- Anh xem xét thương vụ Microsoft mua Activision đến cuối tháng 8
Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh Anh quyết định kéo dài thời gian để đưa ra quyết định về thương vụ Microsoft thâu tóm Activision thêm sáu tuần đến ngày 29/8.
Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh Anh (CMA) ngày 14/7 đã gia hạn đến ngày 29/8 cho thỏa thuận Microsoft mua lại công ty đã làm nên tựa game “Call of Duty” Activision Blizzard với giá 69 tỷ USD, sau khi cơ quan này một đề xuất mới từ Microsoft.
CMA là cơ quan quản lý lớn đầu tiên chặn thương vụ thâu tóm này vào tháng Tư. Nhưng đến ngày 12/7, CMA cho biết một thỏa thuận đã được tái cơ cấu giữa Microsoft và Activision có thể giải quyết được những lo ngại của cơ quan này và sẽ trải qua một cuộc điều tra mới.
Mới đây, CMA đã quyết định kéo dài thời gian để đưa ra quyết định về thương vụ trên thêm sáu tuần đến ngày 29/8.
Liên quan đến thương vụ này, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) ngày 13/4 vẫn đang nỗ lực ngăn chặn Microsoft thâu tóm Activision Blizzard bằng cách yêu cầu Tòa Kháng cáo Khu vực số chín của Mỹ “dừng tạm thời” quá trình thực hiện thỏa thuận trên.
Trước đó, ngày 11/7, thẩm phán Jacqueline Scott Corley ở San Francisco đã bác bỏ lập luận của các cơ quan chống độc quyền thuộc Chính phủ Mỹ rằng thương vụ này sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng khi trao cho Microsoft - nhà sản xuất máy chơi trò chơi video Xbox - quyền truy cập độc quyền các trò chơi, bao gồm trò chơi "ăn khách" như "Call of Duty", "World of Warcraft," "Diablo" và trò chơi điện tử trên nền tảng điện thoại di động "Candy Crush Saga."
Nữ thẩm phán nói trên cho biết FTC chưa đủ cơ sở để tranh luận rằng một thương vụ sáp nhập có thể làm giảm cạnh tranh và FTC cần phải chứng minh được rằng việc Microsoft sở hữu nội dung của Activision sẽ làm giảm tính cạnh tranh trong thị trường trò chơi điện tử nền tảng đám mây.
Đây là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước tới nay của Microsoft và trong lịch sử ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Để giải quyết lo ngại của FTC, Microsoft đã đồng ý cấp phép cùng truy cập “Call of Duty” cho các đối thủ, bao gồm hợp đồng 10 năm với Nintendo, tùy thuộc vào việc hoàn tất thỏa thuận mua lại.
- Thông tin đầu tiên về Realme GT 5
Realme đang chuẩn bị giới thiệu chiếc Realme GT 5 ra thị trường trong thời gian tới. Giờ đây, một vài thông tin ban đầu về chiếc smartphone này đã được công bố.
Cụ thể, Realme GT 5 sẽ ra mắt với màn hình OLED kích thước 6,74 inch cong tràn cạnh đẹp mắt, hỗ trợ độ phân giải 2K sắc nét với khả năng làm mờ tần số cao. Smartphone được trang bị bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 8 Gen 3 mạnh mẽ.
Về quang học, điện thoại sở hữu cụm ba camera sau (50MP + 8MP + 2MP). Camera trước có độ phân giải 16MP.
Bên cạnh đó, máy còn hỗ trợ khả năng sạc nhanh ấn tượng, với các tùy chọn sạc có dây 150W hoặc 240W, cũng như sạc không dây 50W. Dung lượng viên pin có thể là 5.000mAh.
Những thông tin còn lại về smartphone hiện vẫn chưa được nhà sản xuất hé lộ.
- Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống thiên tai ra mắt Zalo mini app hỗ trợ người dân trong mùa mưa bão
Trước những diễn biến khó lường của thiên tai, người dân cả nước hiện đã có thể sử dụng mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên Zalo để được cảnh báo kịp thời rủi ro, tìm hiểu kiến thức và kết nối cứu trợ trong các tình huống khẩn cấp.
Mini app do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát hành trên nền tảng Zalo. Đây được xem là bước tiến mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trên cả nước, giúp người dân an tâm hơn khi được trang bị thêm công cụ hỗ trợ khẩn cấp trước tình hình thiên tai đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Một trong những tính năng nổi bật nhất của mini app này là “Kết nối cứu trợ”, giúp người dân nhận được sự ứng cứu kịp thời trong các tình huống nguy cấp. Người dân có thể thông qua tính năng này để cung cấp thông tin liên lạc, gửi định vị kèm mô tả và hình ảnh để lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, danh sách số điện thoại và đường dây nóng sẽ được hiển thị trên màn hình để người dân có thể liên lạc cơ quan chức năng của địa phương ngay lập tức trong tính năng “Liên lạc khẩn cấp”.
Riêng tính năng “Phản ánh thiên tai” cho phép người dùng gửi đến cơ quan chức năng tình trạng, nguy cơ tiềm ẩn hoặc tình hình thiên tai tại khu vực sinh sống. Thông qua thông tin được cung cấp, cơ quan chức năng tại khu vực sẽ nhanh chóng xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.
Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chủ động phòng chống thiên tai, mini app “Phòng chống thiên tai” còn giúp người dân cập nhật kiến thức qua tính năng “Tìm hiểu thiên tai”. Theo đó, mọi thông tin, hình ảnh, kỹ năng chủ động ứng phó trước, trong và sau mỗi loại hình thiên tai đều được trình bày một cách nhất quán, khoa học và dễ hiểu.
Đáng chú ý, tính năng này cũng bố trí các nút thông tin dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khmer. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực tế, đề cao tính cộng đồng, giúp mọi người dân trên cả nước, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số đều được tiếp cận và sử dụng mini app.
- Google Bard đã hỗ trợ tiếng Việt
Chatbot Bard của Google đã có thể hiểu được hơn 40 ngôn ngữ mới và học cách trả lời yêu cầu bằng âm thanh và nhận diện câu hỏi qua hình ảnh.
Bard là chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của Google có khả năng tương tác, giao tiếp và trả lời câu hỏi một cách thông minh. Mới đây, trên trang blog chính thức, Google cho biết phiên bản mới nhất của Bard sẽ có thêm nhiều tính năng mới, trong đó có việc hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt.
Theo Google, Bard sẽ hỗ trợ thêm hơn 40 ngôn ngữ khác nhau như Ả Rập, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Hindi và tiếng Việt. Chatbot này cũng mở rộng quyền truy cập đến nhiều quốc gia hơn, bao gồm tất cả 27 nước tại Liên minh châu Âu (EU) và Brazil.
Google cho biết Bard là chatbot hướng đến toàn cầu, giúp người dùng mở rộng và khám phá các khả năng của bản thân. Việc bổ sung thêm nhiều ngôn ngữ cho phép Bard giao tiếp một cách có trách nhiệm và thân thiện hơn, đồng thời mở rộng tệp người dùng trên khắp thế giới.
Bard hiện có thể hiểu và trả lời câu hỏi bằng tiếng Việt. Cách hành văn của chatbot rất linh hoạt và có phần giống với ChatGPT. Tuy nhiên, Bard có lợi thế khi so với ChatGPT do có thể tra cứu thông tin qua Internet, từ đó cung cấp đáp án chính xác và sát với thực tế hơn.
Bard cũng đã có thể "nói", trả lời bằng âm thanh. Người dùng sẽ có tùy chọn đọc câu trả lời bằng văn bản hoặc nghe các câu trả lời từ giọng đọc do AI của Google tạo ra. Khả năng này sẽ giúp ích rất nhiều khi người dùng muốn nghe cách phát âm chính xác của các từ trong 40 ngôn ngữ mới được thêm vào.
- Nở rộ việc rao bán số lượt follow trên Threads
Chỉ sau một tuần kể từ khi ứng dụng Threads ra mắt, đã xuất hiện danh sách dài các tùy chọn về số lượt theo dõi (follow) mà bạn có thể mua.
Từ gói giá 7,5 USD để mua 100 lượt theo dõi, 1.900 USD cho 50.000 lượt theo dõi trên Threads, các dịch vụ tương tác trả phí và trang trại bot đang nắm bắt cơ hội mới này, theo trang Insider.
Trang trại bot là những tổ chức hoặc hệ thống mà sử dụng các bot (chương trình máy tính tự động) để thực hiện các hoạt động trên mạng xã hội.
Instagram từ lâu đã chiến đấu chống lại các bot và tương tác giả mạo trên ứng dụng. Nền tảng này đã xóa bỏ người theo dõi và lượt thích giả trong nhiều năm qua. Thậm chí Instagram có một phần về hành vi này trong trang cộng đồng của mình.
"Hãy giúp chúng tôi giữ cho Instagram không bị spam bằng cách không thu thập lượt thích, người theo dõi hoặc lượt chia sẻ một cách giả tạo, không đăng nội dung hoặc nhận xét lặp đi lặp lại hoặc liên tục gửi tin nhắn cho người khác vì mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của họ", trang nguyên tắc cộng đồng Instagram viết.
Theo nền tảng tiếp thị có ảnh hưởng HypeAuditor, trung bình khoảng 13,8% lượt theo dõi tài khoản Instagram của những người có ảnh hưởng bị phân loại là tài khoản "đáng ngờ". HypeAuditor định nghĩa các tài khoản "đáng ngờ" là bất kỳ trang Instagram nào có vẻ là bot hoặc "sử dụng các dịch vụ cụ thể để tự thích, bình luận và theo dõi", HypeAuditor nói với Insider.
Số lượng người theo dõi mang đến một số ý nghĩa, đặc biệt là khi người có ảnh hưởng đàm phán các thỏa thuận với các thương hiệu. Thế nhưng, hiện vẫn chưa rõ về mức độ quan trọng của số người theo dõi trên Threads.
Đầu tiên, số người theo dõi trên Threads không được hiển thị một cách nổi bật như Instagram hoặc Twitter. Số lượng người theo dõi Threads nằm ở cuối trang giới thiệu và xuất hiện mờ nhạt khi xếp chồng với các nút và văn bản sống động khác. Khi nói đến thuật toán, sự xếp hạng trên Threads phụ thuộc nhiều hơn vào nội dung mà ai đó tương tác.
"Chúng tôi xếp hạng các bài đăng một cách nhẹ nhàng (không đặt quá nhiều trọng số vào số người theo dõi) và hiển thị các đề xuất (bài đăng từ các tài khoản bạn không theo dõi) trong nguồn cấp dữ liệu, điều này đặc biệt quan trọng với một ứng dụng mới trước khi người dùng theo dõi đủ tài khoản", Adam Mosseri, Giám đốc điều hành Instagram, viết trong một câu trả lời Threads gần đây.
Việc mua lượng lớn người theo dõi rác trên Threads có thể không giúp tài khoản phát triển hoặc đạt được thành công như nhà sáng tạo.
Meta Platforms không đưa ra phản hồi khi được đề nghị bình luận về chủ đề này.