- Những khoảnh khắc đáng chú ý nhất của Apple năm 2023
2023 là năm tương đối yên ắng đối với Apple, dù vậy vẫn có nhiều bất ngờ cho người hâm mộ xuyên suốt 12 tháng.
Apple chính thức hé lộ mẫu headset Vision Pro, HomePod cỡ tiêu chuẩn quay trở lại, iPhone chuyển sang USB-C... Đây là những khoảnh khắc quan trọng nhất của Apple trong năm 2023.
Vision Pro
Sau vài năm đồn đoán về headset thực tế ảo/tăng cường, Apple đã chính thức giới thiệu Vision Pro vào tháng 6. Apple cho biết headset sẽ có mặt tại Mỹ từ đầu năm 2024 với giá từ 3.499 USD. Vision Pro cho phép người dùng tương tác với các ứng dụng như thể chúng đang trôi trong không khí.
Headset sử dụng hệ điều hành mới toanh mang tên visionOS và có thể điều khiển bằng mắt, tay. Nó cũng có Digital Crown tương tự Apple Watch để chuyển đổi giữa thực tế ảo và thực tế tăng cường. Ngoài ra, còn có hộp pin rời.
Sự trở lại của HomePod
Mẫu HomePod cỡ tiêu chuẩn đã quay lại trong năm 2023 khi Apple giới thiệu mẫu máy mới vào tháng 1. HomePod thế hệ hai sử dụng thiết kế tương tự mẫu bị ngừng sản xuất năm 2021. Tuy nhiên, nó có ít loa tweeter hơn và ít hơn hai micro so với mẫu ban đầu, bổ sung một cảm biến để đo nhiệt độ, độ ẩm môi trường trong nhà. Tại Mỹ, HomePod có giá 299 USD, hai màu đen, trắng.
iPhone chuyển sang USB-C
Cuối cùng điều này cũng xảy ra sau nhiều năm hy vọng và đồn đại. Tất cả các mẫu iPhone 15 ra mắt năm nay đều trang bị cổng USB-C thay vì Lightning. Dù vậy, chỉ có iPhone 15 Pro và 15 Pro Max hỗ trợ USB 3.2 với tốc độ truyền dữ liệu lên tới 10Gbps. iPhone 15 và 15 Plus giới hạn ở USB 2.0 với tốc độ truyền tối đa 480Mbps, tương đương tốc độ Lightning trên các iPhone cũ.
Tất cả iPhone 15 đều có thể sạc Apple Watch, hộp AirPods hoặc các phụ kiện nhỏ khác qua cổng USB-C.
Giấc mộng màu xanh lá
Tháng 11, Apple thông báo sẽ hỗ trợ tiêu chuẩn nhắn tin đa nền tảng RCS trong ứng dụng nhắn tin trên iPhone bắt đầu “từ cuối năm sau”. Dựa trên khung thời gian này, có thể hỗ trợ RCS sẽ được bổ sung vào iOS 18. Điều này sẽ cải thiện nhiều điểm cho trải nghiệm nhắn tin giữa iPhone và thiết bị Android. Chúng bao gồm: Ảnh và video độ phân giải cao hơn, tin nhắn âm thanh, chỉ dấu đang gõ, thông báo đã đọc, nhắn tin Wi-Fi, mã hóa tốt hơn so với SMS.
Các tính năng này đã áp dụng khi nhắn tin giữa iPhone với nhau, hiển thị bằng màu xanh dương. iPhone hỗ trợ RCS sẽ mở rộng các tính năng cho cả tin nhắn màu xanh lá, gửi từ thiết bị Android.
Google đã thúc giục Apple áp dụng RCS trong nhiều năm.
Bộ ba M3
Trong sự kiện “Scary Fast” hồi tháng 10, Apple đã giới thiệu chip M3, M3 Pro và M3 Max cho MacBook Pro 14 inch và 16 inch. Bên cạnh MacBook Pro 14 inch và 16 inch dùng chip M3 Pro, M3 Max, còn có cả mẫu bình dân 14 inch dùng chip M3 tiêu chuẩn. Các tính năng khác bao gồm lớp vỏ Space Black cho bản cao cấp và màn hình sáng hơn 20%.
Final Cut Pro trên iPad
Người dùng YouTube có thể vui mừng vì Apple đã đưa ứng dụng biên tập video Final Cut Pro lên iPad. Trước đây, nó là ứng dụng độc quyền trên Mac. Apple cho biết Final Cut Pro cho iPad được tối ưu hóa cho giao diện cảm ứng của iPad, mang đến “studio di động cho các nhà sáng tạo âm nhạc và video”. Ứng dụng có giá 4,99 USD/tháng hoặc 49 USD/năm tại Mỹ sau một tháng dùng thử. Nó tương thích với các mẫu iPad dùng chip M1 trở lại đây.
Ngoài ra, Apple cũng giới thiệu ứng dụng sáng tác nhạc Logic Pro cho iPad.
Lệnh cấm Apple Watch
Apple phải tạm dừng bán Apple Watch Series 9 và Ultra 2 tại Mỹ do vi phạm bản quyền với nhà sản xuất thiết bị y tế Masimo, liên quan đến công nghệ đo nồng độ oxy trong máu. Masimo tố cáo nhà sản xuất iPhone tiếp cận nhân viên và đánh cắp bí mật thương mại để phát triển cảm biến đo oxy trong máu trên Apple Watch Series 6 trở lại đây.
Vào tháng 1, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ ra phán quyết Apple vi phạm một bằng sáng chế của Masimo và ra lệnh cấm bán, nhập khẩu. Dù vậy, “Táo khuyết” đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm và tạm thời thoát khỏi lệnh cấm, chỉ một ngày sau khi nó có hiệu lực.
- Huawei đạt doanh thu gần 100 tỷ USD
Anh Tuấn Thứ bảy, 30/12/2023 09:42 (GMT+7)Huawei dự kiến sẽ báo cáo doanh thu năm 2023 đạt 98,7 tỷ USD, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ kể từ sau các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu từ năm 2019.
Theo Bloomberg, Huawei dự kiến báo cáo doanh thu năm 2023 tăng vọt 9% lên hơn 700 tỷ nhân dân tệ (98,7 tỷ USD).
Đây cũng là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhiều năm qua của Huawei nhờ hoạt động kinh doanh smartphone đang "hồi sinh" và doanh số bán thiết bị 5G tăng trưởng mạnh mẽ.
- 29/30 cổ phiếu trong chỉ số bán dẫn Philadelphia đều tăng vào năm 2023: Nvidia là ngôi sao sáng nhất
Cổ phiếu các hãng bán dẫn đã khép lại năm tốt nhất trong hơn một thập kỷ, dẫn đầu là sự phục hồi của một số nhà sản xuất chip được hưởng lợi trực tiếp nhất từ trí tuệ nhân tạo (AI).
Chỉ số bán dẫn của Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia (Philadelphia Stock Exchange Semiconductor Index) đã tăng 65% trong năm nay. 2023 là năm tăng lớn nhất của chỉ số này kể từ 2009, thời điểm nó tăng 70% sau khi thị trường chạm đáy do cuộc khủng hoảng tài chính.
29/30 cổ phiếu thành viên của chỉ số này đều tăng giá vào năm 2023, nổi bật là Nvidia - công ty chứng kiến doanh số bán hàng tăng trưởng bùng nổ do nhu cầu gia tăng về chip AI. Cổ phiếu tăng hơn 3,3 lần lên 495,22 USD giúp Nvidia trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên có vốn hóa thị trường trên 1.000 tỉ USD.
Ở vị trí thứ hai trong chỉ số chất bán dẫn của Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia là Advanced Micro Devices (AMD), hãng chip lớn khác ở lĩnh vực AI. Cổ phiếu này đã tăng gần 130% trong năm nay.
- Quyết ngăn sản phẩm công nghệ cao tới Nga, Trung Quốc - Chuyên gia Mỹ đề xuất giải pháp này
Truyền thông Mỹ ngày 29/12 đưa tin hai chuyên gia nước này đã đề xuất lắp đèn hiệu điện tử trên thiết bị công nghệ cao bán ra nước ngoài để ngăn chúng đến Nga hoặc Trung Quốc.
Theo ông Chris Miller (tác giả của Chip Wars) và Jordan Schneider (người tạo ra podcast China Talk), Nga và Trung Quốc đang tìm cách né tránh các hạn chế xuất khẩu đối với máy công cụ và thiết bị sản xuất chip tiên tiến thông qua việc mua lại trái phép.
Trong bối cảnh đó, hau chuyên gia Miller và Schneider cho rằng, các sản phẩm công nghệ cao được bán ra nước ngoài nên được theo dõi bằng cách cài "thiết bị định vị địa lý chống xâm nhập".
Các chuyên gia bình luận: "Apple AirTag có giá chưa tới 30 USD. Các nhà sản xuất thiết bị trị giá hàng triệu USD chắc chắn có thể tìm ra cách hiệu quả để triển khai khả năng định vị địa lý đã được chính phủ phê duyệt vào các sản phẩm có công dụng kép".
Họ kết luận, khi vào Nga hoặc Trung Quốc, những công nghệ như vậy phải "tự động bị chặn" hoặc ít nhất "các nhà điều tra có thể theo dõi di chuyển của chúng".
- Đà Nẵng lập trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo
Đà Nẵng thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trực thuộc Sở TT&TT.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trực thuộc Sở TT&TT.
Trung tâm này được thành lập trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức lại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng trực thuộc Sở Nội vụ.
Chức năng của trung tâm là thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Trung tâm còn thực hiện các nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Đà Nẵng.