Điểm tin kinh doanh 13/6: Giá vàng: Thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh

Việt Báo (Tổng hợp)| 13/07/2023 06:00

Cổ phiếu đắt nhất sàn vào diện cảnh báo; 58 dự án năng lượng chuyển tiếp được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm

gia-vang-hom-nay-5-7-1-1688522127-587-width2000height1333.jpg

- Giá vàng: Thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh

Giá vàng thế giới hôm 12/7 bất ngờ tăng mạnh khi chỉ số đô la Mỹ yếu hơn, giá dầu thô cao hơn và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Ngày càng có nhiều quốc gia muốn dự trữ vàng trong nước do lo sợ số phận tương tự như Nga.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/7/2023, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.938,90 USD/ounce, tăng 10,51 USD so với cùng thời điểm ngày 11/7.

Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 54,24 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 12,41 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.

Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 10/2023 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 1.963,5 USD/ounce, tăng 7,3 USD trong phiên và tăng 13,7 USD so với cùng thời điểm ngày 11/7.

Giá vàng thế giới hôm 12/7 bất ngờ tăng mạnh khi chỉ số đô la Mỹ yếu hơn, giá dầu thô cao hơn và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/7, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 66,65-67,25 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 150.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/7.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 66,55-67,20 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/7.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng 9999 tại Hà Nội ở mức 66,45-67,05 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/7.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,62-67,18 triệu đồng/lượng tăng 100.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/7.

- Jack Ma mất nửa tài sản kể từ vụ "vạ miệng" lịch sử

Từng là người giàu nhất Trung Quốc, ông Jack Ma hiện sở hữu tài sản khoảng 30 tỷ USD, giảm hơn 50% so với mức đỉnh khi Ant chuẩn bị có thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) lớn nhất thế giới năm 2020...

Tài sản của tỷ phú Jack Ma tiếp tục giảm sâu do định giá của công ty công nghệ tài chính Ant Group - công ty liên kết của tập đoàn Alibaba - sụt mạnh.

Là người đồng sáng lập, ông Jack Ma hiện nắm giữ khoảng 9,9% cổ phần tại Ant. Theo Bloomberg Billionaire Index, giá trị cổ phần của ông tại Ant đã giảm khoảng 4,1 tỷ USD so với gần một năm trước - con số được tính toán dựa trên chương trình mua lại cổ phần đã được lên kế hoạch của Ant, ước tính bình quân của các nhà phân tích cũng như định giá của Fidelity Investments.

Từng là người giàu nhất Trung Quốc, ông Jack Ma hiện sở hữu tài sản khoảng 30 tỷ USD, giảm hơn 50% so với mức đỉnh khi Ant chuẩn bị có thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) lớn nhất thế giới năm 2020. Bài phát biểu “vạ miệng” của ông năm đó được cho là nguồn cơn khiến IPO của Ant bị đình chỉ vào phút chót và khiến định giá của công ty này giảm sâu.

Thứ Sáu tuần trước (7/7), nhà chức trách Trung Quốc thông báo kết thúc cuộc điều tra đối với Ant với án phạt 7,12 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 985 triệu USD). Giới phân tích cho rằng án phạt này có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến dịch siết quản lý với các công ty công nghệ trong nước của Chính phủ Trung Quốc.

Trước đó, năm 2021, không lâu sau khi Ant bị đình chỉ IPO, tập đoàn Alibaba cũng bị phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì kinh doanh độc quyền. Công ty giao thực phẩm Meituan cũng bị phạt 3,44 tỷ Nhân dân tệ vì vi phạm quy định chống độc quyền cùng năm đó. Năm 2022, công ty gọi xe công nghệ Didi Chuxing bị phạt 8,02 tỷ Nhân dân tệ vì vi phạm quy định bảo mật dữ liệu.

- 58 dự án năng lượng chuyển tiếp được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/59 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 11/7, đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó có 59 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/59 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.

Có 14 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 686,12MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đạt khoảng 106 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

- VinFast bàn giao 3.155 ô tô điện trong tháng 6/2023, đạt 11.638 xe bán ra trong 6 tháng đầu năm

Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast công bố kết quả kinh doanh tháng 6 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, với tổng cộng 11.638 xe ô tô điện đã được bàn giao cho khách hàng kể từ đầu năm, trong đó riêng tháng 6 là 3.155 xe, khẳng định vị thế là một trong những hãng xe dẫn đầu thị trường Việt Nam.

Trong tháng 6/2023, dòng xe VinFast VF 5 Plus tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng với 609 chiếc được bán ra. Tuy nhiên, hai dòng xe đạt doanh số cao nhất là VF 8 và VF e34, trong đó VF 8 dẫn đầu với 1.184 xe được bàn giao, trong khi VF e34 đạt 1.007 xe. Mẫu SUV full-size hạng sang VF 9 cũng có 355 xe được bán ra thị trường trong tháng 6.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VinFast VF e34 và VF 8 đều đạt mức doanh số ấn tượng. Trong đó, VF e34 khẳng định vị thế là mẫu ô tô điện bán chạy nhất thị trường Việt Nam với tổng cộng 5.072 xe bán ra. VF 8 xếp thứ hai với 4.555 xe đến tay khách hàng.

Mặc dù mới được chính thức bàn giao từ cuối quý I và đầu quý II, hai mẫu VF 9 và VF 5 Plus cũng nhanh chóng được thị trường đón nhận, với 1.034 xe VF 9 và 977 xe VF 5 Plus.

Tổng cộng, VinFast đã bàn giao 11.638 xe ô tô điện cho khách hàng tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

- Giải ngân đầu tư công khởi sắc, vượt 60.000 tỷ đồng cùng kỳ

Thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho thấy giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 có nhiều khởi sắc khi tăng hơn 60.000 tỷ đồng so với cùng kỳ...

Thông tin về những kết quả công tác trọng tâm trong 6 tháng đầu năm 2023, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2023 là 203.442 tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 665.236,9 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước), tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2022, số giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 tăng 60.090 tỷ đồng về giá trị; tăng 3,3% về tỷ lệ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.

- Cổ phiếu đắt nhất sàn vào diện cảnh báo

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán XDC vào diện cảnh báo do doanh nghiệp chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu XDC của CTCP Xây dựng Công trình Tân Cảng bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/7. Nguyên nhân do doanh nghiệp này chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 quá thời hạn quy định 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính (31/12).

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị cảnh báo theo quy định, XDC phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Cổ phiếu XDC đang có giá trị đắt nhất trên sàn chứng khoán, với thị giá lên đến 999.900 đồng/cp, gấp 55 lần sau hơn 2 tháng. Mức giá này được giữ nguyên kể từ phiên ngày 30/6 đến nay.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 13/6: Giá vàng: Thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO