- Apple sẽ ra mắt mẫu iPhone hoàn toàn mới, giá tăng vọt
Thay vì đổi tên đổi tên phiên bản iPhone đắt nhất từ Pro Max sang Ultra, Apple sẽ bổ sung một dòng sản phẩm hoàn toàn mới, cao cấp hơn cả dòng Pro/Pro Max hiện tại.
Theo phóng viên Mark Gurman của Bloomberg, Apple đang ấp ủ kế hoạch ra mắt một chiếc iPhone Ultra cao cấp nhất, song song với dòng Pro/Pro Max hiện tại. Dự kiến sản phẩm này sẽ xuất hiện vào năm 2024 với mẫu iPhone 16.
Cụ thể, trong bản tin Power On gần đây, phóng viên tiết lộ Táo khuyết đang bí mật thảo luận về dòng iPhone cao cấp nhất. Kế hoạch phân cấp dòng Pro và Pro Max của hãng khiến nhiều người đồn đoán rằng dòng cao cấp nhất sẽ sớm ra mắt và được đặt tên là Ultra, cùng tên với dòng smartwatch cao cấp mới ra mắt và phiên bản hiệu năng cao của dòng chip M1, M2.
Nhưng thay vì đổi tên iPhone Pro Max thành iPhone Ultra, Apple sẽ bổ sung một dòng sản phẩm hoàn toàn mới, ra mắt cùng với dòng Pro/Pro Max vào năm 2024.
Theo chuyên gia, thay đổi này sẽ tăng giá bán iPhone, cao hơn mức giá 1.099 USD cho phiên bản thấp nhất của iPhone 14 Pro Max hiện tại. Do đó, để kích cầu tiêu dùng, Apple cần có những nâng cấp đủ rõ rệ để trở thành lý do để bỏ tiền cho dòng sản phẩm cao cấp này. Hiện vẫn chưa rõ điểm khác biệt giữa dòng Ultra cao cấp và các sản phẩm khác là gì.
Nhưng Mark Gurman cho rằng smartphone cao cấp nhất của Apple sẽ được nâng cấp mạnh về camera, con chip tốc độ cao hơn và thậm chí là màn hình lớn hơn. Ngoài ra, những tính năng được Táo khuyết ấp ủ trong tương lai cũng xuất hiện trên sản phẩm này như đổi cổng kết nối từ Lightning sang USB-C.
- 232 ứng dụng cá cược và cho vay vừa bị ngăn chặn
Mới đây, Ấn Độ đã ngăn chặn 232 ứng dụng cá cược và cho vay có liên kết với Trung Quốc nhằm hạn chế việc lạm dụng dữ liệu của công dân.
Cụ thể, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đang trong quá trình thực hiện lệnh cấm khẩn cấp áp dụng với 138 ứng dụng cá cược và đánh bạc, 94 ứng dụng cung cấp dịch vụ cho vay trái phép. Đây được xem là động thái mới nhất trong một loạt các nỗ lực của chính phủ nhằm trấn áp các ứng dụng cho vay nặng lãi.
Các ứng dụng độc hại được thiết kế để đánh lừa người dùng để họ mắc các khoản nợ lớn, đi kèm theo đó là những lo ngại liên quan đến quyền riêng tư.
Theo các quy định mới, người cho vay không được phép tăng hạn mức tín dụng của khách hàng mà không có sự đồng ý của họ và phải tiết lộ tỉ lệ cho vay hàng năm theo các điều khoản rõ ràng. Các ứng dụng cho vay kỹ thuật số cũng bắt buộc phải có sự đồng ý rõ ràng trước của khách hàng trước khi thu thập bất kỳ dữ liệu nào, và tất cả các yêu cầu đó phải “dựa trên nhu cầu”.
Vào năm 2020, Ấn Độ cũng đã chặn hơn 300 ứng dụng có liên kết với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn của quốc gia. New Delhi đã cấm Xriver của Tencent, Free Fire của Garena, Onmyoji Arena của NetEase, Astracraft và 50 ứng dụng khác có liên kết với Trung Quốc.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấm hàng chục ứng dụng bao gồm TikTok của ByteDance, ứng dụng Community and Video Call của Xiaomi cũng như UC Browser và UC News của Tập đoàn Alibaba vào giữa năm 2020 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa hai quốc gia láng giềng.
Trước đó không lâu, công ty bảo mật di động Zimperium cũng đã phát hiện ra một chiến dịch phần mềm độc hại, tống tiền nạn nhân thông qua các ứng dụng cho vay.
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho chiến dịch lần này là MoneyMonger, ước tính đã hoạt động từ tháng 5-2022. 33 ứng dụng độc hại bị phát hiện không có sẵn trên Google Play, thay vào đó, chúng được phân phối thông qua các cửa hàng của bên thứ ba, các trang web bị xâm phạm, quảng cáo lừa đảo hoặc các chiến dịch truyền thông xã hội.
- ChatGPT có 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng, lập kỷ lục ứng dụng có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất
ChatGPT đã trở thành ứng dụng tiêu dùng đạt mốc 100 triệu người dùng nhanh nhất lịch sử khi làm được điều này chỉ sau hai tháng, hơn cả những TikTok (9 tháng) hay Instagram (2,5 năm).
ChatGPT, chatbot đang gây bão toàn cầu của công ty khởi nghiệp OpenAI, ước tính đã đạt được 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1, chỉ hai tháng sau khi công cụ này ra mắt, khiến nó trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu của UBS được công bố ngày 1/2.
Báo cáo của UBS được hãng tin Reuters tổng hợp, trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Similarweb, cho biết trung bình có khoảng 13 triệu khách truy cập đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với mức của tháng 12/2022.
Các nhà phân tích của UBS đã viết trong ghi chú: "Trong 20 hành trình phát triển của internet, chúng tôi không thể nhớ lại có ứng dụng internet tiêu dùng nào đạt tốc độ phát triển nhanh hơn so với những gì mà ChatGPT đã đạt được".
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, TikTok, ứng dụng xem video ngắn nổi tiếng toàn cầu của kỳ lân ByteDace trong vài năm qua, đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt trên toàn thế giới để đạt được cột mốc 100 triệu người dùng.
Trong khi đó, ứng dụng chia sẻ ảnh và cũng là một trong những mạng xã hội nổi tiếng nhất thuộc hệ sinh thái của Meta, Instagram, cũng phải mất tới 2,5 năm để đạt được cột mốc 100 triệu người dùng.
ChatGPT có thể tạo các bài báo, tiểu luận, truyện cười và thậm chí cả thơ để đáp lại các yêu cầu của người dùng. OpenAI, một công ty tư nhân được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ công nghệ Microsoft Corp, đã cung cấp miễn phí công cụ chatbot ChatGPT cho công chúng vào cuối tháng 11/2022.