- Apple khiếu nại đạo luật kỹ thuật số mới của EU
Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ đã nộp đơn kiện lên Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (EU) để phản đối vụ kiện do Ủy ban châu Âu (EC) đệ trình chiểu theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) ban hành mới đây. Thông tin này được Tòa án Công lý EU đưa ra ngày 17/11 trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
DMA đặt ra một loạt quy định cấm và nghĩa vụ đối với các công ty công nghệ có vị thế nổi trội trên thị trường, qua đó thay đổi cách hoạt động kinh doanh của họ tại EU. Luật này nhắm tới 22 ứng dụng của 6 “gã khổng lồ” công nghệ gồm Apple, Meta, Alphabet - công ty chủ quản của Google, Amazon và Microsoft của Mỹ cùng với tập đoàn ByteDance của Trung Quốc.
Những ứng dụng này bị xác định là "người gác cổng" (gatekeeper) theo DMA, tức là có trên 45 triệu tài khoản người dùng mỗi tháng và trên 10.000 tài khoản là doanh nghiệp được thành lập tại EU mỗi năm. Các tập đoàn công nghệ sẽ đối mặt với các hạn chế mới nghiêm ngặt về cách thức hoạt động, chẳng hạn như không được thiên vị các ứng dụng của mình hơn các ứng dụng của đối thủ.
Thông báo của Tòa án Công lý EU không cung cấp thêm thông tin về đơn kiện của Apple. Tuần trước, Bloomberg News đưa tin “Trái táo cắn dở” sẽ kiện việc EC đưa ứng dụng App Store của hãng vào danh sách những “người gác cổng”.
Hiện Apple chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
- Microsoft và cựu CEO Google nói gì khi OpenAI sa thải Sam Altman gây chấn động làng công nghệ?
Cuối ngày 17/11, Hội đồng quản trị OpenAI đã sa thải Giám đốc điều hành Sam Altman, gây ra làn sóng chấn động khắp ngành công nghệ. Với nhiều người, Sam Altman đại diện cho Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh).
Công ty đứng sau ChatGTP cho biết Mira Murati, Giám đốc Công nghệ của OpenAI, sẽ giữ chức vụ giám đốc điều hành tạm thời và nói rằng họ sẽ tiến hành tìm kiếm một giám đốc điều hành lâu dài.
Thông báo này khiến nhiều nhân viên bất ngờ vì phát hiện ra sự thay đổi quản lý đột ngột từ một thông báo nội bộ và blog công cộng của OpenAI.
"Việc Sam Altman rời đi là kết quả của một quá trình xem xét thận trọng của hội đồng quản trị, kết luận rằng ông không nhất quán trong giao tiếp với hội đồng quản trị, làm trở ngại cho khả năng thực hiện trách nhiệm của mình", OpenAI viết trong blog mà không mô tả chi tiết.
Greg Brockman, Chủ tịch và đồng sáng lập OpenAI, người đã từ chức Chủ tịch hội đồng quản trị như một phần của cuộc xáo trộn quản lý, đã rời công ty. Ông tuyên bố trên mạng xã hội X vào cuối ngày 17/11: “Dựa trên tin tức ngày hôm nay, tôi đã nghỉ việc”.
Được Microsof hỗ trợ hàng tỉ USD, OpenAI đã kích hoạt cơn sốt generative AI vào tháng 11.2022 bằng cách phát hành ChatGPT. Chatbot AI này trở thành một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới.
Tại cuộc họp toàn thể khẩn cấp chiều 17/11 sau thông báo sa thải Sam Altman, Mira Murati đã tìm cách trấn an các nhân viên và cho biết mối quan hệ đối tác của OpenAI với Microsoft rất ổn định, đồng thời các lãnh đạo của hãng sản xuất hệ điều hành Windows, gồm cả Giám đốc điều hành Satya Nadella, tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng vào công ty khởi nghiệp đứng đằng sau ChatGPT, một người quen thuộc với vấn đề nói với Reuters.
Người phát ngôn Microsoft nói với Reuters hôm 17/11: “Microsoft vẫn cam kết với Mira và đội ngũ của họ khi chúng tôi mang kỷ nguyên AI tiếp theo này đến với khách hàng của mình”.
Trên X, Eric Schmidt - cựu Giám đốc điều hành Google đã gọi Sam Altman là "người hùng của tôi", nói thêm: "Cậu ấy đã xây dựng một công ty từ con số 0 thành giá trị 90 tỉ USD và đã thay đổi thế giới chung của chúng ta mãi mãi. Tôi nóng lòng muốn xem cậu ấy sẽ làm gì tiếp theo. Tôi và hàng tỉ người sẽ được hưởng lợi từ công việc tương lai của cậu ấy. Nó sẽ thật tuyệt vời".
Trong một tuyên bố đăng trên trang web Microsoft, Satya Nadella nói thêm: "Chúng tôi có thỏa thuận lâu dài với OpenAI... Cùng nhau, chúng tôi sẽ tiếp tục mang lại những lợi ích có ý nghĩa của công nghệ này cho thế giới".
- Nhóm tấn công mạng LockBit sửa đổi chiến thuật đòi tiền chuộc
Theo một báo cáo được công bố bởi công ty tình báo mối đe dọa mạng Analyst1, LockBit đã sửa đổi cách tống tiền nạn nhân vì thất vọng với khoản thanh toán tiền chuộc thấp hơn dự kiến.
LockBit - nhóm ransomware nổi tiếng đã phát động các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Boeing và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cùng nhiều tổ chức khác.
LockBit đã thực hiện một số vụ hack lớn nhất trong năm nay. Nạn nhân của LockBit bao gồm Công ty Bưu chính Royal Mail của Anh và cảng hàng hải lớn nhất của Nhật Bản.
Anastasia Sentsova, nhà nghiên cứu về tội phạm mạng ransomware và là tác giả báo cáo của Analyst1 cho biết, nguồn tài chính của tổ chức này kém hơn so với một số băng nhóm đối thủ.
Ban điều hành của LockBit “không hài lòng với doanh thu mà họ nhận được từ các khoản thanh toán tiền chuộc”. Vấn đề là sự phát triển nhanh chóng của băng nhóm, hiện có hơn 100 chi nhánh, nhiều người trong số họ còn trẻ và thiếu kinh nghiệm đàm phán, “đã dẫn đến số tiền chuộc không nhất quán và thường thấp, làm giảm tổng doanh thu và tạo ra một môi trường bất lợi cho các cuộc đàm phán trong tương lai”, nhà nghiên cứu Anastasia Sentsova cho biết.
LockBit chuyên sử dụng phần mềm độc hại được gọi là ransomware để mã hóa các tập tin trên máy tính của nạn nhân, sau đó yêu cầu thanh toán để mở khóa các tập tin. Hoạt động này tuyển dụng tin tặc để thực hiện các cuộc tấn công ransomware bằng cách sử dụng các công cụ và cơ sở hạ tầng của LockBit. LockBit sẽ nhận được một phần bất kỳ khoản tiền chuộc nào bị tống tiền trong các cuộc tấn công.
- Meta bị phạt nặng vì quảng cáo gây hiểu lầm
Ngày 17/11, Bộ Tư pháp Brazil thông báo sẽ phạt tập đoàn Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - khoản tiền 9,3 triệu real (1,86 triệu USD) do không tuân thủ việc rút lại quảng cáo sai lệch về chương trình tín dụng mang tên gọi Desenrola Brasil do chính phủ đưa ra.
Trước đó, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Senacon) của Brazil ngày 26/9 đã yêu cầu Meta rút lại các quảng cáo gây hiểu lầm về chương trình Desenrola Brasil, song Meta vẫn cho lưu hành những quảng cáo này.
Theo Giám đốc Senacon Vitor Hugo do Amaral Ferreira, những quảng cáo này của Facebook liên quan đến nhiều hành vi gian lận khác nhau, bao gồm chuyển hướng đến trang web cho vay tiền và làm rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Hồi cuối tháng Bảy vừa qua, Tòa án liên bang Australia đã phạt Meta 20 triệu AUD (14 triệu USD) do thu thập trái phép dữ liệu người dùng qua một ứng dụng điện thoại thông minh.
- Amazon sẽ bán ô tô trên sàn thương mại điện tử vào năm tới
Khách hàng có thể lựa chọn mẫu mã xe và tính năng mà họ ưa thích trực tuyến. Sau đó, họ có thể nhận xe tại đại lý ở địa phương hoặc giao xe đến nhà. Các lựa chọn tài chính cũng sẽ có sẵn trên Amazon.
"Gã khổng lồ" thương mại điện tử Amazon cho biết sẽ bắt đầu bán ô tô mới trên nền tảng thương mại của tập đoàn tại Mỹ vào năm tới.
Amazon đưa ra thông báo trên tại Triển lãm Ô tô Los Angeles cùng với Hyundai. Hãng ô tô khổng lồ Hàn Quốc Hyundai sẽ là hãng đầu tiên có thương hiệu được bán trên trang này.
Khách hàng sẽ có thể lựa chọn mẫu mã xe và tính năng mà họ ưa thích trực tuyến. Sau đó, họ có thể nhận xe tại đại lý ở địa phương hoặc giao xe đến nhà. Các lựa chọn tài chính cũng sẽ có sẵn trên Amazon.
Giám đốc điều hành Amazon, Andy Jassy, cho biết: “Hyundai là một công ty rất sáng tạo, chia sẻ niềm đam mê của Amazon trong nỗ lực làm cho cuộc sống của khách hàng tốt hơn và dễ dàng hơn mỗi ngày”.
Cho đến nay, người mua ô tô có thể duyệt các sản phẩm trên Amazon nhưng không thể thực hiện giao dịch mua cuối cùng trên trang web.
Kế hoạch của Amazon bao gồm sự hợp tác của các đại lý, dẫn đầu là Tesla và các công ty sản xuất xe điện khác đã loại bỏ hình thức đại lý trung gian truyền thống.