Điểm tin công nghệ 6/1: Apple sẽ giới thiệu kính Vision Pro vào cuối tháng 1

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/01/2024 06:00

Mỹ cấp 162 triệu USD cho Microchip Technology sản xuất thiết bị bán dẫn; Bàn phím Windows thay đổi lần đầu trong 30 năm

render-7.png

- Apple sẽ giới thiệu kính Vision Pro vào cuối tháng 1

Ngày càng có nhiều thông tin đồn đoán về việc Apple sẽ tung kính thực tế hỗn hợp Vision Pro ra thị trường vào cuối tháng 1.

Khi Apple tiết lộ kính thực tế hỗn hợp Apple Vision Pro, họ đã hứa hẹn thời điểm phát hành "đầu năm 2024”. Điều này có nghĩa, bất cứ lúc nào trước tháng 6 năm nay, kính thực tế hỗn hợp Vision Pro sẽ tung ra thị trường.

Theo nguồn tin từ Apple Insider, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thời điểm ra mắt của sản phẩm này sẽ rơi vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 2.

Mark Gurman của Bloomberg đã chia sẻ rằng, ngày 26/1 là ngày ra mắt Apple Vision Pro, với nguồn tin là những người “trong ngành” ở Trung Quốc.

Thông tin của ông Gurman phù hợp với những gì AppleInsider đã nghe được từ các nguồn độc lập khác nhau. Vì vậy, rất có thể nhà táo sẽ mở màn năm mới 2024 với sản phẩm được mong chờ nhất trong khoảng thời gian gần đây vào cuối tháng này.

Apple Vision Pro có giá 3.499 USD, nhưng Apple chưa cho biết liệu mức giá đó có bao gồm các phụ kiện như tấm che mặt tùy chỉnh hoặc mắt kính thuốc hay không.

Ngày ra mắt chính xác có thể sẽ sớm được " Táo khuyết" tiết lộ để khách hàng có thời gian lên kế hoạch tài chính và ghé thăm Apple Store.

- Người Việt thiệt hại trung bình gần 20 triệu đồng khi bị lừa đảo online

Với mỗi vụ lừa đảo thực hiện thành công, các nạn nhân người Việt phải gánh chịu thiệt hại trung bình khoảng 17,7 triệu đồng.

Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội Chongluadao mới đây đã phối hợp công bố một báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam năm 2023.

Theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA), trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo.

Thiệt hại tài chính do các vụ lừa đảo gây ra là rất lớn khi có 29% người tham gia cho biết họ đã phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình, số tiền thiệt hại của mỗi nạn nhân là khoảng 17,7 triệu đồng (734 USD).

Facebook và Gmail hiện nổi lên như những kênh lừa đảo chính để tiếp cận nạn nhân tại Việt Nam. 71% số người được hỏi gặp phải lừa đảo thông qua các nền tảng được sử dụng rộng rãi này.

Bám sát theo đó là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%), chiếm vị trí thứ 3 đến thứ 5 trong các kênh được những kẻ lừa đảo khai thác nhiều nhất. Lừa đảo đầu tư được cho là phổ biến nhất, khi 13% người được hỏi báo cáo về hình thức này.

Sử dụng phương pháp ngoại suy, GASA cho rằng, nếu áp dụng những số liệu này trên phạm vi toàn quốc, tổng thiệt hại mà lừa đảo gây ra đối với Việt Nam có thể lên tới 391,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 16,23 tỷ USD).

Cũng theo báo cáo của GASA, 70% người Việt Nam phải đối mặt với các trò lừa đảo ít nhất 1 lần mỗi tháng. Tuy vậy, 55% người Việt được hỏi “rất tự tin” về việc họ có thể nhận diện được các vụ lừa đảo. 14% cho biết họ “hoàn toàn không tự tin” trước những vụ lừa đảo nhan nhản như hiện nay.

- Bảng giá MacBook tháng đầu năm 2023: Giảm tới 15 triệu đồng

Tiếp nối đà giảm của tháng 12/2023, sang tháng 1 này, nhiều mẫu MacBook tiếp tục giảm giá cực mạnh.

Cùng với iPhone, iPad, đồng hồ Apple Watch, dòng máy tính xách tay MacBook của Apple cũng đang được giảm giá tại nhiều hệ thống bán lẻ trong nước trong dịp chào năm mới. Trong đó, những chiếc MacBook Air M1 vẫn là những sản phẩm có giá bán thấp nhất.

Hiện tại, dòng MacBook Pro 2023 đã về tới Việt Nam theo đường chính hãng. Trong đó, dòng chip M3 ở cả MacBook Pro 14 inch và MacBook Pro 16 inch đều không được giảm giá trong thời gian này, vẫn được bán ở mức giá niêm yết khá cao. Các mẫu MacBook khác đều đang được giảm giá khá mạnh.

Chiếc MacBook có giá bán cao nhất hiện tại là MacBook Pro 16 2023 M3 Max 48GB/1TB với giá lên tới 102,49 triệu đồng. Sản phẩm được đánh giá đầu bảng về cả hiệu năng lẫn độ bền về pin, phù hợp cho người tiêu dùng có yêu cầu cao về cấu hình và độ bền.

- Nhập khẩu điện thoại và linh kiện giảm 12 tỷ USD

Kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện giảm xấp xỉ 12 tỷ USD (tương ứng giảm 58,8%) và điện thoại, linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch giảm nhiều nhất…

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12 (1-15/12/2023), tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 15,48 tỷ USD, tăng 6,1% (tương ứng tăng 893 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2023.

Trong đó, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 12/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 11/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 135 triệu USD (tương ứng tăng 3,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 62 triệu USD (tương ứng tăng 3,3%).

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/12/2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 312,35 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 34,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện giảm xấp xỉ 12 tỷ USD (tương ứng giảm 58,8%). Tính đến 15/12, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này chỉ đạt 8,4 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm là sức tiêu dùng trong nước yếu, trong khi các đơn hàng xuất khẩu điện thoại, linh kiện cũng giảm mạnh.

apple-vision-pro-vision-os.jpg

- Mỹ cấp 162 triệu USD cho Microchip Technology sản xuất thiết bị bán dẫn

Mỹ kế hoạch cấp cho tập đoàn công nghệ Microchip Technology 162 triệu USD từ khoản trợ cấp của chính phủ để gia tăng sản xuất các thiết bị bán dẫn và vi điều khiển (MCU) cho quốc phòng và tiêu dùng.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 4/1 cho biết, thông báo đưa ra trong bối cảnh Mỹ muốn chuyển nguồn cung cấp các chip này từ nước ngoài như hiện nay.

Các linh kiện bán dẫn có ý nghĩa quan trọng đối với ô tô, máy giặt, điện thoại di động, bộ định tuyến Internet, máy bay và cơ sở quốc phòng.

Khoản trợ cấp này gồm 90 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại Colorado và 72 triệu USD để mở rộng cơ sở tương tự ở Oregon, sẽ giúp giảm phụ thuộc vào sản phẩm của nước ngoài.

Đây là khoản thứ 2 trong chương trình 52,7 tỷ USD mang tên "Chip cho nước Mỹ", mà Quốc hội nước này thông qua hồi tháng 8/2022 để trợ cấp cho nghiên cứu và sản xuất thiết bị bán dẫn. Khoản trợ cấp đầu tiên 35 triệu USD dành cho BAE Systems để sản xuất chip cho máy bay chiến đấu, được thông báo hồi tháng 12 năm ngoái.

- Bàn phím Windows thay đổi lần đầu trong 30 năm

Microsoft đã khởi động năm 2024 với thay đổi lớn trên bàn phím laptop, máy tính mới với mong muốn biến 2024 là 'năm của PC trí tuệ nhân tạo (AI)'.

Trong blog mới nhất, Microsoft cho biết sẽ giới thiệu phím Copilot mới trên bàn phím nhiều máy tính cá nhân (PC) và laptop của các đối tác, giúp nhanh chóng truy cập trợ lý AI Windows Copilot chỉ bằng cách bấm nút.

Phím Copilot là thay đổi lớn đầu tiên đối với bố cục bàn phím Windows trong gần ba thập kỷ. Yusuf Mehdi, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc tiếp thị mảng tiêu dùng của Microsoft viết trên blog: “Gần 30 năm trước, chúng tôi đã giới thiệu phím Windows cho bàn phím PC để giúp mọi người trên khắp thế giới tương tác với Windows. Chúng tôi xem nó (phím Copilot) như một thời khắc chuyển dịch khác trong hành trình với Windows, nơi Copilot là điểm khởi đầu để tiến vào thế giới AI trên PC”.

Phím Copilot mới sẽ thay thế phím trình đơn bên cạnh phím Windows. Nó sẽ đặt ngay bên cạnh phím ALT trên hầu hết bàn phím. Nó ở cùng vị trí với phím Office trên các bàn phím riêng của Microsoft. Khi bấm phím, nó sẽ khởi động Windows Copilot tích hợp trong Windows 11, cung cấp chatbot tương tự ChatGPT để trả lời câu hỏi hay thực hiện các thao tác trên máy tính.

Nếu Windows Copilot chưa có mặt tại quốc gia nào, phím Copilot sẽ mở ra Windows Search thay thế. Dù phím Windows hiện nay có thể mở trình đơn khởi động hoặc kết hợp với các phím khác để làm lối tắt cho các tính năng Windows, phím Copilot hiện tại chưa đa năng như vậy. Chưa rõ kế hoạch tương lai của Microsoft ra sao.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 6/1: Apple sẽ giới thiệu kính Vision Pro vào cuối tháng 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO