- Tiết lộ thông tin mới nhất về iPhone 16 Pro
Các mẫu iPhone 16 Pro sắp ra mắt trong năm nay sẽ có những nâng cấp mạnh mẽ về bộ nhớ. Ngoài ra, còn có thông tin về phím Capture Button.
Theo Macrumors, một nguồn tin từ Hàn Quốc tiết lộ rằng iPhone 16 Pro sắp ra mắt trong năm nay sẽ có tùy chọn lưu trữ tối đa 2TB.
Tài khoản “yeux1122” chuyên tổng hợp các tin tức sản phẩm mới trên blog Naver cho biết, iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sẽ có dung lượng lưu trữ tối đa gấp đôi so với các mẫu iPhone 15 Pro.
Động thái này được cho là kết quả của việc Apple đã bắt đầu tự cung cấp chip nhớ QLC (Quad Level Cell)NAND cho thế hệ iPhone tiếp theo đạt mức dung lượng lưu trữ lớn lên tới 2TB, với mức giá rẻ hơn.
Việc Apple sử dụng QLC NAND có thể cho phép hãng tích hợp nhiều bộ nhớ hơn vào một không gian nhỏ hơn với mức giá rẻ hơn 3 lần so với bộ nhớ TLC mà iPhone hiện tại đang sử dụng. Nhưng QLC có tốc độ đọc và ghi tương đối chậm.
Bộ nhớ QLC có nhược điểm là có khả năng chống chịu kém hơn bộ nhớ TLC, dẫn đến kém tin cậy hơn. Nó cũng có số chu kỳ đọc thấp hơn so với đối thủ cũng như tốc độ truyền thấp hơn. Thế nhưng, ưu điểm của QLC là cho phép sử dụng 4 bit dữ liệu trên mỗi ô nhớ thay vì 3, do đó trên định dạng chip tương tự như bộ nhớ TLC, \QLC có thể cung cấp nhiều dung lượng lưu trữ hơn trong khi chi phí sản xuất rẻ hơn.
Ngoài ra, tin tức rò rỉ gần đây cũng cho biết, iPhone 16 sẽ được tích hợp phím Capture Button.
Theo đó, người dùng có thể phóng to và thu nhỏ hình ảnh bằng cách vuốt phím Capture Button sang trái hoặc phải, hay nhấn nhẹ một lần sẽ giúp máy lấy nét và quay video khi nhấn mạnh hơn.
The Information cho biết, phím bấm mới sẽ thúc đẩy người dùng iPhone quay video nhiều hơn. Apple cũng sẽ tập trung phát triển thêm các tính năng mới hỗ trợ quay video, tính năng mới nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng cho thế hệ iPhone 16.
- Sam Altman cố huy động hàng tỉ USD cho mạng lưới các nhà máy sản xuất chip AI
Sam Altman có kế hoạch sử dụng hàng tỉ USD mà ông đang cố gắng huy động cho một liên doanh chip nhằm thiết lập mạng lưới các nhà máy sản xuất chip AI, trang Bloomberg đưa tin, trích dẫn những người có kiến thức về kế hoạch.
Bloomberg cho biết Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) đã đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng huy động được số tiền lớn cần thiết cho các nhà máy sản xuất chip (thường được gọi là fab).
Theo báo cáo, dự án sẽ liên quan đến việc hợp tác với những nhà sản xuất chip hàng đầu và mạng lưới các nhà máy sẽ có phạm vi toàn cầu.
Sản xuất chip rất tốn kém và đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh hàng tỉ USD tài trợ. Chi phí đã tăng lên trong những năm qua khi công nghệ sản xuất chip được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiến bộ.
Tập đoàn G42 (UAE) và SoftBank Group (Nhật Bản) nằm trong số các công ty đã tổ chức thảo luận với Sam Altman, nhưng các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn đầu và danh sách đầy đủ đối tác cùng nhà tài trợ liên quan vẫn chưa được thiết lập.
Theo Bloomberg, các cuộc đàm phán với G42, mà OpenAI hợp tác hồi tháng 10.2023, tập trung vào việc huy động từ 8 tỉ USD đến 10 tỉ USD, nhưng tình trạng hiện tại của các cuộc thảo luận vẫn chưa rõ ràng.
Báo cáo cho biết thêm Intel, TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới), Samsung Electronics (hãng chip nhớ số 1 thế giới) là những đối tác tiềm năng của OpenAI.
OpenAI, SoftBank Group, Intel, TSMC, G42 và Samsung Electronics không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của Reuters. Microsoft từ chối bình luận.
- Apple vẫn bỏ túi bạc tỷ từ "quê nhà" của Samsung
Theo thống kê mới nhất, lợi nhuận Apple thu được từ Hàn Quốc đã tăng 550% trong năm 2023 - quá ấn tượng!.
Apple đã tạo ra lợi nhuận gấp hơn 5 lần từ Hàn Quốc trong năm tài chính 2023 so với năm trước. Nguồn tin The Elec cho rằng, lợi nhuận tăng lên là do mức độ phổ biến của dòng iPhone 15. Ước tính, doanh thu từ tháng 10/2022 - 9/2023 của Apple tại Hàn Quốc là 7,52 nghìn tỷ won (5,625 tỷ USD). Trong giai đoạn này, lợi nhuận hoạt động của Apple ước tính 559,9 tỷ won (417,8 triệu USD).
Con số này lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn từ tháng 10/2021 - tháng 9/2022 với tổng doanh thu 5,9 tỷ USD và lợi nhuận là 91,3 triệu USD.
Trước đó, từ tháng 10/2020 - tháng 9/2021, Apple đã "bỏ túi" 5,97 tỷ USD với lợi nhuận 104,4 triệu USD tại quốc gia Đông Á này.
Hiện các chuyên gia vẫn không rõ tại sao lợi nhuận của "Nhà Táo" ở Hàn Quốc lại tăng mạnh như vậy với cùng mức doanh thu. Khả năng cao là thị trường Hàn Quốc có sự tăng trưởng vượt bậc về Dịch vụ, giúp "Táo Khuyết" nâng cao con số lợi nhuận tại quốc gia này trong năm.
- Giá sửa kính Vision Pro ngang một chiếc iPhone
Nếu làm hỏng kính mà không có gói bảo hành Apple Care, tổng số tiền bạn phải trả là 799 USD. Trong khi đó, tổng chi phí nếu có bảo hành là 798 USD - rẻ hơn 1 USD.
Bạn sẽ phải trả 799 USD phí sửa chữa không bảo hành. Còn nếu mua kèm gói bảo hành giá 499 USD, bạn chỉ mất 299 USD - tức tốn tổng cộng 798 USD - cho một lần sửa. Ảnh: Cnet.
Với 3.499 USD cho phiên bản thấp nhất, Apple Vision Pro khiến nhiều người dùng kinh ngạc với giá bán “trên trời”. Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả. Điều đáng nói là ngay cả chi phí bảo hành sửa chữa của bộ kính thông minh này cũng không hề rẻ.
Nếu không trả thêm 24,99 USD/tháng hoặc 499 USD cho 2 năm bảo hiểm AppleCare Plus, người dùng sẽ phải trả 799 USD - tương đương giá một chiếc iPhone - chỉ để sửa chữa mặt kính bị nứt của Vision Pro. Còn nếu đã mua AppleCare Plus, việc sửa mặt kính hoặc hư hỏng do tai nạn sẽ chỉ có giá 299 USD.
Với mức giá này, tổng số tiền phải trả cho hai năm mua AppleCare Plus và phí sửa chữa mặt kính là 798 USD - thấp hơn 1 USD so với chi phí sửa chữa nếu không có gói bảo hiểm.
Để thấy được mức độ đắt đỏ, hãy so sánh với gói AppleCare Plus 3 năm cho MacBook Air 15 inch có giá 229 USD, cho MacBook Pro là 499 USD. Trong khi đó, mua iPhone 13, 14 kèm AppleCare Plus 2 năm, người dùng chỉ tốn 149 USD.
- Apple chia sẻ công nghệ thanh toán không tiếp xúc cho các đối thủ tại EU
Apple đang chuẩn bị mở khả năng “chạm để thanh toán” của iPhone cho các đối thủ tại Liên minh châu Âu (EU), sau khi bị chỉ trích vì giữ người dùng trong hệ sinh thái của riêng mình.
Thông tin trên được Ủy ban châu Âu (EC) và Apple công bố hôm 19/1. EC, cơ quan quản lý thị trường của Liên minh Châu Âu (EC), cho biết họ đang cân nhắc đề xuất của Apple, được đưa ra sau khi EC xác định rằng “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ có vị trí thống trị trong các giao dịch ví di động trên hệ điều hành iOS bằng cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.
Các giao dịch như vậy dựa trên công nghệ giao tiếp trường gần (NFC), sử dụng cảm ứng từ trường để kết nối các thiết bị khi chúng tiếp xúc trực tiếp hoặc gần nhau. Công nghệ NFC cho phép người dùng chạm vào điện thoại thông minh trên thiết bị đầu cuối thanh toán của nhà cung cấp thay vì thẻ tín dụng có vi mạch.
Một phát ngôn viên của Apple nói với AFP: "Chúng tôi đã đưa ra các cam kết cung cấp cho các nhà phát triển bên thứ ba ở Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) một tùy chọn cho phép người dùng của họ thực hiện thanh toán không tiếp xúc từ bên trong ứng dụng iOS, tách biệt với Apple Pay và ví Apple.
Tùy chọn này sẽ được cung cấp ở 27 quốc gia EU cùng với các quốc gia liên quan như Iceland, Liechtenstein và Na Uy, cùng tạo nên EEA.