- iPhone 15 Series được bán chính thức tại Việt Nam
Vào lúc 0 giờ 01 phút, ngày 29/09/2023, các hệ thống, đại lý bán lẻ tại Việt Nam như FPT Shop, Minh Tuấn Mobile, Di Động Việt... đã bắt đầu bán ra các dòng iPhone 15 mới của Apple.
iPhone 15 sẽ có giá bán chính thức từ 22,49 triệu đồng, iPhone 15 Plus từ 24,99 triệu đồng, iPhone 15 Pro từ 28,99 triệu đồng và iPhone 15 Pro Max từ 34,99 triệu đồng.
Về màu sắc, các màu mới tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng. Với bộ đôi iPhone 15 và 15 Plus, màu hồng và màu xanh đang là phiên bản được lựa chọn nhiều nhất. Trong khi đó, màu Titan tự nhiên là phiên bản được chọn nhiều nhất ở bộ đôi cao cấp.
Với sự quan tâm lớn dành cho iPhone 15 series, dự kiến, các model này sẽ khiến thị trường di động trong những tháng cuối năm sẽ dần hồi phục và sôi động trở lại sau một thời gian dài ảm đảm bởi tình hình kinh tế.
- Mark Zuckerberg giới thiệu chatbot Meta AI, kính thông minh trả lời câu hỏi và livestream
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, hôm 27/9 đã giới thiệu các sản phẩm AI mới cho người tiêu dùng, gồm cả bot tạo ra hình ảnh chân thực, kính thông minh trả lời các câu hỏi và kính thực tế ảo mới.
Mark Zuckerberg mô tả các sản phẩm này là sự kết hợp giữa thế giới ảo và thực, đồng thời nhấn mạnh rằng một phần của những gì Meta Platforms cung cấp là trí tuệ nhân tạo (AI) miễn phí hoặc chi phí thấp có thể tích hợp vào thói quen hàng ngày.
Kính Quest của Meta là sản phẩm bán chạy nhất trong không gian thực tế ảo (VR) non trẻ và các lãnh đạo công ty đã mô tả nó là sản phẩm có giá trị tốt nhất trong ngành, khi Apple sắp bán ra kính thực tế tăng cường (AR) Vision Pro đắt tiền hơn nhiều (giá 3.500 USD).
Phát biểu từ sân trung tâm trong khuôn viên Thung lũng Silicon rộng lớn của Meta Plafforms, Mark Zuckerberg cho biết kính thông minh Ray-Ban thế hệ mới của Meta Platforms sẽ bắt đầu xuất xưởng vào ngày 17/10 với giá 299 USD.
Thiết bị này sẽ tích hợp trợ lý Meta AI mới, có khả năng phát trực tiếp những gì người dùng đang nhìn thấy lên Facebook và Instagram, một tiến bộ so với khả năng chụp ảnh của thế hệ trước.
Ông cũng cho biết kính thực tế ảo Quest 3 mới nhất sẽ bắt đầu xuất xưởng vào ngày 10/10 và giới thiệu các sản phẩm generative AI hướng tới người tiêu dùng đầu tiên của công ty. Trong đó có một chatbot Meta AI có khả năng tạo ra cả câu trả lời văn bản và hình ảnh chân thực như thật.
Meta Platforms cũng thông báo rằng đang xây dựng một nền tảng mà các nhà phát triển cũng như người bình thường có thể sử dụng để tạo ra các bot AI tùy chỉnh của riêng họ. Những bot này sẽ có hồ sơ trên Instagram, Facebook và cuối cùng xuất hiện dưới dạng hình đại diện trong metaverse.
Để chứng minh khả năng của công cụ này, Meta Platforms đã tạo ra một bộ gồm 28 chatbot với các tính cách khác nhau được thiết kế theo giọng nói của những người nổi tiếng như Charli D'Amelio, Snoop Dogg và Tom Brady, theo một bài đăng trên blog của công ty.
Các tính năng này dường như nhằm mục đích phát triển những ứng dụng và thiết bị hiện có hơn là phát triển các bề mặt quảng cáo mới hoặc các nguồn doanh thu khác.
- Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cấm bán hàng trên TikTok
Indonesia vừa ban hành lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội, động thái giáng mạnh vào TikTok.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 27/9, nhằm bảo vệ các thương nhân và thị trường truyền thống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Reuters, lệnh cấm được đưa ra chỉ ba tháng sau khi TikTok cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, phần lớn tại Indonesia, trong vài năm tới nhằm thúc đẩy xây dựng nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết đây là động thái của chính phủ nhằm đảm bảo cạnh tranh kinh doanh công bằng, đồng thời đảm bảo bảo vệ dữ liệu người dùng.
Ông Zulkifli Hasan cho biết TikTok có một tuần để tuân thủ quy định, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
- Người dân vùng lũ lụt có thể liên hệ cứu trợ khẩn cấp qua Zalo
Theo dự báo, có 120 huyện, thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh miền Bắc đối diện với nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Trong tình huống khẩn cấp, người dân có thể sử dụng Zalo mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” để được ứng cứu kịp thời.
Trước tình hình trên, người dân được khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động công tác phòng, chống. Đồng thời, người dân cũng cần nắm rõ cách liên lạc qua Zalo để kết nối với lực lượng chức năng và được ứng cứu nhanh nhất trong tình huống khẩn.
Cụ thể, người dân truy cập vào Zalo, tìm kiếm từ khóa và chọn mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam”. Lập tức, nhóm tính năng liên hệ khẩn sẽ hiển thị trên giao diện ứng dụng, nổi bật là tính năng “Kết nối cứu trợ” và “Phản ánh thiên tai”.
Trong tình huống thiên tai xảy ra, người dân gặp khó khăn như bị chia cắt do mưa lũ, bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực thực phẩm hoặc đang ở khu vực nguy hiểm cần hỗ trợ từ lực lượng cứu hộ... Người dân thực hiện các bước sau trên mini app:
● Bước 1: Chọn tính năng “Kết nối cứu trợ”.
● Bước 2: Nhập các thông tin họ và tên, số điện thoại, vị trí, thông tin hỗ trợ (y tế, thực phẩm, phương tiện), mô tả chi tiết cứu trợ, và hình ảnh địa điểm cũng như tình trạng đính kèm.
● Bước 3: Chọn nút “Gửi cứu trợ”.
Ngoài những trường hợp cần kết nối cứu trợ cho bản thân, người dùng cũng có thể sử dụng tính năng này để giúp những người xung quanh bị gặp nạn cần “kêu cứu”.
Thông tin cứu trợ của người dân sẽ nhanh chóng được xử lý và chuyển trực tiếp đến các cán bộ phụ trách của khu vực gần nhất. Dựa vào hình ảnh, vị trí của tin báo cứu trợ, các cơ quan chức năng tại địa phương sẽ nhanh chóng nắm thông tin, phân loại cứu trợ và phân bổ lực lượng ứng cứu người dân nhanh chóng.
- Cảnh báo mã độc chiếm quyền điện thoại, trộm tiền tài khoản
Lừa đảo trực tuyến đang nở rộ với hình thức ngày một tinh vi, song hành cùng sự phát triển của công nghệ. Thời gian qua không ít trường hợp đã bị kẻ gian lừa cài đặt các ứng dụng giả mạo cơ quan nhà nước, trong đó có chứa các mã độc nhằm theo dõi, đánh cắp thông tin giao dịch, trộm tiền trong tài khoản ngân hàng...
Nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)... đã lên tiếng cảnh báo khách hàng về tình trạng này.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Giám đốc Khối ngân hàng số ACB, thủ đoạn lừa cài đặt ứng dụng giả mạo của cơ quan nhà nước như thuế, bảo hiểm xã hội, điện lực... có chứa mã độc để theo dõi và đánh cắp thông tin giao dịch bắt đầu rộ lên từ quý II năm nay.
Thủ đoạn chung là dẫn dụ người dùng nhấn vào đường link và tải ứng dụng giả mạo có chứa mã độc. Trong quá trình cài đặt, ứng dụng sẽ xin quyền trợ năng Accessibility và nếu người dùng bấm Accept (cấp quyền), ứng dụng giả mạo sẽ tiến hành theo dõi để thu thập thông tin thao tác trên điện thoại, thu thập thông tin tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực giao dịch ngân hàng được gửi đến trên điện thoại (OTP/Smart OTP)...
Khi có đủ thông tin, kẻ gian sẽ đợi khi tài khoản có nhiều tiền những thời điểm khách hàng ít sử dụng điện thoại như đêm khuya để chiếm quyền điều khiển thiết bị và truy cập các ứng dụng ngân hàng để chuyển tiền, chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của người dùng.
Quyền trợ năng Accessibility trong hệ điều hành Android được tạo ra nhằm mục đích hỗ trợ các khách hàng yếu thế như người lớn tuổi, khuyết tật, người bị giới hạn chức năng như mắt mờ, tai nghe không rõ..., giúp họ sử dụng điện thoại thuận tiện hơn.
Thời gian qua các ngân hàng đã truyền thông cảnh báo trực tiếp và gián tiếp đến khách hàng qua các kênh như website, email, fanpage, Zalo OA, push app, pop-up, SMS... Các ngân hàng cũng xây dựng nhiều phòng tuyến như áp dụng những kỹ thuật mới để phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ của tài khoản bị chiếm đoạt do lộ/lọt thông tin để ngăn chặn.
Với những diễn biến phức tạp của tình trạng lừa đảo trực tuyến, các ngân hàng đã liên tục cảnh báo khách hàng qua website, email, fanpage, Zalo OA, tin nhắn SMS... Trong đó, để đảm bảo an toàn thông tin trên điện thoại cũng như bảo mật tài khoản ngân hàng, ngân hàng khuyến cáo người dùng tắt quyền trợ năng các ứng dụng nhằm hạn chế tối đa các đối tượng lừa đảo chiếm quyền truy cập điện thoại.
- Tuyến cáp biển AAE-1 gặp sự cố, đường truyền internet bị ảnh hưởng
Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã gặp sự cố, gây mất dung lượng truyền dữ liệu internet trên hướng kết nối đi Singapore từ sáng 27/9. Thông tin trên được đại diện nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam cho biết ngày 28/9.
Hiện nguyên nhân dẫn đến sự cố xảy ra với tuyến cáp biển AAE-1 chưa được xác định. Các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam cũng chưa nhận được thông báo về dự kiến kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố từ các đơn vị quản lý cáp biển này.
Trước đó, tuyến cáp biển kết nối khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương có tên gọi Asia Pacific Gateway (APG) cũng gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ truyền tải internet trên tuyến. APG là một trong những tuyến cáp biển truyền dung lượng lớn kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế. Cuối tháng 1/2023, APG đã gặp sự cố từ trên nhánh S9. Lịch khôi phục hoàn toàn tuyến cáp biển này đã liên tục bị hoãn do phát sinh thêm những lỗi mới trên các nhánh S7, S9.