Điểm tin kinh doanh 12/5: Ấn Độ: 'Kẻ thách thức' vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc?

Việt Báo (Tổng hợp)| 12/05/2023 06:00

Vàng thế giới vượt mốc 2.050 USD kéo theo giá vàng SJC; Sonadezi (SNZ) bị phong tỏa tài khoản ngân hàng do tranh chấp hợp đồng thi công

- Vàng thế giới vượt mốc 2.050 USD kéo theo giá vàng SJC

Trên thị trường thế giới phiên hôm 10/5, giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 7,80 USD, ở mức 2.050,70 USD/ounce.

Mở cửa phiên giao dịch 11/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua - giá bán ở mức 600.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá mua bán vàng SJC ở mức 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI cũng niêm yết giá mua bán ở mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới phiên hôm 10/5, giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 7,80 USD, ở mức 2.050,70 USD/ounce. Vàng tăng khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,4% so với tháng 3 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sáng 11/5, giá vàng giao dịch trên Kitco quanh mức 2.032 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hơn 10,8 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại tệ, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm giữa USD và VNĐ ngày 11-5 ở mức 23.632 đồng/USD. Giá mua bán USD tại Vietcombank sáng nay ở mức 23.300 - 23.640 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá được giao dịch ở mức 23.360 - 23.460 đồng/USD.

- Ấn Độ: 'Kẻ thách thức' vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc?

Khi các công ty phương Tây đang 'ráo riết' tìm kiếm một địa điểm dự phòng để đa dạng hóa việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Ấn Độ nổi lên như một phương án thay thay vô cùng tiềm năng cho vị trí 'công xưởng mới của thế giới'.

Theo Liên hợp quốc, ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ có thể đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Chỉ Ấn Độ mới đang có lực lượng lao động và thị trường nội địa có quy mô tương đương với Trung Quốc. Do đó, quốc gia Nam Á nayf đã được các chính phủ phương Tây nhận định là có vị thế "chiến lược" với bản đồ kinh tế thế giới.

Quốc gia này gần đây đã gây được tiếng vang nhờ quyết định mở rộng đáng kể việc sản xuất iPhone của Apple, bao gồm cả việc đẩy nhanh việc sản xuất mẫu máy tiên tiến nhất của hãng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Ấn Độ, bởi lẽ sau 15 năm xây dựng chuỗi cung ứng gần như khép kín hoàn hảo tại Trung Quốc, giúp đẩy mạnh tăng trưởng toàn bộ lĩnh vực sản xuất của quốc gia này, thì từ năm 2017, Apple đã bắt đầu quay sang đẩy mạnh sản xuất tại Ấn Độ.

Apple đã và đang thúc đẩy các nhà cung cấp đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc sau quãng thời gian Bắc Kinh thực hiện nghiêm ngặt chính sách "zero-Covid" trong suốt năm ngoái. Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa Bắc Kinh và Đài Loan, nơi đặt trụ sở của Foxconn Technology Group, nhà sản xuất chính của Apple, đã khiến công ty công nghệ hàng đầu thế giới cân nhắc mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc

Theo các quan chức Ấn Độ, sự hiện diện của Apple với vị thế là một công ty chủ lực tạo xu hướng, sẽ gửi tín hiệu tới các công ty khác ở châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản, và sẽ góp phần thúc đẩy ngành sản xuất của quốc gia này.

- Genesia Ventures hoàn tất gọi vốn 110 triệu USD, sẽ rót thêm vốn vào startup Việt

Quỹ đầu tư Genesia Ventures mới đây đã thông báo về việc chính thức hoàn tất gọi vốn cho Fund thứ 3, với tổng số vốn huy động được là 15 tỷ Yên, tương đương 110 triệu USD.

Được biết, Genesia Ventures được thành lập vào năm 2016 tại Tokyo. Tính đến nay, quỹ đã có 3 Fund, tập trung đầu tư vào các startup ở giai đoạn sớm, từ Pre-seed tới Pre-series A.

Cụ thể, Fund đầu tiên với AUM (tổng tài sản quản lý đầu tư) là 35 triệu USD được hoàn tất gọi vào tháng 12 năm 2017. Với Fund này, Genesia Ventures đã đầu tư vào tổng cộng 47 công ty startup khác nhau tại Nhật Bản và Đông Nam Á.

Với Fund thứ 2, Genesia Ventures đã huy động được hơn 70 triệu USD vào tháng 10/2020. Từ Fund này, Genesia Ventures đã đầu tư vào tổng cộng 59 công ty startup tại 3 thị trường chính là Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam. Fund thứ 3 được huy động vào đúng giai đoạn thị trường tài chính toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đã hoàn tất việc huy động gọi 110 triệu USD.

Genesia Ventures cho biết từ Fund thứ 3, quỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư tại thị trường Đông Nam Á, đồng thời mở rộng hoạt động đầu tư tại Ấn Độ - thị trường đông dân nhất thế giới và có hệ sinh thái startup năng động nhất châu lục.

Tại Việt Nam nói riêng, Genesia Ventures đã đầu tư vào 12 công ty startup khác nhau. Trong đó, Fund thứ nhất đã đầu tư vào 2 công ty là Homedy và Luxstay, Fund thứ 2 đã đầu tư vào 7 công ty là Kamereo, Manabie, eDoctor, BuyMed, Vietcetera, Fundiin và Selly.

Fund thứ 3 đã đầu tư vào M Village, Rootopia và Wareflex. Với nguồn lực mới là 110 triệu USD AUM này, Genesia Ventures cho biết sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các công ty startup có tiềm năng phát triển tốt nhất và chia sẻ cùng tầm nhìn mục tiêu chung với quỹ này tại thị trường Việt Nam.

- Sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo đề án về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Từ nay đến hết năm 2027, đơn vị liên quan sẽ lên kế hoạch quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Trong đó, năm 2025, thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ; thực hiện các hoạt động về nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành chính thức; trong đó, có quy định về hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon với thị trường khu vực và thế giới.

Việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon góp phần cắt giảm lượng khí nhà kính theo hướng như cam kết khí hậu trước đây, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

- Sonadezi (SNZ) bị phong tỏa tài khoản ngân hàng do tranh chấp hợp đồng thi công

Tổng công ty cổ phần Phát triển khu Công nghiệp (Sonadezi, mã chứng khoán SNZ - UPCoM) thông báo việc bị phong tỏa tài khoản ngân hàng với số tiền gần 12,56 tỷ đồng.

Trong đó, phong tỏa số tiền 11 tỷ đồng của Sonadezi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh KCN Biên Hòa; và phong tỏa số tiền gần 1,56 tỷ đồng của Sonadezi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 7 TP. HCM.

Như vậy, tổng số tiền của Sonadezi bị phong tỏa là gần 12,56 tỷ đồng tại ngân hàng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 12/5: Ấn Độ: 'Kẻ thách thức' vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO