- Vì sao giá vàng thế giới giảm, trong nước lại tăng?
Việc tỷ giá USD tăng khiến giá vàng giảm mạnh khi đo lường bằng đồng USD, tuy nhiên, tại thị trường trong nước, kim loại quý lại có chiều hướng ngược lại.
Sáng nay, giá vàng SJC trong nước được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 66,90 – 67,50 triệu đồng/lượng tại TP.HCM; 66,90 – 67,52 triệu đồng/lượng tại thị trường Hà Nội, Đà Nẵng. So với cùng giờ sáng hôm qua, thương hiệu vàng quốc gia đã được doanh nghiệp này điều chỉnh tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi lượng.
Tại DOJI, vàng SJC cũng niêm yết ở mức cao, 66,85 – 67,60 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu thậm chí lên tới 67,00 – 67,58 triệu đồng/lượng...
Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với thị trường thế giới. Trong phiên giao dịch đêm qua tại thị trường Mỹ, vàng giao ngay đã giảm thêm 6,3 USD mỗi ounce, chốt phiên tại 1.906,8 USD/ounce.
Sang đến sáng nay, kim loại quý tiếp tục đi xuống ở thị trường châu Á, hiện đang giao dịch quanh 1.905,7 USD/ounce.
Việc giá vàng trong nước đi ngược thị trường thế giới chủ yếu đến từ diễn biến tỷ giá USD. Trong khi vàng được định giá bằng USD giảm do sức mạnh đồng USD tăng thì nó sẽ trở nên đắt đỏ hơn nếu được định giá với các đồng tiền bị mất giá so với USD.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index đã tăng 0,35% trong phiên giao dịch 14/8 lên mức 103,05. Tại Việt Nam, tỷ giá cũng liên tục có xu hướng tăng những ngày gần đây.
Sáng nay NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.881 VND/USD, tăng tới 33 VND mỗi USD so với phiên hôm qua. Trong phiên đầu tuần, tỷ giá cũng đã tăng 11 đồng.
Việc đồng USD tăng giá đến từ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt của họ. Tuần trước, dữ liệu cho thấy CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Mỹ tăng vừa phải trong tháng Bảy. Nhưng vì giá sản xuất tăng nhẹ hơn dự kiến nên một số thành viên của Fed đang bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến chống lạm phát của họ vẫn chưa kết thúc và có thể là họ sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Thêm vào đó, dữ liệu kinh tế gần đây nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh mẽ và kiên cường và phần lớn đã khiến Cục Dự trữ Liên bang và các nhà kinh tế tin rằng không có khả năng xảy ra suy thoái. Từ viết tắt mới cho trò chơi kết thúc chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed không còn là “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm” mà là “không hạ cánh”.
Ý nghĩa đằng sau từ viết tắt này là tăng trưởng kinh tế quá mạnh để cho phép lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% của Fed một cách dễ dàng, cho thấy rằng Fed sẽ cần tăng lãi suất bổ sung để đảm bảo con đường thích hợp đến mục tiêu 2% của họ.
Tuy nhiên, theo công cụ FedWatch của CME, điều đó sẽ không xảy ra tại cuộc họp FOMC vào tháng tới với xác suất 88,5% rằng Fed sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại trong khoảng từ 5,25% đến 5,5%. Các nhà đầu tư đang chờ đợi sự kiện quan trọng tiếp theo là việc công bố biên bản cuộc họp FOMC tháng trước vào thứ Tư.
- Thị trường phân hóa, VN-Index giảm nhẹ gần 3 điểm
Toàn sàn HoSE có 232 mã tăng giá, 78 mã đứng giá tham chiếu và 221 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức khá thấp, đạt 17.708 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng nghiêng nhiều về sắc đỏ. Trong đó, BID giảm 1,26%, STB giảm 1,25%, EIB giảm 1,2%, OCB giảm 2,01%, MSB giảm 2,08%. Trong số ít mã ghi nhận sắc xanh, tăng đáng kể nhất là TPB khi có thêm 1,88% giá trị.
Cổ phiếu chứng khoán trong tình cảnh tương tự khi SSI giảm 1,54%, VND giảm 1,4%, VCI giảm 1,26%, HCM giảm 1,63%.
Ở nhóm bất động sản, tình trạng chung cũng là phân hóa. Theo đó, VIC giảm mạnh 3,55%, BCM giảm 0,41%, NVL giảm 2,35%, KDH giảm 1,37%, TCH giảm 3,32%, PDR giảm 1,75% trong khi VHM tăng 0,82%, VRE tăng 3,3%, LGC tăng 1,16%, ITA tăng kịch trần.
Trái lại, nhóm sản xuất lại nghiêng nhiều về sắc xanh: HPG giảm 0,71%, VNM giảm 0,82%, SAB giảm 0,44%, GVR giảm 0,46% nhưng MSN tăng 0,24%, DGC tăng 4,09%, DPM tăng 1,22%, DHG tăng 3,36%, HSG tăng 2,49%, SBT tăng 1,56%.
Cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ cũng đều phân hóa: GAS giảm 0,2%, PLX giảm 0,49%, PGV giảm 0,67% nhưng POW tăng 1,09%; VJC tăng 1,7% trong khi HVN mất 0,37% giá trị; FRT tăng 0,13%, còn PNJ giảm 0,5% và MWG giảm 0,37%.
Toàn sàn HoSE có 232 mã tăng giá, 78 mã đứng giá tham chiếu và 221 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức khá thấp, đạt 17.708 tỷ đồng.
- VinFast và Black Spade Acquisition Co hoàn tất hợp nhất kinh doanh
Cổ phiếu phổ thông và Chứng quyền của VinFast sẽ bắt đầu giao dịch trên Nasdaq từ ngày 15/08/2023 với Mã giao dịch lần lượt là “VFS” và “VFSWW”
VinFast Auto Pte. Ltd. (“VinFast”) và Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) (“Black Spade”) công bố hoàn tất giao dịch hợp nhất kinh doanh đã được thông báo trước đó. Công ty niêm yết sau sáp nhập có tên là VinFast Auto Ltd. Cổ phiếu và chứng quyền của công ty này sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC. (“Nasdaq”) từ ngày 15/08/2023, với các mã niêm yết lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.
Thông báo về việc hoàn thành hợp nhất kinh doanh được đưa ra sau khi các cổ đông của Black Spade bỏ phiếu chấp thuận giao dịch vào ngày 10 tháng 8 năm 2023. Sau hợp nhất, Black Spade trở thành công ty con thuộc sở hữu của VinFast Auto Ltd., và được dự kiến sẽ rút niêm yết khỏi sàn giao dịch NYSE American LLC.
VinFast cũng đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng. Công ty có giá trị vốn hoá hơn 23 tỷ USD, hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. (“VinFast”) với mã giao dịch “VFS”.
Sự kiện rung chuông trên Nasdaq Stock LLC (“Nasdaq”) diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co (“Black Spade”) ngày 14 tháng 8 năm 2023.
Dẫn dắt công ty sau niêm yết vẫn là Tổng Giám đốc Toàn cầu Lê Thị Thu Thủy. Bà sẽ được hỗ trợ bởi đội ngũ quản lý cấp cao giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Đại diện Black Spade sẽ đóng vai trò tư vấn cho sự phát triển toàn cầu của thương hiệu VinFast và hỗ trợ thu hút nhà đầu tư.
Chia sẻ về cột mốc quan trọng này, Bà Lê Thị Thu Thuỷ cho biết: “Việc VinFast niêm yết thành công sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phổ cập xe điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường tới đông đảo người tiêu dùng, thực hiện cam kết của chúng tôi trong cuộc cách mạng di chuyển bền vững trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, sự kiện còn mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới và hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới”.
- Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 600 tỷ đồng trong phiên điều chỉnh giảm ngày 15/8
Nhà đầu tư ngoại giao dịch không mấy tích cực khi duy trì trạng thái bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng, trong đó tâm điểm xả bán là bộ 3 cổ phiếu bluechip gồm VPB, VIC và MSN.
Trên sàn giao dịch HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 40,87 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.072,41 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 12,6% về giá trị so với phiên hôm qua (ngày 14/8).
Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 52,04 triệu đơn vị, giá trị 1.606,05 tỷ đồng, giảm 28,22% về khối lượng và 26,46% về giá trị so với phiên trước.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,17 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 533,64 tỷ đồng, giảm 60,89% về lượng và 44,23% về giá trị so với phiên trước đó.
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu CTG được mua ròng mạnh nhất với giá trị đạt 77,81 tỷ đồng, tương đương khối lượng đạt 2,41 triệu đơn vị. Tuy nhiên, dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng là HSG đạt 2,98 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt hơn 60,4 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VPB bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng hơn 6,06 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 132,34 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi lớn, gồm VIC bị bán ròng 107,95 tỷ đồng (1,5 triệu đơn vị) và MSN bị bán ròng 85,27 tỷ đồng (1,03 triệu đơn vị).
Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua vào 974.720 đơn vị, giá trị đạt 24,96 tỷ đồng, tăng 89,27% về lượng và 62,08% về giá trị so với phiên trước đó.
Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 2,01 triệu đơn vị, giá trị đạt 44,13 tỷ đồng, tăng 10,23% về lượng và nhích nhẹ về giá trị so với phiên trước.
Do đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,03 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 19,17 tỷ đồng, giảm 20,96% về lượng và 32,3% về giá trị so với phiên trước đó.
Phiên hôm nay, cổ phiếu BVS được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với khối lượng đạt 364.800 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 9,79 tỷ đồng.
Các mã được mua ròng mạnh khác là IDC đạt 3,08 tỷ đồng, TIG đạt 2,69 tỷ đồng, PVI đạt hơn 1 tỷ đồng…
Ngược lại, cổ phiếu TNG bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng đạt 874.400 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 17,42 tỷ đồng.
Tiếp theo đó, DTD bị bán ròng 8,7 tỷ đồng, CEO bị bán ròng 3,25 tỷ đồng, NVB và SHS cùng bị bán ròng hơn 2 tỷ đồng…
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào 425.900 đơn vị, giá trị đạt 17,83 tỷ đồng, giảm 38,92% về lượng và 17,83% về giá trị so với phiên trước đó.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ra 558.310 đơn vị, giá trị 22,12 tỷ đồng, tăng 51,97% về khối lượng và 84,49% về giá trị so với phiên trước.
Do đó, phiên này khối ngoại đã quay ra bán ròng 132.410 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 4,29 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó mua ròng 329.930 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 9,71 tỷ đồng.
Hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất QNS với khối lượng đạt 145.500 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 7,15 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí tiếp theo là VGG được mua ròng 2,67 tỷ đồng và VTP được mua ròng 1,62 tỷ đồng.
Trái lại, khối này vẫn bán ròng mạnh nhất cổ phiếu LTG với khối lượng đạt 146.200 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 5,62 tỷ đồng. Tiếp đó, ACV bị bán ròng 5,05 tỷ đồng và VEA bị bán ròng 4,81 tỷ đồng.
Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 15/8, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 12,33 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 557,1 tỷ đồng, giảm 58,26% về lượng và 42,89% về giá trị so với phiên đầu tuần ngày 14/8 (bán ròng 975,42 tỷ đồng).