Điểm tin kinh doanh 16/6: Giá vàng nhẫn giảm sâu, có loại mất mốc 56 triệu đồng

Việt Báo (Tổng hợp)| 16/06/2023 06:00

Chứng khoán: Thanh khoản đột ngột giảm mạnh; Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% từ 1/7/2023 đến 31/12/2023

38-chung-khoan.jpg

- Giá vàng nhẫn giảm sâu, có loại mất mốc 56 triệu đồng

Giá vàng nhẫn hôm 15/6 giảm khá mạnh, có thương hiệu đã mất mốc 56 triệu đồng/lượng (bán ra). So với mức đỉnh được lập cách đây đúng 1 tháng, giá vàng nhẫn đã "bốc hơi" tới hơn 1 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên hôm 15/6, giá vàng nhẫn 9999 loại 1-5 chỉ được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 55,45-56,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên hôm 14/6.

Vàng nhẫn 9999 loại 0,5 chỉ được SJC mua - bán ở mức giá 55,45-56,5 triệu đồng/lượng, cũng giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều so với chốt phiên hôm 14/6.

Còn so với mức đỉnh đạt được vào ngày 15/5, giá vàng nhẫn 9999 của SJC hôm 15/6 đã "bốc hơi" tới 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,15 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tương tự, giá vàng nhẫn tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji hôm nay cũng lao dốc, mất mốc 56 triệu đồng/lượng (bán ra).

Vàng nhẫn tròn trơn của Doji tại Hà Nội vào chiều 15/6 được giao dịch ở mức giá 54,9-55,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm 14/6.

So với mức đỉnh đạt được cách đây 1 tháng (tức ngày 15/5), giá vàng nhẫn Doji hôm nay đã mất tới 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng nhẫn của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hôm nay đi xuống. Vàng nhẫn PNJ được mua - bán tại TP.HCM vào chiều 15/6 ở mức 55,5-56,6 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.

So với mức đỉnh được lập vào ngày 15/5, giá vàng nhẫn tại PNJ vào hôm 15/6 đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua và bán ra.

Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng nhẫn hiện dao động trong khoảng 950 nghìn đồng/lượng đến 1,1 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước hôm 15/6 ít biến động.

Chốt phiên, giá vàng miếng của SJC không đổi so với kết phiên hôm 4/6. Giá vàng miếng của Doji tại Hà Nội tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra trong khi giá vàng miếng của Doji tại TP.HCM giữ nguyên so với kết phiên hôm 14/6.

- ECB nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, ngày 15/6, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp, đồng thời phát đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo quyết định mới nhất, được đưa ra trong cuộc họp ngày 15/6, ECB tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 2,5% - mức cao nhất trong 22 năm. Như vậy, trong vòng 1 năm vừa qua, ECB đã nâng lãi suất cho vay tổng cộng thêm 4 điểm phần trăm, tốc độ tăng nhanh kỷ lục.

Thông báo của ECB nêu rõ: “Các quyết định trong tương lai của Hội đồng điều hành sẽ đảm bảo rằng lãi suất chỉ đạo của ECB được tăng đến các mức đủ để kiềm chế lạm phát trung hạn về đúng mục tiêu 2%”.

Với mức 6,1% hiện nay, lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thấp hơn nhiều so với mức 2 chữ số vào thời điểm mùa thu năm ngoái, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2%. Dự báo từ nay tới cuối năm, việc kinh tế suy giảm sẽ giúp giảm nhanh chóng tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện vẫn đang siết chặt, mức tăng trưởng lương cơ bản nhanh, và sức ép giá cả, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, dường như vẫn rất cao.

Cũng trong ngày 15/6, ECB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm nay và năm 2024 - 2025, do lạm phát cao. Cụ thể, kinh tế Eurozone được dự báo tăng trưởng 0,9% năm 2023 trước khi tăng lên 1,5% trong năm 2024 và 2025. Hồi tháng 3, mức tăng trưởng mà ECB dự báo cho năm 2023 là 1%, của năm 2024 và 2025 là 1,6%. Trong dự báo mới nhất, tỷ lệ lạm phát được dự báo cho năm nay và 2 năm tiếp theo lần lượt ở mức 5,4%, 3% và 2,2%, tăng nhẹ so với các dự báo đưa ra hồi tháng 3.

- Chứng khoán ngày 15/6: Thanh khoản đột ngột giảm mạnh

Ngay khi mở cửa phiên sáng 15/6, các chỉ số chứng khoán trong nước biến động nhẹ, chủ yếu trong biên độ nhỏ hơn 1 điểm. Đến phiên chiều, tình hình vẫn không có nhiều khả quan, thanh khoản sụt giảm mạnh và các chỉ số chỉ tăng, giảm rất ít khi hết phiên giao dịch.

Thanh khoản phiên này có sự sụt giảm đáng kể khi chỉ có gần 717 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương giá trị 13.265 tỷ đồng, giảm lần lượt 22,8% và 22,6% so với phiên 14/6. Đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất của HoSE kể từ ngày 26/5.

Diễn biến tương tự ở 2 sàn HNX và UPCoM khi cả 2 chỉ số này đều phục hồi vào cuối phiên, trong đó HNX tăng nhẹ 0,62 điểm lên 229,53 điểm, UPCoM giảm 0,27 điểm về 84,55 điểm. Thanh khoản 2 sàn đạt lần lượt 1.611 tỷ đồng và 676,6 tỷ đồng, giảm tương đối so với phiên hôm qua.

Nhóm VN30 diễn biến tiêu cực so với thị trường chung khi giảm 2.03 điểm (-0.18%). Dẫn đầu đà giảm là SAB (-1,9%) và POW (-1.45%), bên cạnh một số cái tên đáng chú ý khác như VNM (-1.2%), MSN (-1.2%) hay VRE (-1.1%). Ở chiều ngược lại, GAS (2.1%), PDR (2.1%) và SSI (1.18%) là những cổ phiếu tăng điểm tốt nhất trong phiên hôm nay. NVL cũng có cho mình mức tăng 0,3% với thanh khoản 32,8 triệu cổ phiếu, đứng thứ 2 toàn sàn sau VND với 34,1 triệu cổ phiếu được sang tay.

Tương tự là nhóm bất động sản, nhiều cổ phiếu từng tăng mạnh vào đầu tháng 6 nay chuyển sang giảm sàn như QCG, TDH, LGL, đáng chú ý, QCG giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp sau 13 phiên tăng kịch biên độ. Nhiều mã giảm điểm khác là API (-2,7%), KHG (-2,1%), TCH (-1,6%), DXG (-1,4%)… Ở chiều ngược lại, bên cạnh PDR đã nói ở trên, cũng có nhiều cổ phiếu tăng điểm đáng kể khác như DXS (4,8%), IJC (1,7%), DRH (1,7%)…

Nhóm cổ phiếu "vua" cũng có một phiên giao dịch đáng quên với chỉ 6 mã tăng điểm, tuy nhiên đều với biên độ thấp như VCB (0,9%), CTG (1%), TCB (0,2%), MSB (0,4%). Ở chiều ngược lại, có tới 16 mã giảm điểm với 10 mã giảm trên 1%, đơn cử như LPB (-1,3%), EIB (-1,7%), NVB (-1,9%).

Nhóm cổ phiếu tăng điểm ấn tượng nhất toàn thị trường chính là nhóm dầu khí. Cụ thể, PVB và PVS tăng 9,6% và 8.20% là những cổ phiếu có mức tăng mạnh mẽ nhất. Theo sau đó còn có một số cái tên khác như PVC (4.6%), PVD (4.30%) hay BSR (1,2%). Tương tự là nhóm chứng khoán với nhiều mã lớn tăng điểm tích cực như VND (2,1%), SSI (1,2%), HCM (1%), SHS (0,8%), VIX (0,5%).

Chốt phiên giao dịch ngày 15/6, VN-Index giảm 0,45 điểm xuống 1.169,97 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 717 triệu đơn vị, tương ứng hơn 13.265,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 151 mã tăng giá, 161 mã giảm giá và 51 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,62 điểm lên 229,53 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 91,3 triệu đơn vị, tương ứng 1.611,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 66 mã tăng giá, 125 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,27 điểm xuống 84,55 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 55,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 876,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã tăng giá, 174 mã giảm giá và 63 mã đứng giá.

Khối ngoại mua ròng cũng là điểm sáng trong phiên giao dịch hôm nay. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 397,78 tỷ đồng trên HOSE; 12,84 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 27,68 tỷ đồng trên UPCOM. Các mã được mua ròng mạnh nhất là HPG, đạt hơn 130 tỷ đồng, tiếp đến VND được mua ròng hơn 111 tỷ đồng.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, hóa chất… diễn biến tiêu cực với số mã giảm giá chiếm ưu thế. Tuy nhiên, mức giảm không lớn và đây cũng là nguyên nhân các chỉ số chứng khoán Việt Nam chỉ giảm điểm nhẹ, mặc dù sắc đỏ ngập tràn.

- Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% từ 1/7/2023 đến 31/12/2023

Việc giảm thuế GTGT nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chưa đạt kịch bản đề ra; một số ngành công nghiệp chủ lực và nhiều địa phương công nghiệp trọng điểm suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm; nguy cơ suy thoái, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới gia tăng. Nước ta tiếp tục gặp khó khăn, thách thức rất lớn, nhất là do những tác động, ảnh hưởng lớn của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài cũng như những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.

Để góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động, Chính phủ đã có Tờ trình số 224/TTr-CP ngày 15/5/2023 báo cáo Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Việc giảm thuế GTGT nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế.

- AI tạo sinh có thể mang lại 4,4 tỉ USD giá trị cho nền kinh tế toàn cầu hàng năm

Con số trên được công bố trong báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey. Nó là câu trả lời cho cuộc tranh luận về tác động tiềm ẩn của các chatbot AI đối với lao động và nền kinh tế.

Báo cáo dài 68 trang từ Viện toàn cầu McKinsey cho rằng công nghệ AI tạo sinh sẽ bổ sung thêm 4,4 tỉ USD giá trị cho nền kinh tế toàn cầu hàng năm.

AI tạo sinh, bao gồm các chatbot như ChatGPT có thể tạo văn bản theo yêu cầu, giúp tăng năng suất bằng cách tiết kiệm 60% đến 70% thời gian của người lao động thông qua tự động hóa công việc của họ. Một nửa số công việc sẽ được tự động hóa từ năm 2030 đến năm 2060, báo cáo cho biết.

McKinsey trước đây đã dự đoán rằng AI sẽ tự động hóa 50% số công việc từ năm 2035 đến năm 2075, nhưng sức mạnh của các công cụ AI tạo sinh - bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ vào cuối năm ngoái - đã đẩy nhanh dự báo của công ty.

Báo cáo cho biết: “AI tạo sinh có khả năng thay đổi cấu trúc công việc, nâng cao khả năng của từng người lao động bằng cách tự động hóa một số hoạt động cá nhân của họ”.

Báo cáo của McKinsey là một trong số ít tài liệu cho đến nay định lượng được tác động lâu dài của AI đối với nền kinh tế. Báo cáo được đưa ra khi Thung lũng Silicon đang "cuồng nhiệt" đối với các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT và Bard của Google. Các công ty công nghệ và nhà đầu tư mạo hiểm đang đổ hàng tỉ USD vào công nghệ mới này.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 16/6: Giá vàng nhẫn giảm sâu, có loại mất mốc 56 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO