Điểm tin Kinh doanh 12/9: Giá vàng: Bật tăng

Việt Báo (Tổng hợp)| 12/09/2024 06:00

Cổ phiếu Novaland giảm sàn sau tin bị cắt margin, VN-Index giảm về 1.253 điểm; Giá dầu châu Á tăng hơn 1% do lo ngại gián đoạn nguồn cung

ghi-nhan-tai-co.opmart-hai-phong-3-.jpg

- Giá vàng: Bật tăng

Giá vàng hôm 11/9, thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh so với phiên trước đó. Thị trường trong nước, giá vàng nhẫn đảo chiều tăng trở lại so với phiên trước đó.

Giá vàng thế giới giao ngay vào lúc 5 giờ 55 phút sáng 11/9 (giờ Hà Nội) giao dịch ở quanh ngưỡng trên 2.516 USD/ounce, tăng hơn 10 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng 10/9.

Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng 11/9 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng trên 2.516 USD/ounce, tăng hơn 9 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó tại thị trường này.

Đứng phiên hôm 12/9, tại thị trường trong nước giá vàng miếng SJC tiếp tục đi ngang, vàng nhẫn đảo chiều tăng giá so với phiên trước. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán ở quanh mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 77,33 – 78,48 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 60.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 77,35 – 78,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,15 triệu đồng/lượng.

- Cổ phiếu Novaland giảm sàn sau tin bị cắt margin, VN-Index giảm về 1.253 điểm

Giao dịch trên thị trường chứng khoán phiên 11/9 tiếp tục diễn ra ảm đạm khi dòng tiền đứng ngoài quan sát. Sự phân hóa của các nhóm ngành cổ phiếu là khá lớn. VN-Index giảm 1,96 điểm (-0,16%) xuống 1.253,27 điểm.

Sau phiên giao dịch có phần khá tiêu cực ở phiên hôm qua, áp lực bán có phần giảm bớt trong khoảng thời gian đầu của phiên 11/9. Các chỉ số có khoảng thời gian ngắn đầu phiên biến động giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu vẫn yếu khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, lực cung nhanh chóng dâng cao và đẩy các chỉ số lùi sâu hơn xuống dưới mốc tham chiếu.

Các chỉ số chứng khoán giao dịch trong sắc đỏ ở hầu hết phiên hôm nay, chỉ có một vài phút hiếm hoi được kéo lên trên mốc tham chiếu. Dù vậy lực cầu giá thấp vào cuối phiên tương đối tốt đã giúp các chỉ số chỉ giảm điểm nhẹ.

Tâm điểm của sự chú ý của phiên tập trung vào cổ phiếu của Novaland (NVL) khi giảm sàn xuống chỉ còn 11.850 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh đột biến hơn 68 triệu cổ phiếu. Việc NVL giảm mạnh ở phiên hôm nay đến từ thông tin cổ phiếu này bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa ra khỏi danh mục cổ phiếu được phép ký quỹ. Cụ thể, HoSE bổ sung cổ phiếu NVL vào danh sách không được giao dịch ký quỹ do công ty chậm công bố thông tin Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Thông tin bị cắt margin góp phần kéo cổ phiếu NVL lao dốc. Lực bán lan tỏa đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác, đặc biệt là nhóm bất động sản. Trong đó, DIG cũng giảm 2,67%, HDG giảm 1,25%, TDH giảm 2%. Ngoài ra, DRH cũng bị kéo xuống mức giá sàn.

Với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VCB giảm 0,67% và là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,81 điểm. SSB giảm mạnh đến 5,9% và cũng lấy đi 0,69 điểm. Các cổ phiếu như GAS, BID, TCB hay PLX cũng chìm trong sắc đỏ và gây áp lực rất lớn lên thị trường chung.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn như HPG, FPT, VHM, MBB… tăng giá và điều này giúp nâng đỡ thị trường chung, kìm hãm đáng kể đà giảm của VN-Index. HPG tăng 0,8% và đóng góp cho VN-Index 0,31 điểm. FPT tăng 0,46% và đóng góp 0,24 điểm. Một cổ phiếu khác cũng gây sự chú ý và có đóng góp khá quan trọng cho VN-Index đó là HVN khi tăng mạnh 2,21%.

Sự phân hóa diễn ra khá mạnh ở nhóm cổ phiếu chứng khoán khi một số mã như VND, VCI, AGR… đều chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, khá nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá tốt như MBS, FTS, VDS… MBS phiên hôm nay đóng vai trò dẫn dắt dòng tiền vào nhiều mã chứng khoán khác khi tăng 3,8%. Bên cạnh đó, FTS tăng 2,14%, VDS tăng 1,2%...

Tại nhóm bất động sản, sự phân hóa cũng diễn ra tương đối mạnh, bất chấp biến động tiêu cực từ NVL hay DIG, các cổ phiếu như PDR, DXG… vẫn giữ được sắc xanh tốt. PDR tăng đến 1,2% còn DXG tăng 0,68%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,96 điểm (-0,16%) xuống 1.253,27 điểm. Toàn sàn có 170 mã tăng, 218 mã giảm và 82 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,1%) xuống 231,45 điểm. Toàn sàn có 53 mã tăng, 84 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 92,32 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt gần 584 triệu cổ phiếu, giảm 15% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.584 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 816 tỷ đồng và 468 tỷ đồng.

Khối ngoại phiên hôm nay mua ròng trở lại khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã FPT với 140 tỷ đồng. VNM và VHM được mua ròng lần lượt 66 tỷ đồng và 36 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, MSN bị bán ròng mạnh nhất với 71 tỷ đồng. MWG và HPG bị bán ròng lần lượt 60 tỷ đồng và 55 tỷ đồng.

- Bkav Pro của ông Nguyễn Tử Quảng báo lãi vỏn vẹn 2 tỷ đồng

Kể từ khi thông báo tình hình tài chính từ năm 2020 đến nay, lợi nhuận của Bkav Pro đều đi lùi. Nửa đầu năm 2024 cũng không ngoại lệ khi công ty báo lãi giảm 39% xuống 2,7 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Phần mềm diệt virus Bkav (Bkav Pro) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, Bkav Pro báo lợi nhuận sau thuế 2,7 tỷ đồng, giảm 39% so với hơn 4,4 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ nửa đầu năm 2024, kể từ khi thông báo tình hình tài chính từ năm 2020 đến nay, lợi nhuận của Bkav Pro đều đi lùi.

Tính đến ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Bkav Pro ở mức hơn 223 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) ghi nhậngiảm từ 2,14% cùng kỳ năm trước xuống 1,21% ở kỳ này.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 152% xuống 144%, tương ứng nợ phải trả ở mức 321 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu giảm từ 82% xuống 76%, tương ứng dư nợ trái phiếu 170 tỷ đồng.

13.jpg

- Cấm các doanh nghiệp hàng hải lợi dụng bão lũ tăng giá dịch vụ

Cục Hàng hải Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, bão, lũ để tăng giá dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Nhằm nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, Bộ GTVT vừa ký Công văn số 4244 gửi các Hiệp hội, ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Giá, kê khai và niêm yết giá dịch vụ theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển (dịch vụ cảng biển, hoa tiêu, lai dắt) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển nghiêm túc thực hiện quy định về kê khai và niêm yết giá theo quy định hiện hành. Cục Hàng hải Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, bão, lũ để tăng giá dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Đồng thời, yêu cầu các Cảng vụ hàng hải, các Chi cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường công tác giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải trong việc tăng giá dịch vụ theo đúng quy định pháp luật. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm.

- Giá dầu châu Á tăng hơn 1% do lo ngại gián đoạn nguồn cung

Trong phiên 11/9 tại châu Á, giá dầu phục hồi từ các mức thấp do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, còn giá vàng ổn định khi các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ.

Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên 11/9, phục hồi một phần mức giảm của phiên trước, do lo ngại cơn bão Francine làm giảm sản lượng ở Mỹ, nước sản xuất lớn nhất thế giới, trong lúc có những lo ngại nhu cầu toàn cầu yếu.

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 84 xu Mỹ, hay 1,2%, lên 70,03 USD/thùng vào lúc 14 giờ 4 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ tăng 81 xu Mỹ, hay 1,2%, lên 66,56 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đều giảm gần 3 USD trong phiên trước, trong đó dầu Brent chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và dầu WTI giảm xuống mức đáy kể từ tháng 5/2023, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu trong năm nay và năm tới.

Chuyên gia kinh tế tại Nomura Securities, Yuki Takashima, cho rằng áp lực giảm giá có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu chậm lại do kinh tế Trung Quốc và Mỹ giảm tốc.

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ ngày 10/9 cho biết áp thấp đã mạnh lên thành bão Francine trên vịnh Mexico, khiến người dân Louisiana phải sơ tán vào đất liền và các công ty dầu khí phải dừng khai thác.

Cục Quản lý an toàn và thực thi môi trường ngoài khơi Mỹ cho biết, các công ty năng lượng, vốn chiếm khoảng 24% sản lượng của vịnh Mexico tại Mỹ, đã tạm dừng hoạt động và sơ tán nhân viên khỏi 130 giàn khoan dầu.

Ngày 10/9, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày vào năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng 2,11 triệu thùng/ngày được đưa ra vào tháng trước. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 xuống 1,74 triệu thùng/ngày từ 1,78 triệu thùng/ngày.

Số liệu hải quan và của Reuters cho thấy lượng nhập khẩu dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng trước đã tăng lên mức cao nhất trong một năm, dù vẫn giảm 7% so với cùng kỳ năm trước và lượng nhập khẩu từ đầu năm đến nay giảm 3%.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 12/9: Giá vàng: Bật tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO