Điểm tin kinh doanh 17/11: Giá vàng giảm nhẹ khi đồng USD bật tăng trở lại

Việt Báo (Tổng hợp)| 17/11/2023 06:00

Ngân hàng đấu giá khoản nợ hơn 2.100 chỉ vàng SJC khách vay từ 20 năm trước; Giá xăng dầu: Mất phanh vì tồn kho lớn

vang-hoang-ha-1-1305-1243-1141-1241-884.jpg

- Giá vàng giảm nhẹ khi đồng USD bật tăng trở lại

Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng giảm vào phiên 15/11 do đồng USD mạnh hơn. Nhưng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn thành lộ trình nâng lãi suất đã đặt mức sàn cho giá vàng.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.960,49 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất một tuần trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1%, xuống mức 1.964,30 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD tăng 0,4% trong phiên này, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm phục hồi sau khi dữ liệu về doanh số bán lẻ (qua điều chỉnh) cho thấy mức tăng mạnh trong tháng 9/2023. Điều này làm giảm bớt sức hấp dẫn của vàng.

Giá vàng tăng gần 1% trong phiên trước đó, sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ không thay đổi trong tháng 10/2023. Giá sản xuất (PPI) của Mỹ cũng giảm mạnh nhất trong ba năm rưỡi vào tháng 10, dấu hiệu mới nhất cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ đang giảm bớt.

Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết: “Kết quả từ CPI và PPI rất tích cực và nó tiếp tục hỗ trợ giá vàng với kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm, làm tăng thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất”.

Theo công cụ theo dõi CME FedWatch, thị trường tin rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12 và hầu hết các nhà giao dịch đều nghiêng về kịch bản cắt giảm lãi suất từ tháng 5/2024.

Vàng được coi là công cụ phòng ngừa lạm phát và lãi suất tăng đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Các nhà đầu tư cũng xem xét dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ giảm trong tháng 10/023. Mặc dù kết quả này thấp hơn dự kiến, sau khi chứng kiến nhiều tháng tăng mạnh, nhưng nó cho thấy nhu cầu chậm lại có thể củng cố thêm kỳ vọng về việc tạm dừng tăng lãi suất của Fed.

Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 1,6% lên 23,45 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 20/10. Giá bạch kim tăng 1,1% lên mức 895,13 USD/ounce và giá palladium tăng 1,5% lên 1.032,45 USD/ounce. Cả hai kim loại này đều đang hướng tới phiên tăng thứ ba liên tiếp.

Tại Việt Nam, đầu giờ sáng 16/11, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,8 -70,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

- Ngân hàng đấu giá khoản nợ hơn 2.100 chỉ vàng SJC khách vay từ 20 năm trước

Ngân hàng rao bán toàn bộ khoản nợ của một khách hàng ở TP HCM là hơn 2.100 chỉ vàng SJC.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh TP HCM vừa rao bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của một khách hàng ở TP HCM. Đây là khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản theo 2 hợp đồng tín dụng được ký giữa khách hàng với Công ty Vàng bạc đá quý Agribank (sáp nhập nguyên trạng vào Agribank).

Khoản nợ có giá trị ghi sổ tạm tính đến ngày 13/7/2023 là hơn 2.100 chỉ vàng SJC (khoảng hơn 210 lượng vàng SJC), tương đương hơn 14,31 tỉ đồng theo tỉ giá vàng tạm tính 6,66 triệu đồng/chỉ.

Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 14/7/2023 cho đến khi khách hàng thanh toán hết nợ vay tại ngân hàng.

Được biết đây là khoản vay vàng của khách hàng tại Agribank từ năm 2004 và 2005 theo hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm là bất động sản ở TP HCM.

- Di Động Việt liên tục tăng trưởng doanh số

Doanh số quý III/2023 của hệ thống này đã tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước, khi mà kinh tế toàn cầu suy thoái, ảnh hưởng nghiệm trọng đến ngành bán lẻ công nghệ.

Trước đó, Di Động Việt đã là một trong những hệ thống có mức giá bán rất cạnh tranh và nhiều ưu đãi độc quyền hấp dẫn cho khách hàng. Đến khi các ông lớn khơi màu cuộc chiến giá rẻ, Di Động Việt tiếp tục khẳng định thế mạnh của mình là giá bán vốn đã rẻ sẵn, tập trung vào chuyển giao giá trị vượt trội cho khách hàng.

Điều này giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời nâng cao thị phần theo thời gian.

Theo đại diện Di Động Việt - bà Phùng Phương cho biết, hệ thống luôn luôn đặt trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trước, trong và sau khi mua hàng.

- Giá xăng dầu: Mất phanh vì tồn kho lớn

Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng lớn hơn dự kiến, lo ngại nhu cầu ở châu Á khiến Brent và WTI cùng nhau lao đốc.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 16/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 1,6 USD, tương đương 2%, xuống mức 76,66 USD/thùng. Còn dầu Brent giảm 1,29 USD, tương đương 1,6%, xuống mức 81,18 USD/thùng.

Các chuyên gia cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng lớn hơn dự kiến, sản lượng kỷ lục tại nhà sản xuất lớn nhất thế giới, lo ngại về nhu cầu ở châu Á là những yếu tố đẩy giá dầu lao dốc hơn 1,5% ở cuối phiên giao dịch ngày 15/11.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/11 đã tăng 3,6 triệu thùng lên 421,9 triệu thùng, gấp đôi so với kỳ vọng tăng 1,8 triệu thùng.

Dữ liệu từ EIA cũng cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đang giữ ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày đạt được trong tháng 10. Ngược với sự tăng trong dự trữ dầu, dự trữ xăng của Mỹ giảm bất ngờ 1,5 triệu thùng cho thấy nhu cầu mạnh mẽ. Tồn kho dầu diesel cũng 1,4 triệu thùng, nhiều hơn dự kiến của nhiều nhà phân tích.

Saudi Arabia có thể cắt giảm thêm sản lượng để tăng giá. Trong tháng, các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga đã nhấn mạnh tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 12.

Ngày 14/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cùng với OPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay, bất chấp dự báo tăng trưởng kinh tế chậm hơn tại nhiều nước lớn. Trong tháng 10, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm so với mức cao của tháng trước do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp.

- Các công ty Mỹ hướng tới mức tăng doanh thu hàng quý lớn nhất trong hơn 1 năm

Tổng doanh thu quý III/2023 của các doanh nghiệp Mỹ ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích được đưa ra vào ngày 1/10 là tăng 1,6%.

Các công ty Mỹ đang hướng tới mức tăng doanh thu hàng quý lớn nhất kể từ quý II/2022, sau khi nhiều công ty thuộc chỉ số S&P 500 vượt qua kỳ vọng của Phố Wall trong mùa báo cáo lợi nhuận đang diễn ra.

Dữ liệu từ tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG) cho thấy, với kết quả từ hầu hết các công ty thuộc S&P 500, tổng doanh thu quý III/2023 của các doanh nghiệp Mỹ ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích được đưa ra vào ngày 1/10 là tăng 1,6%.

LSEG cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 cao hơn dự kiến của các nhà phân tích lên tới 81,3%. Đây là số liệu cao nhất kể từ quý II/2021.

Các nhà phân tích đã hạ ước tính về doanh thu của các công ty thuộc S&P 500 trong quý IV/2023 xuống mức tăng 5,8% so với một năm trước, thấp hơn so với mức dự báo tăng 11% được đưa ra vào đầu quý này.

Trong mùa báo cáo lợi nhuận quý III, lĩnh vực công nghệ và dịch vụ truyền thông đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh cao hơn ước tính trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500.

Microsoft là một trong những công ty tên tuổi thuộc S&P 500 đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, vượt xa mong đợi trong quý III vừa qua, với hoạt động kinh doanh điện toán đám mây và máy tính cá nhân phát triển mạnh.

- Doanh nghiệp ngành kim cương lao đao vì thị trường ảm đạm

Các công ty lớn nhất trong ngành kim cương đang thực hiện “những bước đi ngày càng tuyệt vọng” trong bối cảnh giá giảm mạnh và nhu cầu tiêu dùng chậm lại.

Hãng tin Bloomberg cho biết, các công ty lớn nhất trong ngành kim cương đang thực hiện “những bước đi ngày càng tuyệt vọng” trong bối cảnh giá giảm mạnh và nhu cầu tiêu dùng chậm lại.

Ngành công nghiệp kim cương là một trong những ngành được hưởng lợi chính từ đại dịch COVID-19, khi doanh số bán đá quý tăng lên, nhưng nhu cầu về chúng lại giảm khi nền kinh tế phục hồi. Điều này là do khó khăn ở các thị trường tiêu thụ lớn nhất – Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp kim cương nhân tạo, “được nuôi dưỡng” trong phòng thí nghiệm. Giá bán buôn kim cương đã giảm 20% trong năm nay và giá kim cương thô thậm chí còn giảm tới 35%.

Bloomberg lấy ví dụ ở tập đoàn kim cương De Beers, tập đoàn thường tiếp thị kim cương thông qua hoạt động bán hàng được quản lý chặt chẽ - những người mua được lựa chọn cẩn thận đồng ý với các điều khoản hợp đồng do nhà sản xuất đưa ra hoặc có thể phải đối mặt với các khoản phạt.

Tuy nhiên, khi giá giảm, De Beers buộc phải ngày càng linh hoạt và kết quả là phải dỡ bỏ các hạn chế, cho phép người mua không chấp nhận các điều khoản được đề xuất mà không phải chịu hậu quả. De Beers từng kỳ vọng đạt doanh thu 400 -500 triệu USD, nhưng giao dịch gần đây chỉ đạt tổng cộng 80 triệu USD. Tập đoàn kim cương này bán được quá ít kim cương kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được công bố năm 2016.

Tập đoàn khai thác kim cương ALROSA của Nga đã ngừng hoàn toàn việc bán kim cương trong hai tháng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 17/11: Giá vàng giảm nhẹ khi đồng USD bật tăng trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO