Điểm tin kinh doanh 12/4: Giá vàng nhẫn tuột xa mốc 78 triệu đồng/lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 12/04/2024 06:00

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái; Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh, lên mức kỷ lục

gia-vang.jpg

- Giá vàng nhẫn tuột xa mốc 78 triệu đồng/lượng

Chiều 11/4 giá vàng nhẫn giảm mạnh từ 2,1 triệu đồng đến 2,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) so với chốt phiên hôm qua. Giá vàng nhẫn hiện niêm yết 76,40 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, thời điểm 16 giờ 30 phút, tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 74,48 - 76,38 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 2,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm 10/4.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 74,45 - 76,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 2,35 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,28 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm 10/4.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC cũng theo đà giảm. Vàng VIETINBANK GOLD ở mức 82- 84,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 10/4.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 81,9- 83,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 10/4.

Như vậy, giá vàng trong nước chiều 11/4 đã giảm nhiệt sau những ngày tăng mạnh. Đặc biệt, người mua vàng nhẫn ngày hôm 10/4 và sáng 11/4 lỗ đến trên 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm cùng chiều giá vàng thế giới. Vào lúc 13 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng châu Á giao ngay giảm 0,7% xuống 2.336,40 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,3% xuống 2.355 USD/ounce.

- Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh, lên mức kỷ lục

Chỉ sau 1 năm, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư vào ngân hàng đã đạt 13,37 triệu tỷ đồng, tăng 1,64 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm.

Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, đến tháng 12/2023, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư gửi tại các tổ chức tín dụng đạt 13,37 triệu tỷ đồng, tăng 1,64 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong đó, tính đến tháng 12/2023, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng vọt 1,14 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 6,84 triệu tỷ đồng. Còn lượng tiền gửi của dân cư đạt 6,53 triệu tỷ đồng, tăng 500.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đã lên mức cao nhất từ trước đến nay bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm trong năm 2023.

Xu hướng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp "chảy" mạnh vào ngân hàng kể từ tháng 9/2022 đến nay. Tổng tiền gửi tháng sau luôn cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, ngay cả khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục.

- Chứng khoán 11/4: Thị trường rung lắc trước tin CPI Mỹ cao hơn dự báo

VN-Index diễn biến tiêu cực ngay từ thời điểm mở cửa phiên, có thời điểm thiệt hại hơn 10 điểm sau khi Mỹ công bố CPI tháng 3 tăng cao.

Thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái giao dịch tiêu cực trong phiên 11/4. Mở đầu phiên ATO, VN-Index thậm chí có thời điểm đánh rơi hơn 10 điểm.

Diễn biến này không làm nhiều nhà đầu tư bất ngờ bởi Bộ Lao động Mỹ tối 10/4 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 3, cao hơn 3,5% so với một năm trước và nhanh hơn tốc độ 3,2% của tháng 2.

CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) của Mỹ cũng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán lần lượt là 3,7% và 0,3%.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức lao dốc trước thông tin không mấy vui vẻ này. Các chỉ số chính điển hình như Dow Jones giảm khoảng 422 điểm (-1,09%) xuống 38.461,51; S&P 500 giảm gần 50 điểm (-0,95%) xuống 5.160,64 điểm; trong khi Nasdaq 100 giảm 136,28 (-0,84%) xuống 16.170,36 điểm.

Tâm lý thận trọng theo đó cũng bao phủ toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản tính riêng trên HoSE giảm 4 phiên liên tiếp và lùi về mức 16.544 tỷ đồng.

Dẫu vậy, phe bán chỉ duy trì áp lực trong 2/3 phiên giao dịch và hạ nhiệt vào cuối phiên chiều. Dòng tiền bắt đáy cũng tranh thủ thời điểm này để gom hàng, qua đó tạo điều kiện để kéo VN-Index lên trên tham chiếu.

capture-2217.png

- ADB: Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng với nhịp độ vững chắc

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhận định kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức.

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 11/4, định chế tài chính này vẫn giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Theo đó, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Như vậy, ADB vẫn giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài.

Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.

- Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang trên đà tăng trưởng rõ nét. Trong tháng ba vừa qua, Việt Nam đón lượng du khách quốc tế ước đạt 1,6 triệu lượt; khách nội địa ước đạt 8,5 triệu lượt (khoảng 3 triệu lượt nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú).

Tính chung quý 1 năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,64 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa ước đạt 30 triệu lượt, tăng 9%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 195.100 tỷ đồng, tăng 47%.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 12/4: Giá vàng nhẫn tuột xa mốc 78 triệu đồng/lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO