Điểm tin công nghệ 13/6: iPad Pro 2024 mở bán sớm ở Việt Nam

Việt Báo (Tổng hợp)| 13/06/2024 06:00

Elon Musk sẽ làm smartphone?; Dòng mã độc LockBit được phát tán nhiều tại Việt Nam

qjpn4sd9eqjd2reyyvyxla-1200-80.jpg

- iPad Pro 2024 mở bán sớm ở Việt Nam

Loạt iPad Air và iPad Pro 2024 bắt đầu lên kệ tại Việt Nam từ ngày 12/6 với kỳ vọng "làm ấm" thị trường di động đang trong giai đoạn ảm đạm.

Sáng 12/6, đại diện hệ thống CellphoneS cho biết dòng iPad Air và iPad Pro mới của năm 2024 đã chính thức có mặt tại Việt Nam qua kênh phân phối chính hãng của các đại lý ủy quyền (AAR). Trên website Apple Store, thời gian giao hàng dự kiến đối với sản phẩm này cũng thay đổi, dự kiến từ ngày 15/6 đối với người mua tại Hà Nội, và có thể giao sớm hơn 1 ngày nếu địa chỉ nhận tại TP.HCM.

iPad Air 2024 sẽ chạy chip M2, sẵn hàng 2 phiên bản kích thước màn hình 11 và 13 inch. Đây là lần đầu tiên Apple bán một chiếc máy tính bảng dòng Air có kích thước lên tới 13 inch. Máy sẽ có 4 màu để lựa chọn gồm Xanh, Vàng, Xám và Tím. Trong khi đó, iPad Pro sử dụng chip M4 mới nhất hiện nay, cũng gồm 2 kích thước màn hình 11 và 13 inch như truyền thống, với 2 màu Bạc hoặc Đen.

Giá iPad Air M2 11 inch bản tiêu chuẩn tham khảo tại các AAR lớn như FPT Shop, Di Động Việt, CellphoneS, TopZone... từ 16,99 triệu đồng, người dùng bỏ thêm 5,5 triệu đồng nếu muốn sở hữu phiên bản màn hình 13 inch.

Đắt nhất của dòng này là bản 13 inch 5G, bộ nhớ trong 1 TB khi lên tới gần 40 triệu đồng, tương đương một chiếc MacBook Pro và là mức giá "không tưởng" đối với series iPad thường được xem như dành cho người dùng bình dân, tầm trung của Apple. iPad Pro M4 thấp nhất từ 28,99 triệu đồng (Wi-Fi, 11 inch, 256 GB), trong khi cao nhất lên tới 74,5 triệu đồng đối với bản 13 inch 5G 2 TB Nano.

- Dòng mã độc LockBit được phát tán nhiều tại Việt Nam

Hiện, LockBit đã được phát triển đến phiên bản LockBit 3.0. Đây một loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) phổ biến trên thế giới và được phát tán rộng rãi ở Việt Nam.

Trong báo cáo toàn cảnh các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu nửa cuối năm 2023 được Fortinet công bố mới đây, có tới 44% tổng số mẫu mã độc ransomware và wiper (mã độc xóa dữ liệu) nhắm vào các ngành công nghiệp.

Trên toàn bộ các cảm biến của Fortinet, số lần phát hiện mã độc ransomware đã giảm 70% so với nửa đầu năm 2023. Sự chậm lại này chủ yếu do kẻ tấn công đã chuyển từ chiến lược truyền thống là phát tán không có mục tiêu sang thực hiện cách tiếp cận có mục tiêu cụ thể hơn, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng, y tế, sản xuất, ô tô, vận tải và logistics.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong các tháng đầu năm nay, hệ thống giám sát và cảnh báo sớm của NCSC đã ghi nhận 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Trong các cuộc tấn công ransomware gần đây, Cục An toàn thông tin đã tiến hành phân tích để tìm nguyên nhân và xác định các nhóm tấn công. Qua phân tích, có nhiều nhóm tấn công khác nhau nhắm vào hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam như LockBit, Blackcat, Mallox…

Tiếp đó, vào giữa tháng 4, NCSC còn thực hiện báo cáo phân tích về ransomware LockBit 3.0 để giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu rõ hơn về phiên bản mới nhất mã độc LockBit, cũng như mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công được thực hiện bởi nhóm tội phạm mạng "khét tiếng" LockBit.

Ghi nhận từ hệ thống giám sát và phân tích nguy cơ an ninh mạng của Viettel Cyber Security cho thấy, khoảng 300GB dữ liệu của các đơn vị tại Việt Nam đã bị mã hóa trong năm ngoái. Về số lượng cuộc tấn công ransomware, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã có 60 cuộc, trong khi cả năm 2023 con số này chỉ là 10 cuộc. Ngoài ra, LockBit đang là dòng ransomware được phát tán nhiều tại Việt Nam và hiện mã độc này đã phát triển lên phiên bản 3.0.

- Elon Musk sẽ làm smartphone ?

Trong bối cảnh dọa cấm iPhone và các thiết bị Apple trong công ty, tỷ phú Elon Musk cho biết có khả năng ông sẽ phát triển smartphone mang tên X.

Ngày 11/6, người dùng Warren Redlich đăng bài viết: "X (Twitter) sẽ hợp tác Samsung để sản xuất điện thoại X". Cùng ngày, ông chủ của X - Elon Musk đã phản hồi rằng: "Điều đó không nằm ngoài sự tính toán".

Bình luận của Musk được đưa ra sau khi ông chỉ trích Apple đưa mô hình AI của OpenAI vào iPhone, iPad, máy Mac... Theo ông, Apple sẽ "không biết chuyện gì thực sự xảy ra khi giao dữ liệu cho OpenAI".

Ngoài ra, Musk còn sẽ cấm các thiết bị Apple xuất hiện tại công ty của ông nếu hãng này tích hợp OpenAI ở cấp độ hệ điều hành.

Đây không phải là lần đầu Musk đề cập đến việc tạo điện thoại mới. Năm 2022, khi Apple dọa loại ứng dụng Twitter khỏi App Store, ông nói sẽ tạo ra một mẫu smartphone để cạnh tranh với iPhone.

macbook-air-15-020230613121005.jpg

- Nhật Bản hạn chế Apple và Google "thống trị" thị trường ứng dụng

Ngày 12-6, Quốc hội Nhật Bản ban hành luật nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong thị trường ứng dụng di động, qua đó hạn chế vị thế thống trị của 2 "đại gia" công nghệ Apple và Google. Theo luật mới, Apple và Google sẽ không được phép ngăn cản các bên thứ ba bán và vận hành ứng dụng trên nền tảng của các hãng này.

Luật này sẽ cấm các nhà cung cấp hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google, cửa hàng ứng dụng và nền tảng thanh toán chặn việc bán các ứng dụng và dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ của họ.

Mục tiêu của văn kiện là chấm dứt tình trạng độc quyền của Apple và Google, buộc các hãng này phải cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ nhỏ hơn, từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và thúc đẩy sự đổi mới.

Ngoài ra, luật mới cũng cấm các tập đoàn công nghệ ưu tiên hiển thị dịch vụ trong kết quả tìm kiếm trên Internet. Nếu không tuân thủ, các công ty này sẽ phải chịu mức phạt lên tới 20% doanh thu nội địa của dịch vụ vi phạm. Mức phạt có thể tăng lên 30% nếu các công ty không chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Luật mới này dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2025 và được đánh giá là tương đồng với quy định chống độc quyền được Liên minh châu Âu áp dụng vào tháng 3 năm nay.

- Phát hiện trò lừa đảo trộm mã OTP bằng cuộc gọi tự động

Hàng nghìn cuộc gọi tấn công bằng website giả mạo có sử dụng bot OTP đã bị ngăn chặn, nhưng đó chỉ là "bề nổi" của một chiêu trò lừa đảo mới gần đây.

OTP (One Time Password - mật khẩu dùng một lần) là phương thức dùng trong xác thực 2 yếu tố (2FA) nhằm tăng cường lớp bảo mật thường thấy cho các tài khoản trực tuyến. Mã này thường được hệ thống nơi chứa tài khoản gửi qua tin nhắn (qua số điện thoại đăng ký trước), email hay ứng dụng để người dùng có thêm một lớp bảo vệ tài khoản dù đã bị lộ thông tin đăng nhập. Mã này chỉ sử dụng một lần và được cấp mới liên tục, có thời gian khả dụng rất ngắn (khoảng 60 giây hoặc vài phút tùy hệ thống).

Từng là phương thức xác thực khuyến nghị được xem là an toàn nhưng mới đây, các chuyên gia bảo mật phát hiện một hình thức bot OTP (phần mềm tự động) mới khi kẻ lừa đảo đã sử dụng các cách thức tinh vi để lừa người dùng tiết lộ OTP này, cho phép chúng vượt qua các biện pháp bảo vệ 2FA.

Theo đó, bot OTP là một công cụ được kẻ lừa đảo sử dụng để ngăn chặn mã OTP thông qua hình thức tấn công phi kỹ thuật. Kẻ tấn công thường cố gắng lấy cắp thông tin đăng nhập, rồi truy cập vào tài khoản, kích hoạt việc gửi mã OTP đến điện thoại của nạn nhân. Kế đến, bot OTP sẽ tự động gọi đến nạn nhân, mạo danh là nhân viên của một tổ chức đáng tin cậy, sử dụng kịch bản hội thoại được lập trình sẵn để thuyết phục "con mồi" tiết lộ mã OTP. Khi kẻ tấn công nhận được mã OTP thông qua bot, chúng có thể sử dụng để truy cập trái phép vào tài khoản của nạn nhân.

Với hình thức này, kẻ lừa đảo ưu tiên sử dụng cuộc gọi thoại hơn tin nhắn vì nạn nhân có xu hướng phản hồi nhanh hơn. Bot OTP được thiết lập mô phỏng giọng điệu và sự khẩn trương của con người trong cuộc gọi nhằm tạo cảm giác đáng tin cậy và tính thuyết phục.

Nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky cho thấy tác động đáng kể của các cuộc tấn công phishing và bot OTP. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 31/5, các giải pháp bảo mật đã ngăn chặn được 653.088 lượt truy cập trang web được tạo ra bởi bộ công cụ phishing nhắm vào các ngân hàng. Dữ liệu đánh cắp từ các trang web này thường được sử dụng trong cuộc tấn công bằng bot OTP. Cũng trong khoảng thời gian đó, Kaspersky đã phát hiện 4.721 trang web phishing do các bộ công cụ tạo ra nhằm mục đích vượt qua xác thực hai yếu tố theo thời gian thực.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 13/6: iPad Pro 2024 mở bán sớm ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO