- Google muốn người dùng iPhone sử dụng Chrome thay cho Safari vì khoản phí khổng lồ
Một nhân chứng vừa tiết lộ gây sốc trong vụ kiện chống độc quyền của liên bang Mỹ chống lại Google. Cụ thể hơn, Google phải trả cho Apple 36% doanh thu tìm kiếm mà họ nhận được khi người dùng sử dụng trình duyệt Safari.
Con số đó lẽ ra không được tiết lộ công khai trước tòa, nhưng một nhân chứng đã đề cập đến nó, khiến luật sư của Google "phải ngượng ngùng".
Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Alphabet (công ty mẹ Google), đã xác nhận con số ngày 14.11 trong lời khai cho một vụ kiện chống độc quyền khác.
Trả 36% doanh thu tìm kiếm là con số đáng chú ý. Hãy xem xét rằng Epic Games đang kiện Google trong vụ kiện chống độc quyền, tập trung vào khoản phí 30% mà Google thu được từ các giao dịch mua hàng trong ứng dụng thông qua Google Play. Apple cũng chiếm 30% giao dịch mua hàng trong ứng dụng thông qua App Store của mình.
Về cơ bản, Google sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận tồi tệ hơn từ Apple so với thỏa thuận hãng đưa ra cho Candy Crush.
Con số đó cao hơn số tiền 18 tỉ USD mà Google trả cho Apple vào năm 2021 chỉ để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple. Về cơ bản, có vẻ Google đang trả khoản phí khổng lồ khi đến cửa để tham dự một bữa tiệc và thậm chí còn phải trả thêm tiền để vào quán bar.
Bạn có thể tưởng tượng ra lý do tại sao Google muốn người dùng iPhone tải xuống Chrome và đặt nó làm trình duyệt mặc định thay cho Safari đến vậy.
- Thêm quốc gia chính thức cấm TikTok
Với lý do phá vỡ sự hòa hợp xã hội trong nước, Chính phủ Nepal quyết định cấm ứng dụng TikTok từ ngày 14/11.
Việc cấm TikTok đã được đưa ra tại cuộc họp nội các vào ngày 13/11. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ trưởng Ngoại giao Narayan Prakash Saud, ứng dụng TikTok sẽ bị cấm vô thời hạn.
Ông Narayan Prakash Saud cho biết: Chính phủ quyết định cấm TikTok vì cần thiết phải điều chỉnh việc sử dụng nền tảng mạng xã hội đang phá vỡ sự hòa hợp xã hội, thiện chí và dòng chảy các tài liệu không đứng đắn.
Sau khi quyết định được công bố, video về lệnh cấm đã thu hút hàng nghìn lượt xem trên ứng dụng này.
Cách đó vài ngày, Chính phủ Nepal đã yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động tại nước này phải thành lập văn phòng đại diện.
Theo ghi nhận, hơn 1.600 vụ tội phạm mạng liên quan đến TikTok đã xảy ra trong 4 năm qua tại Nepal. Phần lớn đều do các nội dung của ứng dụng này. Chính vì thế, Chính phủ đã ra lệnh cấm TikTok.
Đây không phải lần đầu tiên TikTok bị cấm sử dụng tại một quốc gia. Trước đó, tại Mỹ, Ấn Độ và một số quốc gia Châu Âu, nền tảng này đang bị cấm hoặc hạn chế do vi phạm các quy định về dữ liệu cũng như do tác động tiềm tàng đối với giới trẻ.
- Cảnh báo mạo danh số Tổng đài BHXH Việt Nam
Một số đối tượng dùng số tổng đài có chung đầu số tương tự của ngành BHXH Việt Nam là 1900.9966.xx, để thu tiền cước điện thoại với giá cao.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa cho biết qua rà soát trên trang Google Map (https://www.google.com/maps), phần thông tin Tổng đài liên hệ của BHXH Việt Nam và một số BHXH tỉnh, thành đã bị mạo danh chỉnh sửa, không chính xác.
Cụ thể, các đối tượng dùng số tổng đài có chung đầu số 1900.9966.xx và thu tiền cước điện thoại của người dân với giá cao.
Để phòng tránh các hình thức giả mạo, lừa đảo, ngành bảo hiểm lưu ý, BHXH Việt Nam chỉ có một số Tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng là: 1900.9068 với giá cước 1.000 đồng/phút (cước phí này được trả cho nhà mạng cung cấp dịch vụ tổng đài).
BHXH Việt Nam khuyến cáo người dân, người lao động, các đơn vị, tổ chức cần nâng cao cảnh giác tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
- 'Tân binh' viễn thông FPT Retail gia nhập thị trường từ đầu năm 2024
Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) sẽ cung cấp chính thức dịch vụ mạng di động ảo vào đầu năm sau.
Trao đổi với VietnamFinance, đại diện FPT Retail cho biết sẽ triển khai dịch vụ mạng di động ảo trước cho nhân viên trong Tập đoàn FPT từ cuối tháng 11/2024. Đến đầu năm 2024, doanh nghiệp sẽ chính thức dịch vụ mạng di động ảo ra thị trường.
FPT Retail được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc vào hồi tháng 6. Dịch vụ này được FPT Retail phát triển dựa trên hợp tác cùng nhà mạng Mobifone.
"Tân binh" này kỳ vọng sẽ trở thành một mạng di động mới trẻ trung, năng động hướng đến người tiêu dùng trẻ, hiện đại và luôn đón đầu ứng dụng công nghệ mới.
Khác với các nhà mạng truyền thống, nhà mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến, mà thay vào đó sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách liên kết với một đơn vị nhà mạng đã sở hữu hạ tầng sẵn có và phân phối cho khách hàng dựa trên những thế mạnh của mình. Theo quy định, cơ quan quản lý chỉ cấp phép có giới hạn cho các nhà mạng có hạ tầng, còn không giới hạn với các mạng di động ảo.
Hiện tại, thị trường Việt Nam có 4 nhà mạng ảo đang kinh doanh. Trong đó, iTel (đầu số 087) và Reddi (đầu số 055) hợp tác với VinaPhone; Local (đầu số 089) và VNSky thuộc hệ sinh thái của VNPAY (đầu số 0777) cùng hợp tác cùng MobiFone.
- Nhà sáng lập Wikipedia: X tràn ngập những kẻ gây rối và kỳ cục sau khi Elon Musk tiếp quản
Jimmy Wales, người sáng lập Wikipedia, đã chỉ trích X (trước đây gọi là Twitter) sau khi Elon Musk tiếp quản mạng xã hội này.
Jimmy Wales nói rằng X đang mất dần người dùng, “bị tràn ngập bởi những kẻ gây rối và kỳ cục”.
Bình luận này nối tiếp cuộc khẩu chiến giữa hai nhân vật công nghệ nổi tiếng bắt đầu từ năm ngoái.
Về câu hỏi "Việc mua lại Twitter trị giá 44 tỉ USD của Elon Musk có ý nghĩa gì với bối cảnh truyền thông xã hội?", Jimmy Wales nói rằng: “Đó là một vấn đề lớn".
“Tôi nghĩ nhiều người đang rời bỏ Twitter. Rất nhiều người có tư duy và nghiêm túc đang rời bỏ Twitter. Twitter trước đây, hay X bây giờ, được coi là quảng trường công cộng mặc định cho thế giới. Nếu nó bị tràn ngập bởi những kẻ gây rối và kỳ cục thì điều đó sẽ không tốt cho bất kỳ ai trong chúng ta”, người sáng lập Wikipedia nói với CNBC tại hội nghị công nghệ Web Summit ở Lisbon (thủ đô Bồ Đào Nha).
X không bình luận khi được CNBC liên hệ. Nghiên cứu từ công ty phân tích Similarweb cho thấy số liệu tương tác của X giảm so với năm ngoái.