- Giá vàng biến động nhẹ trước thềm cuộc họp Fed
Giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều 19/3, trong bối cảnh đồng USD tăng giá và giới đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed để tìm kiếm thêm manh mối về thời điểm thể chế này sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.156,67 USD/ounce vào lúc 13:59 giờ Việt Nam. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% xuống 2.159,80 USD.
Với việc Fed dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp chính sách tiền tệ dự kiến diễn ra hai ngày 19- 20/3 (giờ địa phương), các thị trường đang chờ đợi những dự báo kinh tế và lãi suất cập nhật của các nhà hoạch định chính sách.
Chuyên gia phân tích Tim Waterer của Hãng giao dịch KCM Trade cho biết: “Vàng đang ở trên mức hỗ trợ 2.150 USD/ounce và miễn là điều này được duy trì, mức tăng có thể sẽ tồn tại trong ngắn hạn tùy thuộc vào thông điệp được Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra trong tuần này”.
“Nếu Fed tập trung vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chỉ số giá sản xuất (PPI) gần đây và sức mạnh thị trường lao động hiện tại, một số hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sẽ bị dập tắt. Trong trường hợp đó, giá vàng sẽ giảm xuống dưới mức hỗ trợ hoặc thậm chí thấp hơn trong ngắn hạn”.
Giá vàng đã giảm 1% trong tuần trước sau khi dữ liệu cho thấy CPI của Mỹ tăng mạnh trong tháng 2 và PPI tăng nhiều hơn dự kiến, làm giảm hy vọng về việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng. Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch hiện đang dự đoán có khoảng 51% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu tới.
Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản, Anh, Australia, Na Uy, Thụy Sỹ, Mexico, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil và Indonesia cũng nhóm họp trong tuần này.
- Giá đôla chợ đen 'lượn sóng'
Gần đây, giá đôla chợ đen biến động rất mạnh. Có những phiên bật tăng khoảng 180 đồng mỗi đôla, rồi nhanh chóng 'bốc hơi' hơn 100 đồng trước khi phục hồi nhẹ.
Ngày 19/3, tỉ giá trung tâm của VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.992 VND/USD, giảm 2 đồng so với hôm 18/3. Tại các ngân hàng thương mại, tỉ giá USD/VND biến động nhẹ.
Cụ thể, vào đầu giờ chiều 19/3, giá USD tại Vietcombank được điều chỉnh tăng thêm 15 đồng ở cả hai chiều, niêm yết giá mua bán ở mức 24.545 – 24.895 VND/USD.
Tương tự, Eximbank giữ nguyên giá mua vào ở mức 24.480 VND/USD, nhưng tăng thêm 10 đồng ở chiều bán ra so với hôm 18/3, lên 24.880 VND/USD. So với đầu tháng 3, giá đôla Mỹ tại các ngân hàng này tăng thêm đâu đó khoảng 100 đồng.
Ngược chiều với diễn biến nhẹ nhàng của giá đôla tại các ngân hàng thương mại, những ngày gần đây giá đồng bạc xanh trên thị trường tự biến động mạnh.
Trên thị trường tự do, giá đôla Mỹ lúc 15h chiều 19/3 được giao dịch phổ biến ở mức 25.525 VND/USD (mua) và 25.605 VND/USD (bán), tăng từ 55-60 đồng so với giá mở cửa sáng 19/3.
Trước đó vào ngày 15/3, giá đôla chợ đen giao dịch quanh ngưỡng 25.560 – 25.640 VND/USD, tăng tới 180 đồng mỗi đôla so với một ngày trước đó. Nhưng trong 2 phiên liên tiếp lại “rơi” từ 90 – 110 đồng tùy từng thời điểm.
- Ngân hàng Nhà nước hút ròng 100.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong 7 phiên
Ngày 19/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, tổng cộng có 13 thành viên tham gia đấu thầu và 10 thành viên trúng thầu.
Như vậy, sau 7 phiên khởi động lại việc chào bán tín phiếu, từ ngày 11-19/3, NHNN đã hút ròng khoảng 100.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu, với khối lượng trúng thầu trong 6 phiên trước đó đạt 15.000 tỷ đồng/phiên và phiên hôm nay là 10.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từ 1,35 - 1,4%.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần qua (ngày 15/3), kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,7% giảm so với mức 1,21%/năm ngày 14/3 và giảm so với hai phiên trước đó (1,47%/năm), nhưng cao hơn so với phiên 11/3 (0,76%/năm). Lãi suất 1 tuần cũng giảm xuống còn 1,1% từ mức 1,45% của ngày 14/3. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 1 tháng lại tăng lên 1,6%/năm từ mức 1,57% trong ngày 14/3, nhưng giảm so với mức 2,01%/năm ghi nhận hôm 13/3.
- VNPT trúng đấu giá băng tần 5G 3700 – 3800 MHz
Chiều ngày 19/3, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) phục vụ cho chiến lược phát triển mạng 5G trên cả nước trong thời gian tới.
VNPT cho hay việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép VNPT nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G (VinaPhone) tốc độ cao nhất tại Việt Nam. Cùng với dải băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.
Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, đấu giá băng tần là bước đầu theo quy định của Nhà nước về việc triển khai 5G tại Việt Nam. Sau khi trúng đấu giá băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT sẽ tích cực chuẩn bị để có thể sớm triển khai thương mại hóa 5G thành công.
- Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tăng 27 lần
Trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, với giá trị gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính tới cuối tháng 2/2024, xuất khẩu (XK) tôm hùm đạt gần 30 triệu USD, tăng 1.746% so với mức 1,6 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm hùm xanh (tôm hùm đá) chiếm hơn 90% với 27,6 triệu USD, tăng gấp 80 lần, tiếp đến là tôm hùm bông đạt 2,15 triệu USD, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, với giá trị gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 10/2023, Trung Quốc đã ngừng NK tôm hùm bông của Việt Nam, vì qui định liên quan đến Luật Bảo vệ động vật hoang dã của nước này.
Để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2; đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép...
- TP.HCM chính thức trình Thủ tướng Đề án xây dựng "siêu cảng" trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được UBND TP.HCM chính thức trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng, khai thác cảng trước năm 2030.
Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, Thành phố vừa chính thức có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Hướng tới xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu TEU, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu TEU.
Vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Quy mô cảng dự kiến đáp ứng khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 TEU), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 TEU) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 TEU). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.