Điểm tin công nghệ 6/9: Thị trường smartphone giảm xuống thấp nhất trong 10 năm qua

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/09/2023 06:00

Thủ đoạn lừa đảo mới nhất vừa được ngân hàng cảnh báo; Những nâng cấp đáng mong đợi sẽ có trên iPad Pro

c7bec22a3343f0622685e7b60baecd59.jpg

- Thị trường smartphone giảm xuống thấp nhất trong 10 năm qua

Trong nửa đầu năm 2023, ngành công nghiệp smartphone toàn cầu đạt 522 triệu thiết bị (giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái). TrendForce cho biết đây cũng là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Sản lượng smartphone toàn cầu giảm khoảng 20% trong quý đầu tiên năm nay, con số này tiếp tục sụt giảm khoảng 6,6%, xuống còn 272 triệu thiết bị.

Trong quý II, Samsung là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới khi chiếm tới 19,8% thị phần. Tuy vậy, sản lượng của hãng đã giảm 12,4% so với cùng kỳ quý trước.

Hiện Samsung đang gặp nhiều khó khăn trước bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.

Xếp ngay sau Samsung là Táo khuyết với 15,4% thị phần, giảm 21,2% so với trước đó. Quý II hàng năm thường là giai đoạn thấp điểm về doanh số của Apple do một bộ phận lớn người dùng sẽ cân nhắc về việc chờ đợi dòng iPhone mới chuẩn bị ra mắt.

Đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt là Xiaomi (12,9% thị phần, công ty này đã xuất xưởng khoảng 35 triệu sản phẩm - tăng 32,1% so với trước đó) và OPPO với 12,3% thị phần.

"Theo kế hoạch, các hãng smartphone sẽ hoạt động bình thường trở lại sau khi giải quyết hết lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc người dùng cắt giảm chi tiêu, khiến sản lượng smartphone sụt giảm nhiều hơn so với dự kiến". Theo TrendForce.

- Những nâng cấp đáng mong đợi sẽ có trên iPad Pro

Apple sắp có những thay đổi đáng hoan nghênh sản phẩm máy tính bảng cao cấp của hãng.

Theo The Verge, bên cạnh iMac và MacBook, iPad là cấp sản phẩm máy tính thứ ba của Apple. Đây là sản phẩm có khả năng đáng chú ý với sự mạnh mẽ, màn hình đẹp và giao diện cũng thân thiện với người dùng. Nhưng có một vấn đề đáng lo ngại với iPad, đó là ngay cả khi nó thống trị thị trường máy tính bảng, doanh số bán của dòng sản phẩm này vẫn sụt giảm kể từ năm 2020. Có thể thấy, iPad đang thực sự cần có một sự đột phá.

Khi được Steve Jobs giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2010, với lời hứa hẹn iPad có thể mang đến khả năng thực hiện một số tác vụ như email, duyệt web, xem video, chơi trò chơi mạnh mẽ hơn cả iPhone hoặc máy tính xách tay. Nhưng cho đến nay, có vẻ như bảng máy tính của Apple không có quá nhiều sự thay đổi về khả năng sau 13 năm “chinh chiến”.

Nhưng có lẽ những khuyết điểm nói trên sẽ sớm thay đổi. Khi nhà báo Mark Gurman vừa cho biết trong bản tin Power On của ông, rằng Apple sẽ phát hành iPad Pro có màn hình OLED lớn hơn với kích thước 13 inch và hoạt động trên chip M3 mạnh mẽ, cùng với đó là bàn phím Magic Keyboard được sửa đổi với trackpad lớn hơn. Những thay đổi lớn này dự kiến đều sẽ đến vào năm 2024.

Theo Gurman, đây sẽ là cuộc đại tu lớn đầu tiên đối với iPad kể từ khi iPad Pro 2018 được Apple giới thiệu. Nhưng có thể công ty sẽ cung cấp thêm nhiều khả năng cho máy tính bảng để thúc đẩy doanh số không mấy sảng sủa trong nhiều năm qua, cùng với bối cảnh nhiều thiết bị khác của Apple gần như đang dần bỏ xa iPad.

- Trung Quốc ra mắt quỹ 41 tỉ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp chip, nỗ lực bắt kịp Mỹ

Theo hai nguồn tin từ Reuters, Trung Quốc chuẩn bị ra mắt một quỹ đầu tư mới do chính phủ hậu thuẫn nhằm huy động khoảng 41 tỉ USD cho lĩnh vực bán dẫn của mình, khi nước này tăng cường nỗ lực bắt kịp Mỹ và các đối thủ khác.

Đây có thể là quỹ lớn nhất trong số ba quỹ do China Integrated Circuit Industry Investment Fund (còn gọi là Big Fund) thành lập.

Mục tiêu 300 tỉ nhân dân tệ (41 tỉ USD) của Big Fund vượt xa các quỹ tương tự trong năm 2014 và 2019, đã huy động được lần lượt 138,7 tỉ nhân dân tệ và 200 tỉ nhân dân tệ, theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc.

Hai nguồn tin của Reuters quen thuộc với vấn đề này cho biết lĩnh vực đầu tư chính sẽ là thiết bị sản xuất chip.

- Thủ đoạn lừa đảo mới nhất vừa được ngân hàng cảnh báo

Kẻ gian mạo danh website, fanpage ngân hàng, sử dụng logo, hình ảnh và thông tin liên quan để lừa đảo các ứng viên tìm việc.

Đây là thủ đoạn mới nhất được Ngân hàng Xây dựng (CB) cảnh báo và cho biết vừa có khách hàng mất tiền oan vì chiêu lừa này.

Theo đó, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ trên không gian mạng, hiện nay, các chiêu trò mạo danh thương hiệu để tuyển dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất phổ biến. Các đối tượng còn tạo các trang web giả rất giống với trang chính thức, sử dụng logo, hình ảnh ngân hàng và thông tin liên quan để lừa đảo các ứng viên tìm việc.

Khi ứng viên truy cập các trang web giả mạo này, kẻ gian yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân quan trọng, thực hiện giao dịch chuyển tiền để làm thủ tục tuyển dụng.

Để tránh bị lừa, ngân hàng này khuyến cáo ứng viên nên tìm hiểu kỹ thông tin, liên hệ trực tiếp với CB qua các kênh chính thức để xác nhận quy trình tuyển dụng…

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng cho biết đang phối hợp với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam xử lý group trên Facebook sử dụng hình ảnh và thông tin của ngân hàng này tiềm ẩn các rủi ro lừa đảo, xuyên tạc gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Khách hàng cần cảnh giác để tránh bị mất tiền oan.

- Big Tech hồi hộp chờ EU điểm danh

Các hãng công nghệ lớn từ Apple đến Facebook đều đang nín thở chờ đợi thông báo ngày 6/9 của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến quản lý kinh tế số.

Ngày 6/9, cơ quan chống độc quyền Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông báo danh sách phải tuân thủ quy định mới về kinh tế số. Danh sách có thể bao gồm loạt dịch vụ như Google Search của Alphabet, App Store của Apple, chợ điện tử của Amazon và Facebook của Meta.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, hay DMA, có hiệu lực vào đầu năm tới, sẽ áp cứng những điều nên và không nên đối với các công ty nói trên.

Theo DMA, sẽ là bất hợp pháp nếu một số nền tảng nhất định ưu tiên các dịch vụ của riêng họ so với đối thủ. Họ sẽ bị cấm kết hợp dữ liệu cá nhân trên các dịch vụ khác nhau, bị cấm sử dụng dữ liệu thu thập từ các bên thứ ba để cạnh tranh và phải cho phép người dùng tải xuống ứng dụng từ các nền tảng đối thủ.

Dù vậy, một số chuyên gia nhận định có thể xảy ra kiện tụng giữa doanh nghiệp và EU. Alexandre de Streel, Giám đốc học thuật của chương trình nghiên cứu kỹ thuật số tại Trung tâm Quy định ở châu Âu, cho biết việc xác định các dịch vụ trong phạm vi quản lý không dễ dàng như mong đợi.

Trong một cuộc họp giữa Apple và cơ quan cạnh tranh EU ngày 27/6, công ty đã cảnh báo về những thách thức khi tuân thủ quy tắc. Nhà sản xuất iPhone bày tỏ lo ngại về phạm vi dịch vụ chịu quản lý và tác động đến trải nghiệm của người dùng.

Trong một chuỗi email riêng biệt, các luật sư của Apple kêu gọi "thảo luận thực chất" hơn về việc tuân thủ DMA của họ từ tháng 9/2023 trở đi.

Tại cuộc họp ngày 21/6 giữa CEO Amazon và bà Margrethe Vestager, Giám đốc cạnh tranh EU, người đứng đầu Amazon cũng nêu quan ngại về “quy định chồng chéo và mâu thuẫn đến từ các cơ quan cạnh tranh quốc gia”.

CEO Meta Mark Zuckerberg đã có cuộc đàm phán với bà Vestager vào giữa tháng 6/2023.

Microsoft, một “người gác cổng” khác, lập luận công cụ tìm kiếm Bing của họ là đối thủ quá nhỏ so với Google để đối mặt với các quy tắc. Bản thân Google cũng có câu hỏi với nhà chức trách EU.

Sau khi EU công bố danh sách ngày 6/9, các nền tảng có tên có 6 tháng để thiết kế lại các dịch vụ phù hợp với quy tắc hoặc có biện pháp pháp lý, dù tỷ lệ thành công có thể không cao.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 6/9: Thị trường smartphone giảm xuống thấp nhất trong 10 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO