Điểm tin kinh doanh 15/1: Giá vàng tăng mạnh lên mức cao

Việt Báo (Tổng hợp)| 15/01/2024 06:00

Nhận định chứng khoán tuần 15-19/1: Dao động quanh 1.145 - 1.160 điểm; Sắp ‘chốt lời’ nhóm cổ phiếu ngân hàng?

gia-vang-02-08-60-831-1-1151-811-1-.jpg

- Giá vàng tăng mạnh lên mức cao

Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 14/1, thị trường vàng trong nước tiếp đà tăng mạnh lên mức cao, thế giới giữ ổn định trong phiên giao dịch cuối tuần.

Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 74 triệu đồng/lượng mua vào và 77,02 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, giá vàng SJC ngày 14/1 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với hôm 13/1, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang ở mức 73,95 triệu đồng/lượng mua vào và 76,95 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với hôm 13/1. Giá vàng Doji ngày 14/1 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 74,5 triệu đồng/lượng mua vào và 77,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 74 triệu đồng/lượng mua vào và 76,85 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 14/1, tiếp đà tăng mạnh, giữ mức cao ở một số thương hiệu vàng trong phiên giao dịch cuối tuần.

Giá vàng nhẫn hôm ngày 14/1, cùng xu hướng đi lên nhưng mức tăng không nhiều bằng giá vàng miếng.

Theo đó, giá vàng nhẫn trong nước tại SJC đang ở mức 62,4 triệu đồng/lượng mua vào và 63,6 triệu đồng/lượng bán ra.

Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 14/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 14/1 kết thúc tuần giao dịch khó khăn quanh mức 2.050 USD/ounce, gần như không đổi so với mức đóng cửa tuần trước.

Thị trường yên ắng trong nửa đầu tuần khi chờ đợi các báo cáo quan trọng, rồi giảm sâu sau báo cáo. Tuy nhiên, giá kim loại quý phục hồi trở lại vào cuối tuần nhờ được thúc đẩy bởi lực cầu trú ẩn an toàn khi xung đột đột ngột leo thang ở Trung Đông.

Dự báo về xu hướng giá vàng tuần này, kết quả khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các chuyên gia phân tích thị trường vẫn giữ tâm lý lạc quan về triển vọng của vàng trong ngắn hạn.

Trong khi đó, các nhà đầu tư bán lẻ lại tỏ ra thận trọng về kim loại quý này.

Với giá vàng trong nước tăng mạnh lên mức cao và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.048,7 USD/ounce (tương đương gần 60,8 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng ngày 14/1 tại thị trường vàng trong nước và thế giới là trên 16 triệu đồng/lượng.

- Sắp ‘chốt lời’ nhóm cổ phiếu ngân hàng?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành bệ đỡ cho VN-Index trong 2 tuần đầu tiên của năm 2024. Tuy nhiên, rủi ro của thị trường trong những phiên tiếp theo là việc chốt lời nhóm này khi nhiều cổ phiếu đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm.

Trong phiên giao dịch thứ Sáu, ngày 12/1, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm mạnh ngay từ đầu phiên, sau đó hồi phục về sát ngưỡng tham chiếu, rồi suy yếu và quay đầu giảm vào cuối phiên.

Áp lực bán ồ ạt với thanh khoản lớn ngay từ đầu phiên được cân bằng bởi dòng tiền chảy vào nhóm ngân hàng. Theo thống kê, ngân hàng là nhóm cổ phiếu duy nhất giữ được sắc xanh trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Trước đó, thị trường rung lắc, tích lũy đi ngang với chỉ số VN-Index quanh mốc 1.160 trong bốn phiên đầu tuần, nhưng điểm chung là dòng tiền phần lớn vẫn tập trung vào nhóm ngân hàng.

Chỉ số VN-Index kết thúc tuần thứ hai với 1.154,7 điểm, không đổi so với tuần trước. Trong khi đó chỉ số HNX-Index giảm 1,1%, chỉ số UPCOM-Index giảm 1,1%.

Dòng tiền chảy vào nhóm ngân hàng thực tế kéo dài trong tuần trước, nối tiếp tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024. Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vượt trội giúp chỉ số chung đi lên, bao gồm các cổ phiếu chủ chốt như VCB (tăng 2,9%), CTG (tăng 8,2%), BID (3,4%). Phía ngược lại, nhóm cổ phiếu VHM (giảm 4,2%), GVR (giảm 6,4%) và GAS (2,7%) gây áp lực đến chỉ số chung.

Một điểm tích cực khác là trong tuần trước thanh khoản tăng mạnh 25,5% so với tuần trước, đạt 18.664 tỉ đồng mỗi phiên. Khối ngoại cũng dừng bán ròng, chuyển sang mua ròng (mua ròng với giá trị gần 235 tỉ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng 19,3 tỉ đồng trên HNX, bán ròng 193 tỉ đồng trên UPCOM).

- Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi chậm trong năm 2024

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho cả năm 2023.

Giờ đây sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế đang hướng sang triển vọng của cường quốc châu Á vào năm 2024. Trong đó, những vấn đề “nổi cộm” nhất được quan tâm là liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tránh được rủi ro giảm phát và cuộc khủng hoảng nhà ở, niềm tin tiêu dùng suy giảm kéo dài trong năm qua có làm chệch hướng nỗ lực tạo đà tăng trưởng trong năm nay hay không.

Dữ liệu kinh tế, dự kiến công bố ngày 17/1, có thể cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,2% cho cả năm 2023, mặc dù tăng trưởng của quý IV/2023 dường như đã mất đà nhẹ so với quý trước đó.

Tháng cuối năm 2023, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc được cải thiện đáng kể. Nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Á bước sang năm 2024 với nhiều tin tức trái chiều. Số liệu mới nhất công bố ngày 12/1 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12/2023 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm phát (tính theo tháng) kéo dài nhất kể từ năm 2009. Tuy nhiên tính chung cho cả năm 2003, CPI của Trung Quốc vẫn tăng nhẹ 0,2%, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009.

Trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) cả năm qua giảm 3,0%, đánh dấu mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2015. Nhưng xuất khẩu đang có dấu hiệu ổn định, mặc dù đã giảm trong suốt năm 2023, lần đầu tiên kể từ năm 2016.

tu-doanh-chung-khoan-1.jpg

- Nhận định chứng khoán tuần 15-19/1: Dao động quanh 1.145 - 1.160 điểm

Chỉ số VN-Index được dự báo sẽ duy trì đà giảm nhẹ trong tuần giao dịch từ ngày 15/1 - 19/1/2024 với biên độ 1.145 - 1.160 điểm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (12/1), thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận nhịp rung lắc mạnh. Theo đó, chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 15 điểm, lùi về dưới ngưỡng 1.150 điểm, trước khi phục hồi trở lại.

Kết phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 1.154,7 điểm, giảm 7,52 điểm (-0,65%) so với tham chiếu. Thanh khoản thị trường tăng vọt với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 22.750 tỉ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc thanh khoản tăng so với phiên trước cho thấy nguồn cung vẫn đang duy trì và gây áp lực lên thị trường.

"Với nguồn cung vẫn đang hiện hữu, diễn biến điều chỉnh có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo", VDSC nhận định.

Tuy nhiên, nhóm phân tích này cho rằng mức điều chỉnh có thể sẽ không quá lớn và dòng tiền sẽ gia tăng hỗ trợ khi thị trường lùi về vùng giá thấp.

Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap) dự báo nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng vẫn sẽ là điểm tựa giúp VN30 tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này (15/1).

Nếu vượt qua kháng cự tại 1.168 điểm, theo Vietcap, VN30 sẽ dẫn dắt VN-Index kéo dài đà tăng lên vùng 1.190-1.195 điểm.

Động thái này cũng sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap hay HNX-Index để kiểm định kháng cự MA10. Mức gia tăng điểm số và thanh khoản của nhóm này sẽ là thước đo sự quan tâm của dòng tiền ngắn hạn.

Về góc nhìn kỹ thuật, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận các chỉ báo về đường sức mạnh tương đối (RSI) và đường định hướng trung bình (ADX) đều thể hiện tín hiệu hạ nhiệt, cho thấy sức mạnh xu hướng có phần suy yếu.

"Như vậy, khả năng chỉ số VN-Index sẽ duy trì đà giảm nhẹ trong ngắn hạn ở biên độ 1.145 - 1.160", SSI dự báo.

Còn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định VN-Index đang bước vào nhịp điều chỉnh nhưng xu hướng chính của thị trường vẫn là tăng điểm trung hạn.

VCBS cho rằng, nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên rung lắc điều chỉnh tuần tới để giải ngân thêm đối với các cổ phiếu có xu hướng giao dịch tích lũy đi ngang thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản.

- Nhiều ngân hàng có phương án tăng vốn điều lệ

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng có phương án tăng vốn điều lệ nhằm tăng năng lực tài chính.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 25.576 tỷ đồng, vào nhóm có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam.

Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) được phát hành riêng lẻ 620 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng “ngoại”, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng có thông báo tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng qua việc “bơm” vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 15/1: Giá vàng tăng mạnh lên mức cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO