- Apple ấn định ngày ra mắt iPhone 15
Apple thông báo sẽ tổ chức sự kiện 'Wonderlust' tại nhà hát Steve Jobs thuộc trụ sở phi thuyền Apple Park, Cupertino, California, Mỹ vào 12/9 tới.
Sự kiện Wonderlust diễn ra lúc 10h sáng ngày 12/9 giờ địa phương (0h ngày 13/9 giờ Việt Nam) và được phát sóng trực tiếp trên website, YouTube, ứng dụng Apple TV.
Dù sự kiện được ghi hình trước nhưng Apple vẫn mời báo chí đến trụ sở để theo dõi bài trình bày trực tiếp và có thời gian “trên tay” các thiết bị mới sau màn giới thiệu.
Sự kiện tháng 9 luôn lấy iPhone làm tâm điểm. Năm nay cũng không phải ngoại lệ. Apple được dự đoán công bố loạt iPhone 15 mới, bao gồm iPhone 15 6.1 inch, iPhone 15 Plus 6.7 inch, iPhone 15 Pro 6.1 inch và iPhone 15 Pro Max 6.7 inch.
Với các điểm mới như vậy cộng với chi phí của chip 3nm, giá khởi điểm của iPhone 15 sẽ đắt hơn iPhone 14. Theo tin đồn, iPhone 15 Pro có thể bán từ 1.099 USD, còn iPhone 15 Pro Max giá từ 1.199 USD. Giá iPhone 15 tiêu chuẩn dự kiến không đổi.
Bên cạnh iPhone 15, chúng ta còn chờ đợi Apple Watch Series 9 và phiên bản Apple Watch Ultra mới.
- Huawei bất ngờ mở bán smartphone Mate mới
Huawei gây bất ngờ khi bán mẫu điện thoại cao cấp Mate 60 Pro trên chợ điện tử. Thiết bị được quảng cáo là smartphone đầu tiên trên thế giới hỗ trợ cuộc gọi vệ tinh.
Huawei Mate 60 Pro có giá 6.999 NDT (23,2 triệu đồng), bán vào trưa ngày 29/8 trên sàn thương mại điện tử Vmall. Thiết bị chạy hệ điều hành Harmony 4.0 và có thể sử dụng mô hình AI Pangu do Huawei tự phát triển. Dù vậy, thông tin về con chip trong máy hay kết nối mạng không được nêu trên website chính thức.
Trước khi bị Mỹ cấm mua chip, phần mềm và công nghệ tiên tiến khác năm 2019, Huawei có lúc vượt mặt Samsung trở thành nhà sản xuất di động số 1 thế giới.
Từ cuối năm 2020, “ông lớn” này vẫn chưa ra smartphone 5G. Hồi tháng 4, công ty trình làng mẫu smartphone dòng P mới sau hơn một năm trì hoãn. Mẫu Mate gần nhất có mặt vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, cả hai đều chỉ hỗ trợ 4G.
Theo Reuters, Huawei dự định phát hành smartphone 5G vào cuối năm nay khi nhận được nguồn chip mới từ các nhà cung ứng địa phương.
- Tổ chức, doanh nghiệp có thể bị chatbot AI lừa làm nhiệm vụ có hại
Nhiều công ty sử dụng công cụ hỗ trợ tích hợp AI dưới dạng chatbot và công cụ đó sẽ thay thế những hoạt động tìm kiếm trên Internet, chăm sóc khách hàng và gọi điện chào mua hàng.
Các quan chức Anh cảnh báo các tổ chức cần thận trọng về việc tích hợp các chatbot sử dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh của họ.
Các nghiên cứu ngày càng chỉ ra rằng họ có thể bị lừa thực hiện các nhiệm vụ có hại.
Trong bài xuất bản hôm 30/8, Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh (NCSC) cho biết các chuyên gia vẫn chưa nắm bắt được các vấn đề bảo mật tiềm ẩn gắn liền với các thuật toán có thể tạo ra các tương tác giống con người - được gọi là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
Hiện nhiều công ty đã sử dụng công cụ hỗ trợ tích hợp AI dưới dạng chatbot. Một số người hình dung những công cụ đó sẽ thay thế không chỉ các tìm kiếm trên Internet, mà còn cả những hoạt động khác như chăm sóc khách hàng và gọi điện chào mua hàng.
NCSC cho biết điều đó có thể mang tới rủi ro, đặc biệt nếu các mô hình như vậy được đưa vào những hoạt động khác mà tổ chức xử lý.
- Chuẩn bị thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024
Theo kế hoạch thương mại hóa 5G vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, các nhà mạng sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G tới khách hàng.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Quyết định số 1652/QĐ-BTTTT ban hành kế hoạch thương mại hóa 5G.
Việc thương mại hóa dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ IMT-2020 (5G) theo nguyên tắc phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ của 5G, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc thương mại hóa 5G trên cơ sở đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G, cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho doanh nghiệp.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông 5G tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở lựa chọn kiến trúc, công nghệ thích hợp, thực hiện các giải pháp chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp khi triển khai thương mại công nghệ mới.
Ưu tiên thương mại hóa 5G trên thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
- OpenAI đạt doanh thu gần 1 tỉ USD trong năm khi ChatGPT thành công rực rỡ
OpenAI đang hướng tới doanh thu 1 tỉ USD trong năm nay khi các doanh nghiệp đua nhau áp dụng công nghệ đằng sau ChatGPT, chatbot đã khơi dậy làn sóng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI).
OpenAI, công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi Microsoft, đang kiếm được khoảng 80 triệu USD doanh thu mỗi tháng, một nguồn tin am hiểu vấn đề này tiết lộ cho trang Bloomberg.
Trang The Information lần đầu tiên đưa tin về doanh thu của OpenAI, gồm cả việc công ty khởi nghiệp này lỗ khoảng 540 triệu USD vào năm 2022 khi phát triển mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 và ChatGPT.
Đại diện OpenAI không trả lời ngay lập tức câu hỏi về thông tin trên.
OpenAI được coi là một trong số những công ty đi đầu trong lĩnh vực generative AI, có thể trả lời câu hỏi, tạo hình ảnh, video đến thơ chỉ bằng vài lời nhắc đơn giản của người dùng.
Kể từ khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022, OpenAI đã làm việc với các doanh nghiệp non trẻ đến các tập đoàn lớn để tích hợp công nghệ này vào hoạt động kinh doanh và sản phẩm của họ.