- iPhone sắp cập nhật tính năng chống trộm chưa từng có
Ngay cả khi biết mã mở khóa màn hình, kẻ trộm vẫn không thể xóa dữ liệu, tắt Tìm iPhone hay thay đổi Face ID.
Apple sắp bổ sung một tính năng bảo mật chưa từng có trong bản cập nhật iOS 17.3 vào tuần tới. Có tên là Bảo vệ thiết bị khi bị đánh cắp (Stolen Device Protection), tính năng này sẽ khiến những kẻ trộm điện thoại không thể truy cập Apple ID và mọi thông tin tài chính được lưu trữ trên điện thoại.
Ở phiên bản iOS hiện tại, chỉ cần biết mật khẩu khóa màn hình, bất cứ ai cũng có thể truy cập hoặc thay đổi dữ liệu cá nhân, thông tin tài chính nhạy cảm.
Nhưng với bản cập nhật này, kẻ trộm phải sử dụng Face ID, Touch ID và có thể phải đợi một giờ để thực hiện một số thay đổi. Mặc dù chưa thông báo cụ thể thời điểm tính năng này sẽ xuất hiện, Apple đã thử nghiệm trong phiên bản iOS beta 17.3 từ tháng 12/2023.
Cụ thể, khi bật Stolen Device Protection, bạn sẽ phải sử dụng Face ID hoặc Touch ID cho một số tác vụ nhất định như đăng ký Apple Card mới, sử dụng các phương thức thanh toán đã lưu, xóa toàn bộ điện thoại hoặc truy cập Chuỗi khóa iCloud.
Nếu muốn tắt Find My, thay đổi mật khẩu Apple ID, thêm khuôn mặt hay dấu vân tay mới, người dùng phải đợi một giờ sau khi xác thực bằng khuôn mặt hoặc dấu vân tay của mình.
Sau thời gian chờ, họ phải tiếp tục xác thực lại bằng Face ID hoặc Touch ID một lần nữa để thực hiện thay đổi. Quy trình phức tạp này sẽ được bỏ qua khi bạn đang ở một địa điểm thường xuyên ghé thăm như nhà riêng hoặc cơ quan.
- Thiệt hại do virus máy tính năm 2023 là 17.300 tỷ đồng
Thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam trong năm qua ở mức 17.300 tỷ đồng
Ngày 18/1, Tập đoàn công nghệ Bkav thông tin, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam trong năm qua ở mức 17.300 tỷ đồng (tương đương 716 triệu USD), tiếp tục giảm so với các năm trước.
Tuy nhiên, tình hình an ninh mạng trong nước vẫn nổi cộm nhiều vấn đề nóng khi tấn công bằng virus mã hóa dữ liệu tiếp tục gia tăng, nhắm vào các máy chủ trọng yếu; máy tính không có kết nối internet cũng có thể bị tấn công gián điệp APT (Advanced Persistent Threats); lừa đảo tài chính trực tuyến không có dấu hiệu hạ nhiệt bởi nguồn cơn là tài khoản ngân hàng rác…
Thống kê cụ thể của Bkav cho thấy, lừa đảo tài chính qua mạng bùng nổ trong những năm gần đây và trở thành vấn nạn khi nạn nhân thuộc mọi tầng lớp và sinh sống ở bất cứ đâu.
Bkav ghi nhận, tỷ lệ người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục gia tăng, nếu năm 2022, con số này là 69,6% thì năm 2023 là 73%. Trong đó, tài khoản ngân hàng rác là nguồn cơn của vấn nạn lừa đảo tài chính qua mạng tại Việt Nam thời gian qua.
Hệ thống giám sát và cảnh báo virus của Bkav ghi nhận có tới 745.000 máy tính bị nhiễm virus đánh cắp tài khoản (Facebook, ngân hàng), tăng 40% so với năm 2022.
- Bộ TT&TT đấu giá 3 khối băng tần cho 5G, giá khởi điểm thấp nhất 1.956 tỷ đồng
Ngày 17/1/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt quyết định về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho 5G.
Có 3 khối băng tần cho 5G được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần.
Theo đó, phương án tổ chức đấu giá bao gồm các nội dung chính về điều kiện sử dụng băng tần, thời hạn giấy phép, yêu cầu cam kết triển khai mạng viễn thông, giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước.
Có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần. Như vậy sẽ có 3 doanh nghiệp có thể có băng tần qua đấu giá để triển khai 5G.
Giá khởi điểm được xác định theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP cho khối băng tần 2500-2600 MHz cho 15 năm sử dụng là: 3.983.257.500.000 đồng (Ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng). Riêng doanh nghiệp đấu giá trúng băng tần 2500-2600 MHz có thể sử dụng để triển khai thêm 4G.
Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3700 MHz đến 3800 MHz cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng (Một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).
Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3800 MHz đến 3900 MHz cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng (Một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).
Khối băng tần 2500-2600 MHz trước, sau đó đấu giá khối băng tần 3800 MHz đến 3900 MHz và cuối cùng là khối băng tần 3700 MHz đến 3800 MHz.
- Cuộc chiến pháp lý kèo dài giữa Apple và Epic Games đi đến hồi kết
Tòa án Tối cao Mỹ từ chối đơn kháng cáo từ cả Apple và Epic Games khép lại "đại chiến" pháp lý kéo dài giữa 2 công ty.
Theo Reuters, Tòa án Tối cao Mỹ hôm 16/1 đã từ chối đơn khiếu nại chống độc quyền của Epic Games và đơn kháng cáo của Apple.
Tháng 9/2021, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers đã ra phán quyết buộc Apple phải gỡ bỏ hạn chế về phương thức thanh toán trong các ứng dụng trên App Store.
Điều này cho phép nhà phát triển sử dụng các công cụ thanh toán thay thế và có thể xem xét lại việc tính phí "hoa hồng" 30% hiện hành. Apple cũng phải cho phép ứng dụng iOS sử dụng "các nút, liên kết bên ngoài, hoặc quảng cáo hướng khách hàng đến phương thức mua hàng ngoài hệ thống thanh toán của Apple".
Phán quyết này không chỉ không có lợi cho Apple mà còn gây thiệt hại cho Epic Games.
Theo The Verge, chiến thắng chỉ dành cho các nhà phát triển trên App Store, không phải cho Epic Games. Theo đó, Tòa án đã xác định Epic Games vi phạm hợp đồng với Apple khi triển khai hệ thống thanh toán thay thế cho game Fortnite. Công ty phải trả cho Apple 30% tổng doanh thu từ hệ thống thay thế với số tiền ước tính trên 3,5 triệu USD.
Cả Apple và Epic Games đều đã kháng cáo phán quyết này. Táo khuyết cho rằng việc tuân thủ phán quyết có thể gây ra thiệt hại cho người dùng, trong khi Epic Games kiện Apple vì vi phạm luật chống độc quyền.
- Samsung gia tăng hàng loạt tính năng AI mới trên Galaxy S24 với hy vọng đánh bại Apple
Ngày 18/1, Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm Galaxy S24 sử dụng công nghệ AI mang đến nhiều tính năng, trải nghiệm mới cho người dùng…
Động thái mới diễn ra trong bối cảnh Apple lần đầu tiên kể từ năm 2010 dẫn trước Samsung về số lượng điện thoại bán ra trong năm 2023, nhờ nhu cầu đối với nhóm sản phẩm cao cấp tăng cao, một phân khúc mà Apple đang hướng đến.
Để ứng phó với vấn đề này, công ty đã cho ra mắt hàng loạt tính năng mới AI trên dòng sản phẩm mới nhất của hãng là Galaxy S24, đây cũng là một phần chiến lược thu hút khách hàng của doanh nghiệp.
Cụ thể, Samsung đang phát triển mạnh trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu là AI theo yêu cầu (on-demand) có thể thực hiện những tác vụ AI trực tiếp trên thiết bị thay vì qua đám mây.
Ứng dụng ghi chú bằng giọng nói của Samsung trên điện thoại hiện có thể ghi lại cuộc trò chuyện của người dùng và có tùy chọn tự động tóm tắt bản ghi âm. Để chỉnh sửa ảnh, tính năng kiểu Magic Editor cho phép bạn di chuyển các đối tượng xung quanh khung sau khi chụp ảnh. Dòng S24 cũng hỗ trợ thủ thuật “Khoanh để tìm” (Circle-to-Search) mới nhất từ Google.
Ngoài ra, dòng máy S24 có thể “phiên dịch” hai chiều theo thời gian thực các cuộc điện thoại, hỗ trợ 13 ngôn ngữ khác nhau, đồng thời cung cấp bản dịch tin nhắn văn bản. Doanh nghiệp này còn trang bị cho bàn phím ảo của sản phẩm mới tính năng “tinh chỉnh âm sắc” cho phép người dùng tạo ra những văn bản đặc trưng riêng, cũng như khả năng sửa lỗi ngữ pháp và chính tả.
Ben Wood, nhà phân tích trưởng tại CCS Insight, cho biết: “Các thiết bị dòng Galaxy S24, cùng với dòng Pixel của Google, đánh dấu buổi bình minh của việc tiêu dùng AI trên điện thoại thông minh. Đây là xu hướng sẽ được lặp lại bởi tất cả các nhà sản xuất điện thoại, bao gồm cả Apple, khi họ ngày càng bổ sung nhiều khả năng hỗ trợ AI cho các thiết bị mới của mình”.