- Giá vàng: Án binh bất động
Sau khi được điều chỉnh tăng 1,5 triệu đồng/lượng, giá vàng hôm 18/9 ở trong nước bất động trong các giao dịch mua và bán.
Tại thời điểm 13 giờ 45 phút ngày 18/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 80 - 82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 17/9.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 80 - 82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 17/9. Phú Quý SJC giao dịch ổn định, với mức giá 80 - 82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ giao dịch ở mức 78 - 79,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên giá so với hôm 17/9.
Như vậy, trong một tháng qua (từ ngày 18/8 đến 18/9), giá vàng miếng SJC đã tăng 2 triệu đồng/lượng cả ở hai chiều mua vào và bán ra.
Trước đó, giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 17/9 sau khi tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong phiên trước, giữa lúc giới giao dịch thận trọng chờ đợi quyết định cắt giảm lãi suất tại Mỹ. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 2.569,43 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.589,59 USD/ounce trong phiên 16/9. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,6% xuống 2.592,40 USD/ounce.
Tâm điểm của thị trường là cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc vào ngày 18/9 (theo giờ địa phương). Theo công cụ FedWatch của CME, hiện tại thị trường đang đặt cược Fed có 63% khả năng cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm cơ bản - cao hơn hẳn so với mức với 34% của một tuần trước. Đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020. Ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại công ty tài chính TD Securities, cho biết giá vàng giảm vì một số nhà đầu tư lo ngại rằng nếu Fed chỉ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, động lực mua vào kim loại quý này sẽ không lớn.
- Chứng khoán Việt Tín đổi tên và dự kiến tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Tín (VTSS) vừa tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024, với nhiều quyết định quan trọng được thông qua.
Tại đại hội, cổ đông đã đồng thuận việc miễn nhiệm ông Ronald Nguyễn Anh Đạt khỏi vị trí Thành viên Hội đồng quản trị, sau khi ông này đệ đơn từ chức vào ngày 22/8. Đáng chú ý, ông Ronald đã nộp đơn chỉ chưa đầy hai tháng sau khi chuyển giao vai trò Chủ tịch HĐQT cho bà Nguyễn Thị Thanh Thủy. Đồng thời, công ty cũng thông qua quyết định miễn nhiệm bà Phạm Thị Lê Minh và ông Nguyễn Ánh Minh khỏi Ban kiểm soát.
Bên cạnh đó, công ty đã bổ nhiệm hai thành viên mới vào Hội đồng quản trị, gồm ông Nguyễn Thành Phú và ông Lê Quốc Trung, cùng ba thành viên Ban kiểm soát mới là ông Phạm Trương Tấn Đức, bà Võ Thị Lũy và bà Nguyễn Vũ Thùy Ngân.
Trong một diễn biến khác, ông Lê Quang Tiến đã nộp đơn từ chức Tổng Giám đốc vào ngày 17/9 vì lý do cá nhân. Cùng với những thay đổi về nhân sự, Chứng khoán Việt Tín cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 286 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược và các tổ chức tài chính chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, công ty sẽ nâng vốn điều lệ từ 138 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng, tức tăng gấp gần 22 lần.
Một nội dung đáng chú ý khác trong đại hội là việc công ty sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán VTG (VTG Securities Corporation), với tên viết tắt là VTGS. Đồng thời, công ty cũng sẽ chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TP.HCM, cụ thể là tòa nhà Bến Thành Tower tại quận 1
- Silverlake Axis hợp tác với Ngân hàng vàng Lào xây dựng dự trữ vàng quốc gia
Silverlake Axis (SGX: 5CP) (SAL), công ty công nghệ tài chính vừa công bố hợp tác với Ngân hàng vàng Lào (Lao Bullion Bank).
Theo thỏa thuận hợp tác, Silverlake Axis sẽ triển khai Silverlake Symmetri – một trong những giải pháp ngân hàng toàn diện hàng đầu hiện nay – vào toàn bộ hệ thống của Lao Bullion Bank. Giải pháp này sẽ hỗ trợ các ngân hàng hiện đại hóa hạ tầng cốt lõi, tối ưu hóa việc quản lý tăng trưởng đồng thời tiết kiệm chi phí.
Ông Chanthone Sitthixay, Chủ tịch Lao Bullion Bank, cho biết: “sự ra đời của Lao Bullion Bank không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành tài chính quốc gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp trong việc ký gửi và giao dịch vàng một cách an toàn và tự tin”.
Quan hệ hợp tác này nhằm hỗ trợ ngân hàng vàng Lào trong mục tiêu xây dựng dự trữ vàng quốc gia, góp phần củng cố sự ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng dự kiến sẽ đi vào hoạt động toàn diện vào cuối năm nay, Silverlake Axis sẽ giúp khách hàng của Lao Bullion Bank thực hiện các giao dịch vàng và tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách liền mạch, khẳng định vị thế là tổ chức trung tâm trên thị trường vàng của ngân hàng. Điều này sẽ cho phép ngân hàng chuẩn hóa hoạt động giao dịch và đầu tư vàng, đồng thời thu hút các đối tác trong và ngoài nước.
Bà Cassandra Goh, Giám đốc Điều hành kiêm Phó Chủ tịch HĐQT của SAL, chia sẻ: “Lào đang chứng kiến sự gia tăng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính (BFSI). Mặc dù ngành vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển, chúng tôi đang chứng kiến sự chuyển đổi sang ngân hàng số với sự hỗ trợ tích cực của khu vực công”.
- Cổ phiếu chứng khoán khởi sắc, thanh khoản thị trường đi lên
Phiên giao dịch ngày 18/9, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực với sức cầu gia tăng, VN-Index “đội” gần 6 điểm. Cổ phiếu chứng khoán là một trong những nhóm diễn biến tích cực ở phiên này.
Trước giờ mở cửa, thông tin về khả năng sớm áp dụng quy định ký quỹ trước giao dịch của tổ chức nước ngoài được lan truyền đã giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến tích cực. Chốt phiên, đây là một trong số ít nhóm tăng trên 1,5% trong phiên giao dịch hôm nay.
Tại nhóm này, hầu hết các mã hiện sắc xanh; trong đó, SSI tăng 2,14%, HCM (3,97%), SHS (2%), BSI (1,47%), VDS (3,91%)… Nhóm này do mức vốn hóa không quá lớn nên không có tác động mạnh vào chỉ số VN-Index song lại là nhóm diễn biến sôi động và hút dòng tiền khi SSI dẫn đầu thị trường về thanh khoản; đứng thứ 2 là HCM - cũng là một cổ phiếu chứng khoán. Ngoài thanh khoản cao, SSI cũng góp mặt trong top 10 mã đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index.
Thị trường diễn biến tích cực nhất vào cuối phiên sáng và đầu phiên chiều khi chỉ số đại diện sàn thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 12 điểm, lên trên 1.270 điểm.
Tuy nhiên, sau đó, sức cầu giảm đã khiến đà tăng của thị trường chậm lại. Đóng cửa phiên, VN-Index dừng ở mức 1.264,9 điểm, tăng 5,95 điểm (0,47%); VN30-Index tăng 7,29 điểm (0,56%), lên mức 1.310,94 điểm. Cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 231 mã đi lên, 148 mã đi xuống. Tại nhóm VN30, số mã tăng - giảm giá lần lượt là 17 mã và 9 mã.
Xét về nhóm ngành, 3/4 nhóm tăng điểm, trong đó, viễn thông, truyền thông giải trí, dịch vụ chuyên biệt và thương mại, bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm, chứng khoán, phần mềm, dược phẩm - sinh học, phân phối và bán lẻ hàng lâu bền tăng trên 1%.
Đi ngược thị trường là nhóm bảo hiểm, bất động sản, nguyên vật liệu, vật cứng, chăm sóc sức khỏe, bán dẫn.
Là nhóm có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường và tăng điểm dù không mạnh nên nhóm ngân hàng có đóng góp nhiều nhất vào sự đi lên của thị trường. CTG đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index với 1 điểm; tiếp đến là VCB với gần 0,7 điểm. Ngoài ra, ngành này còn 2 mã khác cũng đóng góp đáng kể là BID và TCB.
Sức cầu cải thiện đã giúp thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước, đạt hơn 18.500 tỷ đồng. Điểm sáng là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Khối này mua hơn 1.920 tỷ đồng và bán trên 1.609 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, thanh khoản cũng tăng đáng kể, đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Đóng cửa phiên, HNX-Index nhích 0,66 điểm (0,28%), lên mức 232,95 điểm; HNX30-Index dừng ở mức 506,51 điểm, tăng 2,09 điểm (0,41%).
- PNJ lãi gần 1.300 tỷ đồng sau 8 tháng
Với mục tiêu doanh thu thuần đạt 37.147 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.089 tỷ đồng, PNJ đã thực hiện gần 72% chỉ tiêu doanh thu và hơn 61% kế hoạch lợi nhuận sau 8 tháng.
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 và lũy kế 8 tháng đầu năm. Theo đó, trong tháng 8, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 2.245 tỷ đồng và 63 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 3% và 17% so với cùng kỳ.
Dù vậy, tính trong 8 tháng, "đại gia" bán lẻ vàng trang sức này đã thu về 26.866 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 27% với cùng kỳ. Trong khi lợi nhuận sau thuế cũng đạt 1.281 tỷ đồng, tăng 3%.
Với mục tiêu doanh thu thuần cả năm đưa ra vào khoảng 37.147 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 2.089 tỷ đồng, PNJ đã thực hiện được gần 72% chỉ tiêu doanh thu và hơn 61% kế hoạch lợi nhuận sau 8 tháng.
Trong cơ cấu doanh thu 8 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng bán lẻ trang sức với 53% doanh thu, tương đương khoảng 14.239 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu PNJ đạt được ở nhóm sản phẩm này cũng đã tăng 15%. Để có được mức tăng trưởng khả quan này, công ty cho biết đã mở rộng mạng lưới cửa hàng, ra mắt nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
Xếp thứ 2 về mức đóng góp doanh thu từ đầu năm cho PNJ là các sản phẩm vàng 24K với khoảng 9.914 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ nhờ sự sôi động của thị trường trong nửa đầu năm. Tỷ trọng vàng miếng trong cơ cấu doanh thu theo đó cũng đã tăng lên gần 37%, trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 30%.
Tuy vậy, báo cáo PNJ cho biết tỷ trọng đóng góp từ vàng miếng đã giảm dần trong các tháng gần đây, sau khi đạt đỉnh hơn 43% trong 5 tháng đầu năm. Nhờ đó đã góp phần cải thiện biên lợi nhuận gộp của PNJ so với các tháng trước lên 16,6%.