Điểm tin Kinh doanh 1/11: Giá vàng: vàng miếng lên mức 90 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tiếp tục tăng giá

Việt Báo (Tổng hợp)| 01/11/2024 06:00

Novaland xin gỡ cảnh báo cổ phiếu NVL sau khoản lãi đột biến; Hai cổ phiếu ngân hàng VCB và CTG giúp VN-Index trở lại vùng 1.265 điểm

gia-xang.jpg

- Giá vàng: vàng miếng lên mức 90 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tiếp tục tăng giá

Ghi nhận vào ngày 31/10, giá vàng miếng đã đạt mốc 90 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC niêm yết mua vào 88 triệu đồng/lượng và bán ra 90 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra so với ngày 30/10.

Tập đoàn Vàng bạc trang sức Doji mua vào 88 triệu đồng/lượng và bán ra 90 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra so với ngày 30/10.

Giá vàng miếng PNJ có giá 88,4-89,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra, tăng 500 ngàn đồng/lượng so với ngày 30/10 ở chiều bán ra.

Bên cạnh đó, giá vàng nhẫn tiếp đà tăng giá. Nhẫn trơn SJC 9999 có giá mua vào 8,77 triệu đồng/chỉ và bán ra 8,92 triệu đồng/chỉ, tăng khoảng 40-70 ngàn đồng/chỉ (tương đương 400-700 ngàn đồng/lượng) so với hôm 30/10.

Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) của Doji hiện có mức giá mua vào 8,86 triệu đồng/chỉ, bán ra 8,96 triệu đồng/chỉ, tăng khoảng 30 ngàn đồng/chỉ (tương đương 300 ngàn đồng/lượng) ở cả mua vào - chiều bán ra so với hôm 30/10.

Như vậy, giá vàng nhẫn hiện dần tiến sát tới mốc 9 triệu đồng/chỉ. Ngoài ra, nhẫn trơn PNJ hiện có giá mua vào - bán ra là 8,84-8,95 triệu đồng/chỉ, tăng khoảng 50 ngàn đồng/chỉ ở chiều bán ra so với hôm 30/10.

- Novaland xin gỡ cảnh báo cổ phiếu NVL sau khoản lãi đột biến

Cổ phiếu NVL đã bị HoSE đưa vào danh sách không được cấp margin do công ty chậm trễ trong việc công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2024.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland,HoSE: NVL) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc giải trình, báo cáo tình hình khắc phục thực trạng chứng khoán bị cảnh báo định kỳ.

Trước đó, cổ phiếu NVL đã bị HoSE đưa vào danh sách không được cấp margin do công ty chậm trễ trong việc công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét quá thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn.

Novaland cho biết đã hoàn tất công bố thông tin đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 và các giải trình liên quan vào ngày 26/9/2024. Đồng thời, báo cáo tài chính quý 3/2024 đã được công bố vào ngày 30/10/2024, đúng quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo Thông tư 96/2020/TT-BTC.

Đồng thời, công ty cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định công bố thông tin, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và tính minh bạch của doanh nghiệp. Novaland mong cơ quan quản lý xem xét, tạo điều kiện để cổ phiếu NVL được gỡ trạng thái cảnh báo trong thời gian tới.

- Hai cổ phiếu ngân hàng VCB và CTG giúp VN-Index trở lại vùng 1.265 điểm

Đà tăng bất ngờ, dù không quá cao của hai cổ phiếu thuộc top vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB và CTG đã hỗ trợ VN-Index có phiên đảo chiều tăng thành công về vùng 1.265 điểm.

Sau giao dịch nhạt nhòa trong phiên sáng 31/10, với chỉ lác đác vài điểm nhấn từ các mã nhỏ, thị trường bước vào phiên chiều dần được kéo lên ngưỡng trên 1.265 điểm khi bảng điện tử cân bằng hơn và trên hết là hai trụ cột lớn VCB và CTG nới đà tăng, dù mức tăng không quá ấn tượng.

Dù vậy, dòng tiền vẫn yếu, nếu như không tính đến thỏa thuận từ khối ngoại cổ phiếu MSN thì thanh khoản vẫn nằm trong số những phiên rất thấp và khi hai trụ cột trên hết đà, thị trường đã ngay lập tức chững lại và lùi nhẹ về dưới mốc điểm trên khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 199 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index tăng 5,85 điểm (+0,46%), lên 1.264,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 614,2 triệu đơn vị, giá trị 18.053,4 tỷ đồng, tăng hơn 14% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với hơn 145,1 triệu đơn vị, giá trị 7.082 tỷ đồng, với chủ yếu là hơn 76,38 triệu cổ phiếu MSN, trị giá 5.614 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc tháng 10 này, chỉ số VN-Index giảm hơn 23 điểm từ mức gần 1.288 điểm từ cuối tháng 9, tương đương giảm 1,82%.

Hai cổ phiếu ngân hàng VCB và CTG và cũng là những mã lớn nhất thị trường đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 4 điểm tích cực. Trong đó, CTG +2,73% lên 35.700 đồng, khớp 8,4 triệu đơn vị, còn VCB +2,1% lên 93.600 đồng, khớp 2,88 triệu đơn vị.

Phần còn lại ở các bluechip phân hóa và ít thay đổi về giá, với SHB, VPB, BCM, VJC, STB, ACB, VIC nằm trong số những mã tăng tốt nhất, nhích 1% đến 1,3%. Trái lại là HPG, TCB, PLX, HDB khi giảm 0,4% đến 1%, cùng VRE và MSN giảm 1,9%.

Thanh khoản cao nhất nhóm và dẫn đầu sàn vẫn là cổ phiếu VHM, với 23,7 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu đảo chiều tăng, dù chỉ +0,9% lên 41.500 đồng.

Theo sau trên sàn vẫn là các cổ phiếu ngân hàng với VPB, STB và TPB khớp 13,9 triệu đến 19,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ngoài CIG đã chạm giá trần tại 7.690 đồng thì phiên chiều nay còn có thêm PSH và TCO cũng tìm được sắc tím tại 3.600 đồng và 17.250 đồng, khớp 0,37 triệu đến 0,95 triệu đơn vị.

Những cái tên khác tăng đáng kể có CKG +6,4% lên 26.600 đồng, QCG +6,3% lên 11.900 đồng, VFG +4,3% lên 87.600 đồng, HVN +4% lên 23.250 đồng, TLD +3,9% lên 5.940 đồng. Trong đó, cổ phiếu HVN khớp hơn 4,1 triệu đơn vị, mức cao nhất trong một tháng qua.

Ở chiều ngược lại, một số cái tên giảm đáng chú ý như TMT về giá sàn -6,9% xuống 6.470 đồng, DLG -4,9% xuống 1.930 đồng, KPF -3,9% xuống 1.710 đồng, DPG -3,2% xuống 51.300 đồng, TLH -3,1% xuống 4.980 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã bật lên khi các mã lớn đảo chiều tăng và cũng có nhịp hạ độ cao vào cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,22%), lên 226,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 36 triệu đơn vị, giá trị 585,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 30,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn như SHS, TNG, IDC, PVI, BAB đều đảo chiều tăng, dù mức tăng còn khiêm tốn. Trong khi MBS, HUT, VCS và CEO chỉ giảm nhẹ.

Các cổ phiếu nhỏ vẫn thu hút nhà đầu tư hơn, với NRC là điểm nhấn khi chạm giá trần +7,7% lên 4.200 đồng, khớp 1,47 triệu đơn vị, DL1 +4,9% lên 6.500 đồng, khớp 2,13 triệu đơn vị, TVC +4% lên 10.300 đồng, khớp 0,68 triệu đơn vị, TIG +3,1% lên 13.400 đồng, khớp 3,44 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã có đợt hồi phục vào cuối phiên, dù chỉ đủ giúp chỉ số này thu hẹp đà giảm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 92,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 367,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,8 triệu đơn vị, giá trị 73,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHG chạm giá trần tại 1.800 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị và có lẽ là mã đáng kể nhất trong số những cái tên khớp lệnh cao nhất UpCoM.

Trong khi đó, BSR -1,4% xuống 21.200 đồng, thanh khoản cao nhất khi có tới hơn 7,02 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2411 tăng 1,5 điểm, tương đương 0,11% lên 1.343,5 điểm, khớp lệnh hơn 202.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế khá lớn trong số những mã thanh khoản cao, nhưng mã khớp lệnh cao nhất và vượt trội với 7,51 triệu đơn vị là CVNM2403 lại giảm, mất 33,3% về 20 đồng/cq. Theo sau là CVHM2404 với 5,5 triệu đơn vị và tăng 26,1% lên 580 đồng/cq.

14-1-.jpeg

- Ngành nông nghiệp có 6 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm tỷ USD

10 tháng đầu năm 2024, gỗ và các sản phẩm từ gỗ ghi nhận thặng dư thương mại đạt gần 11 tỷ USD, đứng đầu trong nhóm các mặt hàng tỷ USD của ngành nông nghiệp.

Theo báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 10/2024 ước đạt 5,91 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm lên 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đạt xuất siêu nông lâm thủy sản 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,38 tỷ USD, tăng 25,6%; sản phẩm chăn nuôi đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7%; thủy sản đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12%; lâm sản đạt 14,05 tỷ USD, tăng 19,9%; và muối đạt 4,6 triệu USD, giảm 0,2%.

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 36,53 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam ước đạt thặng dư 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản đều có cán cân thương mại thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản thặng dư 11,75 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản thặng dư 6,21 tỷ USD, tăng 17,2%; và nông sản thặng dư 4,67 tỷ USD, tăng 4,2 lần.

Trong khi đó, 3 nhóm hàng còn lại có cán cân thương mại thâm hụt, đầu vào sản xuất thâm hụt 4,75 tỷ USD, tăng 7%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,64 tỷ USD, tăng 7,2%; và muối thâm hụt 24,6 triệu USD, giảm 24,1%.

Đến nay, ngành nông nghiệp có 6 mặt hàng nông lâm thủy sản đạt thặng dư thương mại trên 1 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10,91 tỷ USD, tăng 19,6%; rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD, tăng 39,6%; cà phê thặng dư 4,33 tỷ USD, tăng 38,5%; gạo thặng dư 3,68 tỷ USD, tăng 13,1%; tôm thặng dư 2,92 tỷ USD, tăng 21,7%; và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD, tăng 8,7%.

- Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 3 liên tiếp

Trong bối cảnh giá xăng thế giới đang trên đà chinh phục đỉnh mới, giá bán lẻ xăng trong nước lại có xu hướng ngược lại khi tiếp tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành tuần này…

Sau khi điều chỉnh trái chiều với tình hình thế giới, giá xăng trong nước đã có phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Giá bán lẻ xăng mới được áp dụng từ 15h ngày 31/10, cụ thể:

Xăng E5RON92 giảm 290 đồng/lít còn 19.400 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 390 đồng/lít, giá bán hiện tại ở mức 20.500 đồng/lít.

Ngược lại, trong kỳ điều hành hôm nay giá dầu các loại được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng 90 đồng/lít lên 18.140 đồng/lít; dầu hỏa tăng 260 đồng/lít, lên mức 18.830 đồng/lít. Dầu mazut tăng 240 đồng/kg, lên 16.460 đồng/kg.

Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Giảm mạnh chi phí dự phòng, Vietcombank giữ vững ngôi vương lợi nhuận ngành

Sau 9 tháng năm 2024, Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước do giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) ghi nhận, lãi trước thuế đạt hơn 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Trong đó, nguồn thu chính của ngân hàng này là lãi thuần tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 13.578 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng 43% YoY lên 1.272 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các nguồn thu ngoài lãi khác sụt giảm như lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 15% YoY xuống còn 1.347 tỷ đồng, lãi từ chứng khoán kinh doanh giảm 13% còn 36 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển lãi thành lỗ.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại Vietcombank chỉ tăng 5% lên mức 5.811 tỷ đồng. Trong quý, ngân hàng này giảm đến 78% YoY chi phí dự phòng rủi ro, chỉ còn trích gần 326 tỷ đồng, do đó Vietcombank báo lãi trước thuế gần 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Vietcombank lãi trước thuế hơn 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ vững ngôi vương lợi nhuận toàn ngành.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
  • 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024
    Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế xã hội đất nước đã có bước phát triển tích cực với nhiều điểm sáng; hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP hơn 7%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong thành tích chung đó, ngành Công Thương đã dồn sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, đột phá để đóng góp chủ lực vào bức tranh tăng trưởng kinh tế với nhiều kết quả ngoạn mục.
  • Hoa, cây cảnh đã sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết
    Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tại các “thủ phủ” hoa, cây cảnh nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, nông dân đang tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết - vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, sẵn sàng cung cấp nhu cầu đa dạng của thị trường.
  • 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
    Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2024, do Ban biên tập tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam bình chọn.
  • Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/12
    Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 26/12.
  • 10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024
    Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024, do Ban biên tập tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam bình chọn:
  • Lãi suất ngân hàng hôm nay 26/12/2024: Soi nhà băng có kỳ hạn 12 tháng cao nhất
    Lãi suất ngân hàng hôm nay 26/12/2024, ngày thứ sáu liên tiếp không ghi nhận ngân hàng nào điều chỉnh lãi suất huy động. Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất đang là 6,3%/năm.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 1/11: Giá vàng: vàng miếng lên mức 90 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tiếp tục tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO