Điểm tin kinh doanh 13/2: Vàng trong nước cao hơn thế giới gần 18,5 triệu đồng/lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 13/02/2024 06:00

SSI 'gọi tên' 3 cổ phiếu triển vọng cho chiến lược đầu tư sau Tết Nguyên đán; Hơn 700 vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc

gia-vang-hom-nay-5-2-1-1707098376-967-width1600height1067.jpg

- Vàng trong nước cao hơn thế giới gần 18,5 triệu đồng/lượng

Trong khi vàng trong nước đang nghỉ Tết Nguyên đán thì vàng thế giới tiếp tục lùi sâu dưới mốc 2.050 USD/ounce khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 18,5 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn sáng ngày 12/2 vẫn giữ ở mức giá 76,7 – 78,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 76,7 – 78,9 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện đứng ở mức 64,96 – 66,06 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 9,9 USD xuống 2.024,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 12/2, giá vàng giảm nhẹ 2,2 USD xuống 2.022,2 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York giảm 9,2 USD, tương ứng giảm 0,45% xuống mức 2.038,7 USD/ounce.

"Tôi dự đoán vàng sẽ mạnh lên trong những ngày tới, được hỗ trợ bởi lạm phát yếu và doanh số bán lẻ của Mỹ", Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex nói và cho biết. "Tôi hy vọng những điểm dữ liệu đó sẽ đặt giới hạn cho lợi suất của Mỹ và đồng đô la. Tuy nhiên, vàng vẫn sẽ biến động trong phạm vi 2.000- 2.050 USD/ounce”.

Với mức giá khoảng 2.022,2 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 60,56 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 18,36 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng 12/2 đứng ở mức 104,0 điểm.

Tỷ giá trung tâm ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn, ngày 7/2, được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.956 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.758 – 25.154 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 12/2 niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.103 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.200 – 24.570 đồng/USD.

Sáng 12/2 tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 24.840 đồng/USD và bán ra là 24.910 đồng/USD.

- SSI 'gọi tên' 3 cổ phiếu triển vọng cho chiến lược đầu tư sau Tết Nguyên đán

Phục hồi và tăng trưởng vẫn sẽ là hai câu chuyện chính dòng tiền tìm đến trong giai đoạn tới, đặc biệt với môi trường lãi suất thấp rất trong nước và rủi ro suy thoái từ các nền kinh tế lớn có phần dịu bớt.

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 2, SSI cho biết, tín hiệu tích cực ở tháng 1 được duy trì và VN-Index tạm thời tiếp cận vùng kháng cự ngắn hạn 1.205-1.210 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX ở trung hạn cho thấy tín hiệu sức mạnh xu hướng ở mức trung tính.

Theo đó, VN-Index khả năng sẽ có mức giao động trong vùng 1.160 – 1.210 trong những phiên giao dịch nửa cuối tháng 2 với trạng thái giằng co thường xuyên. Vùng hỗ trợ 1.127-1.130 điểm là vùng hỗ trợ mạnh trên VN-Index. “Trường hợp thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index giữ được vùng này và ngược lại nên đưa danh mục về trạng thái an toàn nếu chỉ số không giữ được”, đơn vị phân tích nhận định.

Nhìn về lịch sử, SSI thực hiện thống kê mức tăng của VN-Index theo tháng kể từ khi niêm yết để quan sát khả năng tiếp tục đi lên của VN-Index nếu tăng điểm trong tháng 1. Kết quả tính toán trong giai đoạn 2021 – 2023 thể hiện rõ trong 23 năm qua, có tổng cộng 13 lần chỉ số tăng điểm vào tháng 1. Đồng thời, trong 13 kỳ quan sát trên có đến 10 lần VN-Index duy trì quán tính tăng trong tháng 2, chiếm xác suất khoảng 77%.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư cần sẵn sàng cho các “nhịp lùi lành mạnh” của thị trường để điều tiết cung cầu (P/E ước tính cho năm 2024 vẫn hấp dẫn trong dài hạn khi duy trì ở mức 10,3 lần - thấp hơn đáng kể so với mức 13,8 lần bình quân 5 năm gần nhất).

Các yếu tố rủi ro cho sự điều chỉnh của thị trường gồm có: Xuất khẩu và tiêu dùng trong nước phục hồi chậm hơn kỳ vọng, khó khăn của ngành bất động sản và tác động gián tiếp lên các ngành khác, lạm phát và lãi suất cao ở Mỹ và châu Âu kéo dài hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị leo thang.

Theo SSI, phục hồi và tăng trưởng vẫn sẽ là 2 câu chuyện chính dòng tiền sẽ tìm đến trong giai đoạn tới, đặc biệt với môi trường lãi suất thấp rất trong nước và rủi ro suy thoái từ các nền kinh tế lớn có phần dịu bớt.

Các chủ đề đầu tư nhà đầu tư có thể dựa vào để tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn đầu năm gồm: Nhóm doanh nghiệp có trạng thái kinh doanh đã tạo đáy hồi phục và giá cổ phiếu hồi chậm hơn mặt bằng chung; nhóm duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững ở hoạt động cốt lõi; thông tin trong mùa ĐHCĐ với kế hoạch tăng vốn/kế hoạch kinh doanh mở rộng của các doanh nghiệp sau phục hồi; nhóm doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ/tài khóa hỗ trợ của Chính phủ và các bộ luật mới đang dần hoàn thiện.

Danh mục khuyến nghị tháng 2, SSI đề xuất tiếp tục nắm giữ với HAH, PVT và thêm mới các mã DPR, QNS và VCI.

- Hơn 700 vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo số liệu mới nhất, vừa được Tổng cục hải quan Trung Quốc (GACC) công bố, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.

Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn số liệu cập nhật mới nhất của GACC cho biết, có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” sầu riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số; tiếp theo là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước có số lượng mã số được cấp phép lần lượt đạt 96, 68 và 65.

Trong khi đó, địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép ít nhất là Trà Vinh và Phú Yên với 1 mã số mỗi địa phương, Sóc Trăng có 3 mã số, Bà Rịa Vũng Tàu và Kon Tum mỗi địa phương có 5 mã số.

Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.

khach-hang-quet-ma-qr-de-thanh-toan-mua-sam-3-.jpg

- Startup công nghệ hậu cần lao đao

Các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ logistics (hậu cần) ở Mỹ đang đua nhau cắt giảm chi phí và sa thải nhân viên trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa dự kiến tiếp tục suy yếu trong năm nay.

Nhu cầu vận chuyển suy yếu ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 khiến các startup công nghệ hậu cần ở Mỹ đua nhau cắt giảm chi phí để tồn tại. Ảnh: WSJ

Startup giao nhận vận tải Flexport, công ty môi giới vận tải kỹ thuật số Uber Freight và nhà cung cấp kho bãi Flexe đang cắt giảm nhân sự trong năm nay sau làn sóng sa thải diễn ra trong năm 2023 ở khắp các startup vận tải hàng hóa tập trung vào công nghệ.

Những người sáng lập các startup công nghệ hậu cần cũng như nhà đầu tư cho biết, khối lượng vận chuyển hàng hóa yếu và lãi suất cao đang đẩy một số công ty trong ngành đến giới hạn của sự chịu đựng.

Theo một nguồn thạo tin, Flexport có kế hoạch cắt giảm gần 20% nhân viên trong năm nay, tương đương khoảng 500 người. Đây là đợt sa thải lớn thứ hai của công ty trong vòng chưa đầy sáu tháng.

“Về cơ bản, bạn cần phải nỗ lực tìm cách tồn tại”, Larry Aschebrook, đối tác quản lý của G Squared, một công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn tăng trưởng nói. G Squared đã rót tiền cho Flexport và startp môi giới vận tải hàng hóa Transfix, công ty cũng sa thải nhân viên vào năm ngoái.

- Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang rời danh sách tỷ phú USD

Đầu năm 2024, danh sách các tỷ phú USD Việt Nam cũng có sự thay đổi đáng kể. Đáng chú ý, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đã rời khỏi danh sách này.

Trong đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực. Chỉ số đại diện thị trường là VN-Index tăng hơn 6%, hướng đến mốc 1.200 điểm. Trước những biến động tích cực của thị trường, đa số khối tài sản của các tỷ phú Việt đều tăng lên đáng kể.

Cụ thể, Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng; Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo; Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long; Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cùng gia đình; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Theo Forbes, đứng vị trí đầu tiên là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng với khối tài sản 4,5 tỷ USD. Với khối tài sản trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng thứ 648 thế giới.

Được biết, cách xếp hạng tỷ phú của Forbes dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái. Do đó, quy mô tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có sự khác biệt so với đánh giá của Bloomberg bởi tính toán liên quan đến sở hữu tại VinFast.

Tuy nhiên, Bloomberg Billionaires Index đánh giá tài sản của ông Vượng ở mức 7,04 tỷ USD, giảm gần 23% so với cuối năm 2023 nhưng vẫn cao hơn 2,54 tỷ USD so với ước tính của Forbes.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 13/2: Vàng trong nước cao hơn thế giới gần 18,5 triệu đồng/lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO