Điểm tin kinh doanh 11/5: Giá vàng đồng loạt tăng

Việt Báo (Tổng hợp)| 11/05/2023 06:00

Người dân gia tăng gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi cao; Việt Nam có thể mất 1,9 tỷ USD mỗi năm vì gián đoạn chuỗi cung ứng

992606-gold-rate-india-ians-286.jpg

- Giá vàng đồng loạt tăng

Giá vàng trong nước cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, với mức tăng cao nhất là 250.000 đồng/ lượng.

Rạng sáng ngày 10/5, các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý điều chỉnh tăng giá vàng. Vào lúc 10 giờ 11 phút, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,22 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.

Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm nhẹ 50.000 đồng.

Vàng PNJ TP. HCM đang mua vào ở mức 56,5 triệu đồng/lượng, tăng mức cao nhất 250.000 đồng so với và bán ra mức 57,75 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng. Vàng Bảo tín Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 66,66 triệu đồng/lượng mua vào và 67,23 triệu đồng/lượng bán ra.

Thời điểm 8h45 sáng ngày 10/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.033 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với cùng giờ sáng 9/5.

Mặc dù vàng đang giao dịch ở mức cao nhưng theo các chiến lược gia của BCA Research, kim loại quý này đáng lẽ phải đang được giao dịch ở mức 2.200 USD/ounce với đồng USD đang được định giá cao hơn khoảng 20%.

- 'Gom đất' tại Ấn Độ và Việt Nam, Foxconn sắp mở rộng sản xuất tại hai nước châu Á?

Ngày 9/5, có thông tin tiết lộ rằng, Foxconn đang mở rộng hoạt động bằng việc mua đất có khả năng phát triển thành các cơ sở quy mô lớn hơn.

Một tuyên bố gửi tới Sở giao dịch chứng khoán London mà AFP có được tiết lộ, việc Foxconn mua lại một lô đất rộng 1.200.000 m² ở Devanahalli, gần sân bay của trung tâm công nghệ Bengaluru, Ấn Độ.

Foxconn Hon Hai Technology India Mega Development đã trả 37 triệu USD để mua khu đất này.

Trong khi đó, tại Việt Nam, một đơn vị khác của công ty cũng đang giành được quyền sử dụng đất tại một địa điểm ở tỉnh Nghệ An. Khu đất này được cho là có diện tích 480.000 m².

Vào tháng 3/2023, có thông tin cho rằng, Foxconn muốn đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới để tăng sản lượng linh kiện iPhone.

Tại Việt Nam, tháng 2/2023, họ đã ký hợp đồng với Công ty Khu công nghiệp Sài Gòn-Bắc Giang, để thuê gần 450.000 m² đất cho đến năm 2057 với giá 62,5 triệu USD.

Là một đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Foxconn có các cơ sở ở Trung Quốc và các khu vực khác. Nhiều cơ sở của Foxconn đang sản xuất các sản phẩm của Apple, ví dụ như iPhone.

Động thái của Foxconn diễn ra trong bối cảnh xu hướng di dời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu Apple đang khẩn trương mở rộng hoạt động tại thị trường đông dân nhất thế giới.

- Người dân gia tăng gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi cao

Trong khi người dân gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao thì các tổ chức kinh tế phải rút dần vốn tự có để tồn tại qua ngày.

Theo báo cáo ngành ngân hàng do Công ty chứng khoán VNDirect vừa công bố cho thấy, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tiếp tục tăng mạnh.

Tổ chức này cho biết, bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, khách hàng cá nhân sẽ có xu hướng tăng “gửi tiết kiệm” trong môi trường lãi suất cao và kinh tế suy yếu (tiền gửi cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng cho đến tháng 2-2023).

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm đáng kể cùng thời điểm. Dù thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã dồi dào trở lại, kênh tiền gửi khách hàng hiện vẫn chiếm phần lớn trong tổng huy động của các ngân hàng.

Cụ thể, số liệu do Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến tháng 2 vừa qua cho thấy, tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng là hơn 6,18 triệu tỉ đồng.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là trên 5,61 triệu tỉ đồng và tiền gửi của dân cư là hơn 6,17 triệu tỉ đồng. So với cuối năm ngoái, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ít hơn 338.086 tỉ đồng. Trong khi đó chỉ sau 2 tháng đầu năm tiền gửi của người dân tại các ngân hàng tăng thêm 314.222 tỉ đồng.

VNDirect cho rằng với xu hướng nói trên, những ngân hàng có tỉ trọng tiền gửi lớn đến từ khách hàng cá nhân và hệ số LDR (tỉ lệ cho vay trên tổng tiền gửi) cao như Sacombank, ACB, Vietcombank… sẽ có lợi cho thanh khoản.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức từ 6,0 - 6,1%/năm (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân) và lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9 - 9,2%/năm. Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất khá tích cực trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, soi vào biểu lãi suất của 27 ngân hàng thì hiện có 11 ngân hàng đang trả lãi suất từ 8-9%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Trong khi đó, các kênh đầu tư như vàng, USD, bất động sản, chứng khoán đều èo uột, thì việc tiền gửi của người dân tiếp tục chảy vào hệ thống các tổ chức tín dụng cũng là điều dễ hiểu.

- Cơ hội để doanh nghiệp điện tử tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Doanh nghiệp điện tử trong nước đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn điện tử toàn cầu.

Chia sẻ tại sự kiện giới thiệu Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023 tại Singapore diễn ra vào trưa 10/5, tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn. Nhất là gần đây có thông tin, nhiều hãng điện tử toàn cầu đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, cụ thể như Tập đoàn Apple, đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng đang có ý định triển khai sản xuất những sản phẩm mang tính cao cấp hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thêm những cơ hội xuất khẩu linh kiện điện tử sang những thị trường khác nhau trên thế giới. Cụ thể, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đầu năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tiếp đón rất nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ châu Âu, Đông Âu, Nga… những đoàn doanh nghiệp này có chung mong muốn tìm kiếm những sản phẩm điện tử chất lượng từ Việt Nam. Điều này đang mở ra những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp điện tử trong nước.

Cũng nói về những cơ hội cho doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ông Darren Seah – Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế hiện nay, trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử, thay đổi cho các thị trường truyền thống trước đây như Trung Quốc, do đó đây là cơ hội để doanh nghiệp điện tử Việt Nam có thể nắm bắt dòng sản xuất ở các thị trường khác có ý định sản xuất tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Darren Seah, Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư như Samsung, LG, Intel, Canon… điều có chứng tỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

- Việt Nam có thể mất 1,9 tỷ USD mỗi năm vì gián đoạn chuỗi cung ứng

Với trung bình 0,47% doanh thu kinh doanh trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ, ước tính có thể mất khoảng 1,9 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

TMX Global, công ty tư vấn chuỗi cung ứng toàn diện có trụ sở chính tại Singapore phát hành thông cáo báo chí về những khó khăn liên đới của nhiều ngành tại Việt Nam do ảnh hưởng của gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 và những yếu tố địa chính trị toàn cầu.

Theo báo cáo, các căng thẳng địa chính trị toàn cầu và đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. Giám đốc Quốc gia của TMX Global tại Việt Nam Thomas Harris, chia sẻ rằng với việc trung bình 0,47% doanh thu kinh doanh trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ, ước tính có thể mất khoảng 1,9 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Theo ông Thomas Harris, so với các nền kinh tế khác trong khu vực, Việt Nam đã có mức tăng trưởng nhanh nhất trong 25 năm qua và phát triển rất tốt sau đại dịch. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 11/5: Giá vàng đồng loạt tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO