- Hé lộ thiết kế hoàn toàn mới của iPhone 16 Pro
Những tin đồn liên quan đến iPhone 16 Pro bắt đầu xuất hiện khi Apple được cho là đã thử nghiệm nguyên mẫu cao cấp sắp tới với phần lỗ khoét trên màn hình và khiến Dynamic Island biến mất.
Theo PhoneArena, chia sẻ trên mạng xã hội X, người rò rỉ Majin Bu cho biết Apple đang thử nghiệm thiết kế đục lỗ cho các mẫu iPhone 16 Pro. Tuy nhiên, ông cũng nói quyết định cuối cùng của Apple đối với thiết kế có thể phải chờ đến tháng 3 năm sau mới được đưa ra.
Majin Bu cũng ám chỉ phiên bản đục lỗ có nhiều khả năng xuất hiện trên iPhone 17 hơn là các mẫu iPhone 16 Pro - vốn có thể sẽ giữ lại Dynamic Island. Thông tin này được cho là có khả năng hơn bởi Dynamic Island mới chỉ ra mắt vào năm ngoái trên iPhone 14 Pro và 14 Pro Max trước khi triển khai trên tất cả thành viên loạt iPhone 15 trong năm 2023.
Được biết, Majin Bu là người đã cung cấp một số dữ liệu chính xác về iPad mini, màu sắc của iPhone 12 cũng như các vấn đề sản xuất iPhone 15.
Trước đó, khi nói về dòng iPhone 17, chuyên gia rò rỉ Ross Young của DCSS đã chỉ ra những tin tức đáng chú ý khác về các mẫu sản phẩm ra mắt năm 2025. Theo Young, tất cả các thành viên đều đi kèm màn hình lớn hơn, với các mẫu iPhone 17 và 17 Pro có màn hình 6,3 inch, còn iPhone 17 Plus và 17 Pro Max có màn hình 6,9 inch. Quan trọng hơn, Young dự đoán vào năm 2025, Apple sẽ lần đầu tiên đưa công nghệ ProMotion 120 Hz đến với các mẫu iPhone kém cao cấp hơn.
Cuối cùng, Young chỉ ra khả năng iPhone 17 Pro sẽ có mô-đun Face ID được tích hợp trong màn hình, có nghĩa thiết bị có thể trang bị màn hình không có các đường cắt nào.
- iPhone SE 4 lộ thiết kế mới tuyệt đẹp
Apple vẫn trong quá trình phát triển thiết kế chiếc iPhone giá rẻ iPhone SE 4. Tuy nhiên, thông tin về sản phẩm này đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Ý tưởng kết xuất được chia sẻ bởi sự hợp tác giữa AppleTrack và @concept_central. Một báo cáo gần đây cho thấy iPhone SE 4 có thiết kế tương tự iPhone 14. Thiết bị này có một notch lớn dành cho công nghệ Face ID và đi kèm cổng USB-C. Giờ đây, bản concept iPhone SE 4 mới nhất cũng giới thiệu những yếu tố thiết kế này.
Nhìn vào hình ảnh, mặt trước của iPhone SE 4 có vẻ giống hệt iPhone 14 với các cạnh phẳng và các góc được bo tròn. Model này được cho là sẽ có màn hình OLED 6,1 inch, mặc dù vẫn chưa rõ liệu nó có hỗ trợ công nghệ ProMotion 120Hz hay không.
Trong khi Apple đang rời bỏ phần notch lớn trên những chiếc iPhone gần đây, mẫu iPhone SE tiếp theo dự kiến sẽ vẫn giữ thiết kế này vì đây là những sản phẩm giá rẻ hơn đến từ thương hiệu Mỹ.
Bất chấp đi theo thiết kế iPhone 14, mặt sau của iPhone SE 4 dường như vẫn chỉ có một cảm biến camera đơn, mặc dù đó sẽ là cảm biến 48 MP mới. Một yếu tố thiết kế đáng chú ý khác là cổng USB-C ở phía dưới, phù hợp với dòng iPhone 15 gần đây.
Cuối cùng, iPhone SE 4 được đồn đoán sẽ ra mắt vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, vì vậy người dùng cần thêm thời gian để cập nhật thông tin.
- Xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới từ việc mua bán thông tin cá nhân qua mạng xã hội
Việc mua bán thông tin cá nhân quá dễ dàng qua mạng xã hội là khởi nguồn của nhiều vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao, trong đó có thủ đoạn mới là chiếm đoạt tài khoản ngân hàng đi cùng số điện thoại.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông, trong năm 2023, số lượng các vụ lừa đảo công nghệ cao tăng gần 70% so với năm 2022. Các đối tượng lừa đảo với nhiều chiêu bài trên không gian mạng và qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin mất sạch tiền.
Không những thế, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi. Trong đó có một chiêu thức mới, khi người dùng tắt máy điện thoại là chính thức “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội sẽ dễ dàng mua được các thông tin các nhân như họ tên, số thẻ ngân hàng, số căn cước công dân, số điện thoại di động... Sau khi mua được các thông tin đó một cách bất hợp pháp, chúng bắt đầu các trò lừa đảo.
Đầu tiên, mục tiêu chúng nhắm đến là những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc ứng dụng mua sắm trực tiếp cho phép người dùng có thể lấy mật khẩu bằng cách đọc đúng thông tin cá nhân hoặc các ứng dụng cho phép sử dụng số điện thoại dự phòng để thực hiện giao dịch.
Sau đó, các đối tượng liên tục gọi điện thoại cho những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc mua sắm trực tiếp. Khi người dùng cảm thấy phiền và tắt máy hoặc chuyển sang chế độ máy bay để không bị làm phiền tức là người đó đã rơi vào “bẫy” của những đối tượng lừa đảo.
Khi chắc chắn nạn nhân đã tắt máy, đối tượng lừa đảo gọi điện thoại lên tổng đài của ứng dụng bằng một số điện thoại khác và báo mất điện thoại hoặc báo quên mật khẩu, cần đổi sang điện thoại mới hoặc lấy lại mật khẩu.
Vì các ứng dụng này chỉ yêu cầu đọc đúng số căn cước và một số thông tin khác qua điện thoại, nên kẻ xấu có thể dễ dàng vượt qua bước này bằng những thông tin đã mua được trước đó.
Sau khi lấy được mật khẩu mới, kẻ xấu sẽ thành công truy cập vào tài khoản ứng dụng của nạn nhân và bắt đầu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan công an khuyên cáo, khi gặp tình huống bị quấy rối bởi số lạ, người dùng đừng vội vàng tắt máy. Việc nên làm đầu tiên là gọi điện thoại đến số máy chăm sóc khách hàng của nhà mạng và báo cáo về sự việc liên tục nhận được các cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Ngoài ra, trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, người dùng nên sử dụng hình thức bảo mật gắn với mã xác minh thời gian thực (mã OTP) và tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai, trong hoàn cảnh nào.
- Phát hiện mánh khóe mới để hack iPhone
Thông qua một ứng dụng bàn phím do bên thứ 3 cung cấp, hacker có thể hack được iPhone của bạn.
Theo Russell Kent-Payne, Giám đốc công ty bảo mật di động Certo Software, hacker đang lợi dụng kẽ hở từ Keylogger hay ‘trình theo dõi thao tác bàn phím’ để vượt qua tường bảo vệ trên iPhone nhằm ghi lại tin nhắn riêng tư, lịch sử trình duyệt và thậm chí cả mật khẩu người dùng iPhone. Dù tường bảo mật của các thiết bị Apple nổi tiếng là an toàn, tuy nhiên hacker vẫn có thể lợi dụng lỗ hổng này để lấy thông tin quan trọng, tấn công mạng cho người dùng iPhone.
Theo đó, một nghiên cứu đã được diễn ra và trong quá trình điều tra các chuyên gia phát hiện ra rằng tất cả các thiết bị bị ảnh hưởng đều có cài đặt ứng dụng bàn phím độc hại của bên thứ ba. Đáng chú ý hơn, hacker không cần phải hack thiết bị trực tiếp hoặc giành quyền truy cập vào iCloud trên thiết bị. Thay vào đó, chúng sử dụng nền tảng TestFlight của Apple để phân phối phần mềm bàn phím độc hại vì các ứng dụng trên nền tảng TestFlight không bắt buộc trải qua quá trình đánh giá bảo mật nghiêm ngặt như trên App Store.
Việc các ứng dụng muốn xuất hiện trên App Store từ lâu là chuyện không dễ dàng bởi phải vượt qua đánh giá bảo mật từ chính Apple. Quá trình kiểm tra này sẽ ngăn chặn các ứng dụng độc hại xâm nhập vào thiết bị để thực hiện các hoạt động gây hại. Tuy nhiên, TestFlight là một công cụ được Apple tạo ra để giúp các nhà phát triển phân phối các ứng dụng chưa chính thức (beta) cho một số người dùng trước khi được phát hành trên App Store cho tất cả mọi người.
Sau khi bàn phím độc hại được cài đặt trên thiết bị người dùng, chúng sẽ tự động thay thế bàn phím mặc định của iPhone với giao diện tương tự như bàn phím gốc. Bàn phím độc hại hoạt động như keylogger sẽ tự động ghi lại mọi thứ người dùng gõ và gửi dữ liệu đến máy chủ của hacker.
Với TestFlight, các nhà phát triển có thể mời tối đa 10.000 người thử nghiệm cài đặt ứng dụng của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có chừng đó thiết bị có thể bị tin tặc tấn công.
- Apple phải bồi thường vì làm chậm hiệu suất iPhone
Ngày 6/12, Tòa án Cấp cao Seoul tại Hàn Quốc đã yêu cầu Apple bồi thường 70.000 won (hơn 53 USD)/trường hợp cho 7 người dùng iPhone vì cố tình làm chậm hiệu suất thiết bị sau khi cập nhật phần mềm.
Theo hãng tin Yonhap, ngày 6/12, Tòa án Cấp cao Seoul tại Hàn Quốc đã yêu cầu tập đoàn công nghệ Apple phải bồi thường 70.000 won (hơn 53 USD)/trường hợp cho 7 người dùng iPhone vì đã cố tình làm chậm hiệu suất của thiết bị sau khi cập nhật phần mềm.
Phán quyết này đảo ngược một phần phán quyết trước đó của tòa án cấp dưới.
Tòa án Cấp cao Seoul nêu rõ tập đoàn công nghệ Mỹ có trách nhiệm bồi thường cho người dùng vì đã gây tổn hại về tâm lý do xâm phạm quyền lựa chọn của họ.
Quyết định này được đưa ra sau khi các tòa án sơ thẩm ra phán quyết chống lại hơn 62.000 người dùng iPhone ở Hàn Quốc trong các vụ kiện đòi Apple bồi thường 200.000 won/người dùng với cáo buộc công ty này cố tình làm chậm hiệu suất của các mẫu máy cũ sau khi cập nhật phần mềm để buộc họ mua máy mới. Tuy nhiên, 7 nguyên đơn đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Tòa phúc thẩm cho rằng ngay cả khi bản cập nhật phần mềm có mục đích ngăn thiết bị tắt nguồn vẫn gây hạn chế hiệu suất của bộ xử lý (CPU) và các bộ phận khác. Do vậy, Apple có nghĩa vụ giải thích đầy đủ giúp người mua lựa chọn có nên cài đặt bản cập nhật hay không, nhưng công ty này đã không làm vậy.
Tuy nhiên, Tòa án Cấp cao Seoul bác bỏ cáo buộc của các nguyên đơn rằng bản cập nhật phần mềm của Apple phân phối các chương trình độc hại hoặc làm hỏng thiết bị iPhone.