tư đặt cược vào nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, cùng với nhóm cổ phiếu đã tăng tốt trước đó là bất động sản, xây dựng.

Trong phiên sáng 21/6, nhóm chứng khoán đồng loạt tăng mạnh, trong đó có 2 mã tăng kịch trần là AGR và CTS. Tuy nhiên, chỉ có AGR là giữ được sắc tím vững chắc, còn lại CTS chỉ duy trì sắc tím ít phút do lực cung còn lớn, trong khi lực cầu chưa đủ để lấn át hoàn toàn.

Trong khi đó, dù không tăng mạnh như các mã nhỏ, nhưng các mã dẫn dắt trong nhóm lại có thanh khoản tốt như VND, HCM, SSI, thậm chí có thêm cả VIX vừa tăng tốt về giá, vừa có thanh khoản cao. Bốn mã chứng khoán này nằm trong Top 5 về thanh khoản trên sàn HOSE sau 1 tiếng giao dịch, chỉ đứng sau GEX.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng và thép có sự phân hóa, nhưng mức biến động không lớn.

- Dòng vốn quỹ ngoại đang quay trở lại

Dòng vốn quỹ ngoại đã bắt đầu quay trở lại đáng kể hơn và áp lực rút vốn giảm mạnh trong tuần từ 12-16/6/2023.

Báo cáo dòng vốn quỹ ngoại của CTCP Chứng khoán KIS (KISVN) cho biết, lực cầu khối ngoại đã quay trở lại đáng kể trong tuần giao dịch từ 12-16/6, với giá trị mua ròng ghi nhận ở mức 1.739 tỉ đồng.

Cụ thể, hoạt động mua phần lớn tập trung trên lĩnh vực nguyên vật liệu và tài chính khi HPG, HSG, VND, SSI, STB và EIB được mua ròng mạnh. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản cũng hưởng lợi từ hoạt động mua ròng, chủ yếu đến từ VIC.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán của khối ngoại tập trung trên lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu khi lực rút vốn gia tăng trên VNM và DGC.

Đối với dòng vốn ETF, hoạt động vào ròng đã quay trở lại khu vực Đông Nam Á trong tuần vừa qua, ghi nhận ở mức 34 triệu USD.

Theo đó, lực cầu trên các quỹ chủ đạo tại Indonesia, Malaysia và Singapore đã tăng đáng kể, trong khi áp lực rút vốn đã giảm mạnh ở Thailand. Ngoài ra, lực cầu trên các quỹ ETF tại Vietnam xuất hiện trở lại trong tuần, ghi nhận ở mức 11 triệu USD.

Cụ thể, lực cầu chủ yếu tập trung trên VFMVN Diamond ETF (5,8 triệu USD), VNM ETF (2,7 triệu USD), FTSE ETF (2,5 triệu USD), SSIAM VNFIN LEAD (2,1 triệu USD) và VFMVN30 ETF Fund (1,1 triệu USD).

Đáng chú ý, lực cầu trên đã chấm dứt chuỗi 6 tuần liên tiếp thoái vốn trên hai quỹ VFMVN Diamond ETF và VFMVN30 ETF Fund. Mặt khác, áp lực bán vẫn có dấu hiệu tăng nhẹ với Fubon FTSE Vietnam ETF (0,6 triệu USD).

“Nhìn chung, lực cầu vẫn tiếp tục lan rộng trên các quỹ ETF chủ đạo. Dòng vốn đã bắt đầu quay trở lại đáng kể hơn và áp lực rút vốn đã giảm đáng kể trong tuần vừa qua. Điều này mang đến kỳ vọng dòng vốn tích cực sẽ tiếp tục duy trì tại Việt Nam trong những tuần sắp tới”, KISVN nhận định.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 22/6: Giá vàng tiếp tục lao dốc khi đồng USD tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO