Điểm tin công nghệ 8/5: iPhone 15 Pro gây thất vọng dù chưa ra mắt

Việt Báo (Tổng hợp)| 08/05/2023 06:00

ChatGPT bị cấm tại Ý; Nhà Trắng phớt lờ CEO Facebook

- iPhone 15 Pro gây thất vọng dù chưa ra mắt

Tin đồn về siêu phẩm smartphone 2023 mang tên iPhone 15 Pro Max đang làm mưa làm gió khắp các diễn đàn công nghệ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều thay đổi về sản phẩm đã được nhà cung cấp tiết lộ. Thông tin gây thất vọng không nhỏ đến người tiêu dùng.

Trong thông báo gửi đến cổ đông ngày 4/5, nhà cung cấp Cirrus Logic tiết lộ iPhone 15 Pro sẽ không có nút nguồn và âm lượng dạng cảm ứng lực, thay vào đó vẫn dùng nút bấm vật lý như những thế hệ trước.

"Trong kế hoạch cung cấp sản phẩm HPMS mà chúng tôi thảo luận, một thiết bị được đề cập tại thông báo dành cho cổ đông trước đây, dự kiến ra mắt vào mùa thu sẽ không thể tung ra thị trường như kế hoạch.

Do chưa có kế hoạch cụ thể cho sản phẩm để thảo luận với khách hàng vào thời điểm hiện tại, chúng tôi sẽ xóa doanh thu liên quan đến thành phần này khỏi mô hình nội bộ", thông báo của Cirrus Logic cho biết.

HPMS (High-Performance, Mixed-Signal) là thành phần liên quan đến bộ rung xúc giác cho Taptic Engine trên iPhone. Ban đầu, nhà phân tích Ming-Chi Kuo cho biết iPhone 15 Pro sẽ trang bị thêm 2 Taptic Engine để mô phỏng cảm giác bấm nút nguồn và âm lượng.

Trong thông báo gửi đến cổ đông vào tháng 11/2022, Cirrus Logic tiết lộ sẽ cung cấp các thành phần liên quan. Apple là khách hàng lớn nhất của Cirrus Logic, chiếm 79% doanh thu công ty trong năm tài chính 2022.

Đến tháng 4, Kuo cho biết iPhone 15 Pro sẽ không có nút cảm ứng lực do "các vấn đề kỹ thuật chưa thể giải quyết trước khi sản xuất hàng loạt". Thay vào đó, thiết bị vẫn dùng nút bấm truyền thống.

Trong thông báo gửi đến nhà đầu tư ngày 4/5, chuyên gia phân tích Blayne Curtis và Tom O'Malley của Barclays cũng cho rằng, iPhone 15 Pro sẽ không trang bị nút cảm ứng lực.

Theo nhà phân tích Jeff Pu, nút cảm ứng lực có thể được dời sang dòng iPhone 16 Pro ra mắt vào năm 2024. Tuy nhiên dựa trên thông báo của Cirrus Logic, kế hoạch tương lai của Apple chưa rõ ràng.

Tuy không trang bị nút cảm ứng lực, nguồn tin của MacRumors cho biết, cần gạt chế độ chuông trên iPhone 15 Pro vẫn sẽ chuyển sang nút bấm có thể tùy chỉnh chức năng, tương tự nút Action trên Apple Watch Ultra.

Dòng iPhone 15 Pro vẫn được đồn đoán có nhiều thay đổi với khung titan, cổng sạc USB-C và viền màn hình mỏng hơn đời trước.

- ChatGPT bị cấm tại Ý

Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý cho biết OpenAI đã thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân từ người dùng và không có hệ thống xác minh độ tuổi.

Công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã tạm thời bị cấm ở Ý. Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến về việc chatbot bị chặn theo lệnh của chính phủ.

Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý cho biết OpenAI, công ty ở California sản xuất ChatGPT, đã thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân từ người dùng và không có hệ thống xác minh độ tuổi để ngăn trẻ vị thành niên tiếp xúc với tài liệu bất hợp pháp.

Ý là chính phủ đầu tiên cấm ChatGPT do lo ngại về quyền riêng tư. Ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga và Iran, dịch vụ này không khả dụng do OpenAI quyết định không cung cấp dịch vụ này.

Quyết định của Ý là một dấu hiệu cho thấy những thách thức chính sách đang nổi lên đối với các nhà phát triển AI sau khi phát hành ChatGPT. Chương trình đã khiến người dùng mê mẩn với khả năng soạn thảo các bài luận, tham gia vào các cuộc trò chuyện giống con người và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn như viết mã máy tính, nhưng nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lan truyền thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến việc làm và rủi ro rộng lớn hơn đối với xã hội.

Vừa qua, hơn 1000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ đã kêu gọi tạm dừng phát triển AI tiên tiến nhất và các hệ thống để các chính sách an toàn có thể được đưa ra. Trung tâm AI và Chính sách kỹ thuật số - một nhóm vận động thúc đẩy việc sử dụng công nghệ có đạo đức, đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ chặn OpenAI phát hành các phiên bản thương mại mới của ChatGPT.

Tại Ý, các cơ quan quản lý đã yêu cầu OpenAI chặn người dùng internet ở quốc gia này truy cập vào ChatGPT cho đến khi công ty cung cấp thông tin bổ sung. Công ty có 20 ngày để cung cấp cho cơ quan vật chất và các biện pháp khắc phục khả thi trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của sản phẩm trong nước.

Các nhà quản lý đã trích dẫn một vụ vi phạm dữ liệu vào ngày 20 tháng 3 đã làm lộ các cuộc trò chuyện và chi tiết thanh toán của một số người dùng. Cơ quan này cho biết OpenAI có thể bị phạt tới 20 triệu euro (khoảng 22 triệu USD) hoặc 4% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới.

Trong một tuyên bố, OpenAI cho biết họ đã vô hiệu hóa ChatGPT cho người dùng ở Ý và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của mọi người.

- Nhà Trắng phớt lờ CEO Facebook

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gặp một số CEO từ các hãng công nghệ khác nhau để bàn về AI, tuy nhiên, Mark Zuckerberg không được mời.

Mark Zuckerberg không có mặt tại cuộc họp với các quan chức Nhà Trắng về chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI). Ngày 5/5, chính quyền ông Biden đã gặp gỡ CEO của các hãng công nghệ đang ở “tuyến đầu đổi mới AI”, bao gồm OpenAI, Alphabet, Anthropic, Microsoft.

Trả lời CNN, một quan chức Nhà Trắng cho biết Meta không được mời.

“Cuộc họp ngày thứ Năm tập trung vào những doanh nghiệp đang dẫn đầu lĩnh vực, đặc biệt về khía cạnh sản phẩm tiêu dùng”, vị quan chức tiết lộ.

Cuộc đua AI đã nóng lên từ vài tháng qua, bắt đầu với việc OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT hồi tháng 11/2022. Google đáp trả bằng chatbot Bard AI hồi tháng 2. Dù Meta đẩy nhanh tốc độ phát triển AI, thiếu các sản phẩm AI cho người dùng khiến sự hiện diện của công ty mờ nhạt hơn.

Đầu năm nay, Meta giới thiệu mô hình ngôn ngữ lớn LLaMA cho các nhà nghiên cứu. Nó tương tự mô hình GPT-4 nền tảng của của ChatGPT. Zuckerberg được cho là đã đầu tư quá mức vào AI khiến một số nhà phân tích lo lắng về mức chi tiêu dành cho công nghệ này. Công ty mẹ Facebook mua rất nhiều chip Nvidia để đào tạo mô hình AI tạo sinh. Mỗi con chip có thể có giá 10.000 USD.

Trận chiến thống trị AI cũng làm dấy lên quan ngại của nhà chức trách trước những rủi ro tiềm tàng của công nghệ. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã ghé qua cuộc họp để nhắc nhở các CEO tham dự về “trách nhiệm căn bản là bảo đảm sản phẩm an toàn, bảo mật trước khi chúng được triển khai hoặc đưa ra công chúng”.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 8/5: iPhone 15 Pro gây thất vọng dù chưa ra mắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO