- Kỳ vọng tăng sức hấp dẫn của vàng
Trong khi giá vàng thế giới hầu hết đi lên trong các phiên giao dịch tuần trước, giá vàng trong nước giao dịch lình xình quanh 70,5 triệu đồng/lượng.
Hiện nhiều đồn đoán nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chiến dịch thắt chặt tiền tệ, điều này giúp gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Đóng cửa phiên cuối tuần 18/11, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,95 - 70,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,95 - 70,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 70 - 70,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.
Trước đó, giá vàng trong nước liên tục đảo chiều tăng - giảm từ đầu tuần 13/11 đến cuối tuần, với biên độ từ 100 - 300 nghìn đồng/lượng. Với mức giao dịch này, tính chung tuần qua, giá vàng trong nước tăng 550 nghìn đồng/lượng, tương đương 0,8% giá trị. Cùng lúc, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng khoảng 2,2%.
Thị trường đang đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 5/2024, khi các dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm tốc.
Lãi suất thấp hơn gây áp lực giảm giá đối với đồng USD và lợi suất trái phiếu, qua đó gia tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Trên thị trường vàng vật chất, người mua ở Ấn Độ bất chấp mức giá trong nước cao kỷ lục và vẫn đẩy mạnh mua vàng trong lễ hội ánh sáng Diwali tại nước này.
- Tỷ giá hạ nhiệt, trượt khỏi mốc 24.000 đồng/USD
Tỷ giá trung tâm hạ nhiệt và rời khỏi mốc 24.000 đồng/USD trong bối cảnh chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục đi xuống.
Ngày 19/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 23.972 đồng/USD, giảm 42 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Như vậy, trong vòng 2 tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm khoảng 112 đồng. Nếu so với đỉnh của tháng 10 ở vùng 24.110 đồng/USD, tỷ giá hiện tại đã hạ nhiệt khoảng 0,5%.
Tương tự, giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng liên tục đi xuống trong những ngày qua. Hiện Vietcombank giao dịch USD mua vào 24.070 đồng/USD, bán ra 24.415 đồng/USD, giảm 55 đồng.
BIDV niêm yết giá USD mua vào 24.100 đồng/USD, bán ra 24.400 đồng/USD. So với 1 tháng trước, giá USD ở các ngân hàng đã giảm khoảng 300 đồng, tương đương mức giảm khoảng 1,2%.
Nếu tính từ mức đỉnh trong nhiều tháng qua khi USD ngân hàng vượt 25.000 đồng, tỷ giá trong ngân hàng hiện đã hạ nhiệt tới 2,4%.
- Giá xăng dầu: Dầu thô kết thúc tuần giảm giá
Giá dầu thế giới trong tuần (13/11-19/11) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần, sau đó quay đầu giảm ở phiên giao dịch giữa tuần. Thời điểm cuối tuần, giá dầu phục hồi, tăng nhẹ. Tuy nhiên, cả hai loại dầu chuẩn này đều kết thúc tuần giảm hơn 1%.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 19/11/2023 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 ở mức 76,08 USD/thùng, tăng 2,99 USD trong phiên.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 1/2024 đứng ở mức 80,59 USD/thùng, tăng 3,17 USD trong phiên.
Giá dầu thế giới trong tuần (13/11-19/11) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần, sau đó quay đầu giảm ở phiên giao dịch giữa tuần. Thời điểm cuối tuần, giá dầu phục hồi, tăng nhẹ. Tuy nhiên, cả hai loại dầu chuẩn này đều kết thúc tuần giảm hơn 1%.
Đầu tuần (13/11-14/11), giá dầu thế giới tăng khi báo cáo của OPEC cho thấy các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn mạnh và những lo ngại về nguồn cung có thể bị gián đoạn khi Mỹ hạn chế xuất khẩu dầu của Nga.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 ở mức 78,43 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 1/2024 đứng ở mức 82,75 USD/thùng.
Trong báo cáo hàng tháng của mình, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã chỉ trích các nhà đầu cơ về việc giá giảm gần đây. Báo cáo cũng tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2023 và giữ nguyên dự đoán tương đối cao vào năm 2024.
Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết: “Tâm lý giảm giá gần đây đã thúc đẩy OPEC nhắc lại quan điểm của họ rằng cân bằng nguồn cung toàn cầu đang thắt chặt và mức tiêu thụ vẫn tốt”.
Giá dầu tăng cũng được hỗ trợ bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Nga.
- Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử tại các cây xăng
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử khi bán xăng dầu.
Bộ Tài chính, Công thương và nhiều cơ quan, địa phương vừa nhận được công điện của Thủ tướng về việc triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Công điện nêu rõ ngày 13/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử áp dụng kể từ ngày 1/7/2022.
Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trên cả nước được thông suốt, thuận lợi; Xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử; Áp dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu các giải pháp, công cụ quản lý, phân tích dữ liệu phù hợp để quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế.
-Việt Nam xuất siêu hơn 24 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm
Cả nước xuất siêu 24,59 tỉ USD, đáng chú ý xuất khẩu gạo trong mười tháng đạt 3,95 tỉ USD trong mười tháng đầu năm
Tổng Cục Hải quan vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu tháng 10 và mười tháng năm 2023.
Theo đó, trong mười tháng năm 2023 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 558,33 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước xuất siêu 24,59 tỉ USD.
Cụ thể, mười tháng năm 2023 trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 291,46 tỉ USD, giảm 7%; có tới tám nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 500 triệu USD.
Đứng đầu là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,24 tỉ USD, tiếp theo là hàng dệt may giảm 4,08 tỉ USD, giày dép các loại giảm 3,68 tỉ USD, hàng thủy sản giảm 1,94 tỉ USD…
Tuy nhiên, có một số nhóm hàng xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Đơn cử như như rau quả, trị giá xuất khẩu đạt 4,82 tỉ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức trị giá xuất khẩu trong mười tháng cao nhất từ trước tới nay.
Trong đó, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,96 tỉ USD, tăng 1,78 tỉ USD so với 175 triệu USD cùng kỳ năm trước...