- Bộ trưởng Nga cấm nhân viên sử dụng iPhone trong công việc
Ngày 11/8, hãng tin Interfax dẫn lời Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số, Viễn thông và Truyền thông đại chúng Nga Maksut Shadaev cho hay bộ này đã cấm nhân viên sử dụng các thiết bị iPhone và iPad của hãng Apple cho mục đích công việc.
Phát biểu với báo giới tại một một hội nghị kỹ thuật số, Bộ trưởng Shadaev nói: "Việc sử dụng các thiết bị di động (của Apple) - điện thoại thông minh và máy tính bảng - để truy cập các ứng dụng công việc và trao đổi email công việc bị cấm. Tuy nhiên, nhân viên được phép sử dụng iPhone cho nhu cầu cá nhân".
Bộ trên đã ban hành lệnh cấm này 2 tháng sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã "xâm nhập" hàng nghìn chiếc iPhone, bao gồm các thiết bị của công dân Nga và các thiết bị khác liên quan đến các cơ quan ngoại giao và đại sứ quán ở nước này.
FSB cho rằng nhà sản xuất iPhone là Apple đã hợp tác chặt chẽ với NSA cho nhiệm vụ tình báo của Mỹ. NSA và Apple đã từ chối bình luận vào thời điểm đó.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Nga liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.
- Cơn sốt ChatGPT lan đến nơi làm việc ở Mỹ
Nhiều người trên khắp nước Mỹ đang chuyển sang sử dụng ChatGPT để trợ giúp các công việc cơ bản, theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy.
Các công ty trên toàn thế giới đang xem xét cách tận dụng tốt nhất ChatGPT. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và công ty bảo mật đã đưa ra quan ngại rằng nó có thể dẫn đến rò rỉ chiến lược và tài sản trí tuệ.
Các ví dụ điển hình về việc mọi người sử dụng ChatGPT để hỗ trợ công việc hàng ngày bao gồm soạn thảo email, tóm tắt tài liệu và thực hiện nghiên cứu sơ bộ.
Khoảng 28% số người được hỏi trong cuộc thăm dò trực tuyến về trí tuệ nhân tạo (AI) từ ngày 11 đến 17 tháng 7 cho biết họ thường xuyên sử dụng ChatGPT tại nơi làm việc, trong khi chỉ 22% cho biết chủ của họ cho phép sử dụng các công cụ bên ngoài như vậy.
Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos đối với 2.625 người trưởng thành trên khắp nước Mỹ. Khoảng 10% trong số những người được hỏi cho biết sếp của họ đã cấm các công cụ AI bên ngoài một cách rõ ràng, trong khi khoảng 25% không biết liệu công ty của họ có cho phép sử dụng công nghệ này hay không.
ChatGPT đã trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử sau khi ra mắt vào tháng 11. Nó đã tạo ra cả sự phấn khích và báo động, khiến nhà phát triển của nó xung đột với các cơ quan quản lý, đặc biệt là ở châu Âu, nơi việc thu thập dữ liệu hàng loạt của công ty đã vấp phải sự chỉ trích từ các cơ quan giám sát quyền riêng tư.
- Reno10 Series 5G chính thức mở bán với 23.000 đơn đặt trước
Dòng smartphone Reno10 Series 5G chính thức có mặt tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, với phản hồi tích cực từ người dùng khi nhận được 23.000 đơn đặt trước, trong đó có 21.000 đơn đặt cọc chỉ sau 10 ngày ra mắt.
Chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào ngày 02/08/2023 vừa qua, Reno10 Series bước đầu được giới công nghệ đánh giá cao khi trang bị những nâng cấp được xem là hoàn thiện nhất trong cả 10 thế hệ. Thiết bị nổi bật với hệ thống camera cao cấp, bao gồm camera chân dung tele độ phân giải 32MP cao nhất trong phân khúc và camera chính 50MP hỗ trợ chống rung OIS, mang đến cho người dùng trải nghiệm chụp ảnh chân dung toàn diện.
Thiết bị có màn hình 120Hz hỗ trợ hiển thị 1 tỷ màu, kế thừa từ các mẫu điện thoại cao cấp. Dòng máy còn cực kỳ bền bỉ với siêu sạc nhanh SUPERVOOC lên đến 80W cho thời gian sạc chỉ vỏn vẹn khoảng 35 phút, đi cùng viên pin lên đến 5000mAh đủ dùng cả ngày dài. Người dùng cũng không cần lo lắng về dung lượng lưu trữ của thiết bị với RAM lên đến 12GB và ROM lên đến 256GB.
Dòng sản phẩm Reno10 Series hiện đang được mở bán trên toàn quốc, bao gồm Reno10 5G (8GB + 256GB) có mặt tại tất cả các hệ thống bán lẻ, Reno10 5G (8GB + 128GB) và Reno10 Pro 5G mở bán đặc biệt tại hệ thống Thế Giới Di Động, với mức giá chính thức chỉ từ 9.990.000 VNĐ.
- Định danh tài khoản Facebook, TikTok nhằm hạn chế lừa đảo
Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động sẽ tiện dụng hơn cho người dùng.
Báo cáo từ Cục An toàn thông tin cho biết trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.
Hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Tổng cộng, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Các vụ lừa đảo trực tuyến diễn ra ngày càng phức tạp trên môi trường số. Trong đó, các trang mạng xã hội được xem là nơi mà nhiều đối tượng tìm kiếm nạn nhân và thực hiện hành vi lừa đảo.
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại là do các lý do sau: Một là tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang gia tăng. Quy định này được đề xuất từ nhu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến.
Hai là mạng xã hội rất rộng, việc xác thực bằng số điện thoại cá nhân sẽ góp phần để người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội.