- Apple cảnh báo nguy hiểm sạc iPhone khi ngủ
Apple cảnh báo người dùng không bao giờ sạc iPhone khi ngủ vì rất nguy hiểm.
Apple đưa ra hướng dẫn sử dụng trực tuyến cho người dùng. Theo đó, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho biết chỉ nên sạc iPhone ở nơi có không khí lưu thông như trên mặt bàn bằng phẳng, không phải trên chăn dày.
Theo Apple, iPhone nóng lên khi sạc, vì vậy nếu lượng nhiệt này không lan toả được ngoài thì có khả năng gây bỏng hoặc thậm chí gây cháy.
Đây là lý do tại sao để điện thoại đang sạc dưới gối được cho là một trong những điều tồi tệ nhất với người dùng điện thoại thông minh.
Apple hoàn toàn không khuyến cáo về việc không nên sạc điện thoại qua đêm. Tuy nhiên hãng công nghệ này cho rằng: "Hãy tránh tình huống tiếp xúc với thiết bị, bộ đổi nguồn hoặc bộ sạc không dây khi thiết bị đó đang hoạt động hoặc được kết nối với nguồn điện trong thời gian dài".
Bên cạnh đó, Apple cho hay, người dùng không ngủ trên thiết bị, bộ đổi nguồn hoặc bộ sạc không dây hoặc đặt chúng dưới chăn, gối, sát người khi thiết bị được kết nối với nguồn điện.
"Hãy để iPhone, bộ đổi nguồn và bất kỳ bộ sạc không dây nào ở khu vực thông thoáng khi sử dụng hoặc sạc", hướng dẫn của Apple cho hay.
- Samsung Galaxy S23 Ultra giảm 13 triệu đồng
Ra mắt vào tháng 2/2023, Galaxy S23 Ultra hiện chỉ còn 22,9 triệu đồng, giảm đến 13 triệu so với giá ban đầu.
Galaxy S23 Ultra giảm giá mạnh sau nửa năm vì nhiều lý do. Đầu tiên, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến tài chính của người dùng khiến sức mua sụt giảm.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giá rẻ của iPhone 14 Pro Max tại Việt Nam thời gian qua cũng tác động lớn khi các đại lý phải liên tục giảm giá cho smartphone của Samsung để kích cầu và tăng tính cạnh tranh.
Tại thị trường Việt Nam, Samsung Galaxy S23 Ultra sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với iPhone 14 Pro Max.
Theo ghi nhận tại Di Động Việt, Galaxy S23 Ultra 256 GB đang được bán với giá 22,9 triệu đồng, giảm khoảng 1 triệu so với cuối tháng 7. Phiên bản giảm sâu nhất là Galaxy S23 Ultra 1 TB (bảo hành điện tử), giảm từ 44,99 triệu đồng xuống còn 31,29 triệu đồng.
Tại các hệ thống khác như FPT Shop, Thế Giới Di Động, model này hiện đang có giá lần lượt là 23,9 triệu đồng và 25,9 triệu đồng.
- Công ty mẹ của ChatGPT đứng trước nguy cơ phá sản
Số lượng người dùng ChatGPT ngày một giảm sút khiến tình hình kinh doanh của OpenAI chưa tạo ra lợi nhuận đã phải tiếp tục gồng lỗ. ChatGPT “hết thời”, công ty mẹ đứng trước nguy cơ phá sản.
Tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên số người truy cập trang web của chatbot AI ChatGPT và tải xuống ứng dụng này đã sụt giảm mạnh kể từ khi ra mắt vào tháng 11. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các chatbot trí tuệ nhân tạo và trình tạo hình ảnh có thể bắt đầu giảm dần.
Theo công ty dữ liệu internet Similarweb, lưu lượng truy cập trên thiết bị di động và máy tính để bàn vào trang web của ChatGPT trên toàn thế giới đã giảm 9,7% vào tháng 6. Số lượng khách hàng truy cập vào trang web của ChatGPT ước tính giảm 5,7% so với trước đó. Theo dữ liệu từ tổ chức theo dõi thị trường Sensor Tower, lượt tải xuống ứng dụng cũng đã sụt giảm kể từ khi đạt đỉnh vào đầu tháng 6.
Đồng thời, dữ liệu cho thấy lượng thời gian khách truy cập dành cho trang web giảm 8,5% chỉ sau 1 tháng. Quản lý cấp cao của bộ phận nghiên cứu tại công ty Similarweb - David Carr cho biết đây là dấu hiệu cho thấy sự mới lạ mà ChatGPT đem đến đã biến mất.
Open AI – công ty mẹ của ChatGPT đang phải chi khoảng 700.000 USD/ngày để chỉ vận hành các dịch vụ AI cho ứng dụng này. Đây được xem như một cách để Sam Altman – người đồng sáng lập Open AI đốt tiền, bất chấp việc công ty không tạo đủ doanh thu để có thể hòa vốn.
Công ty OpenAI từ lúc bắt đầu thành lập đến giờ vẫn chưa có lãi. Vào tháng 5 năm nay, khoản lỗ của công ty này đã tăng gấp đôi lên mức 540 triệu USD kể từ khi bắt đầu phát triển ChatGPT.
Được biết, cơ sở người dùng của ChatGPT liên tục giảm trong vài tháng qua. Theo SimilarWeb, lượng người dùng trong tháng 7 vừa qua đã giảm 12% so với tháng 6 – từ 1,7 tỷ người xuống chỉ còn 1,5 tỷ.
Khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI đang giúp công ty tồn tại. OpenAI dự kiến doanh thu hàng năm là 200 triệu USD vào năm 2023 và 1 tỷ USD vào năm 2024, song kế hoạch này dường như quá tham vọng nếu xét tới các khoản lỗ ngày càng lớn của OpenAI. Tuy chi phí vận hành đều do Microsoft và các nhà đầu tư chi trả, song những người này cuối cùng có thể sẽ rỗng túi nếu không sớm thu được lợi nhuận.
Ngoài ra, thiếu hụt bộ xử lý GPU - một trong những yếu tố đẩy công ty vào tình cảnh khó khăn. Vị CEO của Open AI đã nói rằng, tình trạng này khiến họ không thể đào tạo thêm các mẫu GPT và cải tiến công nghệ.
- Samsung là "bá chủ" phân khúc Android nhưng iPhone vẫn là "vua" trên thị trường
Dòng iPhone 15 được kỳ vọng sẽ giúp Apple củng cố thị phần lớn mạnh của mình tại Mỹ.
Nhiều năm trở về trước, Samsung đã từng trở thành người dẫn đầu trên thị trường điện thoại thông minh tại Mỹ. Phải đến năm 2019, sau "cuộc chiến" cam go giữa iPhone 11 và Galaxy S10, công ty có trụ sở tại Cupertino mới vượt lên dẫn trước. Từ đó tới nay, Apple vẫn giữ vững vị thế này.
Mới đây, PhoneArena đã tiến hành một cuộc nghiên cứu người tiêu dùng mới nhất theo chủ đề: “Cách người Mỹ mua và sử dụng điện thoại thông minh” và kết quả rất thú vị.
Theo đó, lượng người dùng iPhone chiếm tới 61% trong khi lượng người dùng điện thoại Samsung chỉ chiếm 24%.
Thực tế, hệ sinh thái đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Apple. Nhờ sự phát triển của iOS, Samsung cũng đang cố gắng đẩy mạnh phát triển các tính năng và dịch vụ của mình.
iPhone có giao diện người dùng được thiết kế tốt. Giờ đây, Android cũng đang cải thiện điều đó dù vẫn chưa có độ liền mạch như iPhone.
- Phóng đại tốc độ 5G, ba nhà mạng di động của Hàn Quốc bị phạt 25 triệu USD
Cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc đã phạt 3 nhà mạng di động nước này tổng cộng 33,6 tỷ won (25,06 triệu USD) vì đã phóng đại tốc độ mạng 5G của họ.
Theo hãng tin Reuters, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC), cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc, cho biết cơ quan này đã phạt 3 nhà mạng di động nước này tổng cộng 33,6 tỷ won (25,06 triệu USD) vì đã phóng đại tốc độ mạng 5G của họ.
KFTC cho biết 3 công ty Hàn Quốc - SK Telecom Co Ltd, KT Corp và LG Uplus Corp - cũng đã đưa ra những quảng cáo, được xem là không hợp lý, rằng họ là những hãng có mạng tốc độ nhanh nhất so với các đối thủ cạnh tranh.
KFTC tuyên bố: "3 công ty viễn thông này đã quảng cáo rằng người tiêu dùng có thể sử dụng mạng 5G với tốc độ nhanh tới mức mà trong môi trường thực tế không thể đạt được... các công ty này đã quảng cáo tốc độ mạng 5G của họ nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh mà không có bằng chứng".
Để hỗ trợ các vụ kiện dân sự do người tiêu dùng tiến hành đang diễn ra, các quảng cáo do 3 nhà mạng cung cấp dịch vụ di động này đưa ra đã được cơ quan quản lý trình lên tòa án địa phương.
SK Telecom và KT Corp từ chối đưa ra bình luận. Trong khi đó, người phát ngôn của LG Uplus cho biết công ty này đang nghiên cứu án phạt nêu trên.
KFTC đã áp đặt mức phạt 16,8 tỷ won đối với SK Telecom, 13,9 tỷ won đối với KT và 2,8 tỷ won đối với LG Uplus.