- Giá vàng đảo chiều tăng dữ dội
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 14/12, thị trường vàng trong nước và thế giới cùng đảo chiều, tăng rất mạnh.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 73,4 triệu đồng/lượng mua vào và 74,42 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, giá vàng SJC ngày 14/12 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với chốt phiên hôm 13/12, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 600.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 73,2 triệu đồng/lượng mua vào và 74,3 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán so với hôm 13/12. Giá vàng Doji ngày 14/12 ở TPHCM đang mua vào tương tự và bán ra thấp hơn 100.000 đồng/lượng so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 73,4 triệu đồng/lượng mua vào và 74,35 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với hôm 13/12.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 73,45 triệu đồng/lượng mua vào, 74,38 triệu đồng/lượng bán ra, tăng mạnh ở cả hai chiều so với hôm 13/12.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 14/12, tăng rất mạnh lên mốc cao ở một số thương hiệu vàng.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến trưa 14/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 14/12 tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 44,4 USD lên 2.023,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.039,6 USD/ounce, tăng 46,4 USD so với rạng sáng 13/12.
Vàng thế giới tăng "phi mã" sau cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng được đẩy vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất từ 5,25% - 5,5% và nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chững lại và lạm phát có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Dự báo về xu hướng giá vàng, David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge, cho biết: "Việc Fed thừa nhận áp lực lạm phát tiếp tục giảm đã làm tăng kỳ vọng cắt giảm lãi suất, khiến lợi suất và đồng USD giảm mạnh, nhưng đã thúc đẩy vàng tăng giá". Meger cho rằng, xu hướng đi lên hiện tại của vàng sẽ là một đợt tăng giá bền vững.
Sau cuộc họp của Fed, thị trường sẽ chuyển sang cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ diễn ra vào thứ 2. Các cuộc họp này được cho là có thể tác động đến quỹ đạo của vàng.
Nhận định về giá vàng trong dài hạn, trong báo cáo triển vọng năm 2024, Heraeus Metals nhấn mạnh đến khả năng suy thoái kinh tế trong năm tới. Nếu kịch bản đó xảy ra, đồng USD có thể suy yếu và điều đó sẽ giúp đẩy giá vàng lên mức cao mới.
Công ty này dự báo, vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 1.880 USD đến 2.250 USD/ounce trong năm 2024.
Với giá vàng trong nước tăng rất mạnh và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.023,9 USD/ounce (tương đương gần 59,6 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng ngày 14/12 tại thị trường vàng trong nước và thế giới là trên 14 triệu đồng/lượng.
- Dự báo thế giới 2024: OPEC giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu mỏ
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2024, đồng thời cho rằng các nhà đầu cơ đã khiến giá dầu thô giảm trong thời gian gần đây.
Trong báo cáo thị trường dầu mỏ được công bố ngày 13/12, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày (bpd) trong năm tới, giảm đáng kể so với mức tăng dự báo 2,46 triệu thùng/ngày trong năm nay. Dự báo này không thay đổi so với báo cáo mà OPEC đưa ra hồi tháng trước. Báo cáo cũng đổ lỗi cho các nhà đầu cơ khi tiến hành các đợt bán tháo, khiến giá dầu bị kéo tụt.
OPEC cho biết tổ chức này vẫn “lạc quan một cách thận trọng” về các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vào năm 2024. Theo OPEC, trong năm tới, nhu cầu dầu mỏ sẽ được tiếp sức nhờ sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vững vàng, trong bối cảnh hoạt động kinh tế tiếp tục được cải thiện ở Trung Quốc.
Giá dầu đã sụt giảm kể từ tháng 10 vừa qua, trong đó giá dầu thô Brent giảm xuống chỉ còn 70 USD/thùng, từ mức cao kỷ lục năm nay là hơn 90 USD/thùng vào tháng trước đó. Đà giảm này tiếp tục duy trì sau khi OPEC và các đối tác (OPEC+) ngày 30/11 vừa qua thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024.
- Loạt doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin về trái phiếu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt hàng loạt doanh nghiệp do vi phạm công bố thông tin liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, Công ty CP Hưng Vượng Developer bị xử phạt do không công bố báo cáo định kỳ năm 2022 về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu (đợt phát hành trái phiếu năm 2021, giá trị 600 tỷ đồng) được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
Hưng Vượng Developer cũng công bố thông tin không đúng thời hạn với các tài liệu: trước đợt chào bán trái phiếu, báo cáo tài chính năm 2021, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, báo cáo tài chính 6 tháng năm 2022.
Với các vi phạm trên, doanh nghiệp này bị xử phải số tiền là 92,5 triệu đồng.
Tương tự, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt số tiền 92,5 triệu đồng.
Lý do, Công ty không công bố theo quy định pháp luật đối với báo cáo định kỳ năm 2022 về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu 2 đợt (giá trị 1.500 tỷ đồng và 44,2 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, công ty này cũng công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 6 tháng năm 2022; báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2022 (đối với đợt phát hành trái phiếu tháng 8/2020 trị giá 1.500 tỷ đồng); báo cáo kết quả chào bán trái phiếu, báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2022 (đợt phát hành trái phiếu tháng 10/2022 trị giá 44,2 tỷ đồng).
Trong khi đó, Công ty CP In sách giáo khoa Hòa Phát bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tổng cộng lên tới 250 triệu đồng.
Trong đó, 65 triệu đồng là tiền phạt cho hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; thư mời, tài liệu họp cổ đông chưa đảm bảo thời hạn 21 ngày trước ngày khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021, ĐHĐCĐ bất thường 2021, ĐHĐCĐ thường niên 2022, ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Doanh nghiệp không đảm bảo công bố thông tin về việc lập danh sách cổ đông có quyền tham dự họp ĐHĐCĐ tối thiểu 20 ngày trước ngày đăng ký cuối cùng của ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Chưa hết, doanh nghiệp bị phạt 175 triệu đồng do công bố sai lệch về giao dịch với người liên quan, sai lệch về thông tin về tài sản bảo đảm cho trái phiếu mã HVDCH2123001 tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị phạt 15 triệu đồng với hành vi không quy định tại quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại ĐHĐCĐ.
- Fed phát tín hiệu giảm lãi suất 3 đợt trong năm 2024
Đúng như báo, sau cuộc họp chính sách hôm 13-12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất lần thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý là các quan chức Fed dự đoán về việc lãi suất có thể giảm ít nhất là 3 đợt trong năm tới.
Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục quỹ đạo giảm tốc trong tháng 11, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn qua đêm ở biên độ 5,25%-5,5% sau khi hành động tương tự trong hai cuộc họp chính sách trước đó.
Ngoài ra, các thành viên của FOMC cũng dự đoán lãi suất sẽ được cắt giảm ít nhất 3 lần trong năm 2024, với mỗi đợt giảm 25 điểm (0,25 điểm phần trăm). Dự đoán này yếu hơn kỳ vọng của thị trường về khả năng Fed giảm lãi suất 4 lần trong năm tới nhưng mạnh hơn những gì các quan chức Fed đã chỉ ra trước đó.
Các thị trường đã dự đoán về quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed trong tuần này và tin rằng Fed có thể đã hoàn tất chu kỳ thắt chắt tiền tệ lịch sử, đẩy lãi suất lên mức cao nhất trong hơn 22 năm. Tuy nhiên, vẫn có sự không chắc chắn về mức độ tham vọng của FOMC đối với triển vọng nới lỏng chính sách.
“Biểu đồ chấm” (dot plot) của FOMC về kỳ vọng của từng thành viên cho thấy Fed có thể giảm lãi suất 4 đợt nửa vào năm 2025, tương đương 1 điểm phần trăm. Họ dự đoán lãi suất sẽ giảm 3 đợt nữa vào năm 2026, đưa chi phí vay chuẩn xuống biên độ 2 -2,25%.
Tuy nhiên, sau cuộc họp chính sách của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell, các thị trường đã định giá theo một lộ trình giảm lãi suất thậm chí còn quyết liệt hơn, dự đoán mức giảm lãi suất 1,5 điểm phần trăm trong năm tới, gấp đôi tốc độ dự báo của FOMC.
- Việt Nam dự kiến vay nợ nước ngoài thêm trên 1,2 tỷ USD trong năm nay
Bộ Tài chính cho biết dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 12 hiệp định, thỏa thuận vay vốn ưu đãi nước ngoài, với tổng trị giá ký kết khoảng 1,255 tỷ USD...
Thông tin về công tác huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tính đến giữa tháng 11/2023, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đã thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá ký kết khoảng 531,79 triệu USD.
"Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành đàm phán, ký kết 12 hiệp định, thỏa thuận vay với tổng trị giá ký kết khoảng 1,255 tỷ USD".
Trong tháng 11, Bộ Tài chính cũng trình đề xuất đàm phán với một số các Tổ chức Tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB)...cho các dự án về phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường...
Song song, Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến và báo cáo bộ dự thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo trên, tính đến cuối năm 2022, các chủ nợ song phương chủ yếu của Việt Nam gồm Nhật Bản cho Chính phủ Việt Nam vay hơn 10,6 tỷ USD (tương ứng 252.000 tỷ đồng); Hàn Quốc, Pháp cho vay hơn 1 tỷ USD tương ứng khoảng 27.000 tỷ đồng; Đức cho vay hơn 500 triệu USD (trên 13.000 tỷ đồng)…
Tính theo đối tác đa phương, WB đứng đầu danh sách chủ nợ với gần 15 tỷ USD (tương ứng trên 350.000 tỷ đồng), tiếp đến là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với gần 7,7 tỷ USD, tương đương khoảng 180.000 tỷ đồng…
Gần đây nhất, tháng 7/2023, Chính phủ thực hiện ký kết 3 hiệp định vay Chính phủ Nhật Bản với tổng giá trị 434,45 triệu USD. Với ba khoản vay được ký kết này, Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết đến nay lên tới hơn 2.567 tỷ Yên, tương đương khoảng hơn 23 tỷ USD.
Theo đó, khoản vay lớn nhất là thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng triển khai ký kết 2 thỏa thuận vay cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của hai tỉnh Bình Dương và Lâm Đồng.