- Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/2
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/2 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2
CTCK Phú Hưng (PHS)
Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh trong năm 2024 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2 – sàn HOSE) sẽ có cải thiện đáng kể sau một năm 2023 đầy khó khăn. Theo đó, Doanh thu thuần có thể tăng trưởng trở lại và đạt 7.665 tỷ đồng (tăng 21% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế cũng có sự phục hồi về mức 640 tỷ đồng (tăng trưởng 29%).
Chúng tôi cho rằng, biên lợi nhuận gộp của NT2 tiếp tục chịu nhiều áp lực khi gặp phải sự cạnh tranh từ nhiệt điện than có giá rẻ (nhờ chi phí đầu vào đã giảm mạnh) và sự trở lại mạnh mẽ của thủy điện từ giữa năm 2024, thời điểm dự báo kết thúc pha El Nino và bước vào pha trung tính. Tuy nhiên, xét đến việc thủy điện vẫn tiếp tục gặp bất lợi do El Nino trong nửa đầu 2024, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá điện (CGM), chúng tôi kỳ vọng Biên lợi nhuận gộp và Biên lợi nhuận ròng sẽ phục hồi nhẹ và ổn định ở mức 11% và 8% trong cả năm.
Điểm nhấn đầu tư: (1) Doanh thu và Lợi nhuận có thể phục hồi tốt trong năm 2024 nhờ sản lượng điện phục hồi đáng kể (tăng trưởng 21%) so với mức thấp của 2023, trong khi giá bán điện trung bình cả năm có thể giảm nhẹ (giảm 1%). Theo đó, chúng tôi dự báo tổng sản lượng sẽ đạt khoảng 3.501 triệu kWh trong năm 2024.
(2) NT2 có Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn duy trì ở mức cao và bền vững, cho phép công ty tiếp tục xu hướng giảm nợ vay và chi trả cổ tức ở mức cao trong tương lai.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý cho NT2 là 32.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 27%.
Rủi ro: (1) Biến động bất lợi của giá khí tự nhiên; (2) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của Chính phủ.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VIB
CTCK Phú Hưng (PHS)
Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE) đạt 8.562 tỷ đồng (tăng 1,1% so với năm trước). NIM của VIB giảm nhẹ 2 bps so với cuối năm 2022 còn 4,75%. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 của VIB đạt 14,2%. Sự tăng trưởng ở mảng dịch vụ thanh toán, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối, và hoạt động kinh doanh thu hồi nợ là động lực chính cho tăng trưởng 55% thu nhập ngoài lãi.
Điểm nhấn đầu tư: Ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng nhờ mở rộng các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cho vay mua ô tô của VIB dẫn đầu thị trường với thị phần 12% toàn thị trường, trong khi mảng Cho vay mua nhà có tăng trưởng cao nhất thị trường (45% vào năm 2018, 46% vào năm 2019, 41% vào năm 2020, 25% vào năm 2021, 29% vào năm 2022, 6,3% vào năm 2023). Do đó, tăng trưởng tín dụng của VIB đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với CAGR 19% trong giai đoạn 2019-2023.
Khả năng cải thiện NIM (Biên lãi thuần) được hỗ trợ bởi chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số. NIM của VIB tăng từ 2.9% vào năm 2016 lên 4,75% vào năm 2023, thuộc top những ngân hàng có NIM cao nhất.
Chúng tôi dự phóng tăng trưởng tín dụng của VIB năm 2024 đạt 18,9% nhờ hoạt động kinh tế Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc trong năm 2024. Nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng tốt, chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng nhẹ trong khi lãi suất huy động tăng chậm hơn, chúng tôi dự phóng NIM năm 2024 đạt 4,85%.
Chúng tôi kỳ vọng áp lực nợ xấu sẽ gia tăng do khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu và sự ảnh của những khó khăn năm 2023, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng nợ xấu. Qua đó, chúng tôi dự phóng tỷ lệ nợ xấu năm 2024 đạt 3,59% và chi phí trích lập dự phòng năm 2024 của VIB là 5.287 tỷ đồng (tăng trưởng 9%). Do đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của VIB năm 2024 là 9.843 tỷ đồng (tăng trưởng 15%).
Bằng phương pháp định giá Residual Income và P/B, chúng tôi khuyến nghị mua đối với VIB ở mức 27.000 đồng/cổ phiếu, cho thấy tiềm năng tăng giá 27% so với giá hiện tại.
Rủi ro: (1) Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất trong ngành, và việc gia tăng mạnh nợ cần chú ý, sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2023; (2) Rủi ro lạm phát cao ảnh hưởng đến cho vay bán lẻ.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
CTCK Vietcombank (VCBS)
Luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động, gồm Thế giới di động và Điện máy xanh: Doanh thu hai chuỗi này được dự báo phục hồi chậm ở mức 1 con số, đạt 89.767 tỷ đồng (tăng 7% so với năm trước) trong năm 2024 trên cơ sở (1) kinh tế phục hồi, (2) các chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho tiêu dùng trong nước và, (3) hàng tồn kho đối với các sản phẩm ICT đã về mức thấp.
Chúng tôi cũng kỳ vọng biên lợi nhuận cho mảng ICT sẽ duy trì mức tương đương quý IV/2023 (khoảng 2,8%) khi cuộc chiến giá bớt khốc liệt.
Bách Hóa Xanh: Việc Bách Hóa Xanh hòa vốn trong tháng 12/2023 đã đưa MWG sang một bước phát triển mới. Chúng tôi cho rằng doanh thu Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 nhờ tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ và mở mới một cách chọn lọc. Với giả định doanh thu thuần Bách Hóa Xanh đạt 36.700 tỷ trong 2024 (tăng trưởng 18%) và MWG tiếp tục cắt giảm chi phí, chúng tôi kì vọng Bách Hóa Xanh có thể đem về lãi ròng 300 – 400 tỷ trong 2024.
Rủi ro đầu tư: Sức mua hồi phục chậm hơn dự kiến đối với mảng ICT, cạnh tranh giá tiếp tục gay gắt; Bách hóa xanh không tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ như kì vọng (<15%).
Chúng tôi khuyến nghị mua MWG với giá mục tiêu 56.100 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 35x dựa trên triển vọng tích cực của việc hòa vốn Bách Hóa Xanh và sự hồi phục của mảng điện máy trong năm tới.
- Nhiều nền kinh tế lớn và doanh nghiệp lớn tham gia cuộc đua rót vốn vào AI
Chính phủ Vương quốc Anh sẽ đầu tư hơn 100 triệu bảng (tương đương 125 triệu USD) để xây dựng 9 trung tâm mới nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và đào tạo các chuyên gia quản lý công nghệ này.
Bộ trưởng Công nghệ Anh Michelle Donelan nhấn mạnh: "AI đang phát triển rất nhanh nhưng chúng ta đã chứng minh rằng con người cũng có thể tiến bước nhanh như vậy. Bằng cách áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, theo từng ngành cụ thể, chúng tôi đã bắt đầu nhận diện và phương hướng kiểm soát rủi ro ngay lập tức".
Theo kế hoạch, gần 90 triệu bảng sẽ được chuyển tới các trung tâm nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng AI trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hóa học và toán học, đồng thời hợp tác với Mỹ về phát triển AI một cách có trách nhiệm.
Ngoài ra, 10 triệu bảng nữa sẽ được dùng để hỗ trợ các cơ quan quản lý giải quyết những vấn đề liên quan rủi ro khi ứng dụng và khai thác các cơ hội của AI, chẳng hạn như phát triển các công cụ thiết thực để giám sát nguy cơ trong các lĩnh vực từ viễn thông và y tế đến tài chính và giáo dục.
Tháng 11/2023, Anh đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về ứng dụng an toàn AI. Hơn 25 quốc gia tham dự sự kiện này đã cùng ký kết Tuyên bố Bletchley, thể hiện nỗ lực hợp tác giữa các nước nhằm thiết lập khuôn khổ đảm bảo rằng các công nghệ AI được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm và an toàn trên toàn cầu.
Trước đó, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cuối tháng 1/2024 cho biết đang nghiên cứu các khoản đầu tư của Microsoft, Google và Amazon vào các công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ AI tạo sinh như OpenAI và Anthropic.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo hoạt động giám sát có thể theo kịp sự phát triển của công nghệ AI, đồng thời ngăn chặn những công ty lớn loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trong một lĩnh vực hứa hẹn gây ra nhiều biến động cho một loạt ngành nghề.
- Giá vàng hôm nay sẽ tăng hay giảm?
Giá vàng nhẫn ngày 14/2 đã lao dốc trong ngày Valentine và mất mốc 66 triệu đồng/lượng.
Phiên giao dịch 14/2 theo giờ Việt Nam, giá vàng ở Mỹ đã hạ sâu xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 2.000USD/ounce. Trong đó, giá vàng giao hợp đồng tháng 2/2024 đóng cửa ở ngưỡng thấp nhất tính từ ngày 13/12/2023, theo số liệu của Dow Jones Market Data.
Lý do chính đẩy giá vàng xuống sâu là rủi ro lạm phát Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng, dẫn tới những dự báo mới về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thay đổi với lộ trình hạ lãi suất.
Diễn biến thị trường bắt nguồn từ chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) được công bố cùng ngày, theo đó CPI tháng 1-2024 của nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng hơn 0,3%, cao gấp rưỡi dự báo trước đó, 0,2%, theo khảo sát do Wall Street Journal thực hiện.
Tính chung cả năm, lạm phát có giảm một chút, từ 3,4% xuống mức 3,1% so với cùng thời điểm tháng trước. Dù vậy, mức giảm này là khiêm tốn. Từ tháng 3-2021 đến nay, lạm phát năm của Mỹ chưa tháng nào dưới 3%.
Lạm phát cao hơn kỳ vọng đã khiến lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng. Cùng với đó là đồng USD tăng giá, mà theo Reuters, chỉ số đôla Mỹ tăng 0,6% lên 104,82 điểm trong phiên giao dịch đêm qua. Tất cả đang gây thêm áp lực lên giá vàng.
Chính vì vậy, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên đêm qua theo giờ Việt Nam mất 524,63 điểm (1,35%), đóng cửa ở mức 38.272,75 - phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 3-2023. Diễn biến phiên giao dịch xuất hiện những lúc giảm hơn 750 điểm, tương đương 1,95%.
Với mức giá khoảng 1.991,3 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 59,64 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 19,28 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đầu giờ sáng 14/2 giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm 13/2, hiện đứng ở mức 64,81 – 65,91 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn sáng ngày 14/2 vẫn giữ ở mức giá 76,7 – 78,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 76,7 – 78,9 triệu đồng/lượng.
Như vậy, theo đà bán tháo ngày 14/2 tại thị trường quốc tế, thị trường vàng tại Việt Nam ngày 15/2 (mùng 6 Tết) ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ lễ dài rất có thể bị bán ròng, khiến giá vàng trong nước “theo đà” tụt dốc, sau đó sẽ hồi phục nhờ gần đến ngày Vía Thần Tài.
- Ngân hàng tăng mạnh cho vay bất động sản
Tính tới cuối năm 2023, có 2,75 triệu tỷ đồng đã được các ngân hàng cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Kênh dẫn vốn với lãi suất thấp thông thoáng được dự báo sẽ khiến thị trường bất động sản hồi phục nửa cuối năm nay.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2023, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản vào khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,75% so với đầu năm.
Trong đó, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 22%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Một loạt giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho các dự án bất động sản. Nhờ vậy, tỷ lệ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tại một số ngân hàng như: HDBank, Techcombank, VPBank, SHB, MSB, MB, TPBank tăng so với cuối năm 2022. ( Các ngân hàng ghi nhận tỷ trọng cho vay bất động sản giảm gồm: VIB, Kienlong Bank, PGBank, VietBank, BVBank.)
Techcombank có tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ lớn nhất trong số các ngân hàng công khai chi tiết, với tỷ trọng 35,22% tại thời điểm 31/12/2023, trong khi cùng kỳ năm trước là 26,44%.
VPBank đứng thứ hai với tỷ trọng cho vay bất động sản là 19%, trong khi cuối năm 2022 là 14,39%.
Cho vay bất động sản tại VietBank cũng lên tới 19%, nhưng tỷ lệ này giảm 1% so với cuối năm 2022.
Một số nhà băng khác cũng tăng mạnh tỷ lệ cho vay bất động sản như SHB tăng từ 8,33% lên 15,45%; MB tăng từ 4,91% lên 7,49%.
MSB ghi nhận mức tăng nhẹ từ 8,75% lên 8,96% tổng dư nợ, TPBank tăng từ 6,31% lên 7,12%, trong khi tỷ lệ này tại Saigonbank giữ nguyên ở mức 6%.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 13,5%. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành trong bối cảnh tín dụng tăng một cách èo uột trong ba quý đầu năm.
Trong bối cảnh lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 cho các ngân hàng là 15%.