- Tỷ phú Elon Musk kiện ‘cha đẻ’ của ChatGPT
của Tesla, tỷ phú Elon Musk đã đệ đơn kiện tập đoàn công nghệ OpenAI và CEO của OpenAI, ông Sam Altman, vì vi phạm thỏa thuận hợp đồng thành lập và phát triển công ty.
Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe điện Tesla, tỷ phú Elon Musk đã đệ đơn kiện tập đoàn công nghệ OpenAI và CEO của OpenAI, ông Sam Altman, vì vi phạm thỏa thuận hợp đồng thành lập và phát triển công ty.
Theo hồ sơ kiện gửi lên tòa án ở thành phố San Francisco, bang California (Mỹ) vào ngày 29/2, ông Elon Musk cáo buộc OpenAI và CEO Sam Altman vi phạm các thỏa thuận hợp đồng được ký giữa hồi năm 2015 khi ông giúp thành lập OpenAI - công ty "cha đẻ" của chatbot ChatGPT.
Theo đơn kiện, ông Altman cùng với đồng sáng lập OpenAI là Greg Brockman đã trao đổi với ông Elon Musk về việc thành lập một công ty phi lợi nhuận chuyên về mã nguồn mở, nghiên cứu các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) đem lại lợi ích cho nhân loại. Sau khi được Microsoft hỗ trợ tài chính, OpenAI tập trung tìm kiếm lợi nhuận và điều này vi phạm thỏa thuận hợp đồng thành lập công ty.
Ông Musk tham gia sáng lập OpenAI hồi năm 2015, song rời khỏi hội đồng quản trị của công ty này từ năm 2018.
- Sắp trình Chính phủ đề án 50.000 nhân lực ngành bán dẫn
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I sẽ trình Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, đề án đưa ra mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Cụ thể: Theo đề án, đến năm 2030 mục tiêu đề ra là kỹ sư Việt có khả năng tham gia vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử.
Đến thời điểm đó, kỹ sư Việt tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm được công nghệ trong công đoạn sản xuất và tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả công đoạn của chuỗi giá trị.
Theo ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (cơ quan chủ trì dự án) cho biết: Đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030, kỳ vọng cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các thị trường phát triển khác.
Về nhân lực ngành bán dẫn ở nước ta hiện nay thì trong nước có công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại là 36 doanh nghiệp từ nước ngoài với đội ngũ nhân lực khoảng 5.600 kỹ sư.
- Viettel tham gia hệ thống giám sát toàn cầu về an ninh mạng Radware
Trong khuôn khổ Triển lãm di động thế giới - MWC 2024, Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) - Đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Radware- công ty hàng đầu thế giới về an ninh mạng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh cung cấp các giải pháp bảo mật trên nền tảng đám mây tại Việt Nam và trong khu vực.
Viettel IDC sẽ trở thành Nhà cung cấp dịch vụ quản lý bảo mật (MSSP) đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào hệ thống giám sát toàn cầu của Radware, để cung cấp, quản trị các giải pháp ATTT trên nền tảng đám mây (Cloud). Các dịch vụ được cung cấp bao gồm: Dịch vụ tường lửa bảo vệ ứng dụng Web, dịch vụ chống tấn công đường truyền, dịch vụ bảo vệ API (Giao diện lập trình ứng dụng) và dịch vụ quản lý Bot (Robot mạng) trên nền tảng hệ sinh thái Cloud của Viettel IDC.
Thỏa thuận bao gồm việc triển khai điểm kết nối mạng (PoP) tại Viettel IDC nhằm giúp giảm thiểu độ trễ dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật 24/7 với lực lượng chuyên gia của Viettel IDC và Radware toàn cầu, tuân thủ yêu cầu về định tuyến cho các tổ chức khu vực.
- Meta bị cáo buộc thu thập dữ liệu 'bất hợp pháp khổng lồ'
Các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng châu Âu đã cáo buộc Meta, chủ sở hữu Facebook và Instagram, thực hiện các hoạt động thu thập dữ liệu “quy mô lớn” và “bất hợp pháp” từ hàng trăm triệu người dùng trong khu vực.
Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC), cơ quan bảo trợ của 45 nhóm người tiêu dùng, cho biết 8 trong số các nhóm này đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia tương ứng của họ vào thứ Năm (29/2).
Các nhóm cho rằng Meta thu thập một lượng thông tin không cần thiết về người dùng của mình, chẳng hạn như dữ liệu được sử dụng để suy ra xu hướng tình dục, trạng thái cảm xúc hoặc thậm chí khả năng nghiện của họ.
Các nhóm lập luận rằng các hoạt động của công ty vi phạm luật bảo mật dữ liệu của Liên minh châu Âu, đó là Quy định bảo vệ dữ liệu chung hay còn gọi là GDPR.
BEUC cho biết trong một tuyên bố: “Với các hoạt động bất hợp pháp của mình, Meta thúc đẩy hệ thống quảng cáo bằng cách theo dõi người tiêu dùng trực tuyến và thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân nhằm mục đích hiển thị quảng cáo cho họ”.
Meta phản đối các cáo buộc. Người phát ngôn của công ty cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi cực kỳ coi trọng các nghĩa vụ pháp lý của mình và tin tưởng rằng cách tiếp cận của chúng tôi tuân thủ GDPR”.
- Meta ngừng trả tiền cho truyền thông Australia
Meta cho biết sẽ loại bỏ tính năng tab Tin tức (News tab) trên Facebook ở Australia và sẽ không gia hạn các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD với các nhà xuất bản tin tức.
Ngày 1/3, công ty Meta chủ quản Facebook thông báo sẽ không tiếp tục trả tiền nội dung tin tức của các công ty truyền thông Australia đăng trên mạng xã hội này.
Meta cho biết sẽ loại bỏ tính năng tab Tin tức (News tab) trên Facebook ở Australia và sẽ không gia hạn các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD với các nhà xuất bản tin tức.
Công ty khẳng định: “Người dùng không vào Facebook để xem tin tức và nội dung chính trị."
Trước đó, Meta đã thông báo không gia hạn thỏa thuận tương tự với các nhà xuất bản tin tức ở Mỹ, Anh, Pháp và Đức.
Chính phủ các nước yêu cầu Meta trả tiền tin tức đăng tải trên Facebook, trong nỗ lực tạo ra một sân chơi truyền thông bình đẳng và hỗ trợ các công ty tin tức đang gặp khó khăn.