Điểm tin kinh doanh 16/11: Giá vàng 9999 tăng gần nửa triệu đồng

Việt Báo (Tổng hợp)| 16/11/2023 06:00

Trung Quốc: Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip tăng hơn 90% so với cùng kỳ 2023; Người Việt chi bao tiền để uống cà phê?

vang-nhan-hoang-ha-1-1378-1194-996-940.jpg

- Giá vàng 9999 tăng gần nửa triệu đồng

Dù giá vàng 9999 tăng gần nửa triệu đồng sau hai phiên liên tiếp leo dốc song vẫn chưa thấp tháp gì so với bước nhảy cóc mạnh mẽ của giá vàng quốc tế hôm 15/11.

Đầu giờ chiều ngày 15/11, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn được cộng thêm 200.000 đồng ở cả hai chiều, nâng giá mua – bán lên 69,75 – 70,55 triệu đồng/lượng.

Tại hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng Mi Hồng, vàng miếng SJC còn được điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng ở chiều mua và 300.000 đồng ở chiều bán ra, niêm yết giá mua – bán ở mức 69,8 – 70,4 triệu đồng/lượng.

Tương tự, tiếp nối đà tăng của phiên hôm 14/11, giá vàng 9999 loại nhẫn tròn trơn hôm nay được các doanh nghiệp kinh doanh vàng tăng thêm khoảng 250.000 đồng/lượng, có mức giá bán mua phổ biến 58,75 – 58,8 triệu đồng/lượng, giá bán ra khoảng 59,95 triệu đồng/lượng.

Để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh giá vàng tăng nóng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nới rộng chênh lệch giá mua – bán lên đến 1,2 triệu đồng/lượng. Trong khi khoảng cách này tuần trước chỉ khoảng 700.000 – 800.000 đồng/lượng. Sau hai ngày liên tiếp leo dốc, mỗi lượng vàng nhẫn 9999 được cộng thêm gần nửa triệu đồng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch tại ngưỡng 1.967 USD/ounce, tương đương 58 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí), đắt hơn 25 USD/ounce so với giá thấp nhất trong phiên (tăng gần 750.000 đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi).

Tốc độ tăng giá của kim loại quý trên thị trường thế giới gần như cao gấp đôi biên độ tăng của giá vàng trong nước. Điều này khiến cho chênh lệch giữa vàng quốc tế và vàng 9999 trong nước thu hẹp về khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới thăng hoa do chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh tuột khỏi mốc 105 điểm, xuống còn 104,2 điểm – thấp nhất kể từ đầu tháng 9.

- Người Việt chi bao tiền để uống cà phê?

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết tiêu thụ cà phê nội địa đã có những bước phát triển mạnh trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ phát triển bình quân gần 4%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022.

Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg cà phê năm 2015 lên 2,2kg trong năm 2022. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm.

Ông Hải cho biết, theo báo cáo thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam do iPOS thực hiện, đến hết năm 2022, Việt Nam có 338.600 nhà hàng, quán cà phê. Giai đoạn 2016-2022 với tốc độ tăng hàng năm khoảng 2%.

Đáng chú ý, so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thị trường đã có thêm 18.000 nhà hàng, quán cà phê mới.

TP.HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều nhà hàng, quán cà phê nhất, chiếm gần 40% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội. Quy mô doanh thu ngành F&B Việt Nam trong 2022 ước tính đạt gần 610.000 tỉ đồng.

Về nhu cầu đi cà phê của người Việt, kết quả khảo sát cho thấy nam giới có xu hướng đi cà phê mỗi ngày nhiều hơn so với nữ giới.

Khoảng 13% nam giới tham gia khảo sát, cho biết họ ngồi quán cà phê mỗi ngày, trong khi tỷ lệ nữ lui đến các quán cà phê mỗi ngày chỉ nhỉnh hơn một nửa so với con số đó, khoảng 7%. Nếu lấy tần suất theo tuần làm thang đo, thì mức độ đi quán cà phê của nam giới trong tuần cũng thường xuyên hơn so với nữ.

TP.HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều nhà hàng, quán cà phê nhất, chiếm gần 40% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chi phí người Việt thường dành để đi uống cà phê từ 41.000 - 70.000 đồng/lần.

Cụ thể, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng trở lên cho mỗi lần đi quán cà phê.

- Viettel ra mắt hệ gói cước FTTH VIP cho doanh nghiệp

Viettel vừa tung ra hệ gói cước Internet cáp quang mới có tên VIP cho các doanh nghiệp với giá cước tiết kiệm, ưu tiên chăm sóc xử lý sự cố trong 3 giờ...

Theo đó Viettel tung ra thị trường 3 gói cước FTTH mới: VIP200, VIP500, và VIP600. Điểm nổi bật của các gói cước VIP mới này là Viettel cam kết băng thông quốc tế tối thiểu giúp đường truyền được ưu tiên định tuyến và ổn định hơn với các gói cước khác.

Đặc biệt với mức giá chỉ từ 800.000 đồng/tháng, doanh nghiệp được sử dụng đường truyền tốc độ cao từ 200 đến 600 Mbps, trang bị kèm theo thiết bị Modem công nghệ Wi-Fi 6 mới nhất giúp kết nối ổn định cùng lúc tới 100 thiết bị.

Ngoài mức giá và tốc độ hấp dẫn, hệ gói cước VIP còn cung cấp địa chỉ IP tĩnh cho phép nhân viên dễ dàng kết nối VPN làm việc từ xa, chủ doanh nghiệp cũng dễ dàng giám sát camera, kết hợp với các tính năng cao cấp khác như hỗ trợ 2 cổng WAN để backup đường truyền và Wi-Fi marketing.

Trước đó, tháng 11/2022, Viettel đã cho ra mắt dải gói cước FTTH mới nhân đôi tốc độ, đồng thời nâng băng thông cho khách hàng cũ lên tới 1,5 lần với giá không đổi.

- Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia

Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2023/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất gỗ tròn gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào, Campuchia.

Theo quy định của Thông tư số 21/2023/TT-BCT nêu trên, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên thuộc nhóm HS 44.03 và 44.07 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thông tư này áp dụng cho thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia.

- Trung Quốc: Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip tăng hơn 90% so với cùng kỳ 2023

Nhập khẩu thiết bị tăng cho thấy khả năng sản xuất chip của Trung Quốc đang được cải thiện khi nguồn cung chip từ bên ngoài vào nước này bị ảnh hưởng bởi biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ.

Nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn (chip) của Trung Quốc, trong tháng 10/2023, đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy khả năng sản xuất chip của cường quốc lớn thứ hai thế giới đang được cải thiện, trong bối cảnh nguồn cung chip từ bên ngoài vào Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các các biện pháp kiểm soát thương mại do Mỹ và các đồng minh áp dụng.

Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu máy móc và thiết bị dùng để sản xuất chất bán dẫn hoặc các bộ vi mạch tích hợp đã tăng 93% trong vòng ba tháng, tính đến hết tháng 9, lên 63,4 tỷ nhân dân tệ (8,7 tỷ USD).

Đáng chú ý nhập khẩu thiết bị in thạch bản, hay còn được gọi là quang khắc - một phần quan trọng trong quy trình tạo ra các bảng mẫu mạch ở quy mô nanomet, đã tăng gấp bốn lần trong cùng thời điểm. Phần lớn sản phẩm này được nhập khẩu từ Công ty ASML của Hà Lan. Đây là nhà cung cấp chủ yếu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất của thế giới.

Trong quý 3, Trung Quốc chiếm tới 46% doanh số bán hàng của ASML, một tỷ trọng lớn hơn nhiều so với mức 14% vào năm 2022.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 16/11: Giá vàng 9999 tăng gần nửa triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO