- iPhone 16 sẽ hỗ trợ công nghệ 5G Advanced
Theo nhà phân tích Jeff Pu, bộ đôi iPhone 16 Pro và 16 Pro Max sẽ được trang bị modem mạng mới nhất của Qualcomm – Snapdragon X75 – cho phép kết nối với 5G nhanh và hiệu quả hơn.
Trong nghiên cứu gửi tới khách hàng, ông Jeff Pu cho biết bộ đôi iPhone 16 Pro và 16 Pro Max sẽ được trang bị modem Qualcomm Snapdragon X75. Ông tin rằng iPhone 16 và 16 Plus vẫn sẽ duy trì modem Snapdragon X70 như trên dòng iPhone 15.
Thông thường, Apple sẽ dùng chung modem Qualcomm cho toàn bộ iPhone ra mắt cùng một năm, trừ dòng iPhone SE. Vì vậy, đây có thể là thay đổi trong chiến lược của nhà “táo khuyết”.
Ra mắt vào tháng 2/2023, Snapdragon X75 được cải tiến hơn so với X70 để cho tốc độ tải xuống cũng như tải lên 5G nhanh hơn. Bộ thu phát kết hợp mmWave và sub-6GHz 5G chiếm chưa đến 25% không gian bảng mạch cũng như sử dụng năng lượng ít hơn 20%, theo The Verge.
Ngoài ra, Snapdragon X75 còn được hỗ trợ chuẩn 5G Advanced mới nhất, được mô tả như là “giai đoạn tiếp theo của 5G” cùng “cuộc tiến hóa tiến đến 6G”. 5G Advanced dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học nhằm cải thiện hiệu suất so với 5G, mở rộng loại thiết bị cùng trường hợp sử dụng của 5G.
Apple có khả năng quảng bá iPhone 16 Pro bằng công nghệ 5G Advanced, tương tự như iPhone 6s hỗ trợ LTE Advanced năm 2015.
Apple được đồn đang nghiên cứu modem 5G riêng từ năm 2018 nhưng dự án gặp phải nhiều thách thức và phải chờ cho đến năm 2025 hoặc lâu hơn mới hoàn thiện. Do đó, trong khi chờ đợi, “Táo khuyết” đã gia hạn thỏa thuận 5G với Qualcomm tới năm 2026.
- Nhiều iPhone gặp lỗi khó hiểu
Một số người dùng cho biết iPhone của họ đột ngột tắt nguồn hoặc tự khởi động lại vào ban đêm. Nhiều khả năng, đây là lỗi từ hệ điều hành iOS 17.
Theo MacRumors, một số mẫu iPhone đã gặp phải tình trạng tự tắt nguồn vào ban đêm. Điều này làm gián đoạn báo thức và ảnh hưởng đến một số tính năng khác trên thiết bị.
Trên mạng xã hội Reddit, một người dùng phàn nàn rằng chiếc iPhone của anh đã không đổ chuông báo thức. Khi kiểm tra, anh phát hiện điện thoại đã bị tắt nguồn trước khi đến giờ báo thức mà không rõ lý do.
Đáng nói, vấn đề trên cũng xảy ra với nhiều người dùng iPhone khác. Trong khi đó, một số người dùng khác lại cho biết iPhone của họ đã tự khởi động lại trong đêm.
"Chiếc iPhone 15 Pro Max của tôi đã tự khởi động lại vào ban đêm. Điều tương tự cũng xảy ra với 3 người bạn khác của tôi. Các thiết bị đều đang ở phiên bản hệ điều hành iOS 17.0.3", một người dùng cho biết trên Reddit.
Vấn đề này được ghi nhận trên nhiều thiết bị khác nhau, bao gồm các phiên bản iPhone 15 và iPhone 13 Mini. Vì thế, nhiều người tin rằng đây là một lỗi từ hệ điều hành iOS 17. Đến nay, Apple vẫn chưa đưa ra bất cứ phản hồi chính thức nào.
- Sốc: Thế giới có 4,3 tỷ người đang sở hữu smartphone
Theo thống kê mới nhất từ GSMA, cả thế giới có tới 4,3 tỷ người hiện đang sở hữu điện thoại thông minh.
Mới đây, Hiệp hội GSMA - Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu đã công bố Báo cáo kết nối Internet di động năm 2023. Báo cáo tiết lộ, 55% dân số thế giới – khoảng 4,3 tỷ người đang sở hữu điện thoại thông minh. Cụ thể hơn, tổng số người dùng internet di động là 4,6 tỷ, trong đó 4 tỷ người truy cập các dịch vụ qua điện thoại thông minh.
Ngoài ra, báo cáo của GSMA cũng cho thấy sự chênh lệch giữa các khu vực và khả năng tiếp cận Internet di động. 69% chủ sở hữu điện thoại thông minh ở Bắc Mỹ, Đông Á và Thái Bình Dương đang sử dụng các thiết bị hỗ trợ 4G, phần lớn người dùng ở Châu Phi cận Sahara vẫn dựa vào kết nối 3G – tương tự như Trung Đông và Bắc Phi.
Sự tăng trưởng của việc sử dụng Internet di động là điều tất yếu. Dù vậy, vẫn có khoảng 3,4 tỷ người chưa được kết nối. Theo GSMA, tỷ lệ người dân toàn cầu sống ở khu vực có băng thông rộng di động nhưng không sử dụng là 38%. Khoảng cách kết nối đang nổi lên ở Châu Phi cận Sahara và Nam Á với 59% và 52% dân số không trực tuyến.
Đáng chú ý, 600 triệu người, tương đương khoảng 8% dân số thế giới vẫn đang sử dụng Internet thông qua điện thoại phổ thông. Các rào cản khác đối với việc mở rộng tỷ lệ người dùng di động là kỹ năng kỹ thuật số, trình độ đọc viết, lo ngại về an toàn và tính sẵn có của nội dung liên quan.
- Gần 200.000 cuốn sách bị vi phạm bản quyền để "huấn luyện" AI
Gần 200.000 cuốn sách đang được một số công ty công nghệ lớn sử dụng để đào tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo. Điều quan trọng là tác giả của các cuốn sách này không hề hay biết về sự việc.
Theo một cuộc điều tra của The Atlantic, một hệ thống có tên Books3 đã sử dụng dữ liệu dựa trên bộ sưu tập sách điện tử vi phạm bản quyền thuộc mọi thể loại để giúp các hệ thống AI “học” cách truyền đạt thông tin.
Kết quả điều tra cho thấy, với AI tiên tiến phải có nguồn văn bản chất lượng cao để tiếp thu ngôn ngữ và đó là lý do sách được sử dụng. Books3 là đề tài của nhiều vụ kiện Meta và các công ty khác, xoay quanh việc sử dụng hệ thống này để huấn luyện trí tuệ nhân tạo.
Cũng từ cơ sở dữ liệu được lấy từ Books3 của The Atlantic, các tác giả có thể kiểm tra xem liệu cuốn sách của họ có đang được sử dụng để huấn luyện AI hay không.
Cho đến thời điểm hiện tại, các tác giả của gần 200.000 cuốn sách đã thấy tài liệu của mình bị sử dụng. Điều quan trọng là không hề có văn bản xin phép hay bất cứ động thái liên quan đến bản quyền trong việc sử dụng sách để cài đặt cho AI.
- Israel, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu
Là quốc gia có diện tích khiêm tốn song tầm ảnh hưởng của Israel đến ngành công nghiệp chip thế giới lại không hề nhỏ bé.
Israel là một nguồn cung nhân tài kỹ thuật quan trọng, nơi tập trung của các nhà sản xuất chip hàng đầu và là mảnh đất màu mỡ cho các startup bán dẫn mà những công ty lớn muốn thâu tóm.
Intel đã có mặt tại Israel được 50 năm và duy trì mạng lưới cơ sở thiết kế, sản xuất trên toàn quốc. Nvidia, nhà sản xuất chip dùng trong các hệ thống AI, cũng hiện diện tại đây. Apple thiết kế một số silicon ở Israel với sự hỗ trợ của kỹ sư địa phương Johny Srouji. Amazon và Microsoft đặt các trung tâm thiết kế chip ở nước này.
Israel còn là một trong số ít địa điểm bên ngoài Đông Á sản xuất chip tiên tiến. Dù vậy, xung đột giữa Israel và Hamas – khiến hàng trăm người thiệt mạng trong tuần đầu – đe dọa làm phức tạp chuỗi cung ứng chip.
Intel thành lập cơ sở đầu tiên tại Haifa, Israel năm 1974 chỉ sau 6 năm thành lập. Đây là trung tâm nghiên cứu và thiết kế quan trọng của hãng, giúp thúc đẩy sự thống trị chip máy tính của Intel trong hàng thập kỷ. Năm 2003, khi laptop bắt đầu phổ biến, công ty Mỹ giới thiệu dòng chip tiết kiệm điện năng mới trang bị Wi-Fi dựa trên thiết kế do các kỹ sư Haifa đề xuất. Nhóm đặt tên dự án là Banias, theo tên một con suối gần cao nguyên Golan. Về sau, sản phẩm mang tên Centrino và Pentinum M.
Sở dĩ Intel chọn Haifa là do gần với Viện công nghệ Technion – Israel, nơi đào tạo nhiều kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu khu vực, bao gồm Srouji. Intel tuyển dụng khoảng 12.800 người tại nhiều địa điểm trên khắp Israel. Công việc của họ liên quan đến cả xe tự lái, AI.
Ngoài Haifa, một cơ sở sản xuất lớn khác là nhà máy chip ở Kiryat Gat. Kiryat Gat nằm ở phía tây nam Jerusalem, cách biên giới Gaza 30 phút lái xe. Thành phố cảng Haifa cách biên giới với Lebanon 40 phút lái xe.