Điểm tin công nghệ 14/8: Top 3 iPhone chính hãng đáng mua nhất hiện nay

Việt Báo (Tổng hợp)| 14/08/2023 06:00

Panasonic kiện Xiaomi và Oppo về việc bản quyền; Trí tuệ nhân tạo sẽ khiến Internet sụp đổ

iphone-14-series-sim-error-1-.jpg

- Top 3 iPhone chính hãng đáng mua nhất hiện nay

Những mẫu iPhone này đang có giá bán chính hãng rất đáng mua hiện nay.

iPhone 14 Pro Max luôn nằm trong danh sách iPhone đáng mua nhất. Lượng xuất xưởng kỷ lục cùng tình trạng cháy hàng diễn ra khắp nơi đủ cho thấy nhu cầu và sự yêu thích của người dùng với sản phẩm này là lớn đến nhường nào.

Với iPhone 14 Pro Max, người dùng sẽ có gần như mọi yếu tố hoàn hảo trên một chiếc smartphone, từ màn hình độ sáng cao, hiệu năng mạnh mẽ, thời lượng pin tốt cho đến những tính năng độc nhất như Dynamic Island hay Always-on Display.

Người dùng có thể yên tâm sử dụng mẫu máy này trong một khoảng thời gian dài, trong từ 4 - 5 năm tới.

Tại thời điểm ra mắt, iPhone 14 có mức giá niêm yết 24,99 triệu. Con số này là quá cao khi người dùng hoàn toàn có những sự lựa chọn tốt hơn, tiết kiệm hơn như iPhone 13 Pro cũ hay iPhone 13 mới.

Tuy nhiên, khi mức giá hiện tại chỉ còn trên dưới 20 triệu đồng, đây lại là lựa chọn sáng giá nếu bạn đang cần một chiếc iPhone tiêu chuẩn, phục vụ đầy đủ nhu cầu hàng ngày và đặc biệt phải là đời mới nhất.

Kể cả không quá khác biệt so với iPhone 13, mức chênh lệch chỉ 2 triệu là hoàn toàn xứng đáng để người dùng có thể nghĩ tới chuyện lên đời iPhone 14.

Trong phân khúc giá 15 triệu đồng, nếu xét trên thông số phần cứng, iPhone 12 tỏ ra yếu thế hơn nhiều các đối thủ khác đến từ Android.

Dẫu vậy, nhờ sự tối ưu đến tuyệt vời của nền tảng iOS, mẫu máy vẫn cho ra trải nghiệm mượt mà, trơn tru và trọn vẹn nhất trong hệ sinh thái.

Thêm nữa, iPhone 12 đã khắc phục được phần nào những điểm yếu trên thế hệ tiền nhiệm, từ màn hình, thiết kế cho đến hiệu năng. Đây vẫn sẽ là sự lựa chọn ổn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng trong 2-3 năm tới.

- Báo động khi cơn sốt ChatGPT lan sang giới văn phòng Mỹ

Trong khi doanh nghiệp thế giới đang tìm cách tận dụng tốt nhất chatbot ChatGPT, các hãng bảo mật lại cảnh báo nguy cơ rò rỉ tài sản sở hữu trí tuệ và chiến lược.

2.625 người trưởng thành tại Mỹ đã tham gia khảo sát do Reuters thực hiện từ ngày 11/7 đến 17/7. Kết quả cho thấy, khoảng 28% thường dùng ChatGPT lúc làm việc, chỉ 22% được công khai cho phép dùng công cụ bên ngoài. Ngược lại, khoảng 10% nói bị cấm sử dụng các công cụ AI bên ngoài, còn 25% không biết công ty có chính sách liên quan không.

ChatGPT là ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất lịch sử sau khi ra mắt tháng 11/2022. Nó gây ra cả sự phấn khích lẫn lo sợ. Nhà phát triển OpenAI gặp rắc rối trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu, nơi hành vi thu thập dữ liệu quy mô lớn vấp phải chỉ trích từ nhà quản lý.

Nhân viên của các công ty khác có thể đọc được những đoạn trao đổi trên ChatGPT, trong khi AI có khả năng tái sản xuất dữ liệu mà nó hấp thụ trong quá trình đào tạo, gây lo ngại rò rỉ thông tin độc quyền.

Ben King, Phó Chủ tịch phụ trách Tín nhiệm khách hàng tại hãng bảo mật Okta, cho rằng mọi người không hiểu cách dữ liệu được sử dụng khi họ dùng AI tạo sinh. Với doanh nghiệp, đây là điều rất quan trọng vì người dùng không có hợp đồng với nhiều dịch vụ AI. Chúng chỉ đơn giản là dịch vụ miễn phí, vì vậy doanh nghiệp không thể đánh giá rủi ro theo quy trình thông thường.

OpenAI từ chối bình luận khi được Reuters hỏi về tác động nếu nhân viên dùng ChatGPT, song nhấn mạnh dữ liệu của đối tác doanh nghiệp không được dùng để đào tạo chatbot trừ khi được cho phép.

- Panasonic kiện Xiaomi và Oppo về việc bản quyền

Mới đây, hãng điện tử Nhật Bản Panasonic đã nộp đơn kiện Xiaomi và Oppo tại Trung Quốc và châu Âu vì bản quyền của công nghệ 4G.Theo dõi TGVN trên

Panasonic cũng chia sẻ các vụ kiện được tiến hành đồng thời tại Trung Quốc, Anh, Đức và Tòa án UPC châu Âu.

Vụ kiện mới nhất giữa hãng điện tử Nhật Bản với hai hãng công nghệ Trung Quốc liên quan đến công nghệ truyền thông không dây. Panasonic cho biết đây là lần đầu họ thấy cần phải hành động vì những bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu của mình.

Panasonic còn nói thêm, họ đã đạt thỏa thuận cấp phép với những nhà sản xuất smartphone khác nhưng không thể đi đến đồng thuận với Xiaomi và Oppo “sau nhiều năm đàm phán song phương”.

Những nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang vướng phải một loại tranh chấp bản quyền. Một số vụ kiện buộc họ phải rút lui khỏi một số thị trường châu Âu. Chẳng hạn, năm 2022, Oppo thua kiện Nokia tại Đức, khiến họ việc bị cấm bán vài model OnePlus và Oppo tại quốc gia Tây Âu.

Tòa án thành phố Mannheim của Đức đã đưa ra phán quyết xác định việc Oppo dùng một số công nghệ truyền thông 4G, 5G nhất định đã vi phạm các bằng sáng chế của Nokia. Kể từ đó, công ty Trung Quốc đã xoá các thông tin về mọi sản phẩm trên website Đức, còn OnePlus cũng xóa thông tin về smartphone. Tai nghe và phụ kiện OnePlus vẫn mua được từ website Đức.

Vivo, công ty anh em với Oppo, vào tháng 5 phải ngừng bán sản phẩm tại thị trường Đức sau khi thua kiện Nokia. Hồi tháng 10/2022, hãng phải hủy kế hoạch bán các sản phẩm tại Hà Lan, nơi Nokia đệ đơn kiện tương tự.

- Trí tuệ nhân tạo sẽ khiến Internet sụp đổ

John Licato, Giáo sư tại Đại học Nam Florida, gọi các dấu hiệu hiện tại của các trang web do AI tác động là biểu hiện của "Internet chết".

Khi đăng nhập HBO Max vào cuối tháng 5, người dùng sẽ nhận thấy một điều kỳ lạ. Thông thường, khi đăng nhập vào trang web, HBO sẽ yêu cầu xác minh người dùng bằng cách tick chọn một hình ảnh để xác thực "tôi không phải là người máy".

Nhưng lần này, khi đăng nhập, người dùng được yêu cầu giải một loạt câu đố phức tạp. Theo đó, người dùng phải thêm các dấu chấm trên hình ảnh của xúc xắc hoặc nghe các đoạn âm thanh ngắn và chọn đoạn clip có nội dung tương tự. Không chỉ xuất hiện trên HBO, tại nhiều nền tảng khác người dùng cũng bối rối trước những câu hỏi hóc búa này.

Lý do đằng sau những câu đố phức tạp này? Công nghệ AI phát triển vượt bậc. Hiện tại, hàng loạt công ty công nghệ đã đào tạo bot của họ lên một tầm cao mới, giờ đây chúng có thể dễ dàng vượt qua các câu hỏi đơn giản kiểu cũ. Do đó, người dùng hiện phải trải qua các bước phức tạp hơn để chứng minh họ không phải bot mỗi khi sử dụng internet. Tuy nhiên, các mã captcha hóc búa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nếu nhìn vào cách AI đang tác động đến cơ chế hoạt động của Internet.

Kể từ khi ChatGPT xuất hiện vào năm ngoái, các công ty công nghệ đã chạy đua để phát triển AI. Việc dễ dàng tạo ra văn bản và hình ảnh chỉ bằng một lần bấm nút có nguy cơ làm lung lay các thể chế mong manh của Internet và khiến việc điều hướng trang web trở thành một mớ hỗn độn.

Khi cơn sốt AI chiếm ưu thế trên web, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra cách công nghệ này có thể bị lợi dụng để làm trầm trọng thêm một số mối quan tâm cấp bách nhất của Internet như thông tin sai lệch và quyền riêng tư, đồng thời khiến trải nghiệm trực tuyến đơn giản hàng ngày trở nên phức tạp. AI đang biến Internet thành cơn ác mộng.

- Mỹ muốn ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đi sau thế giới 5 thế hệ

Gerald Yin Zhiyao, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty AMEC cho rằng Hoa Kỳ muốn ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đi sau thế giới 5 thế hệ.

Người đứng đầu một trong những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc tin rằng các hạn chế đầu tư và xuất khẩu leo ​​thang của Washington đang phản ánh mục tiêu thực sự của Mỹ - giữ cho công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc đi sau ngành công nghệ tiên tiến ít nhất 5 thế hệ.

Gerald Yin Zhiyao, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China (AMEC) đã đưa ra nhận xét này vào thứ Năm tại Hội nghị thường niên về thiết bị bán dẫn Trung Quốc ở Vô Tích, một thành phố gần Thượng Hải ở miền đông Trung Quốc. Ông đề cập đến các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ được áp đặt vào tháng 10 năm ngoái, diễn ra trước một đợt leo thang khác trong tuần này khi chính quyền Biden tiết lộ kế hoạch hạn chế đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm bao gồm cả chip bán dẫn.

“Các quy tắc tháng 10 đã thực sự phơi bày ý định thực sự của Hoa Kỳ, nhằm mục đích hạn chế việc sản xuất chip của Trung Quốc trên tiến trình 28 nanomet, kém ít nhất năm thế hệ so với lợi thế dẫn đầu toàn cầu từ 3nm đến 14nm”, Yin chia sẻ trong cuộc phỏng vấn tại Hội nghị. "Chúng tôi không thể chấp nhận [điều này]", ông nói thêm.

Yin mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới đây của Hoa Kỳ nhắm vào tất cả các xưởng đúc có trụ sở tại Trung Quốc là lệnh cấm "nguy hiểm nhất" kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu đưa ra các biện pháp trừng phạt liên quan đối với các công ty công nghệ cao của Trung Quốc vào năm 2019. Ông Yin gọi các lệnh hành pháp mới nhất - nhắm mục tiêu đầu tư của Hoa Kỳ vào các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử của Trung Quốc - là "nước đi thứ 16" của Washington đối với Trung Quốc kể từ thời điểm quốc gia này bắt đầu bị hạn chế thương mại.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 14/8: Top 3 iPhone chính hãng đáng mua nhất hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO