Điểm tin công nghệ 25/5: Lo sợ bị lộ thông tin, Apple hạn chế nhân viên sử dụng ChatGPT

Việt Báo (Tổng hợp)| 25/05/2023 06:00

Cảnh báo sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em; Apple ký thỏa thuận hàng tỷ USD với Broadcom

- Lo sợ bị lộ thông tin, Apple hạn chế nhân viên sử dụng ChatGPT

Apple hạn chế nhân viên dùng ChatGPT và công cụ AI bên ngoài vì lo lắng bị lộ những thông tin tối mật (Theo Wall Street Journal).

Wall Street Journal mới đây đưa tin, công ty Apple đã hạn chế cho nhân viên sử dụng ChatGPT. Công ty lo lắng các dữ liệu tối mật sẽ có nguy cơ bị lộ nếu nhân viên sử dụng AI, đồng thời khuyến nghị không dùng công cụ tự động hóa việc viết phần mềm có tên là Copilot của GitHub.

Trước đó, Samsung cũng đưa ra lệnh cấm nhân viên sử dụng ChatGPT và dịch vụ AI. Vì lo ngại các dữ liệu đưa lên những nền tảng AI như Google Bard hay Bing được lưu trên máy chủ bên ngoài. Điều này rất khó kiểm soát, truy xuất hay xóa bỏ và cuối cùng sẽ bị lộ ra bên ngoài. Trong khi đó, vào đầu tháng 4, các kỹ sư của Samsung cũng vô tình làm lộ mã nguồn nội bộ khi đăng lên ChatGPT.

Trong thời gian trước, nhà phát triển Chat GPT – OpenAI đã giới thiệu chế độ ẩn danh cho chatbot, không lưu lịch sử trò chuyện hay dùng nó để cải thiện AI. Tuy nhiên, ChatGPT và các chatbot càng bị giám sát chặt chẽ vì sử dụng dữ liệu của người dùng để tạo AI.

Ngày 18/5, OpenAI ra mắt ứng dụng ChatGPT chính thức cho iPhone và iPad. Người dùng trước đây chỉ có thể truy cập chatbot qua nền web hoặc qua ứng dụng của bên thứ ba.

- TikTok cam kết cho đối tác Mỹ kiểm duyệt nội dung

Gã khổng lồ truyền thông xã hội thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance sẽ cấp cho đối tác Mỹ toàn quyền truy cập vào mã nguồn, thuật toán và dữ liệu kiểm duyệt.

TikTok sẽ sớm cho phép đối tác Mỹ của mình là Oracle Corp truy cập đầy đủ vào mã nguồn, thuật toán và dữ liệu kiểm duyệt nội dung. Đây là cam kết mới nhất của TikTok sau khi công ty này bị cáo buộc không tuân thủ lời hứa hẹn không can thiệp vào dữ liệu của người sử dụng tại Mỹ.

Trong một tuyên bố ngày 22/5, TikTok cho biết Oracle sẽ sớm có thể giám sát quyền truy cập vào môi trường an toàn được thiết lập trên các máy chủ lưu trữ dữ liệu của TikTok tại Mỹ. Đây là bước đi trong chiến lược của gã khổng lồ truyền thông xã hội có tên gọi “Dự án Texas” nhằm xoa dịu chính phủ Mỹ trước các cáo buộc kiểm soát dữ liệu người dùng và có sức mạnh lan truyền thông tin độc hại tới người dùng.

Kể từ tháng 1, Oracle đã kiểm tra một phần mã nguồn của TikTok trong Trung tâm trách nhiệm giải trình và minh bạch của nền tảng ở Los Angeles. Tuy nhiên, theo một bài viết của Bloomberg vào tuần trước, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ vẫn chưa có được quyền truy cập vào các thuật toán và mô hình dữ liệu liên quan như Giám đốc điều hành Shou Zi Chew cam kết trước Quốc hội hồi tháng 3.

Cùng ngày TikTok cam kết cho Oracle toàn quyền truy cập dữ liệu, nền tảng chia sẻ video này cũng đâm đơn khởi kiện chính quyền bang Montana sau khi Thống đốc Greg Gianforte thông qua luật cấm ứng dụng hoạt động trong phạm vi quyền hạn lãnh thổ của bang. Người phát ngôn của TikTok, ông Brooke Oberwetter, lập luận rằng lệnh cấm của bang Montana là vi phạm quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp Mỹ bảo vệ.

- Nhật Bản đưa 23 mặt hàng bán dẫn vào danh sách hạn chế xuất khẩu

Ngày 23/5, chính phủ Nhật Bản chính thức công bố bổ sung 23 mặt hàng bán dẫn, gồm cả thiết bị sản xuất chip tiên tiến vào danh sách quản lý xuất khẩu.

Theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương, các loại vũ khí và hàng hoá có thể chuyển đổi sang ứng dụng quân sự chịu sự quản lý xuất khẩu của chính phủ, buộc phải có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này trước khi xuất khẩu.

Động thái này theo sau bước đi tương tự của Bộ Thương mại Mỹ trước đó và sẽ có hiệu lực từ ngày 23/7 tới đây.

Hai mươi ba mặt hàng bổ sung vào danh sách yêu cầu có giấy phép riêng lẻ, trừ trường hợp xuất sang 42 quốc gia và vùng lãnh thổ được xác định là “thân thiện”.

Trong số danh mục hạn chế lần này có thiết bị sản xuất in thạch bản cực tím và máy khắc xếp chồng bộ nhớ ba chiều. Đây là những thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip logic hiệu suất cao tiên tiến có kích cỡ nhỏ hơn 14 nanomet.

Mỹ đang triển khai nỗ lực thắt chặt xuất khẩu sang Trung quốc chất bán dẫn tiên tiến dùng cho siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Washington đã kêu gọi Nhật Bản và Hàn Lan, các quốc gia bán dẫn hàng đầu, thực hiện những biện pháp tương tự.

- Apple ký thỏa thuận hàng tỷ USD với Broadcom

Apple Inc hôm 23/5 cho biết, họ đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với nhà sản xuất chip Broadcom Inc để sử dụng chip sản xuất tại Mỹ.

Theo thỏa thuận kéo dài nhiều năm này, Broadcom sẽ phát triển các thành phần phụ trách phát tần số vô tuyến 5G với Apple. Thông báo từ Apple cho biết, các thành phần này sẽ được thiết kế và chế tạo tại một số cơ sở tại Mỹ, bao gồm Fort Collins tại bang Colorado, nơi Broadcom có một nhà máy lớn.

Apple cho biết, họ sẽ cùng Broadcom sản xuất chip cộng hưởng âm thanh FBAR. Đây là một phần của hệ thống tần số vô tuyến giúp iPhone và các thiết bị khác của Apple kết nối với mạng dữ liệu di động.

Hai công ty không tiết lộ quy mô của thỏa thuận. Broadcom chỉ nói rằng các thỏa thuận mới yêu cầu họ phân bổ cho Apple "đủ năng lực chế tạo cùng các nguồn lực khác để sản xuất những sản phẩm này".

Cổ phiếu của Broadcom đã tăng 2,2% và chạm mức cao kỷ lục sau thông báo trên. Nhà sản xuất chip này từ trước đã là nhà cung cấp linh kiện không dây chủ chốt cho Apple, với khoảng 20% doanh thu của Broadcom đến từ nhà sản xuất iPhone trong hai năm tài chính gần nhất.

Khép phiên 23/5, cổ phiếu của Broadcom tăng 1,12% lên 686,5 USD.

- Cảnh báo sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em

Mạng xã hội có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên tìm thấy một cộng đồng để kết nối, song môi trường này có thể ẩn chứa những nội dung cực đoan, không phù hợp và độc hại.

Ngày 23/5, Tổng Y sỹ Mỹ Vivek Murthy cảnh báo các phụ huynh, các công ty công nghệ và cơ quan quản lý về việc ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Theo Tổng Y sỹ Murthy, bên cạnh những lợi ích, có nhiều dấu hiệu cho thấy mạng xã hội cũng có nguy cơ gây hại nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong báo cáo, ông Murthy cho biết mạng xã hội có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên tìm thấy một cộng đồng để kết nối, song môi trường này có thể ẩn chứa những nội dung cực đoan, không phù hợp và độc hại ví dụ như việc “bình thường hóa” hành vi tự làm hại bản thân và tự sát.

Ngoài ra, mạng xã hội có thể khiến trẻ không hài lòng về cơ thể mình, dẫn đến chứng rối loạn ăn uống và trầm cảm.

Các em cũng đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến đúng lúc não bộ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, 95% thanh thiếu niên tại nước này đang sử dụng mạng xã hội, và có tới 1/3 trong số này sử dụng với tần suất liên tục.

Ông Murthy cho rằng Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của giới trẻ mà mạng xã hội là một trong những tác nhân quan trọng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 25/5: Lo sợ bị lộ thông tin, Apple hạn chế nhân viên sử dụng ChatGPT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO