Điểm tin kinh doanh 18/4: Giá vàng: Vàng tăng bất chấp sự trở ngại từ USD

Việt Báo (Tổng hợp)| 18/04/2024 06:00

Tỷ giá USD ngân hàng tăng mạnh nhất trong một năm; Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

gia-vang-02-08-60-831-1-1151-811-2-.jpg

- Giá vàng: Vàng tăng bất chấp sự trở ngại từ USD

Bất chấp những trở ngại từ đồng đô la Mỹ mạnh hơn, giá vàng tương lai tháng 6 đã vượt mốc 2.400 USD/ounce và vàng trong nước cũng đồng loạt hồi phục sau pha điều chỉnh hôm 16/4.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 400.000 đồng/lượng trong ngày hôm 16/4, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 17/4 đảo chiều tăng 600.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 82,3 – 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 82,3 – 84,3 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 17/4 tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm 16/4, hiện đứng ở mức 75,28 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm 16/4 tại Mỹ giảm nhẹ 0,38 USD xuống 2.383,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 17/4, giá vàng tiếp tục giảm nhẹ 1,3 USD xuống 2.381,8 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York tăng 24,8 USD, tương ứng tăng 1,04% lên mức 2.407,8 USD/ounce.

Vàng tương lai tăng cao hơn khi nhận được sự thúc đẩy bởi áp lực lạm phát leo thang, căng thẳng địa chính trị gia tăng và hiệu suất mờ nhạt trên thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc.

Trong số những yếu tố này, xung đột gia tăng ở Trung Đông là chất xúc tác chính. Thứ Bảy vừa qua, Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào Israel. Mặc dù 99% số tên lửa đã bị Israel và các đối tác liên minh của nước này đánh chặn thành công, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Jordan, vẫn tồn tại lo ngại rằng Israel có thể trả đũa, có khả năng mở rộng xung đột trong khu vực.

Giá vàng cũng nhận được sự thúc đẩy từ báo cáo khởi công xây dựng nhà ở gần đây. Theo MarketWatch, sự gia tăng này diễn ra sau khi Hoa Kỳ báo cáo số lượng nhà ở mới xây dựng đã giảm 12% trong tháng 3, xuống mức 1,022 triệu đơn vị mới hàng năm vào tháng trước, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 1,52 triệu đơn vị hàng năm trong tháng 2 và thấp hơn ước tính đồng thuận là 1,48 triệu đơn vị.

Mức tăng đáng chú ý của vàng cũng xảy ra bất chấp những trở ngại từ đồng đô la Mỹ mạnh hơn và lãi suất trái phiếu kho bạc tăng. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng do kỳ vọng giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang giảm dần.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư vàng đã bỏ qua những tác động của báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng cao hơn dự kiến hôm thứ Tư, cho thấy áp lực lạm phát dai dẳng ở Hoa Kỳ. Giá vàng tương lai đã thể hiện sự tăng giá mạnh mẽ, tăng gần 400 USD/ounce kể từ khi giao dịch quanh mức 2.025 USD vào ngày 14/2.

Với mức giá khoảng 2.381,8 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 73,86 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,63 triệu đồng/lượng.

- Tỷ giá USD ngân hàng tăng mạnh nhất trong một năm

Giá USD tại các ngân hàng hôm 17/4 vượt 25.440 đồng và lên ngang mức trần được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng 17/4 đứng ở mức 106,33 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm ngày 17/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.231 đồng/USD, tăng mạnh 90 đồng so với hôm 16/4. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.019 – 25.443 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 16/4 niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.392 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.100 – 25.440 đồng/USD.

Sáng 17/4 tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.520 đồng/USD và bán ra là 25.670 đồng/USD.

- Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc, Thái Lan tăng đột biến

3 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đáng chú ý, thị trường Hàn Quốc, Thái Lan có mức tăng đột biến.

Báo cáo nhanh của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 3 ước đạt gần 470 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế quý I/2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I.

Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.

Tiếp theo, thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Mỹ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%. Đặc biệt, thị trường Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng đột biến 112%.

image-2-.jpg

- IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngày 16/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF công bố dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng nhẹ do các nền kinh tế đã chứng tỏ được 'khả năng phục hồi đáng kinh ngạc' bất chấp áp lực từ lạm phát và các thay đổi trong chính sách tiền tệ.

Báo cáo của IMF, được hãng tin CNBC trích dẫn, đưa ra dự báo mức tăng trưởng toàn cầu 3,2% cho năm 2024, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với dự báo cũng do tổ chức này đưa ra trước đó. Tới năm 2025, IMF tính toán rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng với cùng tốc độ 3,2%.

Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một cuộc “hạ cánh nhẹ nhàng” trong khi những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng hiện đã được cân bằng.

Ông nhận định: “Bất chấp những dự đoán ảm đạm, nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi đáng kể, với tốc độ tăng trưởng ổn định và lạm phát chậm lại một cách nhanh chóng như khi nó gia tăng”.

Tăng trưởng dự kiến sẽ được dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, khu vực đồng Euro khi chính sách tài khóa nới lỏng hơn, lạm phát giảm và những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo được coi là động lực tăng trưởng tiềm năng.

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng tươi sáng, dự báo của IMF về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu giai đoạn 5 năm chỉ ở mức 3,1%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

- Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử

Ngày 17-4, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang tiến sát mức 120.000 đồng/kg, ở mức phổ biến khoảng 116.000 đồng/kg, cao hơn ngày hôm trước 1.500 – 1.600 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta trên sàn London cũng có phiên tăng giá, cao nhất ở mức 4.058 USD/tấn, vượt kỷ lục lịch sử năm 1994 là 4.040 USD/tấn, còn bình quân giao dịch là 4.005 USD/tấn ở kỳ giao hàng tháng 5 tới.

Hiện tại, giá cà phê trong nước quy đổi theo giá USD đã vượt mức 4.500 USD/tấn nên các doanh nghiệp gặp khó trong việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới. Các doanh nghiệp chủ yếu bán hàng đã trữ trong kho được mua từ những thời điểm trước đó.

Vào tháng 7 tới, cà phê Robusta (Conilon) của Brazil vào vụ thu hoạch, nguồn cung cà phê thế giới được bổ sung nên giá cà phê giao các kỳ hạn tháng 9 và tháng 11-2023 xuống còn khoảng 3.800 – 3.900 USD/tấn.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 18/4: Giá vàng: Vàng tăng bất chấp sự trở ngại từ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO