Điểm tin công nghệ 20/5: Chip A18 bên trong iPhone 16 Series sẽ nhanh tới cỡ nào?

Việt Báo (Tổng hợp)| 20/05/2024 06:00

Điểm tin công nghệ 20/5: Chip A18 bên trong iPhone 16 Series sẽ nhanh tới cỡ nào?; Việt Nam nằm trong số các nước bị tấn công mạng đánh cắp mật khẩu nhiều nhất ASEAN

2023-apple-products-1-1-.jpg

- Chip A18 bên trong iPhone 16 Series sẽ nhanh tới cỡ nào?

Sức mạnh hiệu năng của chip A18 trên dòng iPhone 16 Series đã được tiết lộ khá nhiều thông qua chip M4 trên iPad Pro.

Việc Apple chuyển sang sử dụng chip riêng đã mang lại lợi ích lớn cho công ty công nghệ này. iPhone đang dẫn đầu về khả năng xử lý sau khi chạy trên chip dòng A-series được vài năm.

Về phía Mac, Apple Silicon hiện đang ở thế hệ thứ tư và chúng cũng đã làm rung chuyển ngành công nghiệp PC theo cách riêng của mình. Việc kiểm tra cẩn thận các phiên bản chip trước đây và M4 mới trong iPad Pro sẽ gợi ý cho công chúng nhiều điều về dòng chip A tiếp theo.

Giống như M-series, A-series đã có sự tăng trưởng dần dần trong những năm qua. Vì nhóm thiết kế của Apple đang làm việc trên cả hai dòng chip nên cũng dễ dàng nhận thấy sẽ có những điểm tương đồng đáng kể giữa hai dòng chip này.

Về mặt hiệu năng, dòng A đã có nhiều cải tiến về thuật toán.

Theo các bài kiểm tra hiệu năng Geekbench, chip A13 Bionic cho các mẫu iPhone Pro Max đạt được 1.722 điểm đơn lõi và 3.848 điểm đa lõi. Mặt khác, A14 đã đạt hơn 2.000 điểm đơn lõi và đạt gần đạt 5.000 điểm đa lõi.

Trong khi đó, chip A17 Pro đạt 2.899 điểm trong bài kiểm tra lõi đơn và 7.202 trong bài kiểm tra đa lõi. Hiệu suất lõi đơn đã tăng 68% trong 4 năm, hiệu suất đa lõi đã tăng gần gấp đôi trong cùng khung thời gian, ở mức 87%.

Nói cách khác, chip A14 Bionic đã chứng kiến ​​sự cải thiện tốc độ lõi đơn 22% so với chip A13, tăng 26% trong bài kiểm tra đa lõi.

Trong những năm tiếp theo, mức tăng đã được hạn chế hơn, ở mức từ 10 - 16% mỗi năm. Đối với A17 Pro, mức nâng cấp lần lượt là 13% và 10% cho thử nghiệm lõi đơn và đa lõi.

Chỉ nhìn vào các thông số kỹ thuật và số liệu, giới chuyên gia có thể đoán được chip A18 sẽ như thế nào.

Đầu tiên, Apple sẽ duy trì cấu trúc sáu lõi của mình, bao gồm hai lõi hiệu suất, bốn lõi năng suất. Những hạn chế về nhiệt sẽ khiến Apple khó có thể tăng số lượng lõi GPU. Do đó, khả năng cao là A18 sẽ có 6 lõi GPU giống A17 Pro.

Con chip mới sẽ giúp tăng hiệu suất ít nhất 10%, điểm số sẽ nằm trong khoảng 3.200 cho bài kiểm tra lõi đơn và 7.900 cho bài kiểm tra đa lõi.

Vấn đề nằm ở sự thay đổi đáng kể trong hướng đi của công ty trong việc áp dụng Trí tuệ nhân tạo - AI. AI cần trở nên hữu ích hơn cho người dùng và Apple phải kết hợp chúng vào các sản phẩm của mình.

Có tin đồn cho rằng, Apple sẽ tăng cường khả năng AI cho chip của mình để chuẩn bị. Hiện tại, "Nhà Táo" đã thực hiện một số thay đổi trong chip A17, tăng gấp đôi số hoạt động/ giây so với chip A16, lên tới 38 nghìn tỷ hoạt động/ giây.

Nếu "Táo Khuyết" định thực hiện các thay đổi hướng tới AI, trọng tâm sẽ là Neural Engine. Do đó, hãng sẽ sử dụng lõi hiệu quả hơn, tăng số lượng lõi để đáp ứng các yêu cầu nặng nề hơn.

Cũng sau con chip A18, chip xử lý M5 chắc chắn cũng sẽ đi theo hướng tương tự.

- iPhone 16 sẽ có bố cục camera dọc giống như iPhone 12

Nguyên mẫu iPhone 16 có thiết kế camera đặt dọc, đèn flash không còn nằm trên cụm lồi và bề mặt sau dạng nhám.

Trong bài đăng mới đây trên mạng xã hội X, ông Majin Bu, người từng đăng nhiều thông tin chính xác về các thiết bị chưa ra mắt của Apple, cho biết đây có thể là mẫu iPhone 16 sắp ra mắt. Với tỷ lệ máy so với bàn tay, nhiều khả năng thiết bị là iPhone 16 bản thường. Mẫu có màu đen với bề mặt hơi nhám nhẹ và logo Apple được in chìm.

Nhiều khả năng iPhone 16 Series có màn hình lớn hơn, trang bị chip A18 Pro. Phiên bản Pro sẽ nâng cấp mạnh về camera, hỗ trợ kết nối Wi-Fi 7 và 5G Advance, đồng thời sử dụng hệ thống tản nhiệt với chất liệu graphene.

iPhone 16 còn hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh, cho phép người dùng tương tác với chatbot hoặc tạo ảnh bằng văn bản ngay trên điện thoại. Hồi tháng 10/2023, nhà phân tích Jeff Pu tiết lộ, Apple đang trong quá trình phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh của riêng mình.

Theo kế hoạch, hệ thống trí tuệ nhân tạo này sẽ được tích hợp trên phiên bản hệ điều hành iOS 18 và iPadOS 18, sẽ mang các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) lên hàng triệu thiết bị của Apple thông qua đám mây.

Cải tiến gây chú ý nhất là cụm camera. Khung kim loại giữ hai ống kính camera sau được đặt dọc thay vì chéo nhau như iPhone 13, 14 và 15. Thiết kế dọc được cho là giúp Apple đưa tính năng quay video không gian (Spatial Video) lên iPhone 16. Thiết kế cụm camera đặt dọc lần đầu được Apple áp dụng trên iPhone X ra mắt năm 2017 và giữ đến thế hệ iPhone 12.

Ngoài thay đổi camera, iPhone 16 cũng sẽ đổi nút gạt bật tắt chế độ im lặng sang nút Action giống trên iPhone 15 Pro và 15 Pro Max. Apple cũng có thể trang bị cho toàn bộ dải iPhone mới nút chụp riêng với công nghệ cảm biến lực nằm ở cạnh phải.

Đây là nguyên mẫu thử nghiệm có thể hoạt động được, thay vì là mô hình như các ảnh xuất hiện thời gian trước. iPhone 16 dự kiến được Apple cho ra mắt vào tháng 9/2024.

- Việt Nam nằm trong số các nước bị tấn công mạng đánh cắp mật khẩu nhiều nhất ASEAN

Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là 3 quốc gia ghi nhận số vụ tấn công mạng để đánh cắp mật khẩu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Hãng Kaspersky vừa cho biết đã phát hiện và phát hiện và ngăn chặn 61.374.948 cuộc tấn công Bruteforce nhắm vào các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong năm 2023.

Tấn công Bruteforce là hình thức đoán mật khẩu hoặc khóa mã hóa bằng cách thử tất cả các tổ hợp ký tự có thể theo một hệ thống cho đến khi tìm ra tổ hợp chính xác. Nếu thành công, kẻ tấn công có thể lấy cắp được thông tin đăng nhập của người dùng.

Các chuyên gia an ninh mạng cũng nhắc tới Remote Desktop Protocol (RDP), giao thức độc quyền của Microsoft, trong đó cung cấp một giao diện đồ họa để người dùng kết nối với một máy tính khác thông qua mạng lưới. RDP được sử dụng rộng rãi bởi cả quản trị viên hệ thống và người dùng thông thường để điều khiển máy chủ và các PC khác từ xa.

Theo chuyên gia bảo mật, tội phạm mạng sử dụng hình thức tấn công Bruteforce.Generic.RDP để tìm ra tên đăng nhập/mật khẩu hợp lệ bằng cách thử tất cả các tổ hợp ký tự có thể cho đến khi tìm ra mật khẩu chính xác để truy cập vào hệ thống.

Một cuộc tấn công Bruteforce.Generic.RDP thành công đồng nghĩa với việc kẻ tấn công đã tìm ra được tên đăng nhập/mật khẩu chính xác và giành quyền truy cập từ xa vào máy tính mục tiêu.

Cũng theo báo cáo của Kaspersky, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là 3 quốc gia ghi nhận số vụ tấn công RDP cao nhất trong khu vực Đông Nam Á vào năm ngoái. Trong khi đó, Singapore ghi nhận hơn 6 triệu trường hợp, Philippines gần 5 triệu và Malaysia có số đợt tấn công Bruteforce thấp nhất với gần 3 triệu.

foldable-iphone-photoshop-cnet-1-.jpg

- Elon Musk đến Indonesia khai trương dịch vụ Internet vệ tinh Starlink

Tỉ phú Elon Musk đã đáp chuyến bay riêng đến đảo Bali của Indonesia và đã có cuộc thảo luận với Bộ trưởng Bộ Đầu tư của quốc đảo này về một số chương trình hợp tác quan trọng, trong đó có Starlink.

Tỉ phú Elon Musk đã đến đảo Bali của Indonesia ngày hôm nay 19/5. Sự xuất hiện của ông là để khai trương dịch vụ internet vệ tinh Starlink - dịch vụ mà chính phủ Indonesia hy vọng sẽ thúc đẩy sự thâm nhập internet và các dịch vụ y tế ở những vùng xa xôi của quần đảo rộng lớn này.

Theo một bài đăng trên trang Instagram của vị tỉ phú, Bộ trưởng Bộ Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan đã chào đón ông Musk tại sân bay Bali vào sáng 19/5. Reuters cho biết hai người sẽ thảo luận về một số hợp tác quan trọng, trong đó có cả lễ khai trương Starlink.

Ông Musk, tỉ phú sở hữu SpaceX và Tesla sẽ tham dự buổi lễ ra mắt Starlink cùng với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Denpasar, thủ đô của Bali, vào chiều 19/5.

Elon Musk cho biết việc phủ sóng Starlink tại quốc đảo Indonesia, nơi có hơn 270 triệu người sống ở ba múi giờ, sẽ cho phép người dân ở vùng sâu vùng xa thụ hưởng Internet nhanh như những người ở khu vực thành thị.

- Sam Altman tiết lộ sử dụng GPT-4o như công cụ tìm kiếm thay Google

GPT-4o, mô hình AI đa phương thức mới nhất của OpenAI, gây sốt khi trình làng rạng sáng 14.5 giờ Việt Nam nhờ khả năng trò chuyện bằng giọng nói thực tế và tương tác qua văn bản lẫn hình ảnh.

Người dùng có thể sử dụng GPT-4o để làm nhiều thứ, từ dịch thuật đến đọc chính xác không gian xung quanh để trả lời các câu hỏi dựa trên môi trường vật lý.

Sam Altman thấy GPT-4o hữu ích theo một cách khác và chia sẻ điều này trong một tập của podcast The Logan Bartlett Show.

Sam Altman nói: "Tôi mới chỉ sử dụng GPT-4o được khoảng một tuần, nhưng một cách để dùng nó là 'đặt điện thoại lên bàn trong khi tôi thực sự tập trung làm việc và sau đó không cần phải thay đổi cửa sổ trang web hoặc những gì tôi đang làm, mà dùng nó như một kênh khác'. Cụ thể hơn, khi làm việc trên một thứ gì đó, tôi thường sẽ dừng lại những gì mình đang làm, chuyển sang thẻ khác, tìm kiếm trên Google, nhấp chuột xung quanh. Hiện tại, trong khi vẫn đang làm việc đó, tôi có thể chỉ cần hỏi và nhận được câu trả lời ngay lập tức từ GPT-4o mà không cần rời khỏi thẻ hiện tại. Đó là một điều thú vị bất ngờ".

Qua đó, Sam Altman muốn nhắc đến khả năng hoạt động như công cụ tìm kiếm của GPT-4o.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 20/5: Chip A18 bên trong iPhone 16 Series sẽ nhanh tới cỡ nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO