- Giá xăng dầu hôm 1/8: Xác lập tuần tăng thứ 5 liên tiếp
Nhu cầu tiêu thụ gia tăng, trong khi việc tiếp tục thắt chặt nguồn cung đẩy giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 1/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,22 USD, tương đương 1,5%, lên mức 81,8 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent tháng 9, hết hạn vào ngày 31/7, tăng 0,7%, lên mức 85,56 USD/thùng.
Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 tăng 1,02 USD, tương đương 1,2%, lên mức 85,43 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, giá dầu đã tăng lên mức cao mới trong 3 tháng và ghi nhận mức tăng hằng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2022. Đà leo dốc không ngừng của giá dầu được hỗ trợ bởi các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung toàn cầu và nhu cầu gia tăng trong thời gian còn lại của năm.
Cả dầu Brent và dầu WTI đều đạt mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 4 trong phiên, sau khi xác lập tuần tăng thứ 5 liên tiếp vào tuần trước. Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, trong tháng 7, sản lượng của Saudi Arabia giảm 860.000 thùng/ngày, trong khi tổng sản lượng từ OPEC giảm 840.000 thùng/ngày. Dữ liệu cho thấy, giá dầu thô đã kết thúc một tháng tăng mạnh do triển vọng nhu cầu vẫn ấn tượng và không ai nghi ngờ rằng OPEC+ sẽ giữ chặt thị trường này.
Dự trữ dầu cũng bắt đầu giảm ở một số quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ. Chính phủ Mỹ đã bắt đầu bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Ước tính trung bình tồn kho dầu thô của Mỹ giảm khoảng 900.000 thùng trong tuần tính đến ngày 28/7. Việc kết thúc đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược, lo ngại suy thoái kinh tế cũng như tình trạng cạn kiệt thanh khoản do lo ngại liên quan đến ngân hàng khiến thị trường bỏ qua tình trạng siết chặt nguồn cung sắp xảy ra.
Tình trạng thâm hụt nguồn cung sắp tới đang trở nên quá lớn đến nỗi không thể bỏ qua. Nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và họ đã điều chỉnh tăng nhu cầu năm 2023 thêm khoảng 550.000 thùng/ngày dựa trên ước tính tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ và Mỹ, bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ của Trung Quốc.
Ngoài ra, triển vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và kỳ vọng tăng kích cầu ở quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này đóng vai trò lớn nhất trong đà tăng giá dầu trong tháng 7.
- Gói tín dụng cho khách hàng vay mua ô tô điện
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang duy trì mức cao, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội sở hữu ô tô điện thông minh dễ dàng, VinFast hợp tác với các ngân hàng đối tác dành riêng gói Tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi đặc biệt.
Chính sách được áp dụng cho khách hàng vay mua ô tô điện kết hợp với các đối tác bao gồm: MB Bank, VietinBank, BIDV. Với tổng giá trị lên đến 3,500 tỷ VND, chương trình Tín dụng xanh đảm bảo khách hàng có nhu cầu vay mua xe ô tô VinFast mới 100% sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ 8% trong 18 tháng đầu, sau 18 tháng sẽ áp dụng lãi suất thông thường của ngân hàng.
Mức kỳ hạn và mức cho vay sẽ căn cứ theo chính sách của từng ngân hàng và tùy thuộc vào giá trị tài sản đảm bảo, khả năng tài chính và hồ sơ tín dụng vay vốn của khách hàng. Phần hỗ trợ lãi suất sẽ được VinFast đối soát và chi trả trực tiếp cho các ngân hàng hợp tác trong khuôn khổ chương trình này.
Chương trình được áp dụng từ ngày 01/08/2023 đến ngày 31/12/2023 hoặc cho đến khi VinFast thông báo dừng chính sách trước 30 ngày, trên phạm vi toàn bộ hệ thống Showroom và Đại lý VinFast tại Việt Nam. Ưu đãi áp dụng cho tất cả các loại ô tô điện theo Chương trình bán hàng của VinFast, căn cứ theo chính sách VinFast công bố theo từng thời điểm tại thị trường.
- Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp
Bộ Công Thương vừa có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo Báo cáo, các mục tiêu của việc xây dựng cơ chế DPPA đã được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của khách hàng; Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo (NLTT), bảo vệ môi trường; Là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điệnc ạnh tranh tại Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình mua bán điện trực tiếp phổ biến trên thế giới và rà roát sự phù hợp cho Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng, để triển khai được “cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ nguồn NLTT và khách hàng sử dụng điện lớn” được thuận lợi, dễ dàng và áp dụng thống nhất; đồng thời, đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ và các bộ chuyên ngành đối với hoạt động này, cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn chi tiết cho khach hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện từ nguồn NLTT triển khai hoạt động mua bán này phù hợp với quy định tại Luật Điện lực, Luật Thương mại, Luật Thuế giá trị gia tăng và các pháp luật có liên quan.
Do tính cấp thiết cần có cơ chế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Thế giới Di động (MWG) lãi Quý 2 tiếp tục lao dốc 98%, thoát lỗ nhờ lãi tiền gửi
Thế giới Di động (MWG) tiếp tục kinh doanh giảm sút trong Quý 2, lợi nhuận sụt giảm 98% so với cùng kỳ.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG) đã vừa công bố Báo cáo tài chính Quý 2 năm 2023 cho thấy tình hình ảm đạm tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất trong Quý 2 chỉ đạt 29.465 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt tới 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 14,2%. Giá vốn hàng bán chiếm tới 24.024 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 5.441 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,4% xuống chỉ còn 18,5%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng từ 298 tỷ lên 585 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tiền gửi. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng thêm từ 360 tỷ lên 397 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng từ 4.808 tỷ lên 5.211 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 500 tỷ xuống còn 229 tỷ đồng.
Sau khi trừ hết đi các chi phí cùng thuế, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của MWG còn lại chỉ hơn 17 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nhận thấy rằng nếu không nhờ khoản lãi tiền gửi hạch toán trong doanh thu tài chính đã tăng thêm tới 287 tỷ đồng thì kết quả từ hoạt động kinh doanh chính của MWG sẽ cầm chắc thua lỗ.
Tình trạng này đã kéo dài từ Quý 1 năm nay khi mà ngay trong Quý 1, MWG cũng chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ. Luỹ kế lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của MWG cho thấy lợi nhuận của công ty chưa tới 39 tỷ đồng.
- Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để có dư địa giảm lãi suất
Trong văn bản chỉ đạo mới nhất về chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có dư địa giảm lãi suất…
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/7/2023 "Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023" (tổ chức hôm 15/7/2023).
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quyết liệt thể hiện vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hệ thống, cung cấp tín dụng cho nền kinh tế...
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt (tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, cung tiền M2 kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…); phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý;
Bên cạnh đó, điều hành cân bằng hài hoà giữa tỷ giá và lãi suất, giữa lạm phát và tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Thông báo cũng chỉ rõ, các tổ chức tín dụng cần phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.