- Giá vàng: Vàng SJC giữ ngưỡng hơn 83 triệu đồng/lượng bán ra
Giá vàng hôm 17/11 ghi nhận mức giá ở ngưỡng hơn 83 triệu đồng/lượng bán ra của vàng SJC. Trên thế giới, vàng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ khi giao dịch quanh ngưỡng 2.563 USD/ounce.
Hiện tại, giá vàng miếng được các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 83,5 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng của hầu hết các thương hiệu đứng ngưỡng 80 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng chốt tuần giao dịch ở mức 2.562 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 12-2024 giao dịch ở mức 2.570 USD/ounce. Giá vàng tiếp tục giảm trong tuần này, chịu sức ép từ sự kết hợp mạnh mẽ của tâm lý hưng phấn sau bầu cử, động thái cứng rắn mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đồng đô la Mỹ tăng mạnh và môi trường địa chính trị tương đối yên tĩnh.
“Chỉ tính riêng tuần này, giá vàng đã giảm gần 5%, đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất trong gần ba năm. Từ mức đỉnh, kim loại này hiện đã mất hơn 250 USD hoặc khoảng 9%, khiến đây trở thành đợt giảm giá kéo dài nhất kể từ đầu tháng”, Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, lưu ý.
Tuy nhiên, theo Alex Kuptsikevich, đợt tăng giá gần đây của vàng kể từ tháng 10 năm ngoái cho thấy, ngay cả khi giá vàng giảm xuống 2.400 USD/ounce, đó cũng chỉ là sự điều chỉnh. Về mặt kỹ thuật, Kuptsikevich cho biết một tín hiệu giảm giá đáng kể đã xuất hiện trên biểu đồ hàng tuần.
Khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy tâm lý bi quan mạnh mẽ từ các chuyên gia trong ngành, trong khi các nhà giao dịch bán lẻ cũng ngày càng lo lắng về triển vọng ngắn hạn của kim loại màu vàng. David Morrison, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation, cho biết mặc dù bức tranh kỹ thuật trong ngắn hạn đã cải thiện phần nào, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định đáy.
- Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/11
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/11 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu QNS
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Dự phóng kết quả kinh doanh 2024F-2025Fcủa CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM) với doanh thu 2024F và 2025F lần lượt đạt 10.655 và 11.247 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6,3% và 5,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.354 tỷ đồng (tăng trưởng 7,8%) và 2.367 tỷ đồng (tăng trưởng 0,5%).
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với QNS, giá kỳ vọng 60.500 đồng/CP ở thời điểm cuối năm 2025 dựa trên phương pháp định giá DCF.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VHC
CTCK Bảo Việt (BVSC)
BVSC sử dụng ba phương pháp định giá là so sánh FCFF, FCFE, và SOTP. Với ba phương pháp định giá trên, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu là 86.896 đồng/CP đối với cổ phiếu của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE).
Mức giá đóng cửa của VHC tại ngày 14/11/2024 là 73.800 đồng/cp tương ứng với tiềm năng tăng trưởng 17,8%, vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM với VHC ở mức giá mục tiêu này. Yếu tố quan trọng cần theo dõi đối với VHC là chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Trump và biến động nguồn cung của các loại cá thịt trắng khác.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Quý III/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 6.365 tỷ đồng (tăng 4,1% so với quý trước, tăng 31,2% so với cùng kỳ; tổng thu nhập hoạt động đạt 7.238 tỷ đồng (tăng 1,2% so với quý trước, tăng 22,1% so với cùng kỳ). Chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh, đạt 1.199 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế đạt 2.752 tỷ đồng, tăng 2,4% so với quý trước và 32% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế của STB đạt 8.094 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Chi phí đầu vào (COF) của STB vẫn còn dư địa cải thiện nhờ lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp và tăng trưởng huy động vẫn ở mức cao cùng tỷ lệ LDR thuần đạt 93%, thấp hơn trung bình ngành giúp giảm áp lực về thanh khoản trong phần còn lại của năm. Tuy nhiên tỷ lệ CASA giảm (giảm 1.1ppts so với quý trước) cùng với rủi ro tỷ giá tiềm ẩn sẽ kìm hãm đà giảm của chi phí vốn.
Ở chiều ngược lại, lợi suất tài sản sinh lời sẽ khó có sự cải thiện dựa trên: (1) Nền kinh tế hồi phục chậm; (2) Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp niêm yết không ấn tượng cùng tỷ trọng nợ ngắn hạn ở mức cao cho thấy các doanh nghiệp đang có xu hướng vay ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động thay vì vay dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các yếu tố nêu trên là động lực hợp lý để hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì lãi suất cho vay thấp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế, làm hạn chế khả năng tăng lợi suất tài sản sinh lời của các ngân hàng.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 40.000 đồng/CP, cao hơn 23,1% so với giá tại ngày 14/11/2024.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
CTCP Nam Long (NLG – sàn HOSE) cho biết, doanh số bán hàng trong quý III/2024 đạt 845 tỷ đồng (giảm 44% so với quý trước,giảm 6% so với cùng kỳ), đến từ các dự án Southgate, Akari City, Cần Thơ và Mizuki Park. Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh số bán hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 đạt 3.523 tỷ đồng, hoàn thành 37% so với kế hoạch mà NLG đặt ra.
KBSV duy trì dự báo doanh số bán hàng năm 2024 đạt 5.128 tỷ đồng (tăng 28% so với năm trước), đến từ các dự án Akari City, Mizuki Park, Southgate và Cần Thơ. Doanh số bán hàng năm 2025 dự báo tăng 29%YoY đạt 6,600 tỷ VND, nhờ đóng góp từ mở bán giai đoạn tiếp theo của dự án Mizuki Park, Cần Thơ và khởi động lại dự án Izumi City.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của NLG năm 2024 đạt 522 tỷ đồng (tăng 8%) đóng góp chính bởi hai dự án Akari City và Cần Thơ (bắt đầu bàn giao từ quý IV/2024). Lợi nhuận sau thuế năm 2025 đạt 610 tỷ đồng (tăng 17%) đến từ dự án Akari City, Southgate và Cần Thơ.
Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với cổ phiếu Nam Long nhờ (1) Nền tảng cơ bản vững chắc với cơ cấu tài chính an toàn và (2) Các dự án căn hộ trung cấp/vừa túi tiền vẫn thu hút được người mua có nhu cầu ở thực. Giá cổ phiếu NLG hiện đang giao dịch ở mức P/B 2025fw là 1.45x, thấp hơn trung bình P/B 5 năm của NLG. Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với mức giá mục tiêu là 46.700 đồng/CP, cao hơn 21% so với giá đóng cửa ngày 14/11/2024.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu SAB
CTCK SSI
Chúng tôi đã tham gia cuộc họp kết quả kinh doanh quý III/2024 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB - sàn HOSE) và nhận thấy ban lãnh đạo khá lạc quan về triển vọng phục hồi, nhờ môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn và xu hướng mua sắm chuẩn bị Tết sẽ được ghi nhận trong quý IV/2024.
Mặc dù SAB có những yếu tố hỗ trợ tích cực trong ngắn hạn, khiến chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính và giá mục tiêu 1 năm lên 64.500 đồng/cổ phiếu (từ 61.000 đồng/cổ phiếu), tương đương tiềm năng tăng giá là 15%, nhưng chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị trung lập do chúng tôi cho rằng: (i) quy định tuân thủ nồng độ cồn khi lái xe trong Nghị định 100 vẫn sẽ hạn chế việc tiêu thụ bia rượu tại các hàng quán ăn, mặc dù thu nhập cải thiện; (ii) người tiêu dùng có thể trở lại mua hàng cận cao cấp do chi tiêu phục hồi; và (iii) lợi nhuận thấp hơn do đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến có hiệu lực vào năm 2026.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu TNH
CTCK SSI
Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH - sàn HOSE) ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2024 thấp hơn kỳ vọng, với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm còn 110 tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ) và 9 tỷ đồng (giảm 81%), do ảnh hưởng nghiêm trọng của bão lũ trong tháng 9; hoạt động tuyển dụng nhân công tại các khu công nghiệp lân cận chậm lại đã hạn chế lượng khách đến khám; và không có doanh thu từ bất động sản trong quý.
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 23.000 đồng/cổ phiếu (từ 25.100 đồng/cổ phiếu), và duy trì khuyến nghị trung lập đối với TNH, tương đương tiềm năng tăng giá là 11,1%.
- Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh
Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh sẽ được Vietcombank giải ngân cho các dự án thuộc 7 lĩnh vực gồm năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, công trình xanh...
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam đồng thời tuân thủ tự nguyện Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA).
- Hơn 170.000 tỷ đồng hoàn thuế trong 10 tháng
Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian qua xuất hiện nhiều vụ án lớn về gian lận hoàn thuế, đặc biệt 90% số thuế hoàn liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Để ngăn chặn gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế, cơ quan chức năng sẽ sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng với những quy định thắt chặt quản lý về hoàn thuế hoạt động xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thuế, dự toán thu ngân sách năm 2024, Quốc hội giao cho ngàn thuế thu nội địa 1.486.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10, ngành thuế đã thu được 1.446.000 tỷ đồng, đạt 97,5% kế hoạch và khoản thu này dàn đều trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) vượt dự toán khoảng 9%, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vượt trên 12% so với cùng kỳ.
Về chính sách hoàn thuế, Tổng cục Thuế cho biết đây là một trong những chính sách ưu đãi phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, tạo cho Việt Nam cơ hội trở thành nước sản xuất và chế biến xuất khẩu.
Tính đến hết tháng 10, trong tổng số thu 1.486.000 tỷ đồng năm nay, dự toán hoàn thuế là hơn 170 000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất lớn, trong đó 90% là hoàn cho hoạt động xuất khẩu.
- Bộ Y tế đề nghị áp thuế 40% với nước giải khát có đường
Bộ Y tế đề nghị mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt 40% đối với nước giải khát có đường, hoặc 30% sau khi tăng dần lên 40% theo lộ trình.
Đây là đề nghị của Bộ Y tế tại Tọa đàm cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng tiêu thụ, tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe cộng đồng và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc kiểm soát tiêu dùng do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/11.
Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, việc tiêu thụ nước giải khát có đường tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng.
Dẫn số liệu của Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít vào năm 2023, tức là tăng 420%. Tiêu thụ bình quân đầu người cũng có sự gia tăng mạnh mẽ, từ 18 lít/người vào năm 2009 lên 66 lít/người vào năm 2023 (tăng 350%).
Bộ Tài chính đề xuất mức thuế là 10% để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại nước giải khát có lượng đường thấp, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của đồ uống có đường.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đề nghị mức thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường, hoặc 30% sau khi tăng dần lên 40% theo lộ trình.