Điểm tin kinh doanh 19/11: Vàng SJC tiến sát mốc kỷ lục 71 triệu đồng, vàng nhẫn tăng vọt

Việt Báo (Tổng hợp)| 19/11/2023 06:00

Giá dầu có tuần giảm thứ tư liên tiếp trước thềm cuộc họp OPEC+; TP.HCM sẽ đón 6 triệu lượt khách quốc tế năm 2024?

vang-hoang-ha-1-1305-1243-1141-1241-884.jpg

- Giá vàng: Vàng SJC tiến sát mốc kỷ lục 71 triệu đồng, vàng nhẫn tăng vọt

Giá vàng hôm 18/11 ở trong nước tiếp tục đà tăng, tiến sát đến mốc 71 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch buổi sáng.

Giá vàng trong nước hôm 18/11 tăng mạnh ở cả hai chiều mua vào và bán ra, với mức tăng cao nhất là 350.000 đồng/lượng. Tính đến 8h30 ngày 18/11, giá vàng miếng tại SJC và DOJI đều được niêm yết ở mức 69,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 70,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng hiện đang ở mức 69,95 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 70,68 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tại PNJ, giá vàng bật tăng so với phiên giao dịch sáng hôm 17/11, lên mức 70 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 70,85 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Giá vàng nhẫn vẫn neo ở mức cao, vượt mốc 60 triệu đồng/lượng. Tại SJC, giá vàng nhẫn 9999 hiện được bán ra ở mức 59,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 60,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu thậm chí còn cao hơn, ở mức 59,33 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 60,28 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Giá vàng thế giới lại quay đầu giảm nhẹ. Trong phiên giao dịch rạng sáng 18/11 (theo giờ Việt Nam), vàng giao ngay ở mức 1.979,8 USD/ounce, giảm 1 USD. Trong khi đó, vàng tương lai giảm 4,5 USD, xuống còn 1.982,8 USD/ounce. Tuy vậy, nhìn chung, giá vàng thế giới vẫn đang giữ ở mức ổn định.

Giá vàng đang được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm. Các dữ liệu quan trọng được công bố trong tuần này đã giúp thị trường củng cố niềm tin rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed đã đi đến hồi kết, khiến đồng bạc xanh và trái phiếu bớt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Ông Everett Millman, chuyên gia phân tích thị trường, dự báo giá vàng có thể sẽ giảm nhẹ thêm một thời gian nữa trước khi bật tăng trở lại và vượt mốc 2.000 USD/ounce.

Không chỉ vậy, vàng còn đang chứng tỏ được sức hấp dẫn của mình khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau dự trữ vàng.

Ông John Ing, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Maison Placements Canada, dự đoán, giá vàng sẽ bật tăng lên 2.200 USD/ounce khi kim loại quý này đang có nhiều tín hiệu tích cực từ lạm phát gia tăng, phi USD hóa, rủi ro địa chính trị gia tăng, nợ toàn cầu và sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy.

- Giá dầu có tuần giảm thứ tư liên tiếp trước thềm cuộc họp OPEC+

Giá dầu có tuần giảm thứ tư liên tiếp và bước vào thị trường giá xuống, gây áp lực lên OPEC+ về việc phải xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng sâu hơn trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới.

Giá dầu WTI và dầu Brent đều sụt giảm khoảng 5% trong tuần qua. Sự sụt giảm gần đây của giá dầu được thúc đẩy bởi nhiều nguyên nhân, một phần trong đó là do nguồn cung vượt quá mong đợi.

Nguồn cung tiếp tục tăng bên ngoài các quốc gia OPEC+, trong đó Mỹ, Guyana và Brazil đều tăng sản lượng dầu xuất khẩu. Chính phủ Brazil đã đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới vào năm 2029.

Khối lượng cao hơn đó làm lu mờ triển vọng trước cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vào ngày 26/11. Ả Rập Xê Út và Nga đã cam kết duy trì các hạn chế sản lượng bổ sung cho đến cuối năm nay, mặc dù xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng trong những tuần gần đây.

Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics cho biết, việc cắt giảm “chỉ đơn giản là dẫn đến thị phần của OPEC+ thấp hơn. Việc giá dầu giảm là do sự thay đổi trong cán cân cung cầu. Nguồn cung dường như không bị hạn chế như mong đợi”.

Sự suy yếu về giá gần đây cũng được kết hợp bởi các yếu tố kỹ thuật. Hợp đồng tương lai giá dầu đang giao dịch theo cấu trúc contango giảm giá lần đầu tiên sau nhiều tháng, trong khi một số đường trung bình động cũng bị phá vỡ trong những ngày gần đây, làm tăng thêm áp lực bán.

- Cả nước xuất siêu 24,59 tỷ USD trong 10 tháng

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đã xuất siêu 24,59 tỷ USD.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 là 61,77 tỷ USD, tăng 4,4%, tương ứng tăng 2,61 tỷ USD so với tháng 9/2023. Trong đó, xuất khẩu là 32,25 tỷ USD, tăng 5,1%, tương ứng tăng 1,57 tỷ USD; nhập khẩu là 29,52 tỷ USD, tăng 3,6%, tương ứng tăng 1,04 tỷ USD.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu 10 tháng2023 là 558,33 tỷ USD, giảm 9,6%, tương ứng giảm 59,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu là 291,46 tỷ USD, giảm 7% (tương ứng giảm 22,04 tỷ USD); nhập khẩu là 266,87 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 37,07 tỷ USD).

Trong tháng 10/2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,73 tỷ USD. Tính trong 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đã xuất siêu 24,59 tỷ USD.

- Singapore công bố sắp đưa vào sử dụng đồng tiền kỹ thuật số quốc gia

Singapore sẽ bắt đầu phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia vào năm 2024 với mục tiêu cách mạng hóa ngành tài chính thông qua các giao dịch kỹ thuật số an toàn và hiệu quả.

Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) vừa công bố, nước này có kế hoạch thí điểm một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vào năm 2024.

Đồng SGD kỹ thuật số sẽ được sử dụng để thực hiện thanh toán theo thời gian thực giữa các ngân hàng thương mại. Cơ quan quản lý Singapore có kế hoạch hợp tác với tất cả các ngân hàng địa phương để “thử nghiệm trực tiếp” việc sử dụng CBDC trong nước.

Thông báo này đặc biệt đáng chú ý vì có thể đây sẽ là lần đầu tiên CBDC sẽ được sử dụng để thanh toán liên ngân hàng trong thế giới thực, thay vì trong môi trường mô phỏng.

MAS cũng có kế hoạch cho phép hình thành các khoản nợ được token hóa tương đương với tài sản trên bảng cân đối kế toán các ngân hàng phát hành và stablecoin (tiền điện tử mã hóa được gắn với một tài sản có giá ổn định) được quản lý.

Để thử nghiệm, MAS sẽ huy động sự tham gia của các ngân hàng và công ty trong lĩnh vực công nghệ tài chính như JP Morgan, HSBC, Amazon, Alipay...

- TP.HCM sẽ đón 6 triệu lượt khách quốc tế năm 2024?

Năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế với tổng doanh thu đạt 190.000 tỉ đồng.

Sở Du lịch TP.HCM vừa báo cáo tình hình phát triển du lịch năm 2023 và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2024.

Năm 2023, khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt là 5 triệu lượt khách tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa khoảng 35 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 160.000 tỉ đồng.

Theo Sở Du lịch, trong năm 2023, TP phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng với tiêu chí “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng"; thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch MICE.

Năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM phấn đấu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỉ đồng.

Trong điều kiện kinh tế, chính trị ổn định, các hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan được khôi phục, du lịch TP.HCM hy vọng sẽ đón được lượng khách lớn từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 19/11: Vàng SJC tiến sát mốc kỷ lục 71 triệu đồng, vàng nhẫn tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO