Điểm tin công nghệ 19/12: Apple Watch màn hình microLED ra mắt năm 2026?

Việt Báo (Tổng hợp)| 19/12/2023 06:00

Hà Lan cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học; Mã độc tấn công ứng dụng tài khoản ngân hàng trên thiết bị Android

1-200923-230107.jpg

- Apple Watch màn hình microLED ra mắt năm 2026?

Đồng hồ thông minh Apple Watch sử dụng công nghệ MicroLED của Apple sẽ chưa thể sớm đến tay người tiêu dùng.

Theo Apple Insider, các nhà phân tích từ chuỗi cung ứng của Apple một lần nữa đang cố gắng xác định khung thời gian phát hành của đồng hồ thông minh Apple Watch microLED, dự đoán mới nhất cho rằng thiết bị đeo tay này sẽ xuất hiện trên thị trường vào năm 2026.

Thông tin dự đoán về sự xuất hiện của Apple Watch microLED sẽ ra mắt vào năm 2026 được cung cấp bởi Phó chủ tịch nghiên cứu cấp cao Eric Chiou của TrendForce. Trong một cuộc hội thảo ở Nhật Bản, ông dự đoán Apple Watch trong tương lai sẽ sử dụng màn hình MicroLED và có kích thước lớn hơn (2,12 inch). Kích thước màn hình này khiến nó tương đồng hơn với Apple Watch Ultra.

Công nghệ MicroLED là một cải tiến so với OLED, cung cấp mật độ điểm ảnh lớn hơn trên màn hình nhỏ. MicroLED có những ưu điểm khác như độ sáng và hình ảnh sắc nét hơn so với OLED.

Mặc dù cả OLED và MicroLED đều có thể đạt được độ mờ cục bộ cực cao và độ tương phản gần như vô hạn, nhưng tấm nền MicroLED sẽ có khả năng kiểm soát nội dung hiển thị tốt hơn. Ví dụ: người dùng Apple Watch có màn hình MicroLED có thể nhìn thấy văn bản sắc nét hơn, màn hình sáng hơn dưới ánh nắng mặt trời và giảm thiểu bị tình trạng burn-in (cháy pixel vĩnh viễn) đôi khi vẫn xảy ra với màn hình OLED.

Các tin đồn trước đây từng chỉ ra rằng Apple Watch microLED sẽ được phát hành vào năm 2025, nhưng hiện tại báo cáo mới cho thấy thời điểm này đã bị trì hoãn.

- Các công ty Trung Quốc đổ xô tới Malaysia để lắp ráp chip cao cấp

Ngày càng nhiều công ty thiết kế chip bán dẫn Trung Quốc đang thuê các công ty tại Malaysia lắp ráp một phần chip cao cấp, nhằm phòng ngừa rủi ro trong trường hợp Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt ngành chip Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đang yêu cầu các công ty đóng gói chip của Malaysia lắp ráp một loại chip có tên bộ xử lý đồ họa (GPU).

Các công ty Malaysia cho biết, các yêu cầu chỉ là lắp ráp và không bao gồm chế tạo các tấm chip, điều này không trái với lệnh cấm nào của Mỹ.

Các nhà phân tích cho biết, khi nhu cầu về trí tuệ nhân tạo bùng nổ và lệnh trừng phạt của Mỹ càng gay gắt, thì hầu hết các công ty thiết kế bán dẫn nhỏ hơn của Trung Quốc đều phải vật lộn để đảm bảo hoàn thiện được sản phẩm.

Do đó, nhiều doanh nghiệp bán dẫn tại quốc gia tỷ dân này đã và đang đề nghị một số công ty Malaysia tham gia lắp ráp GPU.

Mặc dù chưa bị ảnh hưởng từ hạn chế xuất khẩu của Mỹ, nhưng đây cũng là lĩnh vực cần tới công nghệ phức tạp mà các công ty lo ngại rằng một ngày nào đó có thể trở thành mục tiêu của các lệnh cấm từ Mỹ.

Malaysia là một trung tâm lớn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, được coi là có vị thế tốt để thu hút thêm hoạt động kinh doanh khi các công ty chip Trung Quốc đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu lắp ráp.

- Hà Lan cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Từ tháng 1/2024, học sinh trung học ở Hà Lan không được phép sử dụng điện thoại trong lớp học.

Lệnh cấm không chỉ có hiệu lực với điện thoại di động mà còn cả iPad, đồng hồ thông minh và các thiết bị tương tự.

Chính phủ Hà Lan cho biết học sinh mất tập trung và kết quả học tập thấp là lý do dẫn đến lệnh cấm trên.

Ngoài quyết định của Chính phủ, một số trường học tại Hà Lan từ trước đã bắt buộc học sinh cất điện thoại vào tủ khóa trong suốt ngày học.

Pháp đưa ra lệnh cấm tương tự Hà Lan vào năm 2018 trong khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang cân nhắc hạn chế trẻ dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội để bảo vệ chúng trước những nguy cơ trực tuyến.

- Mã độc tấn công ứng dụng tài khoản ngân hàng trên thiết bị Android

Tội phạm mạng đang gia tăng tấn công trojan khiến hàng triệu thiết bị Android khắp toàn cầu có thể bị nhiễm mã độc đánh cắp tài khoản ngân hàng.

Hãng bảo mật Zimperium (Mỹ) cho biết các cuộc tấn công trực tuyến nhằm vào ứng dụng tài khoản ngân hàng gia tăng mạnh mẽ trong 12 tháng qua - đặc biệt ở Anh, Mỹ, Brazil, Thái Lan và châu Âu.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra 29 phần mềm độc hại đã nhắm mục tiêu vào 1.800 ứng dụng ngân hàng trên 61 quốc gia. Nhiều mối đe dọa cho phép tin chuyển tiền, kiểm soát thiết bị của nạn nhân từ xa và gọi đến thiết bị đó nhằm tạo dựng lòng tin.

Khu vực tồi tệ nhất là Mỹ với 109 ngân hàng bị phần mềm độc hại nhắm tới trong năm 2023. Tiếp đến là Anh với 48 tổ chức ngân hàng và Ý (44).

- Australia tiếp tục buộc các ‘ông lớn’ công nghệ trả tiền cho cơ quan báo chí

Australia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành quy định buộc các ‘ông lớn’ công nghệ phải đàm phán và trả tiền cho các cơ quan báo chí nước này.

Australia vừa đánh giá lại việc thực hiện quy định này trong thời gian qua và cho biết, sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát chặt hơn các công ty công nghệ trong vấn đề này.

Bộ trưởng Truyền thông Australia Michelle Rowland hôm 18/12 thông báo cho biết, kể từ khi chính quyền nước này ban hành Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức, buộc các công ty công nghệ phải đàm phán và trả tiền cho các cơ quan báo chí của nước này, vì đã sử dụng nội dung của các báo trên nền tảng của mình, hai ‘ông lớn’ công nghệ là Google và Meta (công ty sở hữu mạng xã hội Facebook) đã ký hơn 30 thỏa thuận với các cơ quan báo chí Australia. Nguồn chi trả từ các công ty công nghệ cũng đã được các cơ quan báo chí Australia đầu tư vào công tác nghiệp vụ, để sản xuất ra thêm nhiều tin bài.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Bộ quy tắc này cũng đã xuất hiện những vấn đề, vì vậy chính phủ Australia sẽ bổ sung các quy định mới nhằm kiểm soát chặt hơn các công ty công nghệ trong việc thực thi Bộ quy tắc này.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 19/12: Apple Watch màn hình microLED ra mắt năm 2026?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO