- Giá vàng: Đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng hôm 20/9, thị trường vàng trong nước đồng loạt tăng từ 200 đến 900 nghìn đồng/lượng ở tất cả các thương hiệu so với hôm 19/9.
Cụ thể, vàng SJC tại Hà Nội và vàng SJC tại Đà Nẵng: 80,00 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 200 nghìn đồng/lượng), 82,00 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 200 nghìn đồng/lượng).
Vàng SJC Phú Quý: 80,00 triệu đồng/lượng mua vào, 82,00 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào-bán ra).
Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 80,00 triệu đồng/lượng mua vào, 82,00 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào-bán ra).
Giá vàng PNJ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 79,00 triệu đồng/lượng (tăng 900 nghìn đồng/lượng) mua vào, 80,05 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 850 nghìn đồng/lượng so với ngày hôm 19/9).
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 79,08-80,18 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh so với ngày hôm 19/9.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm 0,5 điểm % lãi suất, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của FED dự báo trong năm 2024 lãi suất còn giảm thêm 0,5 điểm %, tiếp đến là 2 điểm % trong năm 2025 và năm 2026.
Thông tin trên có thể làm cho giới đầu tư suy đoán USD sẽ giảm giá rất mạnh trong thời gian tới, có lợi cho thị trường vàng. Thế nên tại thời điểm này, nhiều người tăng sức mua kim loại quý này.
Lập tức giá vàng thế giới đêm 20/9 tăng 35 USD, từ 2.560 USD lao lên 2.595 USD/ounce. Sau đó giá vàng hôm nay giảm nhẹ và đến 6 giờ ngày 20/9 giao dịch tại 2.587 USD/ounce, nhưng vẫn tăng 25 USD so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 2.562 USD/ounce.
- Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn xây nhà máy lọc dầu ở Việt Nam
Mới đây, đoàn công tác của Aramco, tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, đã tới Việt Nam, tìm hiểu thị trường và bày tỏ mong muốn đầu tư nhà máy lọc dầu.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết đơn vị vừa tiếp đón và có buổi làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco (Aramco) tại Văn phòng giao dịch Hà Nội.
Đoàn công tác của Aramco do Phó Chủ tịch phụ trách Bán lẻ Ziyad Juraifani dẫn đầu cùng Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Quốc tế Nader Douhan; Giám đốc phát triển kinh doanh Bán lẻ Quốc tế Lucas Rubinacci và Trưởng nhóm phát triển kinh doanh Bán lẻ Quốc tế Ross Hood.
Aramco là Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Năm 2022, Aramco đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỉ USD, tăng 46% so với mức 110 tỉ USD năm 2021.
Tại buổi làm việc, Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện, Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa đầu tư trực tiếp.
- VN-Index xanh nhẹ phiên cuối tuần với thanh khoản cao
Phiên giao dịch ngày 20/9, sau đà tăng mạnh phiên sáng, áp lực bán mạnh gia tăng trong phiên chiều kéo chỉ số đảo chiều đi xuống sát tham chiếu; một số mã lớn tăng tốt như ACB, HPG, TCB, MBB, VPB, LPB, SAB, PLX... góp phần giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhẹ khi chốt phiên, tăng 0,77 điểm, đạt mức 1.272,04 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh so phiên trước và ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch 3 sàn đạt hơn 1.030,75 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt hơn 23.915,12 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng phiên thứ năm liên tiếp trên 3 sàn hơn 150,50 tỷ đồng, tập trung vào các mã SSI (hơn 193 tỷ đồng), TCB (hơn 106 tỷ đồng), VND (hơn 62 tỷ đồng), STB (hơn 56 tỷ đồng), NAB (hơn 50 tỷ đồng)...
Chiều ngược lại, các mã bán ròng nhiều trong phiên này gồm VHM (hơn 86 tỷ đồng), VIX (hơn 72 tỷ đồng), VNM (hơn 70 tỷ đồng), HPG (hơn 69 tỷ đồng), EVF (hơn 59 tỷ đồng)...
Trên sàn HoSE, giá trị khớp lệnh phiên này ở mức cao, tăng gần 2 lần so phiên trước, đạt hơn 20.059,53 tỷ đồng.
Phiên này, các mã đóng góp tích cực cho chỉ số VN-Index tăng hơn 4,20 điểm gồm: ACB, HPG, TCB, MBB, VPB, LPB, SAB, PLX, PVD, STB.
Ở chiều ngược lại, các mã tác động tiêu cực làm giảm hơn 3,47 điểm của VN-Index gồm: VCB, VIC, VHM, VNM, BID. NAB, GAS, BCM, GVR, KDC.
Xét về nhóm ngành, cổ phiếu năng lượng vẫn tăng mạnh, với mức tăng 2,54%, chủ yếu đến từ các mã BSR, PVS, PVD, PVC, POS, PVB, TVD...
Tương tự, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng có mức tăng 0,49%, chủ yếu đến từ các mã HPG, DGC, DCM, BMP, HSG, KSV, VCS, ACG, CSV, AAA, GDA... Trái lại, các mã giảm gồm GVR, VGC, DPM, PHR, VIF, NKG, HT1, DRP...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng 0,29%, chủ yếu đến từ các mã TCB, VPB, MBB, ACB, LPB, HDB, VIB, STB, SHB, MSB, EIB, OCB, BAB, ABB... Ngược lại, các mã giảm gồm VCB, BID, SSB, TPB, NAB...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có mức tăng nhẹ 0,25%, chủ yếu đến từ các mã HCM, VND, FTS, MBS, FUEVFVND, E1VFVN30, DSC, AGR, APG, VFS... Chiều ngược lại, các mã giảm gồm VCI, BSI, VIX, CTS, VDS, TVS, BVS, AAS, OGC...
Cổ phiếu bất động sản phiên này nghiêng về sắc đỏ, giảm 0,72%, chủ yếu đến từ các mã VHM, VIC, BCM, KDH, SSH, KBC, PDR, IDC, VPI, NLG, SIP, DIG, KSF, TCH, DXG, HDG, SZC, IJC... Bên tăng giá gồm các mã VRE, NVL, SNZ, KOS, SJS, TAL, VCR, NTC, HDC, VC3...
* Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay thêm phiên tăng điểm, VNXALL-Index chốt phiên tăng 9,22 điểm (+0,44%), lên mức 2.094,74 điểm. Thanh khoản với khối lượng giao dịch hơn 865,04 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch hơn 22.402,99 tỷ đồng. Toàn thị trường, có 194 mã tăng giá, 87 mã đứng giá và 194 mã giảm giá.
* Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 234,30 điểm, tăng 0,53 điểm (+0,23%). Thanh khoản đạt tổng cộng hơn 71,04 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 1.416,99 tỷ đồng. Toàn thị trường, có 86 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 87 mã giảm giá.
Chỉ số HNX30 đóng cửa tăng 2,93 điểm (+0,57%) và lên mức 512,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37,51 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 971,14 tỷ đồng. Toàn thị trường, có 15 mã tăng giá 6 mã đứng giá và 9 mã giảm giá.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index đóng cửa tại mức tại mức tham chiếu 93,63 điểm. Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 61,45 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 677,28 tỷ đồng. Toàn thị trường, có 198 mã tăng giá, 129 mã đứng giá và 122 mã giảm giá.
* Tại sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 0,77 điểm (+0,06%), lên mức 1.272,04 điểm. Thanh khoản đạt hơn 898,26 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 21.820,85 tỷ đồng. Toàn sàn có 224 mã tăng, 64 mã đứng giá và 185 mã giảm giá.
Chỉ số VN30 tăng 7,59 điểm (+0,58%) và lên mức 1.326,00 điểm. Thanh khoản đạt hơn 429,39 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch hơn 12.763,94 đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 kết thúc ngày giao dịch có 16 mã tăng, 3 mã đi ngang và 11 mã giảm giá.
5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất là VPB (hơn 52,24 triệu đơn vị), HPG (hơn 44,58 triệu đơn vị), VIX (hơn 34,78 triệu đơn vị), ACB (hơn 34,31 triệu đơn vị), SSI (hơn 31,67 triệu đơn vị).
5 cổ phiếu tăng giá nhiều nhất là SVD (+6,99), COM (+6,86%), FUCVREIT (+6,35%), FUCTVGF3 (+5,49%), PVD (+5,05%).
5 cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là FUEIP100 (-6,88%), PMG (-6,84%), AGM (-6,83%), TDW (-6,64%), HVX (-5,88%).
* Thị trường chứng khoán phái sinh hôm 20/9 có 176.995 hợp đồng được giao dịch, giá trị hơn 23.604,58 tỷ đồng.
- DKSH Việt Nam tiếp tục đầu tư nâng cấp trung tâm phát triển và sáng tạo của ngành nguyên liệu hóa chất
DKSH Việt Nam giới thiệu Trung tâm Phát Triển & Sáng Tạo vừa được nâng cấp, phục vụ cho các đối tác là doanh nghiệp thuộc ngành Thực phẩm & Đồ uống và Chăm sóc cá nhân. DKSH sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất địa phương trong việc thiết kế công thức và sản phẩm, phục vụ cho nhiều nhu cầu mới trên thị trường cạnh tranh hiện nay.
Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trung tâm này sẽ giúp ngành nguyên liệu hóa chất của DKSH mở rộng năng lực và khả năng hỗ trợ cho các đối tác doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Với vị trí chiến lược và thuận lợi, các đối tác doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận năng lực chuyên môn cùng công nghệ sẵn có tại Trung tâm Phát Triển & Sáng Tạo của DKSH, từ đó triển khai các ý tưởng thành sản phẩm mới trên thị trường.
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi chọn hợp tác cùng DKSH sẽ được trải nghiệm nhiều giá trị cộng thêm trong suốt quá trình từ bước định vị đến phát triển và sản xuất ở các ngành công nghiệp như nước uống, sữa, bánh kẹo, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chế biến sẵn,.. cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân, làm đẹp, chăm sóc nhà cửa,...
- ACB bị phạt do 'giấu' thù lao lãnh đạo trong BCTC hàng năm
Ngày 19/9, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Theo đó, ACB bị phạt 60 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định.
Đồng thời, ACB bị phạt 27,5 triệu đồng đối với hành vi không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Ban điều hành thành mục tiêu trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên.
Như vậy, tổng số tiền ACB bị phạt là 87,5 triệu đồng. ACB cho biết đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt theo quyết định trên.
Được biết, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, thù lao HĐQT của ACB tăng mạnh 27% so cùng kỳ, lên mức 23,3 tỷ đồng. Ngược lại, thù lao Ban Tổng giám đốc lại giảm mạnh 42% về còn 42,8 tỷ đồng. Ban Kiểm soát nhích nhẹ lên 6,6 tỷ đồng.
Trong đó Chủ tịch Trần Hùng Huy nhận thù lao hơn 4,2 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2024, còn Tổng Giám đốc nhận tiền lương 5,6 tỷ đồng.
- Nike tiếp tục nỗ lực "lột xác" khi thay CEO
Đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng và những sai lầm trong chiến lược của chính mình, Nike – “gã khổng lồ” của ngành sản xuất đồ thể thao thế giới đang lên kế hoạch cải tổ lớn.
Hôm 19/9, Nike ra thông báo rằng Giám đốc điều hành (CEO) John Donahoe sẽ nghỉ hưu vào tháng tới và sẽ được thay thế bởi ông Elliott Hill, một cựu quản lý kỳ cựu của Nike.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nike đối mặt với tình trạng số lượng người tiêu dùng suy giảm và cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu mới nổi như Hoka và On. Khách hàng đang thay đổi hành vi của họ, từ bỏ việc mua những đôi giày và đồ tập thể thao đắt tiền để chuyển sang những hàng hóa cơ bản, đồng thời ưu tiên trải nghiệm như tham gia các buổi hòa nhạc hay du lịch.
Nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích đã kêu gọi Nike thay đổi và hoan nghênh việc công ty sắp có CEO mới.
Doanh số của công ty đã đi ngang trong quý trước và nhà bán lẻ này dự đoán doanh số sẽ giảm thêm 10% trong quý tới, khi các thương hiệu cổ điển của Nike tăng trưởng chậm lại. Nike đã bị các nhà phân tích chỉ trích vì thiếu những sản phẩm mới mang tính đột phá.