- Xuất hiện dòng vốn trú ẩn vào vàng, đẩy giá tăng lên trong phiên cuối tuần
Trong tuần, vàng thế giới đã có phiên giảm giá khá mạnh và lùi về dưới ngưỡi 2.000 USD/ounce, nhưng vàng miếng SJC trong nước lại duy trì ổn định ở mức trên 67 triệu đồng/lượng, thậm chí tăng nhẹ vào cuối tuần.
Ngày cuối tuần 20/5, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,7- 67,4 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng ở chiều mua vào bán ra so với cuối tuần trước.
Hiện nay chênh lệch giá mua- bán đang đứng ở mức 700.000 đồng/lượng, bằng với tuần trước.
Giá vàng thế giới hôm 20/5 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 1.978,1 USD/ounce, giảm đến 33 USD/ounce so với giá cuối tuần trước.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 20/5 mua bán quanh mức 56- 57 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng so với mức giá cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức giữ ở mức 1 triệu đồng/lượng, bằng với mức tuần trước.
Trong tuần, giá vàng thế giới đã liên tục biến động và giảm sâu lùi về dưới mức 2.000 USD/ounce, nhưng giá vàng miếng SJC trong nước lại không tăng giảm cùng chiều thế giới, mà giữ ổn định với giá bán ra luôn trên 67 triệu đồng/lượng, đến cuối tuần lại tăng nhẹ. Theo các chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng, do sức mua hàng hóa trên thị trường giảm xuống, việc bỏ vốn đầu tư vào kinh doanh mua bán không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, nên nhiều chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chọn 'cố thủ' vào vàng để bảo toàn vốn.
Nhà đầu tư chọn kênh vàng để trú ẩn vốn tạm thời chưa nhiều, nhưng cũng tạo ra luồng sức mua giữ cho giá vàng miếng SJC trong nước đứng vững trên ngưỡng 67 triệu đồng/lượng bất chất vàng thế giới đã giảm mạnh cả triệu đồng trong tuần.
Do giá vàng thế giới giảm, giá trong nước lại tăng, nên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng miếng SJC hôm nay tăng nhẹ lên khoảng 11 triệu đồng/lượng. So với vàng miếng SJC chịu ảnh hưởng chủ yếu do mãi lực mua bán của thị trường nội địa, vàng trang sức cập nhật theo sát giá vàng thế giới nhiều hơn.
Đầu ngày 20/5, giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.978 USD/ounce, tăng mạnh 22 USD/ounce so với mức giá thấp nhất trong phiên giao dịch đêm qua là 1.956 USD/ounce.
Trước đó, trong ngày 19/5, thị trường vàng thế giới biến động không đáng kể. Thế nhưng, khoảng 23 giờ cùng ngày, tại hội thảo ‘Các quan điểm về chính sách tiền tệ’, có thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể không cần tăng lãi suất nhiều do điều kiện tín dụng đang bị thắt chặt; các công cụ ổn định tài chính đã làm lắng dịu khủng hoảng ngân hàng.
Thị trường tài chính phản ứng cho rằng FED đang tìm cách tạm dừng tăng lãi suất, đồng USD đảo chiều giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác, thúc đẩy giới đầu cơ đưa vốn vào kim loại quý. Ngay sau đó giá vàng tăng 28 USD, từ 1.956 USD lên 1.984 USD/ounce lúc 0 giờ ngày 20/5.
Giá vàng thế giới giao ngay hiện đứng quanh ngưỡng 1.977,6 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 2.000,3 USD/ounce.
Trong báo cáo xu hướng nhu cầu hàng quý, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho hay, tổng nhu cầu vàng trong quý I/2023 giảm 13% so với quý I/2022, xuống 1.081 tấn.
Với thực trạng vàng đã giảm xuống dưới 2.000 USD/ounce, bất kỳ bình luận nào của quan chức Fed liên quan đến lạm phát từ nay đến cuộc họp tháng 6/2023 cũng sẽ ảnh hưởng đến giá vàng.
Chuyên gia tài chính cho rằng, việc vàng không giữ được hỗ trợ kỹ thuật trung bình trong 50 ngày có thể sẽ xảy ra xu hướng giảm giá trong thời gian tới.
Tính ra, vàng thế giới đã lao dốc mạnh, mất tới gần 30 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 19/5. Còn tính theo trung bình hàng tuần, giá của kim loại quý này vẫn đang trên đà đi xuống và hướng tới mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2023.
Động lực lớn đẩy vàng đi xuống chính là đồng USD mạnh lên. Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo ‘sức khỏe’ của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng khoảng 2% kể từ giữa tháng 4
- Lado taxi mở rộng dịch vụ taxi điện
Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi đã ký hợp đồng mua thêm 300 xe điện VF 5 Plus với Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast, nâng tổng số xe ô tô điện VinFast trong dàn xe taxi của hãng lên gần 1.000 chiếc vào cuối năm nay. Theo kế hoạch chuyển đổi xanh đến năm 2025, 95% xe taxi của Lado sẽ là xe điện.
Trước đó, kể từ tháng 5/2022 đến nay, Lado Taxi đã mua tổng cộng 150 xe VinFast VF e34 để cung cấp dịch vụ taxi điện tại Lâm Đồng và Bình Định. Cuối tháng 3/2023, Lado Taxi cũng ký hợp đồng thuê 300 xe VF e34 và 200 xe VF 5 Plus từ công ty GSM. Với việc mua thêm 300 xe VF 5 Plus từ VinFast, đến cuối năm nay, đội xe của Lado Taxi sẽ có gần 1.000 chiếc ô tô điện VinFast.
Hiện nay, Lado Taxi đang cung cấp dịch vụ tại 6 tỉnh phía Nam gồm Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo kế hoạch chuyển đổi xanh trên toàn hệ thống, Lado Taxi sẽ dừng mua mới các dòng xe xăng kể từ năm nay, chỉ bổ sung mới xe điện và tiến tới thay thế toàn bộ xe xăng bằng xe điện trong tương lai.
Hiện tại, VinFast đã quy hoạch hệ thống 150.000 cổng sạc ô tô, xe máy điện trên 63 tỉnh, thành phố, đồng thời cung cấp các dịch vụ hậu mãi ưu việt như bảo hành chính hãng lên tới 10 năm, hệ thống xưởng dịch vụ không ngày nghỉ trên toàn quốc, sửa chữa lưu động (Mobile Service), sạc pin lưu động (Mobile Charging), cứu hộ 24/7 trong suốt thời gian bảo hành.
- Nguyên nhân Ấn Độ chưa phải là đối thủ cạnh tranh với dòng vốn FDI vào Việt Nam
Các chuyên gia tài chính khẳng định rằng, Ấn Độ chưa phải là mối đe dọa với dòng vốn FDI vào Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện hai yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với dòng vốn FDI của Việt Nam gồm: Việt Nam có thể đang mất đi sự cạnh tranh về nguồn vốn FDI so với Ấn Độ, Malaysia, Indonesia. Và cơ chế mới về thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu sẽ làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam như là một điểm đến của FDI bởi giới hạn các ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư FDI tiềm năng.
Trước những lo ngại này, ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định rằng, Ấn Độ chưa phải là mối đe doạ với dòng vốn FDI vào Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Chỉ ra lý do, ông Michael Kokalari cho biết: Thông báo của Apple vào tháng 4 vừa qua về các kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ đã dấy lên nhiều tin tức, nhưng điều này cũng nhất quán với các tập đoàn đa quốc gia khác đang đầu tư vào Ấn Độ chủ yếu là sản xuất các sản phẩm dành cho người tiêu dùng tại thị trường nội địa và điều này rất khác so với mục đích đầu tư vào Việt Nam.
Thêm vào đó, hiện có hai lý do chính khiến các công ty không đầu tư nhiều vào Ấn Độ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là những vấn đề liên quan đến lực lượng lao động (bao gồm cả trình độ) và luật lao động nghiêm ngặt.
“Chúng tôi không cho rằng Ấn Độ có thể làm cản trở dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và tin rằng FDI có thể sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Không nên xem làn sóng FDI vào Ấn Độ là sự chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam”- ông Michael Kokalari nói.